Thách thức về nguồn nhân lực khu vực công trong xây dựng chính phủ số 

TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuocc.vn) – Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hiệp quốc, hoàn thành xây dựng Chính phủ số vào năm 20301. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có nhiều thách thức đặt ra, như: hạ tầng số, nguồn nhân lực, an toàn, an ninh mạng, tầm nhìn của người lãnh đạo, thể chế và khung pháp lý cho Chính phủ số, tư duy hệ thống, nguồn lực tài chính, năng lực số của người dân2Bài viết phân tích những thách thức và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực khu vực công trong xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chính phủ số; chính phủ điện tử; nguồn nhân lực khu vực công; thách thức.

1. Đặt vấn đề

Yếu tố con người vận hành, nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng trong xây dựng chính phủ số. Phát triển và duy trì chính phủ số đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều chủ thể, như: lãnh đạo các cấp, thủ trưởng các cơ quan, chuyên viên công nghệ thông tin, nhân viên vận hành, người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung bàn về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến quá trình xây dựng chính phủ số mà không đề cập đến nguồn nhân lực khác.

2. Yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực khu vực công trong xây dựng chính phủ số

Một là, đối với lãnh đạo cấp cao trong khu vực công

Muốn có chính phủ số trước hết cần có lãnh đạo số. Đó là các vị trí lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ. Vai trò của người lãnh đạo cấp cao là mắt xích quan trọng nhất trong bối cảnh chuyển đổi số, quyết định phần nhiều đến thành bại của chính phủ số. Đối với mỗi cơ quan, tổ chức, sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu từ người đứng đầu, khi họ có nhận thức đúng, sự vào cuộc quyết liệt, là tâm thế dám làm.

Với vai trò đó, xây dựng năng lực của lãnh đạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là rất quan trọng. Trong nhiều năng lực cần có, một số năng lực cơ bản sau đây của lãnh đạo sẽ tác động rất lớn đến xây dựng chính phủ số:

(1) Sự am hiểu và quyết tâm chuyển đổi số. Điều này, không có nghĩa là họ phải biết công nghệ hoạt động như thế nào mà là tại sao nó lại quan trọng3. Từ đó, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối của địa phương mình, kiên định với mục tiêu đặt ra và nỗ lực lãnh đạo việc thực hiện chuyển đổi số. 

(2) Tầm nhìn chiến lược cho quá trình chuyển đổi số. Chỉ khi có tầm nhìn chiến lược, chuyển đổi số mới có thể thành công một cách vững chắc; nếu không cũng chỉ dừng ở số hóa vài khâu hoặc giải quyết một vài nhu cầu ngắn hạn trước mắt của tổ chức. Quan trọng hơn, chiến lược chuyển đổi số phải được truyền thông và được từng thành viên của tổ chức hiểu rõ.

(3) Xây dựng và khuyến khích văn hóa chuyển đổi số. Một trong những nguyên nhân chính khiến các tổ chức chật vật trên con đường chuyển đổi số đó là nền tảng văn hóa tổ chức chưa thay đổi kịp thời để đáp ứng chuyển đổi sốMột quá trình chuyển đổi số thành công đòi hỏi một nền văn hóa thích ứng cao, có thể thích nghi với cơ hội mới, sự thay đổi của hành vi và cung cách làm việc. Đó phải là một văn hóa mạnh mẽ có thể chống lại những sự kháng cự thay đổi. Sai lầm phổ biến của các tổ chức khi chuyển đổi số là đã đánh giá thấp vai trò của yếu tố văn hóa trong tổ chức.

Văn hóa tổ chức phụ thuộc rất lớn vào người lãnh đạo. Chính vì thế, việc chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính phủ số nói riêng không thể thực hiện được nếu không có một nhà lãnh đạo tạo ra nền tảng cho sự thay đổi và thúc đẩy các bên liên quan hành động. Người lãnh đạo cần tạo ra môi trường khuyến khích sự thay đổi, thúc đẩy nhân viên suy nghĩ khác biệt, tăng cường cộng tác, trao đổi giữa các bộ phận trong tổ chức, đặc biệt là tạo ra môi trường nơi mọi người được trao quyền để thích ứng và thúc đẩy những thay đổi. 

Hai là, đối với quản lý các cấp và công chức, viên chức

Để xây dựng chính phủ số đòi hỏi nhà quản lý các cấp, công chức, viên chức trong các bộ, cơ quan ngang bộ:

(1) Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Do đó, đội ngũ quản lý và nhân viên cần hiểu được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Đặc biệt, không nên cho rằng chuyển đổi số là công việc của bộ phận công nghệ thông tin (IT) và ngược lại, lãnh đạo bộ phận IT cũng cần nhận thức rằng chuyển đổi số là công việc của bộ phận IT, đồng thời cần đến sự can thiệp của lãnh đạo và sự đồng hành của các phòng ban khác. Nếu không, đây là một trong những lý do chính dẫn đến sự thất bại của đại đa số các dự án chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần sự tham gia, đồng hành của bộ phận IT, các nhà quản lý các cấp và các công chức, viên chức.

