Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong giai đoạn hiện nay

ThS. Vongsalat Chanpheng
NCS của Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Để bảo đảm năng lực thẩm phán tòa án nhân dân cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, yêu cầu đặt ra cho công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân phải đạt chất lượng hiệu quả thiết thực. Từ những yêu cầu về đặc trưng riêng của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân, bài viết nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và cải cách tư pháp, cải cách công vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Đào tạo, bồi dưỡng, thẩm phán, tòa án nhân dân, cải cách tư pháp, cải cách công vụ, CHDCND Lào.

1. Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là việc gốc của Đảng”1; hay “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân được Nhà nước CHDCND Lào đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân và hiệu quả thực thi công vụ. Đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân hiểu theo nghĩa rộng là đội ngũ công chức làm công việc tại Tòa án nhân dân các cấp của CHDCND Lào, bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp khu vực và Tòa án quân sự… Hiểu theo nghĩa hẹp, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân là đội ngũ công chức đang làm việc tại Tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương.

2. Vai trò của đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ  thẩm phán tòa án nhân dân đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách công vụ. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng cần đạt được đó là: (1) Nâng cao hiệu quả thực thi công vụ; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tòa án nhân đan (3) Phục vụ quy hoạch, phát triển đội ngũ  thẩm phán tòa án nhân dân và (4) làm căn cứ đánh giá nhân lực định kỳ, hàng năm.

Số liệu thực tế qua báo cáo của Toà án nhân dân tối cao nước CHDCND Lào, “Tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm từ 2020 đến 2024” cho thấy, 100% tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân giai đoạn 2020 – 2024.

Kết quả trong 5 năm thực hiện, đã có 98% thẩm phán tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương được đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn quy định; khoảng 71% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 3 và 80% của thẩm phán tòa án nhân dân cấp 2 được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 67% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 2 và 56% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 1 thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm. Đào tạo trình độ chuyên môn cho thẩm phán cấp 1 đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định đạt gần 75%; đào tạo trình độ chuyên môn cho 95% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 2; 60% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 1 được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 70% thẩm phán tòa án nhân dân cấp 2 thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm; 50% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ3.

Nghị quyết số 24/NQ-TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 7 (khóa VIII) về Chương trình cải cách tư pháp là: “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để thẩm phán tòa án nhân dân thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ tư pháp và chất lượng dịch vụ công”4. Như vậy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán được coi là cầu nối để thực hiện quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng một cách có kế hoạch từ người dạy sang người học. Thông qua đào tạo và bồi dưỡng, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân sẽ tiếp nhận được kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào thực thi công vụ một cách có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách công vụ.

3. Đặc trưng của đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân

Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Tòa án nhân dân nhân danh quốc gia xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật..

Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, tức có chức năng xét xử các vụ án, giải quyết các việc có tranh chấp theo thẩm quyền quy định. Ngoài tòa án nhân dân không có cơ quan nào khác được giao phán xử về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong xã hội. Bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của tòa án nhân dân, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án phải là nơi mà mọi người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, sự thật; có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm hại; khi công dân yêu cầu tòa án giải quyết mọi tranh chấp thì tòa án có trách nhiệm thụ lý giải quyết mà không có quyền từ chối.

Tổ chức của tòa án nhân dân bao gồm: tòa án nhân dân tối cao; tòa án nhân dân cấp cao; tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; tòa án quân sự; thẩm phán tòa án nhân dân.

Thẩm phán tòa án nhân dân là một chức danh tư pháp trong tòa án. Hiện nay, theo quy định tại Điều 2 Pháp luật về thẩm phán năm 2017 của CHDCND Lào thì thẩm phán được định nghĩa: “là người làm nhiệm vụ xét xử những vụ án được bổ nhiệm từ ủy ban thường vụ quốc hội” định nghĩa này, nhiệm vụ của thẩm phán đã được xác lập đầy đủ hơn đó là không những thẩm phán đóng vai trò là người xét xử các vụ án. Thẩm phán là chức danh tư pháp, chức danh nghề nghiệp, không phải là người giữ chức vụ trong hệ thống tòa án nhân dân được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác của tòa án nhân dân.

Thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh là những thẩm phán được bổ nhiệm theo các thủ tục do pháp luật quy định và thực hiện quyền tư pháp (quyền xét xử) tại tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, là người thực thi quyền tư pháp khác. Vai trò của thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh yêu cầu là họ phải công tâm, không bị ảnh hưởng hoặc hạn chế của người khác và xét xử các vụ án một cách trung thực và vị tha theo pháp luật.

Tổng biên chế của hệ thống các cơ quan toà án nhân dân Lào năm 2020 là 1.329 người, trong đó có 367 thẩm phán. Năm 2021, tổng số cán bộ, công chức toà án nhân dân tăng lên 1.461 người (tăng 132 người), trong đó, bao gồm 396 thẩm phán5. Đến tháng 12/2022, số lượng thẩm phán đã có 421 người, trong đó bao gồm: 89 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 276 thẩm phán trung cấp và 57 thẩm phán sơ cấp6.

