Ngô Thị Huyền Trang
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Tam dân trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn gồm: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh. Đồng thời, làm rõ quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá và vận dụng những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Tam dân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Từ khóa: Chủ nghĩa Tam dân, Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh.
1. Chủ nghĩa Tam dân – những nội dung cơ bản
Tôn Trung Sơn – Tôn Dật Tiên (12/11/1866 – 12/3/1925) là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Tân Hợi (năm 1911) – cuộc cách mạng dân chủ tư sản nhằm lật đổ triều đình nhà Mãn Thanh, cứu dân tộc Trung Quốc khỏi rơi vào tay Nhật và các đế quốc phương Tây, lập ra nước Trung Hoa Dân quốc, xây dựng một nhà nước do dân làm chủ nhằm đem lại hạnh phúc ấm no cho dân. Cơ sở lý luận cho cuộc cách mạng nổi tiếng này là Chủ nghĩa Tam dân, lần đầu tiên được Tôn Trung Sơn nêu ra vào mùa thu năm Ất Tỵ – 1905 trên Minh Báo, một tờ báo cách mạng của Trung Quốc ở Tokyo, sau đó được ông tiếp tục phát triển và tuyên truyền vào năm 1924. Nội dung của Chủ nghĩa Tam dân bao gồm chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh.
Giải thích về Chủ nghĩa Tam dân, mở đầu bài giảng ngày 27/01/1924, khi trả lời cho câu hỏi mà chính mình đặt ra: Chủ nghĩa Tam dân là gì? Ông đã nói: “Nói bằng một định nghĩa đơn giản nhất, tức là chủ nghĩa cứu nước”1. Như vậy, mục đích lớn nhất mà ông theo đuổi là cứu nước, ông đề ra phương án: “muốn cứu nguy, chúng ta phải đề xướng chủ nghĩa dân tộc, dùng tinh thần dân tộc để cứu nước”2, bởi lẽ “chủ nghĩa dân tộc như một bảo bối giúp một quốc gia phát triển và giúp cho nòi giống sinh tồn”3. Định nghĩa về chủ nghĩa dân tộc, ông phát biểu: “có thể nói bằng một câu giản đơn rằng, chủ nghĩa dân tộc tức là chủ nghĩa quốc tộc”4.
Trong bài giảng thứ ba, ngày 10/02/1924, Tôn Trung Sơn chỉ ra rằng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa là một di sản mà tổ tiên để lại, “phát sinh từ trong nước, không cần phải du nhập từ bên ngoài”5. Tuy nhiên, Trung Quốc đã mất thứ bảo bối đó, do Trung Quốc lúc bấy giờ bị chèn ép bởi các cường quốc phương Tây, là nước lớn, dân đông nhưng là một bãi cát rời, là một nước nghèo nhất, yếu nhất trên thế giới. Lúc đó, người Trung Quốc nói chung chỉ có chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc chứ chưa có chủ nghĩa quốc tộc. Do vậy, “nếu chúng ta không lưu tâm đề xướng chủ nghĩa dân tộc, kết hợp 400 triệu người thành một dân tộc kiên cố, Trung Quốc sẽ có nguy cơ mất nước, diệt chủng”6. Như vậy, để cứu đất nước Trung Quốc, vấn đề mấu chốt là cần khôi phục chủ nghĩa dân tộc.
Thứ nhất, cần nhận thức đúng tình cảnh nguy hiểm của dân tộc Trung Quốc; phải làm cho 400 triệu người dân Trung Quốc biết mình đang đứng ở đâu, có như vậy thì chủ nghĩa dân tộc đã bị mất mới có cơ khôi phục được. Ông cho rằng, vị thế của Trung quốc lúc bấy giờ không bằng một nước thuộc địa nên gọi là “thứ thuộc địa”7. Từ một nước Trung Quốc có địa vị cao mà bây giờ lại rơi xuống vực thẳm như vậy là do chúng ta đã “để mất tinh thần dân tộc”8.
