Giải pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý nhà nước về tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Dương Văn Chăm
Trường Chính trị tỉnh Bến Tre

(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn có tính lịch sử, pháp luật, gắn liền với quá trình thành và phát triển đất và người Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Là vùng đa tôn giáo, có 13 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; các tôn giáo nội sinh đều phát tích phần lớn từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Qua hơn 6 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo nói chung, cán bộ, công chức trực tiếp quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã có nhiều kết quả tích cực, song bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần quan tâm hoàn thiện.

Từ khóa: Tôn giáo, tín ngưỡng, cán bộ, công chức, nhân sự, tổ chức, bộ máy, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

1. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm có thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Toàn vùng có “diện tích 40.922,6 km², dân số 17.432,1 nghìn người”1. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí như một bán đảo với 3 mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển. Là vùng đất đa dân tộc, đa tôn giáo được tạo bởi sự di dân của người Việt, người Khmer, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác, do vậy, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng đất thuận lợi cho các tôn giáo, tín ngưỡng cùng hội tụ và phát triển, đời sống tâm linh của người dân đồng bằng sông Cửu Long phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái đặc trưng.

Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tổ quốc, đồng thời cũng là vùng đa tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin Lành, Islam giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Minh sư, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, đạo Baha’i và Cơ đốc Phục Lâm. Toàn vùng có 4.611 cơ sở thờ tự, 47.334 chức sắc, chức việc, 5.889.937 tín đồ các tôn giáo, chiếm 33,6% dân số2.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”3, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến cơ sở. Từ đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo; giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong quá trình quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương, thực tiễn của vùng.

Hiện nay, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo không đồng nhất, gồm: 10 địa phương có Ban Tôn giáo, 1 địa phương có Ban Dân tộc và Tôn giáo (Bạc Liêu), 1 địa phương có Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp), 1 địa phương có Phòng Tín ngưỡng, tôn giáo (Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long). Biên chế của Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc và Tôn giáo, Phòng Tôn giáo, Phòng Tín ngưỡng, tôn giáo ở các tỉnh, thành phố trong vùng có bình quân mỗi đơn vị khoảng trên dưới 10 người với trình độ chuyên môn phần lớn tốt nghiệp đại học ở các ngành, như: luật, lịch sử, triết học, hành chính, xã hội học, ngữ văn… Cùng với cấp tỉnh, cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã phụ trách tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng được kiện toàn, tích cực thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn, đưa các quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống, tác động tích cực trong việc bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của Nhân dân góp phần bảo đảm quốc phòng – an ninh, tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.

Thực tiễn cho thấy, qua thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề tăng cường cán bộ làm công tác tôn giáo, sự phấn đấu vượt khó của cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những thành tựu, kết quả tích cực. Đa số cấp ủy, chính quyền, chức sắc các tôn giáo giữ gìn được bản sắc, phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá, tăng cường đoàn kết tôn giáo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đấu tranh với các biểu hiện sai lệch, lợi dụng tôn giáo, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân trong vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, như:

Thứ nhất, chưa đồng bộ trong mô hình tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quản lý nhà nước về tôn giáo là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, hướng các hoạt động tôn giáo phục vụ lợi ích chính đáng của các các tôn giáo, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Điều 61 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ở cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cùng thực hiện các quy định thống nhất pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, song mô hình cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về tôn giáo được tổ chức khác nhau. Ví dụ, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Dân tộc và Tôn giáo (gọi tắt là Ban) là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”4.

Tại tỉnh Tiền Giang: “Ban Tôn giáo là cơ quan trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”5. Cùng là đơn vị cấp phòng thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực tôn giáo trong tổ chức bộ máy Sở Nội vụ, ở Đồng Tháp quy định là Phòng Tôn giáo; ở tỉnh Vĩnh Long là Phòng Tín ngưỡng, tôn giáo… Sự thiếu đồng bộ này, tất yếu không bảo đảm tính hệ thống trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp công tác quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương đến địa phương; phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long về công tác tôn giáo.

Thứ hai, sự bất cập về đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp quản lý nhà nước về tôn giáo.

Trình độ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng không có người có chuyên ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, rất ít người có trình độ chuyên ngành về tôn giáo hay gần với ngành Tôn giáo. Cán bộ, công chức trực tiếp quản lý tôn giáo cấp huyện, xã chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh, theo số liệu thống kê về chuyên ngành đào tạo triết học và tôn giáo học do 13 tỉnh, thành phố cung cấp thì chỉ có 28 công chức đã đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên.

Bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo vùng Tây Nam Bộ bộc lộ nhiều bất cập cả trong cơ cấu thành phần và số lượng. Nhiệm vụ chính trị của Ban Tôn giáo tương đương như một sở nhưng được cơ cấu như một phòng. Ở cấp huyện thì không có bộ phận chuyên môn mà được ghép trong Phòng Nội vụ và thực tế công chức được phân công công tác tôn giáo lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Cấp xã không có người chuyên trách; công chức đảm nhiệm công việc này hầu như chưa qua đào tạo chuyên môn.

