ThS. Lê Thị Thùy Linh
Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó có đời sống văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, là cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt. Phú Thọ ngày nay được ví như “bảo tàng” của văn hóa dân tộc với những dấu ấn văn hóa đậm nét. Nghiên cứu quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở Phú Thọ để thấy được những thành tựu trong quá trình Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng; đồng thời, rút ra được những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của Phú Thọ trong giai đoạn tiếp theo.
Từ khóa: Xây dựng; đời sống văn hóa; tỉnh Phú Thọ.
1. Đặt vấn đề
Thời gian qua, đảng bộ và chính quyền tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng văn hóa nói chung và đời sống văn hóa nói riêng. Từ Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định: “Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”1.
Để triển khai thực hiện tốt các chính sách trên, thời gian qua, đảng bộ và chính quyền tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng văn hóa nói chung và đời sống văn hóa nói riêng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: củng cố khối đại đoàn kết, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; phát huy kết quả của các phong trào thi đua yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái xây dựng xã hội mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh…
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như: lối sống thực dụng, xem nhẹ các giá trị đạo đức… có xu hướng gia tăng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn bộc lộ những hạn chế. Những vấn đề xã hội cũng đồng thời tồn tại, diễn biến phức tạp, các tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, như: cờ bạc, ma túy, mại dâm và các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…
2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về xây dựng đời sống văn hóa
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII (2010) xác định: “Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nơi công cộng; nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội; văn minh đô thị và điểm du lịch, văn minh công sở gắn với thực hiện thủ tục hành chính”2 và mục tiêu là: đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới”3 đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng “đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; bảo tồn, tôn tạo di tích cấp quốc gia, các di chỉ khảo cổ học”4.
Trên cơ sở kế thừa, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII (năm 2015) tiếp tục xác định phương hướng trong những năm 2015 – 2020 là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ…; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”5; đồng thời, nhấn mạnh: “Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú; nâng cao chất lượng thông tin; phát triển văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ”6…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX (2020) xác định: “Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát triển toàn diện, sâu rộng phong trào thể dục thể thao quần chúng; chú trọng phát triển thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao”7… Những chủ trương đã đề ra của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ qua các kỳ đại hội chính là cơ sở để Nhân dân thực hiện thắng lợi và có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa.
3. Những kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa ở Phú Thọ
Thứ nhất, nâng cao công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức.
Trong năm 2022, toàn tỉnh “thiết kế 25 bộ maket, biên soạn 48 mẫu băng rôn; 90 mẫu tranh cổ động; 85 buổi tuyên truyền lưu động, 436 buổi tuyên truyền phát thanh trên địa bàn 13 huyện, thị, thành. Tổ chức trưng bày tư liệu 12 cuộc với trên 6.130 tài liệu sách, báo, tạp chí phục vụ các sự kiện chính trị tại Thư viện tỉnh. Luân chuyển gần 5.000 bản sách cho các thư viện huyện, thị, thành và cáctrạm sách; tặng 1.200 bản sách cho 6 thư viện cơ sở nhằm tăng cường nguồn lực thông tin đáp ứng nhu cầu của bạn đọc tại các địa phương”8. Tổ chức “52 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, 31 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thực hiện 370 buổi chiếu phim phục vụ chính trị, 532 buổi chiếu phục vụ thiếu nhi; 687 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi”9.
Năm 2023, xây dựng 1 chương trình nghệ thuật mới; thực hiện 64 chương trình văn hóa, văn nghệ tổng hợp, tuyên truyền bề rộng trên địa bàn các huyện, thị. Hỗ trợ sách cho các đơn vị, cơ sở tổng số 1.710 bản sách; luân chuyển 2.849 bản sách tới 19 trạm sách vệ tinh. Thực hiện “46 buổi biểudiễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân miền núi, vùng sâu vùng xa, 14 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức 335 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị; 160 buổi chiếu phục vụ thiếu nhi, 585 buổi chiếu tại 87 xã trên địa bàn 10 huyện miền núi”10. Thông qua công tác tuyên truyền đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động và tạo nên sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hình thành nếp sống văn hóa mới, tiến bộ, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Công tác phối hợp được các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp triển khai tích cực. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Phong trào hằng năm. Nhiều hoạt động hay, cách làm tốt đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai đạt hiệu quả cao, điển hình, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt các quy ước khu dân cư, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội.