Tính đến năm 2023, toàn ngành Tòa án nhân dân CHDCND Lào có 417 thẩm phán trong tổng số 1.545 cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân, bao gồm: 88 thẩm phán cấp cao, chiếm 21,1%; 275 thẩm phán trung cấp, chiếm 65,95% và 54 thẩm phán sơ cấp, chiếm 12,95%. So với năm 2012, số lượng thẩm phán giảm 4 người, trong đó 1 thẩm phán cấp cao được điều động thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tại Chính phủ, 3 thẩm phán bao gồm 1 thẩm phán trung cấp và 2 thẩm phán sơ cấp bị đình chỉ và xem xét trách nhiệm kỷ luật7.

Nằm trong hệ thống chính trị, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân mang những đặc trưng chung của đội ngũ công chức trong các cơ quan hành chính công của CHDCND Lào. Tuy nhiên, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân cũng có những đặc trưng riêng, được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Tòa án nhân dân, như:

Thứ nhất, thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tòa án nhân dân, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị do Nhà nước quyết định. Qua đó có thể nhận thấy nhiệm vụ trọng tâm của nền tư pháp là phục vụ chính trị, làm cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tòa án ngày càng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách công vụ, đổi mới và hội nhập.

Thứ hai, tính pháp quyền là một trong những đặc trưng của nền tư pháp nước CHDCND Lào, được thể hiện trong việc đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân phải hoạt động theo quy định của luật pháp trong hoạch định chính sách và thực thi công vụ. Tính pháp quyền đòi hỏi đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân phải nắm vững quyền lực, sử dụng đúng đắn quyền lực được giao, bảo đảm đúng chức năng và thẩm quyền của mình tại mỗi vị trí việc làm trong khi thực thi công vụ.

Với đặc trưng này, đòi hỏi đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân luôn phải trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý… Chính vì vậy, đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân phải không ngừng hoàn thiện bản thân, đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí việc làm, thích ứng với từng giai đoạn phát triển của ngành tòa án nhân dân và của đất nước.

Thứ ba, Tòa án nhân dân là cơ quan của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành tòa án nhân dân, như: các tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương; các thẩm phán tòa án nhân dân từ trung ương đến địa phương theo quy định của pháp luật. Từ những điều trên, có thể nhận thấy: việc hoạch định, xây dựng chính sách về tuyển dụng, tổ chức biên chế, bố trí sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, tiền lương, thi đua khen thưởng, văn thư – lưu trữ… nhằm quản lý hiệu quả nguồn nhân lực trong các cơ quan tòa án nhân dân.

Đặc trưng nổi bật của đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân được thể hiện ở những nội dung sau:

(1) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán tòa nhân dân ở trong nước và ở nước ngoài;

(2) Hướng dẫn các quy định của nhà nước về tổ chức của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán của các tòa án nhân dân từ Trung ương đến địa phương;

(3) Thống nhất quản lý hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với thẩm phán tòa án nhân dân từ Trung ương đến địa phương;

(4) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ đối với thẩm phán tòa án nhân dân ngành Tòa án nhân dân các cấp;

(5) Phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán hằng năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp và báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán tòa án nhân dân;

(6) Xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy hoạch nhân lực ngành Tòa án nhân dân; đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học.

4. Một số giải pháp

Đo lường hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân phải gắn với yêu cầu của vị trí việc làm, khung năng lực; kết quả thực thi công vụ mang tính đặc trưng lĩnh vực tòa án nhân dân; mức độ hài lòng của tổ chức, công dân; yêu cầu phát triển của tổ chức và cá nhân thẩm phán tòa án nhân dân được đào tạo, bồi dưỡng.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân ngành tòa án, xin được đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực. Từ vị trí việc làm và khung năng lực của các vị trí việc làm trong ngành Tòa án nhân dân, các nhà quản lý sẽ dễ dàng nhận thấy thẩm phán cấp dưới quyền đã đáp ứng được những yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng hay chưa. Nếu thiếu thì còn thiếu những kiến thức, kỹ năng gì, cần đào tạo, bồi dưỡng như thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó, cả lãnh đạo và người thẩm phán cùng nhìn nhận ra những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng mà vị trí việc làm của ngành tòa án nhân dân yêu cầu cần phải có. Từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân sát với yêu cầu của vị trí việc làm, đáp ứng được hiệu quả thực thi công vụ, góp phần vào kết quả cải cách tư pháp, cải cách công vụ.

Hai là, đổi mới khâu xác định nhu cầu tuyển dụng. Cần xác định nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng thẩm phán dựa trên các yêu cầu của vị trí việc làm và khung năng lực của ngành tòa án một cách khoa học về đặc thù của ngành để xây dựng các tiêu chí tuyển dụng phù hợp. Nhằm xác định rõ ràng, bảo đảm tính khoa học thì mới tuyển dụng đúng người, sát với yêu cầu của từng vị trí việc làm của ngành Nội vụ. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, cải cách chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân.

