ThS. Nguyễn Thế Linh
Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo hiểm xã hội Việt Nam với đặc thù là ngành trực tiếp phục vụ người tham gia và đơn vị sử dụng lao động nên đã chủ động xác định trọng tâm của chuyển đổi số là xây dựng chính phủ số. Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng. Với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, Luật Bảo hiểm xã hội.
1. Đặt vấn đề
Để chính sách bảo hiểm xã hội được đi vào thực tế và phát huy được những ưu việt mà Đảng và Nhà nước đề ra, ngoài việc bảo đảm một nguồn tài chính đủ mạnh thông qua việc hình thành và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội thì công tác cải cách thủ tục hành chính trong các mặt thực thi nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đặc biệt các thủ tục liên quan đến người tham gia cần phải được rút gọn, hiệu quả, giảm thời gian giao dịch, giấy tờ rườm rà mà vẫn bảo đảm được tính thực thi theo quy định của pháp luật là rất quan trọng. Trong khi nguồn hình thành quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu dựa vào sự tham gia của người lao động và chủ sử dụng lao động. Do đó, để thu hút được người tham gia ngày càng đông, bảo đảm nguyên tắc số đông bù số ít thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia được thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình là hết sức quan trọng.
Việc ban hành các thủ tục khai báo tham gia và giải quyết chính sách đối với người tham gia đòi hỏi phải đơn giản, dễ tiếp cận. Có như vậy mới thu hút được đông đảo người tham gia nhằm đạt được mục tiêu phát triển của ngành và xã hội. Bên cạnh các thủ tục về thu bảo hiểm xã hội được đơn giản hóa thì các thủ tục về chi trả, giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội cũng cần phải đơn giản hóa để người tham gia được nhanh chóng thụ hưởng chính sách, tạo niềm tin và sự hài lòng của người tham gia vào chính sách bảo hiểm xã hội.
2. Thực tiễn công tác cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội trong thời gian qua
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06). Đề án 06 đã giao rõ từng nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương, trong đó có yêu cầu phải chủ trì triển khai nhiều nhiệm vụ và 25 dịch vụ công thiết yếu.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam với đặc thù là ngành trực tiếp phục vụ người tham gia và đơn vị sử dụng lao động nên đã chủ động xác định trọng tâm của chuyển đổi số là xây dựng chính phủ số, trong đó đặc biệt là triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, của tình hình kinh tế đất nước trong tình hình mới, năm 1995, ngành Bảo hiểm xã hội được tách ra từ Bộ Lao động Thương binh, Xã hội và Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện một số chính sách sự nghiệp của Nhà nước. Việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam là xu hướng phù hợp, góp phần vào ổn định xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Mặc dù đã có kinh nghiệm thực hiện gần 30 năm, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách ngành Bảo hiểm xã hội vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn và bất cập, việc thực hiện chính sách vẫn dựa vào thói quen cũ hoặc tư tưởng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không đồng nhất. Thêm vào đó, các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội lại liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, điều đó khiến cho các quy trình thủ tục lại phải thay đổi cho phù hợp, quá trình chuẩn hoá các thủ tục hành chính để giải quyết chính sách của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến nay vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện.
Nếu về thủ tục thu bảo hiểm xã hội được áp dụng khi tham gia bảo hiểm xã hội của đơn vị sử dụng lao động đã được thực hiện qua giao dịch điện tử thì thủ tục đối với người lao động hay người dân hiện nay chưa phổ quát về việc giao dịch qua điện tử, chủ yếu vẫn qua hồ sơ giấy, mặc dù thủ tục hiện nay đối với cá nhân người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ cần một tờ đơn đề nghị nhưng cũng cần sớm đưa vào giao dịch điện tử thông qua các phương tiện điện tử cá nhân như điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác…
Và, ngoài thủ tục hành chính về lĩnh vực với công tác thu thì thủ tục về công tác giải quyết chính sách về bảo hiểm xã hội cũng cần rút gọn lại, áp dụng hình thức kê khai đề nghị qua điện tử hoặc bằng mẫu đơn đề nghị thống nhất. Bởi vì hiện nay, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, khi dữ liệu đã được đồng bộ hóa trên dữ liệu dân cư quốc gia thì việc xác minh thông tin cá nhân người tham gia và những người có liên quan là hoàn toàn chính xác. Do vậy, các biểu mẫu khi giải quyết chính sách không cần phải do người tham gia hay đối tượng thụ hưởng liên quan kê khai nữa, vì với thủ tục để giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay vẫn còn nhiều sự rườm rà, phức tạp, không nhất quán, gây phiền hà cho các tác nhân liên quan, khó được xã hội tiếp cận.
