Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm: thách thức và giải pháp”

(Quanlynhanuoc.vn)  Sáng ngày 27/8, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm: thách thức và giải pháp”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trường khoa Khoa Hành chính học chủ trì Hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Khoa Hành chính học tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo.

Đại biểu khách mời dự Hội thảo, có: TS. Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện Quản lý cán bộ xây dựng và đô thị; TS. Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học – công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ThS. Vũ Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (tham dự trực truyến). TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ; đồng chí Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng, Vụ Tổ chức biên chế – Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, nguyên Trưởng khoa Khoa Hành chính học; PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Khoa Hành chính học (dự trực tuyến). Đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Hành chính học tới dự Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Quảng Nam.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Khoa Hành chính học phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải nêu trong những năm qua, Nhà nước ta đã và đang thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) dần chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Sự thay đổi này phù hợp với tiến trình cải cách hành chính nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng các dịch vụ công. 

Trong thời gian qua, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các ĐVSNCL vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Nhiều văn bản pháp luật về ĐVSNCL chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm. Quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch; việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của ĐVSNCL còn bất cập…

Từ thực trạng trên, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL với mục tiêu: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt độnghiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao…”.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, cần có những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn làm cơ sở cho những giải pháp thúc đẩy đổi mới ĐVSNCL theo định hướng đã đề ra. Nhận thức được yêu cầu đó, Khoa Hành chính học tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Thách thức và giải pháp” với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở Việt Nam, qua đó phục vụ tốt hơn hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của đội ngũ giảng viên của Khoa Hành chính học nói riêng và của Học viện nói chung.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, lợi ích của tự chủ là giảm gánh nặng cho Nhà nước để Nhà nước có thể tâp trung quản lý vĩ mô. Tuy nhiên, thực tiễn thì điều này là không dễ dàng do luôn gắn với chữ “công”, do vậy phải bắt đầu từ việc phân loại các ĐVSNCL. 

Hiện nay, một số đơn vị được giao tự chủ đã quay lại xin trở lại không tự chủ. Một phần do nhận thức chưa đủ, chưa đúng về tự chủ, một phần vì hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên tiến độ thực hiện tự chủ của các ĐVSNCL vị chậm lại và đình trệ. Các văn bản ban hành sau cũng chưa thể tìm được cách tháo gỡ vướng mắc của các văn bản trước mà có xu hướng quay lại cơ chế cũ, như: không quy định quy chế tự chủ riêng cho từng lĩnh vực có đặc thù riêng (y tế, giáo dục, khoa học, kiểm lâm…) hoặc chỉ quan tâm tự chủ tài chính mà không quan tâm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật để có thể tự chủ toàn diện và về tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiệm vụ.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đã đưa ra một số giải pháp cho cơ chế tự chủ, gồm: cần tổ chức thi tuyển đội ngũ cán bộ, viên chức đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, thích nghi của tổ chức; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cần có những cống hiến bằng công trình nghiên cứu của mình góp phần vào nhiệm vụ đặt hàng của các nơi với tổ chức mình; Nhà nước phải trao quyền nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp có giá trị sản xuất tổ chức tư nhân…

TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập một cách khoa học – điều kiện bảo đảm sự thành công của việc đổi mới cơ chế quản lý là nội dung tham luận của TS. Nguyễn Ngọc Vân. Tham luận có nêu ra những kết quả đạt được của tinh giản số lượng, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 19, đến thời điểm 31/12/2023 đều vượt yêu cầu, góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua gần 20 năm thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động sắp xếp lại các ĐVSNCL đã dần mờ nhạt (sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL giai đoạn 2021 – 2023 chỉ đạt 1,75%). Theo đánh giá của Vụ Tổ chức – biên chế, Bộ Nội vụ “việc chuyển các ĐVSNCL sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hạn chế, tiến độ thực hiện chậm, kết quả đạt được thấp và thiếu tính vững chắc”. Do đó việc “phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính” là một thách thức lớn. Việc xây dựng một cơ chế quản trị mới xuất phát từ cơ chế tài chính và từ đó đề ra các chỉ tiêu tinh giản (tổ chức và biên chế) tự chủ tài chính vừa chưa phản ánh được tính đặc thù trong cung ứng dịch vụ công của ĐVSNCL, thể hiện tư duy “cào bằng”, chủ quan, thiếu cơ sở lý luận, thực tiễn mà còn có thể mang đến những hệ lụy khác.

TS. Nguyễn Ngọc Vân đã đưa ra một số đề xuất về phân loại ĐVSNCL, cụ thể:

(1) Công tác phân loại phải xuất phát từ vai trò, nhiệm vụ, tính chất, phương thức cung ứng dịch vụ công của ĐVSNCL và chia ĐVSNCL thành 3 loại hình: loại hình ĐVSNCL cung ứng những dich vụ công mà Nhà nước chưa cho các thành phần kinh tế khác tham gia hoặc chưa đủ năng lực và điều kiện tham gia; loại hình ĐVSNCL cung ứng những dịch vụ công mà các thành phần kinh tế khác cũng có quyền, có thể tham gia nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo vì những lý do khác nhau; loại hình ĐVSNCL cung ứng những dịch vụ công mà các thành phần kinh tế khác hoàn toàn đủ điều kiện và đủ năng lực thực hiện.

(2) Chính sách kiện toàn: 

– Loại hình ĐVSNCL thứ nhất: tổ chức, hoạt động của loại hình này do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Để đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại hiệu quả, loại hình ĐVSNCL này phải luôn luôn đổi mới tổ chức, hoạt động cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cần áp dụng phương thức hoạch toán của doanh nghiệp. 

