TS. Vũ Xuân Nam
ThS. Chu Thị Tuyến
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng của nhận thức số đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, giúp các nhà hoạch định, quản lý đưa ra chiến lược nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ khóa: Nhận thức số; chuyển đổi số; Vĩnh Phúc.
1. Đặt vấn đề
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, là tỉnh có tỷ trọng công nghiệp cao trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã từng bước được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, như: cải cách hành chính, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục… Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Vĩnh Phúc liên tục được đầu tư, nâng cấp theo sự phát triển chung của hạ tầng viễn thông quốc gia, sẵn sàng cho quá trình xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Hiện Vĩnh Phúc đã được thử nghiệm phủ sóng 5G, vùng phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%. Tỷ lệ số thuê bao điện thoại và tỷ lệ số thuê bao điện thoại di động thông minh trên 100 dân lần lượt là 115% và 75,4%. Tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng cố định là 65%. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2020 đạt 1.650 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng1. Đây là yếu tố thuận lợi cho Vĩnh Phúc phát triển kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số, xã hội số chưa thực sự mạnh mẽ và chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, năm 2020, Vĩnh Phúc xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố về kết quả tổng thể xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh. Trong đó chính quyền số xếp thứ 52/63, kinh tế số xếp thứ 42/63, xã hội số xếp thứ 56/632. Để phát triển toàn diện kinh tế số, xã hội số thì cần phải nâng cao nhận thức số cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của nhận thức số đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Để phân tích nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số tại Vĩnh Phúc, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 135 cán bộ tại 3 cấp quản trị là chuyên viên; quản lý cấp trung và quản lý cấp cao. Trong đó, chuyên viên là 71 phiếu khảo sát, quản lý cấp trung là 50 và quản lý cấp cao là 4. Bài viết sử dụng phiếu khảo sát với thang đo 5 mức độ.
Mã | Chỉ tiêu | Thang đo | |
Nhận thức số 1 (NTS1) | Người đứng đầu tỉnh, thành phố (bí thư hoặc chủ tịch tỉnh) là Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số | Nếu chưa có Ban Chỉ đạo hoặc có nhưngTrưởng ban không phải Lãnh đạo của tỉnh | 1 |
Nếu có Ban Chỉ đạo nhưng Trưởng ban không phải là lãnh đạo nhận 40 điểm | 2 | ||
Nếu có Ban chỉ đạo và Trưởng ban là lãnh đạo nhưng không phải cấp trưởng/phó đơn vị | 3 | ||
Nếu Trưởng ban là cấp phó của người đứngđầu đơn vị | 4 | ||
Nếu Trưởng ban là người đứng đầu sở, ban, ngành | 5 | ||
Nhận thức số 2 (NTS2) | Người đứng đầu tỉnh, thành phố (bí thư hoặc chủ tịch tỉnh) chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số | Chưa triển khai | 1 |
Nếu người trực tiếp chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số không nằm trong đội ngũ quản lý của tỉnh | 2 | ||
Nếu người trực tiếp chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số thuộc đội ngũ quản lý nhưng không phải là người đứng đầu hoặc cấp phó đơn vị | 3 | ||
Nếu cấp phó của người đứng đầu tỉnh trực tiếp chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số | 4 | ||
Nếu người đứng đầu tỉnh trực tiếp chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số | 5 | ||
Nhận thức số 3 (NTS3) | Tỷ lệ văn bản chỉ đạo chuyên đề về chuyển đổi số trên tổng số văn bản chỉ đạo của tỉnh do người đứng đầu ký | Rất ít (<2%) | 1 |