Công an tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; đồng thời, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn trật tự; thực hiện tốt các đợt cao điểm phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh tội phạm và tệ nạn xã hội.
Hoạt động của các tổ chức tự quản đã góp phần bảo đảm an toàn trật tự, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở. Công an tỉnh xây dựng mô hình “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị”. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều Phong trào thi đua tại các đơn vị, như: Phong trào thi đua “Hai tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá”; Phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp”; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;… đã thu hút toàn thể cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.
Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Hội nghị truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình Công nhân viên chức lao động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động Phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Đất Tổ “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, hội nhập, phát triển”, xây dựng mới 2 mô hình: “Thùng rác thải nhực gây quỹ từ thiện”, “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải tái chế”. Tiếp tục “duy trì mô hình “Con đường hoa”, “Đoạn đường hoa kiểu mẫu”, mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật và có nguy cơ làm trái pháp luật”, CLB “Phụ nữ với pháp luật”…11.
Hội Nông dân tỉnh xây dựng mới và duy trì có hiệu quả hoạt động của 548 mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, tiêu biểu, như: mô hình “Xử lý nước thải bảo vệ môi trường làng nghề”, “Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại”, “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”;… Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao, treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa và tổ chức các hoạt động vệ sinh cảnh quan, môi trường, đường làng, ngõ xóm, tại các khu, các trục đường trung tâm.
Tỉnh Đoàn Thanh niên hằng quý biên soạn Bản tin sinh hoạt Chi đoàn, đăng tải và tuyên truyền các nội dung Phong trào đến đông đảo các đối tượng thanh, thiếu nhi. Chủ động phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lối sống, nếp sống văn hóa cho thanh niên và các cặp gia đình trẻ; tổ chức các diễn đàn.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ tiếp tục duy trì các chuyên đề, chuyên mục, tạp chí tuyên truyền về các phong trào: sản xuất và phát sóng hàng nghìn lượt tin, bài, phóng sự, chú trọng cập nhật thông tin trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, đặc sản PTV; Trang thông tin điện tử Phuthotv.vn, trang Fanpage và kênh Youtube tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước.
Các cơ quan thành viên khác của Ban Chỉ đạo tỉnh chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung trong Phong trào gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Người tốt, việc tốt”, “Lao động giỏi lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức lao động”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng khu dân cư 3 không”. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện xây dựng và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa; đô thị đạt chuẩn văn minh.
Thứ ba, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa.
Ban Chỉ đạo các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh. Tổ chức lễ hội ở các địa phương diễn ra bảo đảm văn minh, lành mạnh, an toàn cho du khách thập phương tham dự.
Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của từng địa phương và thuần phong mỹ tục được gìn giữ, phát huy, được đưa vào nội dung quy ước khu dân cư. Các phong trào tình nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, phong trào vì người nghèo được cán bộ và Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần tương thân, tương ái. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh “có 2.296 quy ước tại 2.328 khu dân cư, tương đương 98,6%”12. Trong đó có 12/13 huyện, thị xã, thành phố đạt tỷ lệ 100% khu dân cư đã có quy ước. Hầu hết các quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng. Đồng thời đưa nội dung đánh giá việc xây dựng, thực hiện quy ước như một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới và công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh được đầu tư đồng bộ, từng bước phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và là nơi đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc, khu vực, giải thể thao quần chúng; phục vụ luyện tập thường xuyên cho các đội tuyển năng khiếu, tuyển trẻ, tuyển tỉnh tham gia thi đấu giải Quốc tế, Quốc gia, khu vực có hiệu quả.