Thứ hai, đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đất nước lâm nguy, người Trung Quốc nên đoàn kết chống lại kẻ thù chung bên ngoài hơn là đi vào cuộc xung đột nội bộ sẽ khiến Trung Quốc bị các cường quốc lợi dụng để tấn công và gây chia rẽ, do vậy cần khéo dùng các đoàn thể gia tộc, tông tộc liên kết mọi người thành đoàn thể lớn là quốc tộc, sẽ có một lực lượng to lớn. Mặc dù người Trung Quốc vốn là một dải cát rời rạc, vốn không có đoàn thể dân tộc. Nhưng bù lại Trung Quốc có đoàn thể gia tộc và tông tộc, mở rộng ra, phát triển chủ nghĩa tông tộc thành chủ nghĩa quốc tộc. Tình hình này thuận lợi hơn nhiều so với ở phương Tây, nơi “lấy cá nhân làm đơn vị… Khi có kiện tụng họ không hỏi tình hình gia tộc ra làm sao mà chỉ hỏi cá nhân người đó phải trái ra sao?”9. Vì vậy, muốn xây dựng khối đoàn kết dân tộc trước hết phải liên hợp các đoàn thể tông tộc lại với nhau thành một đoàn thể quốc tộc của Trung Hoa dân quốc cực lớn là dân tộc10.
Ngoài ra, để khôi phục tinh thần dân tộc, Tôn Trung Sơn chủ trương phải đề cao Trung Hiếu, Nhân Ái, Tín Nghĩa và Yêu hoà bình. Ông vô cùng tự hào về nền văn hóa nhân văn, đạo đức đã phát triển mạnh mẽ trong thời cổ đại của Trung Quốc. Vì vậy, ông coi việc tái tạo các giá trị đạo đức truyền thống của Trung Quốc là bước quan trọng nhất trong việc khôi phục lại sự vĩ đại trước đây của Trung Hoa và làm cho chúng toả sáng khắp nơi. Có thế thì địa vị cả dân tộc mới có thể khôi phục được. Để làm được điều đó, người Trung Quốc phải biết tu thân, vì người Trung Quốc không chịu tu thân nên không tề gia, trị quốc được. Do đó, người nước ngoài liền đòi tới chia nhau cai trị chúng ta11. Có tu thân mới có thể tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được. Sau đó, trí tuệ và năng lực vốn có cũng phải khôi phục lại, biết đón đầu mà học tập cái hay, cái tốt của nước ngoài để đuổi kịp chứ không lẽo đẽo theo sau: “sau khi khôi phục được mọi tinh hoa của đất nước, chúng ta còn cần học tập những chỗ mạnh của Âu – Mỹ, sau đó mới có thể sánh bước với Âu – Mỹ. Nếu không học tập chỗ mạnh của thế giới, chúng ta vẫn sẽ tụt hậu”12.
Tôn Trung Sơn đề cao chủ nghĩa dân tộc, song ông cũng lưu ý đến sự khác biệt giữa chủ nghĩa dân tộc mà Trung Quốc cần phải theo với chủ nghĩa dân tộc của các nước đế quốc. Chủ nghĩa dân tộc mà ông hướng tới là “tinh thần dân tộc chân chính của chủ nghĩa dân tộc” Trung Hoa, thiết lập các mối quan hệ bình đẳng với các quốc gia – dân tộc khác trên cơ sở vì lợi ích chung. Theo ông, chỉ khi các quốc gia trên thế giới đạt được quyền lực ngang bằng, họ mới có thể gạt bỏ những lợi ích riêng biệt của mình để đón nhận “chủ nghĩa thế giới” bao trùm và mở rộng hơn. Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng của Tôn Trung Sơn còn hướng tới “cứu trợ kẻ yếu, nâng đỡ kẻ sắp ngã… Cần giúp đỡ các dân tộc nhược tiểu chống lại các cường quốc trên thế giới”13. Trong học thuyết của Tôn Trung Sơn, chủ nghĩa dân tộc gắn liền với chủ nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh.
Chủ nghĩa dân quyền là một hệ quả cần thiết của chủ nghĩa dân tộc, vì chủ nghĩa dân tộc là quyền tự trị của một dân tộc tự do và dân quyền là tác dụng của chế độ tự trị đó. Bài giảng đầu tiên về Chủ nghĩa Dân quyền vào ngày 09/3/1924. Theo ông, dân quyền là sức mạnh chính trị của nhân dân. “Nói giản đơn thì “chính” là việc của dân chúng, “trị” là quản lý. Quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính trị. Lực lượng quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính quyền. Nay Nhân dân quản lý công việc chính trị nên gọi là “dân quyền”14. Chủ trương dân quyền, quyết tâm xây dựng một nước cộng hoà.
Khi nước cộng hoà được thành lập thì ai sẽ làm vua. Nhân dân sẽ làm vua. Tự do – Bình đẳng – Bác ái là căn cứ vào dân quyền. Dân quyền đã phát triển lên từ Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Quốc gia tự do thì dân tộc ấy mới tự do. Chủ nghĩa dân tộc đề xướng quốc gia tự do. Như vậy, “dân quyền chỉ đến sau khi đấu tranh cho tự do”15.