(2) Sự chủ động, sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi. Điều này, đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi. Một thách thức lớn mà nhà lãnh đạo khu vực công thường gặp phải trong quá trình chuyển đổi số chính là thiếu sự đồng hành của các nhà quản lý cấp dưới và sự thiếu đồng tình, nhất trí của nhân viên. Nhân lực khu vực công thường có đặc trưng là tâm lý thụ động, phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên, và một bộ phận nhân sự sẽ không muốn có sự thay đổi. Do đó, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với sự chuyển đổi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả hơn. Vì vậy, cần có người lãnh đạo xây dựng, trao quyền, truyền cảm hứng, khuyến khích và thúc đẩy sự sáng tạo và thay đổi.

(3) Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong công việc. Thực tế, khi công nghệ là 4.0 thì năng lực của con người cần đạt mức cao hơn, trên 4.0 thì mới có thể quản trị và áp dụng công nghệ hiệu quả. Có 4 nhóm năng lực kỹ thuật số chính mà các nhà quản lý và nhân viên chính phủ cần có, bao gồm4: (1) Năng lực xử lý dữ liệu: bao gồm kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, đánh giá cũng như khai thác thông tin ở dạng: văn bản; hình ảnh; video, âm thanh hay ở dạng số, biểu đồ, đồ thị… (2) Năng lực đổi mới, sáng tạo và giải quyết vấn đề thông qua các phương tiện kỹ thuật số. (3) Năng lực giao tiếp và hợp tác với cá nhân/tổ chức khác thông qua nền tảng công nghệ. (4) Năng lực học tập và phát triển: là khả năng sử dụng các tài nguyên kỹ thuật số để theo dõi, phân tích và tổng hợp kiến thức và xu hướng phát triển mới.

3. Nguồn nhân lực – thách thức lớn trong xây dựng chính phủ số 

Theo khảo sát của Red Hat về Nghiên cứu xu hướng và ưu tiên công nghệ thông tin toàn cầu, yếu tố cản trở lớn nhất đối với nỗ lực chuyển đổi số của một tổ chức là con người5.

Chuyển đổi số đã, đang và sẽ trở thành những mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, nhân lực cho chuyển đổi số chính là nút thắt lớn nhất ngăn cản thành công. Nhân lực truyền thống sẽ phải chuyển đổi để thích nghi với môi trường làm việc số. Cán bộ, công chức, viên chức thiếu hụt kỹ năng và tri thức số là nguyên nhân cản trở xây dựng chính phủ số.

Theo các chuyên gia nghiên cứu từ Đại học RMIT, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong triển khai dự án chính phủ điện tử là nguồn nhân lực. Các vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt nhân sự có kỹ năng và kiến thức, xung đột lợi ích, nhân viên phản đối thay đổi, cũng như cam kết của các bên liên quan trong thực hiện mục tiêu và tầm nhìn của tổ chức tác động tiêu cực lên quá trình phát triển dự án và kết quả thực tế6. Điều này, hoàn toàn có thể diễn ra tương tự trong triển khai chính phủ số.

Trong thời gian thực hiện chuyển đổi số vừa qua ở Việt Nam, yếu tố nguồn nhân lực đã có một số điểm tích cực. Trong phiên họp ngày 08/8/2022, nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng: Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực, như: “Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu”7. Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng chưa nhiều, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp8. Thực tế này, đặt ra vấn đề cần quan tâm đặc biệt đến nguồn nhân lực nhằm tạo thuận lợi cho xây dựng Chính phủ số.

4. Một số đề xuất 

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về chính phủ số.  

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, thay đổi nhận thức là một trong những thách thức lớn nhất. Các cán bộ, công chức, viên chức thường quen với trạng thái thoải mái trong công việc và ngại thay đổi. Do đó, cần phải tích cực bồi dưỡng và tập trung vào việc luận giải để cán bộ, công chức, viên chức hiểu vì sao cần thay đổi, đâu là những giá trị mà Chính phủ số mang lại. Các khóa bồi dưỡng cần tập trung vào các nội dung, như: hành chính công hiện đại, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi cách quản lý, công nghệ thông tin – truyền thông, Chính phủ điện tử, Chính phủ số… Đặc biệt, nhất thiết phải có sự cam kết về việc thay đổi và các lãnh đạo phải làm gương để nhân viên noi theo. 

Thứ hai, đào tạo và thay đổi các kỹ năng số cho công chức, viên chức các bộ, cơ quan ngang bộ.