Ngoài ra, cũng vì là chính sách mới nên bảo hiểm xã hội chưa thật sự là mối quan tâm của người dân, người lao động dẫn đến khó hiểu và không thích nghi. Vì vậy, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trong ngành Bảo hiểm xã hội là một vấn đề cần phải quan tâm và cải cách, để xã hội đánh giá được đúng tính ưu việt của chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước.
Hiện nay, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hiện đại hóa được quy trình thủ tục hành chính, các giao dịch chủ yếu trên môi trường điện tử. Đến cuối năm 2023 đã có 445.330 đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội1; trong năm 2023, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận 62.429.593 hồ sơ giao dịch điện tử2. Số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội là 27 thủ tục, trong đó 22 thủ tục liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và 5 thủ tục chỉ thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế, trong đó: 11/22 (50%) thủ tục là dịch vụ công mức độ 4; 5/22 thủ tục (22,7%) thủ tục là dịch vụ công mức độ 3 và 6/22 (27,3%) thủ tục là dịch vụ công mức độ 23.
Để thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với việc bao phủ bảo hiểm xã hội lên toàn bộ các thành viên trong xã hội là hướng tới sự phát triển đất nước bền vững, ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, thực hiện số hóa hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa các quy trình quản lý, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Việc triển khai các phần mềm giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo mô hình tập trung tại Trung ương đã bảo đảm việc tra cứu quá trình tham gia và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội chính xác, kịp thời, đúng quy định, hạn chế được tình trạng trục lợi, nhất là đối với chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp.
Phương thức chi trả các chế độ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng được đổi mới, bảo đảm an toàn, chính xác và kịp thời, như: chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tổ chức bưu chính, chi các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trợ cấp thất nghiệp… qua tài khoản cá nhân của người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam duy trì thuộc nhóm 5 bộ, ngành dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số quốc gia. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội đã giúp chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam có những bước chuyển rõ rệt. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội thành công. Mặc dù số đối tượng tượng quản lý lớn với hơn 91,74 triệu người tham gia nhưng 94% trong số đó4 đã cơ bản xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần trở thành một trong sáu cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công quốc gia trực tuyến đã đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội. Ứng dụng các phần mềm tiện ích VssID và VNeID đã giúp người dân có thể truy cập, sử dụng ứng dụng điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế và sổ bảo hiểm xã hội giấy. Đáng chú ý, 100% các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội đã được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam và đang hướng tới tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều đó đã giúp người dân, cơ quan, đơn vị có thể dễ dàng tiếp cận với cơ quan bảo hiểm xã hội và chủ động theo dõi được tiến độ xử lý hồ sơ, tự biết kết quả tham gia, thụ hưởng chính sách của mình.
3. Một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Thứ nhất, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý điều hành để phục vụ người tham gia và phát hiện sai phạm. Tích cực cùng với các bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia theo Đề án 06 của Chính phủ để có thể chia sẻ thông tin và sử dụng vào công tác nghiệp vụ quản lý của ngành, từ đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt sự phiền hà, tốn kém chi phí, thời gian đi lại của doanh nghiệp và người lao động.
Thứ hai, sử dụng dữ liệu số trong giải quyết các chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi có yêu cầu giải quyết chính sách về bảo hiểm xã hội, như: thay thế sổ bảo hiểm xã hội giấy bằng sổ bảo hiểm xã hội điện tử để giảm số lượng lớn sổ bảo hiểm xã hội đang lưu hành cũng như công tác lưu trữ ở cả cơ quan bảo hiểm xã hội và người tham gia.
Thứ ba, triển khai đồng bộ các phần mềm ứng dụng trên môi trường mạng như thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp với tài khoản định danh điện tử (tài khoản VneID của Bộ Công an) để người dân được thực hiện giám sát, theo dõi và phản hồi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt để bảo đảm chi đúng đối tượng cũng như không phát sinh các giấy tờ quản lý khi chi trả chế độ bảo hiểm xã hội.
Thứ năm, chuẩn hóa các thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội phù hợp với quy định thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thu gọn đầu mối tiếp nhận yêu cầu, bảo đảm quyền lợi của người dân, tiết kiệm thời gian của người dân do không phải tìm quá nhiều các ứng dụng để giải quyết thủ tục về bảo hiểm xã hội.
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2023). Báo cáo tổng kết ngành Bảo hiểm xã hội năm 2023. Hà Nội.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2023), Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.