– Loại hình ĐVSNCL thứ hai: tổ chức, hoạt động được điều tiết bởi Nhà nước và xã hội. Trong quá trình đổi mới tổ chức, hoạt động của loại hình ĐVSNCL này cần căn cứ vào các định mức kinh tế -kỹ thuật khoa học mà thực hiện.

– Loại hình ĐVSNCL thứ ba: bằng những cơ chế và lộ trình phù hợp, các cơ quan nhà nước rút dần vai trò là cơ quan chủ quản, là chủ thể đầu tư đối với các ĐVSNCL đang cung ứng loại dịch vụ công. Đây là đối tượng chính cần tinh giản, khuyến khích tạo điều kiện chuyển thành doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa.

Việc kiện toàn tổ chức, hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính đối với các ĐVSNCL là cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, việc đề ra các chỉ tiêu cứng để áp dụng cho mọi loại hình ĐVSNCL mà thiếu sự cân nhắc hợp lý về tính chất, vai trò của dịch vụ công mà ĐVSNCL đang cung ứng, cân nhắc về vai trò của Nhà nước và năng lực của thị trường sẽ làm khó không những cho ĐVSNCL mà cho cả chính những người ra chính sách.

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Khoa Hành chính học tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Võ Kim Sơn nêu, các đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam, dù có sự trao quyền tự chủ vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ quy định của Nhà nước và thường phải dựa vào ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động. Sự thiếu hụt tự chủ thực sự trong các cơ quan hành chính và ĐVSNCL cho thấy tự chủ vẫn đang gặp nhiều thách thức trong môi trường công.

Theo PGS.TS Võ Kim Sơn, thực tiễn của các tổ chức chỉ ra rằng, tự chủ là một vấn đề mang tính thích ứng để cạnh tranh. Không có tự chủ, các tổ chức sẽ mất nhiều thời gian, cơ hội thị trường và không đem lại kết quả mong đợi. Tổ chức công bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố và nguyên tắc chung là chỉ được làm những gì giao. Khác với tổ chức tư, họ làm tất cả những gì mà họ muốn làm và tự quyết định làm nếu pháp luật không cấm. Chỉ khi nào Nhà nước “buông” bớt sự bao cấp của mình đối với các dịch vụ công, đặt các ĐVSNCL vào môi trường cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và trao cho nhà quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự xác định các thức để “nuôi sống” tổ chức, tồn tại và vận động theo dòng chảy của thị trường, của xã hội cạnh tranh thì khi đó mới đúng nghĩa là tự chủ.

TS. Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện quản lý cán bộ xây dựng và đô thị tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Phạm Văn Bộ đã giới thiệu sơ lược về Viện Quản lý phát triển đô thị (IUDM) là một trong bốn đơn vị từng bước tự chủ của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC). IUDM trở thành Trung tâm xuất sắc của AMC về cung ứng dịch vụ đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững phù hợp với định hướng chung của quốc gia và nhu cầu phát triển đô thị từng vùng, miền, địa phương; các dịch vụ được thị trường đón nhận và ứng dụng thực tiễn có hiệu quả cao.

Để chiến lược được triển khai trong thực tiễn, phát huy hiệu quả giúp cho IUDM trở thành một trung tâm xuất sắc như mong đợi; TS. Phạm Văn Bộ và nhóm tư vấn nhấn mạnh đến 3 yếu tố then chốt cho thành công:

(1) Quyết tâm chính trị của lãnh đạo AMC: để trở thành một đơn vị tự chủ, phát huy được lợi thế so sánh, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, IUDM cần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo AMC trong việc cho phép cơ chế tự chủ tài chính một phần, tự chủ quyết định chuyên môn và nhân sự; hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu; bổ sung 01 nhân sự là Phó Viện trưởng là người đã từng hoạt động trong cơ quan quản lý về quản lý đô thị.

(2) Xác định được đúng và trúng nhu cầu của các đô thị hiện nay: điều kiện đủ để thành công là năng lực xác định nhu cầu của từng đô thị cụ thể, gắn kết với khách hàng và xây dựng được quy trình đảm bảo chất lượng các dịch vụ, từ đó đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các sản phẩm dịch do Viện triển khai, từng bước xây dựng thương hiệu. Các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Viện dần vượt lên các nhiệm vụ chính trị do Bộ Xây dựng hay AMC giao.

(3) Đối tác chiến lược: Trong giai đoạn đầu, Viện sẽ có sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính, chuyên môn, mối quan hệ, do đó, Viện cần ký kết và tạo dựng được một số đối tác chiến lược trong và ngoài nước. Thông qua các đối tác này, Viện sẽ bổ sung được năng lực thiếu hụt của mình, tạo ra được mạng lưới kết nối với khách hàng và nâng cao được uy tín hình ảnh của Viện trong lĩnh vực hoạt động của mình.

TS. Nguyễn Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ chia sẻ tại Hội thảo
Đồng chí Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng, Vụ Tổ chức biên chế – Bộ Nội vụ chia sẻ tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Hội thảo.
TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính chia sẻ thực tiễn tự chủ một phần của Viện Nghiên cứu khoa học hành chính những năm qua tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các nhà khoa học, các nhà thực tiễn đã tham gia trực tiếp Hội thảo cũng như gửi hơn 20 tham luận về Kỷ yếu Hội thảo. Thay mặt lãnh đạo Khoa, PGS.TS cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Học viện đã tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nguồn lực để tổ chức Hội thảo này. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các nhà thực tiễn và chắt lọc những gợi mở, giải pháp từ những chia sẻ, kinh nghiệm tâm huyết và mang tính thực tế cao liên quan đến chủ đề Hội thảo để Khoa có thể góp một phần tiếng nói của mình vào xây dựng thể chế, chính sách của Nhà nước cũng như vào kế hoạch tự chủ của Học viện nói riêng, của các ĐVSNCL nói chung đạt được hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Thu Hương