Thứ tư, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa”.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Công tác bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” được thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm theo quy định. Năm 2022, toàn tỉnh “có 375.472/413.352 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 90,8%)”13. Các khu dân cư văn hóa đã huy động mạnh mẽ sự đóng góp của người dân ở địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, phục vụ cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân; “có 2.169/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 93,1%”14.
Thứ năm, triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, lấy đoàn kết cộng đồng làm sức mạnh, lấy khu dân cư là địa bàn hoạt động, cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện và lâu dài góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ “có 24/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 88,9%”15.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh công sở, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; có ý thức chấp hành tốt nội quy, quy chế, xây dựng tác phong công nghiệp, làm việc có kỷ luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉnh đốn lề lối, thái độ làm việc, tăng cường đối thoại và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo “tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 70%”16.
4. Những hạn chế, bất cập trong triển khai
Việc triển khai xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa ở Phú Thọ tuy đã có sự phát triển cả bề rộng và chiều sâu, song chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm để nhân diện rộng, nhất là nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số địa phương chưa được triển khai thường xuyên, chất lượng một số phong trào chưa bền vững.
Một số thiết chế văn hóa, thể thao các cấp còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân.
Các tệ nạn xã hội trong bộ phận thanh thiếu niên, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, ma túy… đôi lúc chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; việc thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, bảo vệ môi trường có nơi còn hạn chế; đời sống nhân dân khó khăn… ảnh hưởng đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Kinh phí chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác thi đua khen thưởng tuy đã được quan tâm song còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nhiệm vụ đặt ra.
5. Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Phú Thọ
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Phú Thọ, sự phối hợp và chủ động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân là những nhân tố quan trọng bảo đảm cho việc triển khai, thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đạt hiệu quả.
Hai là, tổ chức quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng đời sống văn hóa đến tất cả các cấp các ngành, nhất là các tầng lớp nhân dân về tác dụng to lớn của việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực thúc đẩy Nhân dân tỉnh Phú Thọ tự giác, tích cực, hưởng ứng tham gia thực hiện.
Ba là, gắn kết chặt chẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với đời sống và hoạt động xã hội của từng địa phương, đơn vị. Thực tiễn cho thấy địa phương nào gắn việc triển khai phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội thì ở đó phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Bốn là, coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Phú Thọ ra sức thi đua phấn đấu xây dựng Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Cơ quan, đơn vị văn hóa.
Năm là, khơi dậy và phát huy tính tích cực, tự quản và sáng tạo của Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện phong trào, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt tình hình và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua; duy trì việc tổ chức sơ kết, tổng kết hằng năm, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến và kịp thời tuyên duyên khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện các phong trào và cuộc vận động.
Chú thích:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2020). Kết luận Số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (2010). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 – 2015, Phú Thọ, tr. 50.
3. Tỉnh ủy Phú Thọ (2011). Báo cáo số 09-BC/TU ngày 21/12/2011 Tổng kết thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2011, phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Phú Thọ, tr. 13.
4. Tỉnh ủy Phú Thọ (2011). Chương trình hành động số 09-Ctr/TU ngày 30/6/2011, Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Phú Thọ, tr. 4.
5, 6. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (2015). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 – 2020. Phú Thọ, tr.20, 128.
7. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (2020). Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phú Thọ, tr. 6.
8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ (2023). Báo cáo số 08-BC-BCĐ ngày 13/10/2023 về Kết quả triển khai và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Tú Anh (2023). Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong hội nhập quốc tế. Tạp chí Quản lý nhà nước số 325 (tháng 02/2023).
2. Phát triển nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/26/phat-trien-nguon-luc-van-hoa-dap-ung-yeu-cau-cua-cong-cuoc-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te/
3. Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa với việc tổ chức và quản lý văn hóa hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/15/moi-quan-he-giua-phat-trien-kinh-te-va-phat-trien-van-hoa-voi-viec-to-chuc-va-quan-ly-van-hoa-hien-nay/.