Nội dung đào tạo tập trung vào những vấn đề, như: (1) Tâm thế số: phương thức tư duy, tiếp cận và xử lý vấn đề. (2) Kỹ năng số: các kỹ năng số mới hình thành như quản trị thông tin an toàn an ninh mạng; làm việc trên môi trường số và các kỹ năng truyền thống trên môi trường số như phối hợp không gian ảo, giao tiếp qua công cụ và thiết bị số. (3) Tri thức nền tảng công nghệ số mới: các tri thức như điện toán đám mây, IoT, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn. (4) Các tri thức chuyên ngành: các tri thức chuyên ngành truyền thống thay đổi dưới tác động công nghệ, ví dụ nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh…

Thứ ba, bổ sung năng lực số như một năng lực cần thiết trong khung năng lực của cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là một vấn đề không đơn giản, tuy nhiên, cần thực hiện. Trong tài liệu Khung kỹ năng và tài năng số trong khu vực công của OECD, các tác giả đã chỉ ra rằng: để có thể thực hiện chuyển đổi số và làm việc trong môi trường Chính phủ số hoàn chỉnh, bất cứ công chức nào cũng cần phải có kỹ năng cơ bản của người sử dụng chính phủ số (foundational digital government user skills). Những kỹ năng thuộc về sự hiểu biết cốt lõi về tiềm năng và ứng dụng của kỹ thuật số, tư duy và thực hành của chính phủ trong toàn bộ khu vực công, không chỉ trong số những người trong nhóm chính phủ số hoặc hoạt động trong vai trò kỹ thuật số hoặc công nghệ thông tin – truyền thông được chỉ định. Đây là những kỹ năng công chức cần có để làm việc trong môi trường số hoàn chỉnh. Trước những yêu cầu của chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính phủ số hoàn chỉnh, việc trang bị kiến thức, kỹ năng số, hình thành năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước Việt Nam là một đòi hỏi cần thiết.

5. Kết luận

Như vậy: “khả năng thích ứng của chính phủ sẽ quyết định sự sống còn của họ”9. Yêu cầu thay đổi chưa bao giờ lớn hơn hiện nay và thực tế là các chính phủ cũng như tổ chức, cá nhân phải thay đổi để tồn tại, phát triển hoặc sẽ bị bỏ lại phía sau. Việc sử dụng công nghệ, xây dựng năng lực đổi mới và số hóa thông qua các dự án chuyển đổi số là những yếu tố then chốt để thành công với việc thay đổi đó10.

Yếu tố con người vận hành – nguồn nhân lực – là vô cùng quan trọng. Việt Nam cần đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và trang bị kỹ năng số cho nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng để đáp ứng được yêu cầu thực hiện chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính phủ số nói riêng. Chuyển đổi số chỉ thành công khi và chỉ khi “Nạn mù số” được xóa bỏ cho mọi tầng lớp, trong mọi ngành nghề. Nguồn nhân lực – đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức – với đầy đủ tri thức và kỹ năng số chính là yếu tố quyết định và cũng là thách thức lớn nhất cần vượt qua để xây dựng chính phủ số thành công.

Chú thích:
1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về việc ban hành chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
2. Nhìn về 8 thách thức Chính phủ số mà Việt Nam cần giải quyết. https://viettimes.vn/nhin-ve-8-thach-thuc-chinh-phu-so-ma-viet-nam-can-giai-quyet-post137478.html.
3. Garima Sainger (2018). “Leadership in Digital Age: A Study on the Role of Leader in this Era of Digital Transformation”, International Journal on LeadershipVolume 6 Issue 1 April 2018.
4. Chuyển đổi số: đâu là yếu tố quan trọng quyết định thành công? https://diginet.com.vn/chuyen-doi-so-dau-la-yeu-to-quan-trong-quyet-dinh-thanh-cong.html.
5. Nên làm gì để phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật số tại Việt Nam khi đẩy mạnh chuyển đổi số?  https://cafef.vn/nen-lam-gi-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-co-ky-thuat-so-khi-day-manh-chuyen-doi-so-20210224205945126.chn.
6. Chuyên gia Đại học RMIT: Thách thức lớn nhất trong triển khai Chính phủ điện tử là thiếu hụt nguồn nhân lực. https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/chuyen-gia-dai-hoc-rmit-thach-thuc-lon-nhat-trong-trien-khai-chinh-phu-dien-tu-la-thieu-hut-nguon-nhan-luc-40559.html.
7, 8. Chuyển đổi số cần thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập. https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-can-thuc-chat-hieu-qua-gop-phan-quan-trong-xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-hoi-nhap-102220808125333877.htm.
9. Klaus Schwab (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. NXB Thế giới, tr. 121.
10. Odd Ruud (2017). Successful digital transformation projects in public sector with focus on municipalities (research in progress). Conference: Central and Eastern European e|Dem and e|Gov Days 2017, May 2017, At Budapest.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
3. Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu chính phủ số. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/24/phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-chinh-phu-so/
4. Yêu cầu của Chính phủ số về xây dựng đội ngũ công chức hành chính. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/09/12/yeu-cau-ve-nang-luc-cua-cong-chuc-hanh-chinh-trong-phat-trien-chinh-phu-so/