Tại cơ sở (cấp xã), nơi trực tiếp quản lý các hoạt động tôn giáo nhưng chỉ có 1 đến 2 người kiêm nhiệm, mặt khác, cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở thường xuyên thay đổi nên hầu như không am hiểu về tôn giáo và công tác tôn giáo, do đó hiệu quả quản lý không cao. Lực lượng quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp quá mỏng và chưa vững về chuyên môn, thiếu tâm huyết, dẫn đến không thể chủ động trong việc nắm tình hình, đánh giá tình hình và tham mưu giải quyết. Thực tế cho thấy, đa số các vụ việc xảy ra, gây hậu quả rồi mới được phát hiện; tình trạng lơ là, buông lỏng quản lý, mất cảnh giác vẫn xảy ra6.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ thiếu cơ sở pháp lý, quy định đồng bộ về tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương; sự bất cập trong quy định và cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp. Điều đó tất yếu một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp không ổn định, chưa đạt tiêu chuẩn, còn “tay ngang” trong hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về tôn giáo.

Báo cáo tổng kết tình hình, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Bộ Nội vụ7 cũng đã chỉ ra nguyên nhân hạn chế của công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo: “Pháp luật liên quan đến tôn giáo còn bất cập, thiếu đồng bộ… nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức về tôn giáo và công tác tôn giáo còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng”. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã xác định: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở”.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo giữa các tỉnh thành phố trong vùng.

Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành quy định, văn bản pháp luật củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp theo hướng cơ cấu bộ máy phù hợp, bảo đảm ổn định, đồng bộ, có hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương, thống nhất trong chỉ đạo và hoạt động theo mô hình: Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ); Phòng Nội vụ; Ủy ban nhân dân cấp xã. Tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, đủ thẩm quyền để làm tốt công tác tham mưu quản lý các hoạt động tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Các cơ quan, tổ chức cần cụ thể hóa Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 – 2026”, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo có đủ trình độ nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ban chỉ đạo công tác tôn giáo cấp tỉnh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh… phối hợp với các tổ chức tôn giáo thực hiện mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Chú trọng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín và năng lực sư phạm, nắm vững tình hình tôn giáo, những vấn đề cần quan tâm và biện pháp quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, bồi dưỡng các kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Cùng kiến thức cơ bản, chuyên sâu về tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo, cần tăng cường rèn luyện cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo kỹ năng cần thiết để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác được giao, vận dụng những kiến thức về tôn giáo được học để giải quyết, ứng xử đối với tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo hiện nay. Nhận diện và xử lý những hoạt động lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi và gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chú trọng giáo dục kiến thức lịch sử vùng đất Nam bộ (cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử chủ quyền vùng đất Nam bộ) cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ tư, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng.

Các cơ quan, tổ chức, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long cần thường xuyên tổ chức các lớp học bảo đảm cơ sở vật chất giúp giảng viên, báo cáo viên có đủ điều kiện triển khai đa dạng về phương pháp giảng dạy. Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hiện nay, về nội dung kiến thức phải định hướng cho học viên về sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam, tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về phương pháp, báo cáo viên, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học; kết hợp hài hòa các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại; phải am hiểu thực tiễn, có kiến thức thực tiễn trong bồi dưỡng các kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử, xử lý điểm nóng trong công tác tôn giáo…) cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, mở chuyên ngành đào tạo quản lý nhà nước về tôn giáo.

Các cơ quan chức năng của Trung ương (Bộ Nội vụ) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nên xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ làm công tác tôn giáo mang tính cơ bản, lâu dài; tuyển chọn cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng đào tạo chính quy ngành Tôn giáo học tại các cơ sở đào tạo có uy tín, như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh… Đồng thời, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các cơ sở đào tạo đại học (có chức năng, nhiệm vụ) được mở mã ngành đào tạo chuyên ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm tạo nguồn cán bộ căn cơ, bài bản, dài hạn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

3. Kết luận

Từ những vấn đề trên, hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo và  đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long là quá trình đồng hành cùng cả nước nâng cao nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, góp phần vào việc hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”8, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với tôn giáo, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Chú thích:
1. Tổng Cục Thống kê (2022). Niên giám thống kê. H. NXB Thống kê, tr. 106.
2. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2022). Tài liệu tín ngưỡng, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay (thuộc Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo theo Quyết định số 219-QĐ/TTg ngày 21/02/2019), tr. 225.
3. Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg ngày 03/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
4. UBND tỉnh Bạc Liêu (2022). Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu.
5. UBND tỉnh Tiền Giang (2021). Quyết định số 52/2021/UBND ngày 22/12/2021 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang.
6. Lê Hùng Yên. Bộ máy và lực lượng quản lý nhà nước về tôn giáo vùng Tây Nam bộ. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 12 (168), 2017.
7. Bộ Nội vụ (2024). Báo cáo tổng kết tình hình, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 171.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2018). Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
3. Bộ Nội vụ (2021). Thông tư số 05/2021/TT-BNV ngày 12/8/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh An Giang. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/02/29/thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-tin-nguong-ton-giao-tai-tinh-an-giang.