Nói về tự do, Tôn Trung Sơn không đề cao tự do cá nhân như cách mạng tư sản ở các nước phương Tây mà ông chủ trương quốc gia tự do. Tại sao chúng ta cần quốc gia tự do? Vì Trung Quốc bị các cường quốc áp bức, đã mất địa vị quốc gia, “làm nô lệ cho hơn mười nước nên quốc gia rất không tự do”16, mà “quốc gia Trung Quốc được tự do thì dân tộc Trung Quốc mới thực sự tự do”17. Và vì còn là một bãi cát rời nên bị chủ nghĩa đế quốc nước ngoài xâm lược. Muốn “xoá bỏ áp bức của nước ngoài thì phải xoá bỏ tự do cá nhân để kết thành đoàn thể thật vững chắc như đưa xi măng vào trộn cát rời để kết lại như một khối đá rắn chắc”18.
Chủ nghĩa dân quyền đề xướng địa vị chính trị bình đẳng của Nhân dân, phải phá tan quân quyền làm cho mọi người đều được bình đẳng. Vì vậy, bình đẳng và chủ nghĩa dân quyền giống nhau. Nếu dân quyền không phát triển hoàn toàn thì bình đẳng giành được chẳng qua cũng chỉ là nhất thời. Dân quyền đã bao hàm bình đẳng. Mọi người lấy phục vụ làm mục đích mà không lấy tước đoạt làm mục đích. Đó chính là tinh thần tinh tuý của bình đẳng.
Chủ trương dân quyền tức là giao chính quyền vào tay Nhân dân. Như vậy, Nhân dân sẽ là hoàng đế. Chính trị dân quyền dựa vào Nhân dân làm chủ. Quốc dân là chủ nhân, là người có quyền, chính phủ là nhà chuyên môn, là người hữu năng, nền tảng của một quốc gia phải được xây dựng dựa trên quyền của người dân nhưng việc điều hành chính phủ phải được giao cho các chuyên gia. Vì thế tất cả những quan chức chính phủ, không kể họ là tổng thống, thứ trưởng, bộ trưởng, đều có thể xem họ là người lái xe. Chỉ cần họ có bản lĩnh, trung thành với việc quốc gia thì Nhân dân nên uỷ thác đại quyền quốc gia cho họ, không hạn chế hành động của họ, mọi việc do họ tự do xử lý, sau đó quốc gia mới có thể tiến bộ. Nếu không làm như thế mà việc gì cũng muốn tự mình làm, hoặc giả mời nhà chuyên môn nhưng nhất cử nhất động đều muốn trói buộc họ, không cho phép họ tự do hành động, thì quốc gia khó hy vọng tiến bộ, tiến bộ vẫn rất chậm.
Như vậy, Tôn Trung Sơn chủ trương tách bạch “quyền lực chính trị” và “quyền lực quản lý”. Ông nói, quyền trước đây bao gồm bốn quyền tối cao của người dân: quyền tuyển cử, quyền bãi miễn, quyền sáng chế, quyền phúc quyết. Quyền lực thứ hai bao gồm năm quyền lực độc lập của chính phủ: hành pháp, lập pháp, tư pháp, quyền khảo thí và kiểm soát. Tôn Trung Sơn chỉ ra những khiếm khuyết của Hiến pháp ba quyền của các nước phương Tây, như: với quyền luận tội được trao cho Quốc hội, các nhà lập pháp xảo quyệt có thể sử dụng nó để chống lại Chính phủ. Nếu không có hệ thống thi cử độc lập, vốn là đặc điểm nổi bật của hệ thống chính quyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, việc tuyển chọn công chức sẽ do các đảng phái chính trị chi phối. Thông thường, những người có năng lực và tài năng thực sự sẽ bị mất vào tay nhà nước.
Với sự phân chia rõ ràng về quyền chủ quyền và quyền lực hành chính, ông tin rằng Trung Quốc có thể có cả nền dân chủ và một Chính phủ hiệu quả. Dùng bốn chính quyền của Nhân dân để quản lý năm trị quyền của Chính phủ, như vậy “mới xem là giải quyết thật sự”19. Chín quyền này cân bằng với nhau thì dân quyền mới thực hiện được. Ông nói tới dân quyền với nội dung cốt lõi là dân chủ.
