ThS. Phạm Hồng Hải
Trường Cao đẳng Đồng Khởi – Bến Tre,
NCS Trường Đại học Trà Vinh
(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số đã cách mạng hóa ngành Du lịch trong những thập kỷ gần đây, trở thành một khía cạnh quan trọng đối với khả năng cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển bền vững của các doanh nghiệp du lịch. Bài viết phân tích thực trạng, những cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành Du lịch tại vùng không gian du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đề xuất một số giải pháp cần thực hiện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Du lịch trong tương lai.
Từ khóa: Chuyển đổi số; cơ hội; thách thức; ngành Du lịch; vùng không gian du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số quốc gia là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thích ứng với sự phát triển và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế – xã hội.Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đã xác định, kinh tế số là nền tảng phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.
Số hóa và phát triển công nghệ đã và đang tác động, thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, đồng thời, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp du lịch. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó, thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã những đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, đặc biệt là đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước bắt nhịp chung với xu hướng này và thu được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc1.
Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh và thành phố (An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long). Với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số khoảng 17,5 triệu người2, đồng bằng sông Cửu Long có tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 20303, du lịch vùng này được chia thành hai vùng không gian du lịch phía Đông và phía Tây. Trong đó, vùng không gian du lịch phía Đông bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh long và Trà Vinh. Đây là vùng có sản phẩm du lịch đồng nhất và mang tính đặc trưng, có nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, như: du lịch sinh thái, tham quan làng nghề, khu di tích cách mạng… Trên cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số, nghiên cứu thực trạng ngành Du lịch tại vùng không gian du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, những cơ hội và thách thức chuyển đổi số mà ngành Du lịch đang đối diện, qua đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Du lịch trong thời gian tới.
2. Cơ hội và thách thức của chuyển đổi số đối với ngành Du lịch
Fitzgerald và cộng sự (2014)4 định nghĩa chuyển đổi số tiếp cận yếu tố công nghệ, cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới như mạng xã hội, công nghệ di động, phân tích dữ liệu, hoặc các thiết bị nhúng để tạo ra những cải tiến lớn cho doanh nghiệp, bao gồm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành, hoặc phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Tiếp cận theo thay đổi văn hóa của tổ chức, Brown và cộng sự (2014)5 định nghĩa chuyển đổi số bao gồm mọi khía cạnh từ những thay đổi về văn hóa và tổ chức cần thiết đến việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới nhằm tạo ra những cải tiến lớn như nâng cao dịch vụ người dùng, tối ưu hóa hoạt động vận hành, hoặc tạo ra các dịch vụ hoàn toàn mới.
Tiếp cận theo yếu tố thiết bị sử dụng, Paavola và cộng sự (2017)6 định nghĩa chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ số nhằm tạo ra những cải tiến lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động và thị trường, chẳng hạn, như: nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Từ những quan điểm trên, có thể thấy: chuyển đổi số gắn liền với việc sử dụng công nghệ mới với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và gia tăng lợi ích cho khách hàng, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Chuyển đổi số mang đến những cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch, gồm:
Thứ nhất, các công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo, blockchain… cho chép minh bạch và an toàn trong quá trình thanh toán và giao dịch. Ngoài ra, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhờ sự tiện lợi và linh hoạt trong quá trình đặt phòng, đặt tour và thanh toán. Nhờ nhiều trang web và ứng dụng trực tuyến, khách hàng có thể dễ dàng so sánh và đặt các dịch vụ du lịch mà họ cần ngay tại nhà, bỏ qua quá trình tư vấn dài dòng và phức tạp như cách truyền thống (Liu và cộng sự, 2019)7.
Thứ hai, chuyển đổi số của ngành Du lịch là chất xúc tác để tối ưu hóa lại hệ thống vận hành và nâng cao hiệu quả quản lý. Các doanh nghiệp trong ngành có thể tiết kiệm hoàn toàn thời gian và chi phí khi áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm quản lý dữ liệu, tối ưu hóa hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ. Chuyển đổi số cũng cho phép các doanh nghiệp du lịch tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, như: du lịch thực tế ảo, du lịch mô phỏng… sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ và thú vị, góp phần tăng cường sự hài lòng và nhu cầu đi du lịch (Yue, 2020)8.