Ít (2,1% – 4%) | 2 | ||
Trung bình ( 4,1% – 7%) | 3 | ||
Nhiều (7,1% – 10%) | 4 | ||
Rất nhiều (>10%) | 5 | ||
Nhận thức số 4 (NTS4) | Có chuyên trang cấp tỉnh về chuyển đổi số | Đã có chuyên trang cấp tỉnh về chuyển đổi số và số lượng tin, bài về chuyển đổi số trong năm đạt: không có/ rất ít (số lượng bài <10); | 1 |
Ít (số lượng bài >10) | 2 | ||
Trung bình ( số lượng bài >15) | 3 | ||
Nhiều (số lượng bài >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lượng bài >25) | 5 | ||
Nhận thức số 5 (NTS5) | Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố có chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Cổng thông tin điện tử của tỉnh có chuyên mục và số lượng tin, bài về chuyển đổi số trong năm đạt: không có hoặc rất ít (số lượng bài <10) | 1 |
Ít (số lượng bài >10) | 2 | ||
Trung bình ( số lượng bài >15) | 3 | ||
Nhiều (số lượng bài >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lượng bài >25) | 5 | ||
Nhận thức số 6 (NTS6) | Cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố có chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Cơ quan báo chí của tỉnh có chuyên mục riêng về chuyển đổi số và số lượng tin, bài về chuyển đổi số trong năm đạt: không có/ số lượng bài rất ít (số lượng bài <10) | 1 |
Ít (số lượng bài >10) | 2 | ||
Trung bình (số lượng bài >15) | 3 | ||
Nhiều (số lượng bài >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lượng bài >25) | 5 | ||
Nhận thức số 7 (NTS7) | Đài Phát thanh truyền hình của tỉnh, thành phố có chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Đài phát thanh truyền hình của tỉnh có chuyên mục riêng về chuyển đổi số và số lượng tin, bài về chuyển đổi số trong năm đạt: không có/rất ít (số lượng bài <10) | 1 |
Ít (số lượng bài >10) | 2 | ||
Trung bình (số lượng bài >15) | 3 | ||
Nhiều (số lượng bài >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lượng bài >25) | 5 | ||
Nhận thức số 8 (NTS8) | Tần suất đài phát thanh truyền hình của tỉnh, thành phố phát sóng chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Tần suất phát sóng tính theo số lần/năm đạt: không có/số lần phát sóng rất ít (số lần phát sóng <10) | 1 |
Ít (số lần phát sóng >10) | 2 | ||
Trung bình (số lần phát sóng >15) | 3 | ||
Nhiều (số lần phát sóng >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lần phát sóng >25) | 5 | ||
Nhận thức số 9 (NTS9) | Hệ thống truyền thanh cơ sở có chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Hệ thống truyền thanh cơ sở có chuyên mục riêng về chuyển đổi số và số lượng tin, bài về chuyển đổi số trong năm đạt: không có/rất ít (số lượng bài <10) | 1 |
Ít (số lượng bài >10) | 2 | ||
Trung bình (số lượng bài >15) | 3 | ||
Nhiều số lượng bài >20) | 4 | ||
Rất nhiều (số lượng bài >25) | 5 | ||
Nhận thức số 10 (NTS10) | Tần suất hệ thống truyền thanh cơ sở phát sóng chuyên mục riêng về chuyển đổi số | Tần suất phát sóng tính theo số lần/năm đạt: không có/ số lần phát sóng rất ít (<10) | 1 |
Ít (>10) | 2 | ||
Trung bình (>15) | 3 | ||
Nhiều (>20) | 4 | ||
Rất nhiều (>25) | 5 |
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM để đưa ra 10 ảnh hưởng tới nhận thức số trong chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Phúc. Nghiên cứu được kiểm định qua 3 bước: kiểm định độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá và phân tích nhân tố khẳng định.
Sử dụng phương pháp hồi quy, ta có kết quả như sau:

Nhìn vào bảng trên, ta thấy NTS2, NTS3, NTS8, NTS9, NTS10 có giá trị sig >0,05, tiến hành loại và cho kết quả sau:

Nhìn vào bảng trên ta thấy, các giá trị sig < 0,05 => các biến của mô hình đều có ý nghĩa thống kê.