Ba là, hoàn thiện quy trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân. Quy trình đào tạo và bồi dưỡng thẩm phán tòa án nhân dân phải được xây dựng trên cơ sở các quy định của Nhà nước, của ngành tòa án nhân dân về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu gắn với thực tế đặc thù của tòa án để xây dựng quy trình đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất, từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch, tổ chức đào tạo và kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán. Khi có được một quy trình đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, khoa học sẽ giúp cho việc đào tạo, bồi dưỡng lựa chọn được đúng đối tượng, đúng nội dung chương trình, dễ dàng xây dựng thang đo đánh giá chất lượng của đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chi phí cho đào tạo, bồi dưỡng thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với chức danh và vị trí việc làm. Với đặc thù ngành tòa án là ngành đa lĩnh vực, vì vậy, cần chú trọng phân loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, tránh việc đào tạo, bồi dưỡng chung chung, không đúng đối tượng. Khi xác định đúng đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng thì những khâu sau đó, như: xây dựng kế hoạch, xây dựng chương trình, lựa chọn giảng viên và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng… sẽ phát huy được hiệu quả. Từ đó, nâng cao được chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân.

Năm là, bố trí sử dụng hiệu quả đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân. Phải căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để bố trí, sử dụng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân một cách hiệu quả nhất. Điều này sẽ giúp cho mỗi người thẩm phán tòa án nhân dân phát huy được năng lực, sở trường của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Làm tốt công tác bố trí, sử dụng đội ngũ thẩm phán sẽ giảm được việc phải đào tạo, đào tạo lại để bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho cho thẩm phán, góp phần chống lãng phí ngân sách và tạo được động lực làm việc khi thẩm phán được bố trí “đúng người – đúng việc”.

Sáu là, đổi mới công tác đánh giá đào tạo, bồi dưỡng. Cần đổi mới công tác đánh giá đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân, tránh đánh giá hình thức, đánh giá cào bằng. Cần xây dựng bộ công cụ đánh giá sau khi đào tạo và bồi dưỡng, tăng cường các chỉ tiêu đánh giá định lượng để đo lường được kết quả thực thi nhiệm vụ của thẩm phán trên 3 yếu tố: (1) Vị trí, chức danh đảm nhận; (2) Năng lực cá nhân ứng với khung năng lực của vị trí việc làm; (3) Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi công tác đánh giá phản ánh chính xác những nỗ lực, đóng góp của thẩm phán sẽ tạo được động lực làm việc, kích thích đội ngũ thẩm phán tự hoàn thiện bản thân thông qua việc tự đào tạo, sẵn sàng tham gia vào công tác đào tạo và bồi dưỡng của tòa án nhân dân.

5. Kết luận

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ công chức là nội dung quan trọng và cấp thiết trong tiến trình cải cách hành chính, cải cách công vụ của nền hành chính công ở nước CHDCND Lào trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực thực thi công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành Tòa án nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân ngành Tòa án nhân dân từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch đến lựa chọn giảng viên… đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Mục tiêu cuối cùng của đào tạo, bồi dưỡng là xây dựng và phát triển đội ngũ công chức Tòa án nhân dân ở nước CHDCND Lào thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh, toàn tập (2000), Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 269; 684.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2009). Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 04/6/2009 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về Chương trình cải cách tư pháp.
4. Toà án nhân dân Tối cao nước CHDCND Lào (2021). Báo cáo số 12/TATC/BC ngày 16/01/2021 về “Tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm 2021”.
5. Toà án nhân dân Tối cao nước CHDCND Lào (2022). Báo cáo số 10/TATC/BC ngày 21/01/2022 về “Tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm 2022”.
6. Toà án nhân dân Tối cao nước CHDCND Lào (2023). Báo cáo số  22/TATC/BC ngày 19/01/2023 về “Tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm 2023”.
7. Toà án nhân dân Tối cao nước CHDCND Lào (2024). Báo cáo số 22/TATC/BC ngày 19/01/2024 về “Tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm 6 tháng đầu năm 2024”.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thị Thu và Vũ Hoàng Ngân (2011). Giáo trình Quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức công. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
2. Phạm Hồng Thái (2004). Công vụ, công chức nhà nước. H. NXB Tư pháp.
3. UNDP tại Việt Nam (2009). Báo cáo nghiên cứu cải cách thể chế quản lý hành chính công ở Việt Nam hiện nay. Hà Nội 2009.
4. Phung Xuan Nha, Le Quan & Ho Nhu Hai (2013). Innovation And Human resource Development. H. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nghị quyết số 24/NQ-TW Hội nghị về Chương trình cải cách tư pháp.
6. Chính phủ CHDCND Lào (2017). Nghị định số 294/CP ngày 04/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
7. Toà án nhân dân tối cao nước CHDCND Lào (2024). Báo cáo tình hình tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xét xử hệ thống Toà án nhân dân năm từ năm 2020 đến 2024.