Thứ ba, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ứng phó và bảo đảm hoạt động ngay cả khi các điều kiện khách quan thay đổi và trở nên bất lợi (đại dịch Covid-19). Công nghệ số giúp các chuyên gia tư vấn và khách hàng giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp và cải thiện trải nghiệm khách hàng trực tuyến thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh và các công nghệ phù hợp. Ngoài ra chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và cải tiến mô hình kinh doanh và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới (UNWTO, 2024)9
Bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số cũng tạo ra một số thách thức đối với ngành Du lịch:
Một là, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp du lịch, công nghệ số đòi hỏi nguồn lao động có kỹ năng số, vì vậy cần có sự đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, điều này đòi hỏi sự sẵn sàng từ hai phía doanh nghiệp và người lao động (Pfeiffer, 2017)10. Ngoài ra, những công nghệ mới đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành cần chuyển đổi đồng bộ và nhất quán. Ở nhiều địa phương, sự khác biệt về công nghệ số vẫn tồn tại, những khu vực có điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số trong du lịch chủ yếu tập trung ở các tỉnh và thành phố lớn. Các hoạt động số hóa trong ngành vẫn rời rạc, phân tán, chưa được kết nối thành công và xây dựng trên cơ sở dữ liệu thống nhất. Do đó, quy trình quản lý, kiểm soát, báo cáo cũng như thống kê dữ liệu trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Hai là, việc thiếu các kỹ năng tư vấn, sự hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng và chính sách là những rào cản trong việc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số thành công đối với các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chuyển đổi số được đặc trưng bởi sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp, không chắc chắn thành công và quá trình cần được điều chỉnh và thay đổi liên tục (Krcmar và cộng sự, 2018)11, tuy nhiên, một số doanh nghiệp du lịch vẫn chưa tạo ra cơ sở kiến thức về chuyển đổi số cho lực lượng lao động, chưa làm chủ được công nghệ và quản lý và sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Ba là, công nghệ số buộc cả du khách và hướng dẫn viên du lịch phải thay đổi thói quen trong giao dịch, đòi hỏi am hiểu và có kiến thức về công nghệ thông tin, đây là bất lợi đặc biệt là đối với nhóm du khách lớn tuổi, trong việc sử dụng Internet, vì theo cách truyền thống, họ sẽ được tư vấn, đặt dịch vụ và thanh toán trực tiếp tại doanh nghiệp du lịch, thay vì qua điện thoại hoặc máy tính (Kurnaz và cộng sự, 2022)12. Mặt khác, lượng thông tin nhanh chóng, phong phú và không nhất quán có thể khiến du khách khó khăn trong việc chọn lọc thông tin chính xác và đáng tin cậy. Một số du khách chưa thực sự yên tâm về bảo mật khi phải khai báo nhiều thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến. Ngoài ra, hiện tượng thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu lạc hậu do chưa thể cập nhật đầy đủ tất cả các dữ liệu, tiếp cận báo cáo và phân tích từ nhiều nguồn khác nhau là những thách thức đối với cả doanh nghiệp lẫn du khách khi tìm kiếm thông tin du lịch.
3. Thực trạng chuyển đổi số ngành Du lịch tại vùng không gian du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Vùng không gian du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng du lịch rất lớn, là vùng có sản phẩm du lịch sông nước mang đặc trưng của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, ngành Du lịch trong vùng xác định chuyển đổi số là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành Du lịch của địa phương. Du lịch thông minh được xem là công nghệ tiên phong nhằm xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số. Ngành du lịch tại các địa phương trong vùng đã triển khai hệ thống website trang vàng du lịch, cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh với nền tảng dữ liệu trực tuyến, trên cơ sở số hóa dữ liệu du lịch…
Hệ thống du lịch thông minh tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Trên cơ sở triển khai cổng thông tin du lịch thông minh, ngành Du lịch đã tiến hành số hóa các di tích lịch sử, các di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch truyền thống, các tour du lịch… Qua đó, du khách có thể tìm kiếm thông tin cho kỳ du lịch bằng hình thức trực tuyến. Thanh toán không dùng tiền mặt trong du lịch, ứng dụng đặt phòng, đặt vé trên nền tảng số,… chiếm tỷ lệ cao trong các hình thức giao dịch và thanh toán. Những ứng dụng dịch vụ số đã đem đến cho du khách những trải nghiệm du lịch thuận tiện, thoải mái hơn cho du khách, là động lực thúc đẩy ngành Du lịch địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số ngành Du lịch trong vùng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch trong vùng thuộc khu vực tư nhân, có quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa nên hạn chế về khả năng tài chính, khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nhằm thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh, đầu tư cho phương tiện và công nghệ. Bên cạnh đó, một số nhà quản lý doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng về chuyển đổi số, còn mang nặng tính phong trào và tư duy mạnh ai nấy làm, vì vậy, chưa hình thành hệ sinh thái số thống nhất. Ngoài ra, sự phong phú và đa dạng về công nghệ số cũng làm cho các doanh nghiệp bối rối trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp cũng như thiếu tính đồng bộ trong hệ thống.