Chủ nghĩa dân sinh
Tôn Trung Sơn luôn quan tâm đến quyền lợi và sinh kế của người dân, theo ông, một nền dân chủ hoàn hảo bên cạnh dân tộc, dân quyền, thì dân sinh giữ một vị trí quan trọng, là mưu cầu sinh tồn của nhân loại, là nguyên động lực của tiến bộ xã hội. Dân sinh là trung tâm của chính trị, của kinh tế, của mọi hoạt động lịch sử. Giải thích về chủ nghĩa dân sinh, Tôn Trung Sơn nói rằng: “dân sinh là đời sống của nhân dân, sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng”20. Ông còn gọi “chủ nghĩa dân sinh là chủ nghĩa xã hội, còn gọi là chủ nghĩa cộng sản, tức là chủ nghĩa đại đồng”21.
Ông khẳng định: “Ý tưởng của chủ nghĩa Tam dân là “dân hữu, dân trị, dân hưởng”. Ý tưởng của dân hữu, dân trị, dân hưởng là nhân dân cộng hữu quốc gia, nhân dân cộng quản chính trị, nhân dân cộng hưởng lợi ích”22. Theo nghĩa này, mối quan hệ giữa nhân dân với quốc gia không chỉ là cộng sản mà mọi quyền bính đều “cộng”, đều cùng là của chung. Chủ nghĩa dân sinh của Tôn Trung Sơn hướng tới công bằng kinh tế cho tất cả mọi người: “mong muốn nhân dân cả nước đều có thể bình yên, sung sướng, đều không bị khổ sở do tài sản phân phối không hợp lý công bằng”23.
Chủ nghĩa dân sinh của ông chú trọng nâng cao đời sống nhân dân, mưu cầu cho 400 triệu người đều hạnh phúc. Các phương tiện cơ bản là “bình đẳng hóa quyền sở hữu đất đai” và “điều tiết vốn tư nhân”24. Sau này là phải đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Tất cả những điều này phải đạt được một cách hòa bình với các biện pháp cụ thể là cải cách xã hội và công nghiệp; công hữu hóa ngành giao thông vận tải; thu thuế trực thu tức là thu thuế thu nhập; xã hội hóa phân phối tức là hợp tác xã. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa dân sinh trong tư tưởng Tôn Trung Sơn là hướng đến Khối thịnh vượng chung, trong đó người dân có thể “chia sẻ mọi thứ”… như thế mới là chủ nghĩa dân sinh chân chính.
2. Hồ Chí Minh đánh giá và vận dụng chủ nghĩa Tam dân
Cuối năm 1924, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về hoạt động ở Trung Quốc. Trong thời gian hoạt động để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng cộng sản ở Việt Nam, Người đã tìm hiểu sâu hơn về cách mạng Trung Quốc, Người đặc biệt chú ý đến Tôn Trung Sơn và những công lao của ông đối với cách mạng Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu và đánh giá rất cao tư tưởng của Tôn Trung Sơn, trong bài Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc đăng trên Tạp chí Thư tín quốc tế số 57 (1924), Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Tôn Dật Tiên, “người cha của cách mạng Trung Quốc”, người đứng đầu Chính phủ Quảng Châu, thì luôn luôn trung thành với những nguyên lý của mình, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Cương lĩnh của đảng ông – Quốc dân Đảng – là một cương lĩnh cải cách. Cương lĩnh đó gồm những điều khoản chống đế quốc và chống quân phiệt một cách rõ rệt. Đảng đó lớn tiếng tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và với giai cấp vô sản quốc tế. Đảng đó đồng tình với Cách mạng Nga”25.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Tôn Trung Sơn (13/11/1926), Nguyễn Ái Quốc đã viết về ông với đầy sự kính trọng: “Chúng tôi không thể không nêu nhiệt tình của dân chúng Quảng Châu và cả tỉnh Quảng Đông khi họ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Dật Tiên. Sự nồng nhiệt của nhân dân chứng tỏ người Trung Quốc biết ơn dường nào vị lãnh tụ vĩ đại quá cố đã khơi dậy nơi họ ý chí tự giải phóng khỏi ách áp bức về ngoại giao mà bây giờ không gì có thể biện hộ được”26.
Người dành cho Tôn Trung Sơn sự kính trọng, cũng như thấy được sự phù hợp của những tư tưởng của ông với điều kiện và mục tiêu của cách mạng Việt Nam: “chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”27. Những quan điểm cách mạng của chủ nghĩa Tam dân được Hồ Chí Minh nhắc đến và vận dụng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người kêu gọi nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do: “Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân đồng minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Về tinh thần cũng như về vật chất, chúng ta đều cần phải cổ vũ và giúp đỡ. Quốc phụ (Cách gọi suy tôn đối với Tôn Trung Sơn của nhân dân Trung Quốc) từng dạy chúng ta: Giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu, cùng nhau phấn đấu giành lấy tự do độc lập. Cơ hội để thực hiện lời di huấn đó đã đến”28.
Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, với cương vị là người đứng đầu chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường ca ngợi tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt – Trung và không quên tôn vinh Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên. Ngày 12/10/1945, Người đã ký sắc lệnh số 49 về việc ghi rõ quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên các công văn, điện văn, công điện, trát, đơn từ, báo chí, chúc từ… sau đó, phía dưới dòng tiêu đề: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuất hiện dòng tiêu ngữ: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Dòng tiêu ngữ đó chắc hẳn xuất phát từ ba chủ nghĩa “Dân tộc”, “Dân quyền”, “Dân sinh” của Tôn Trung Sơn được Người tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo ở Việt Nam trong cả quá trình đấu tranh giải phóng giành Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do và Dân sinh Hạnh phúc. Đó cũng chính là mong muốn lớn nhất trong cuộc đời của Người và cũng là khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”29.
Ngày 18/02/1946, trong Công hàm gửi Chính phủ các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh, Hồ Chí Minh nói rõ: “Chúng tôi dựa vào và tìm thấy sức mạnh từ nguyên tắc thứ nhất trong ba nguyên tắc của Tôn Dật Tiên, và các điểm thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong Tuyên bố mười hai điểm của Tổng thống Tơruman”30.
Sau đó không lâu, ngày 23/02/1946, trả lời phỏng vấn của các nhà báo, Người nói rõ hơn: “nước Trung Hoa bây giờ cũng như Tôn Trung Sơn ngày trước, chủ trương Tam dân chủ nghĩa là dân tộc, dân quyền và dân sinh. Trung Quốc phấn đấu, kháng chiến trong 8, 9 năm cũng vì ba chủ nghĩa ấy. Ta phấn đấu, cũng trước hết là vì dân tộc”31.
Tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 9/11/1946, Người phát biểu: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém”32.
Trước đó, trong lời kêu gọi Thi đua ái Quốc ngày 11/6/1946, Người viết: “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”33 để: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc; Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra”34.
Ngày 16/7/1947, trả lời một bài phỏng vấn của nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao,… mà không thù gì với nước nào”35. Hơn một tháng sau, ngày 19/8/1947, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng tám, Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”36.
Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tinh thần “liên Nga, liên cộng, phù trợ công nông” của Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết Việt Nam với Liên Xô, giai cấp vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức khác thành lập Mặt trận, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, gắn chủ nghĩa dân tộc chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Sau khi giành được độc lập rồi, phải củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân tộc vững mạnh, đưa quốc gia phát triển hùng cường, bình đẳng với các nước trên thế giới, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó đã được Hồ Chí Minh khẳng định: “chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”37, và Người đã khái quát thành một chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”38.
Như vậy, những nội dung về dân tộc, dân quyền, dân sinh trong chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và tư tưởng về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng Người không sao chép, áp dụng một cách máy móc mà vận dụng một cách có chọn lọc và sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và truyền thống của dân tộc Việt Nam, dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác – Lênin, do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa mang đậm tính dân tộc, vừa phản ánh quy luật phát triển của lịch sử và những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24. Tôn Trung Sơn (1979). Tổ Đông Phương học, Ủy ban Khoa học Xã hội (dịch). Chủ nghĩa Tam dân 1924. Thư viện Quân đội sao lưu, tr. 3, 10, 45, 4, 58, 10, 97, 81, 92, 94, 109, 114, 163, 192, 206, 206, 204, 309, 313, 313, 369, 369, 345.
13. Tôn Trung Sơn (Nguyễn Như Diệm, Nguyễn Tu Tri dịch; Nguyễn Văn Hồng hiệu đính) (1995). Chủ nghĩa Tam dân, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội.
25. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 343.
26. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 525.
27. Trương Niệm Thức (1949). Hồ Chí Minh truyện. NXB Tam Liên, Thượng Hải (bản Trung văn), bản dịch tiếng Việt của Đặng Nghiêm Vạn, tr. 41.
28. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 215 – 216.
29, 30, 31, 32, 37. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 187, 207, 212 – 213, 491, 64.
33, 34, 35, 36. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 556, 557, 199, 218.
38. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 131.