Mô hình hồi quy: NTS = 0,136+ 0,237*NTS1 + 0,333*NTS4 + 0,039*NTS5 + 0,222*NTS6 +0,075NTS7
* Kiểm định tính đúng đắn của mô hình

Kiểm định ANOVA cho giá trị Sig < 0,05 cho thấy, sẽ có ít nhất một biến độc lập tác động đến biến phụ thuộc, vì vậy, mô hình sử dụng có thể tin cậy được trong việc đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề nhận thức số của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ta thấy giá trị R Square = 0,879 => mức độ tin cậy của mô hình đạt 87,9%
Adjusted R Square = 0,874> 0,5 => mô hình đạt yêu cầu
1 <Durbin-Watson = 1,820 < 3 => mô hình không có hiện tượng tự tương quan
– Kiểm định đa cộng tuyến sử dụng hệ số phóng đại phương sai (VIF)
VIF <10 => mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.
Từ bảng 2 cho thấy, nhận thức số 4 – xây dựng chuyên trang cấp tỉnh về chuyển đổi số và số lượng tin, bài đăng về chuyển đổi số trong năm có tác động mạnh nhất đến nhận thức số của người dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Kết quả này phản ánh những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 về việc thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố; triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên toàn tỉnh và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn.
Xác định chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, mọi người dân thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội, từ đó, ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số phục vụ cho cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội. UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi, hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công trong chuyển đổi số. Trước mắt, chủ động tự nghiên cứu, học tập, tìm kiếm, tìm hiểu các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số, đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có nhận thức đúng, đồng tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.
Bắt nhịp cùng chuyển đổi số, tất cả các cấp, ngành, địa phương đã tăng cường vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện từng chỉ số chuyển đổi số được giao. Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu chuyển đổi số được giao.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện giao chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố với nhiều chỉ tiêu mới, khó và lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu; đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự thống nhất, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; tổ chức thành công Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị”; thành lập nhóm zalo “UBND tỉnh Vĩnh Phúc” với trên 19.000 quan tâm và nhóm zalo “Chuyển đổi số Vĩnh Phúc” thu hút gần 2.400 người theo dõi; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; thành lập, hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác đề án 06, với 1.240 tổ, 9.880 thành viên.
3. Một số đề xuất nâng cao nhận thức nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở tỉnh Vĩnh Phúc
Một là, cần tập trung vào các hoạt động chuyển đổi nhận thức, phát triển nguồn lực, xây dựng các văn bản quy định thực hiện, phát triển hạ tầng, dữ liệu… để phát triển kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn căn cứ theo các quyết định, kế hoạch văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hai là, tuyên truyền về chuyển đổi số trên cổng/trang thông tin điện tử tổng hợp của các sở, ban, ngành, trên các trang mạng xã hội; tuyên truyền phổ biến cho Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia trong công cuộc chuyển đổi số. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế công nghệ số triển khai cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại khu vực nông thôn về các lĩnh vực phụ trách.
Ba là, tổ chức tuyên truyền việc thực hiện môi trường làm việc xanh, số hóa với không giấy tờ; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và lợi ích của việc số hóa dữ liệu tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân và doanh nghiệp.
Bốn là, tổ chức các khóa tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng số cho cho đội ngũ công chức, viên chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành các hoạt động chuyển đổi số.
Năm là, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp (dữ liệu số, tín dụng số, chuyển đổi canh tác dựa trên dữ liệu, bán hàng và tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…) tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, mô hình kinh tế trong nông nghiệp; thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp.
4. Kết luận
Chuyển đổi số là điều kiện tất yếu và là yêu cầu bắt buộc để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hay người dân dù ở bất kỳ lĩnh vực nào có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi không chỉ về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về nhận thức của mọi người. Các địa phương, ban, ngành của tỉnh cần phải tích cực tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân thay đổi nhận thức, xác định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để đưa kinh tế của tỉnh phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Chú thích:
1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc – https://vinhphuc.gov.vn, cập nhật ngày 12/7/2024.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020). Kết quả chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh năm 2020 (DTI 2020).
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động. https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/chuyen-doi-so-la-qua-trinh-chuyen-doi-ca-ve-tu-duy-nhan-thuc-va-hanh-dong-632329.html, ngày 25/02/2023.