4. Một số giải pháp
Thứ nhất, đẩy mạnh phổ biến, nâng cao nhận thức về các thành tựu của của khoa học – công nghệ và vai trò, lợi ích của phát triển du lịch thông minh, tăng cường năng lực số cho các chủ thể trong hoạt động du lịch, đặc biệt là chủ sở hữu hoặc người quản lý các doanh nghiệp du lịch. Đây là lực lượng đóng vai trò quyết định sự thành công của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Người đứng đầu doanh nghiệp có kiến thức đầy đủ về công nghệ kỹ thuật số sẽ thúc đẩy phát triển tầm nhìn kỹ thuật số, có tư duy chiến lược trong triển khai và áp dụng các giải pháp công nghệ số hiện đại, hiệu quả, hỗ trợ mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững.
Thứ hai, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn với chiến lược kinh doanh, phát triển du lịch thông minh bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch vùng. Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp là tác nhân hành động đầu tiên, lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số gắn liền với doanh nghiệp. Chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp du lịch có thể đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua việc sử dụng hiệu quả công nghệ số.
Thứ ba, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn và tạo cơ hội cho người lao động phát triển nghề nghiệp của họ trong tổ chức. Cần tăng cường đào tạo, nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số và đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, đồng bộ nhằm trang bị những năng lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch thông minh Ngoài ra, có thể nghiên cứu, phát triển hệ thống đào tạo và học tập kỹ thuật số để đào tạo nhân viên, qua đó giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích nhân viên học tập để mở rộng kiến thức và trình độ, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng trong kỷ nguyên số.
Thứ tư, triển khai số hóa thực sự bằng cách tận dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm thiết lập kết nối liền mạch giữa nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn, như: mua sắm, đặt phòng, thanh toán dịch vụ, marketing du lịch, quản trị tài chính và quản trị nhân sự… từ đó cải thiện các quy trình lập kế hoạch, điều phối, giám sát và kiểm soát cũng như loại bỏ các rào cản và minh bạch thông tin. Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, bảo bảo đảm mật và an toàn thông tin, đáp ứng việc triển khai phát triển du lịch thông minh. Cùng với đó, cần tăng cường liên kết hệ thống thông tin, dữ liệu du lịch các địa phương trong vùng, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh kết nối các điểm đến trong vùng, đồng thời, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu số ngành Du lịch giữa các cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Chú thích:
1. Chuyển đổi số ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – thực trạng và giải pháp. http://cchccantho.gov.vn/chuyen-doi-so-o-khu-vuc-dong-bang-song-cuu-long-thuc-trang-va-giai-phap, truy cập ngày 05/8/2024.
2. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê năm 2023. H. NXB Thống kê.
3. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Fitzgerald, M., Kruschwitz, N., Bonnet, D., & Welch, M., 2014. Embracing digital technology: A new strategic imperative. MIT Sloan Management Review, 55(2), 1.
5. Brown, A., Fishenden, J., Thompson, M., 2014. Organizational structures and digital transformation. In: Digitizing Government. Springer, pp. 165–183.
6. Paavola, R., Hallikainen, P., Elbanna, A., 2017. Role of middle managers in modular digital transformation: the case of Servu. In: Paper Presented at the 25th European Conference on Information Systems, ECIS 2017.
7. Liu, X., Mehraliyev, F., Liu, C and Schuckert, M., 2019. The roles of social media in tourists’ choices of travel components. Tourist Studies, 00(0), 1-12.
8. Yue, A., Arasli., H., Ozturen., and Daskin., M., 2020. A Feeling the Service Product Closer: Triggering Visit Intention via Virtual Reality. Sustainability, 12(16), 1-17.
9. UNWTO, 2024. Digital Transformation. https://www.unwto.org/digital-transformation, truy cập ngày 12/7/2024.
10. Pfeiffer, S., 2017. The Vision of “Industrie 4.0” in the Making – a Case of Future Told, Tamed, and Traded. Nanoethics, 11(1), 107–121.
11. Krcmar, H., 2018. Charakteristika digitaler transformation. In: Oswald, G., Krcmar, H. (Eds.), Digitale Transformation. Springer Gabler, Wiesbaden, pp. 5–10.
12. Kurnaz, H. A., Ön, F., and Yüksel., F, 2022. A New Age in Tourist Guiding: Digital tourism and sustainability. In Abdelli, M E A., 2022. Sustainability, Big Data, and Corporate Social Responsibility. Taylor & Francis, pp 93-110.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022). Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
3. Chính phủ (2023). Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
4. Chính phủ (2024). Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
5. Tổng cục Du lịch (2023). Quyết định số 553/QĐ-TCDL ngày 11/4/2023 về Kế hoạch triển khai Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Giải pháp phát triển đô thị du lịch thông minh tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/24/giai-phap-phat-trien-do-thi-du-lich-thong-minh-tai-thanh-pho-chau-doc-tinh-an-giang/, ngày 24/10/2023.
7. Hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/09/hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam, ngày 09/5/2024.
8. Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/02/quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-mot-so-tinh-dong-bang-song-cuu-long, ngày 02/01/2024.