TS. Đỗ Khánh Năm
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Bùi Minh Phúc
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, Ngành Giáo dục cũng đang tích cực “hòa mình” vào tiến trình đó. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học rất có ý nghĩa, tạo nên bước ngoặt trong phát triển cho giáo dục. Bài viết phân tích, nhận diện rõ hơn những khó khăn, thách thức và đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học trong bối cảnh phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay.
Từ khóa: Chuyển đổi số; phương pháp dạy học; dạy học trực tuyến; khó khăn; giải pháp; ngành giáo dục; Học viện Hành chính Quốc gia.
1. Đặt vấn đề
Việc chuyển đổi số trong phương pháp dạy học bậc đại học gắn bó mật thiết với điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số là công nghệ và Internet. Chính vì vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu về chuyển đổi số trong giáo dục đều cho rằng công nghệ chính là khó khăn trở ngại đầu tiên trong việc tiến hành ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học. Tại Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện), việc ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi phương pháp dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến với tương tác chủ yếu dựa trên công nghệ và Internet đã được tiến hành một cách nhanh chóng, bài bản, thích ứng kịp thời với bối cảnh công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi này cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức cho cả người dạy và người học. Chính vì vậy, thông qua nghiên cứu này, chúng tôi muốn nhận diện rõ hơn những khó khăn, thách thức, từ đó chỉ ra những giải pháp phù hợp nhằm ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay.
2. Hoạt động ứng dụng chuyển đối số vào phương pháp dạy học
Thứ nhất, chuyển đổi số trong giáo dục. Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra rằng giáo dục là một trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo học sinh, sinh viên (gọi chung là người học). Chuyển đổi số trong giáo dục được hiểu là quá trình áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào mục đích đào tạo và giảng dạy của hệ thống, giúp nâng cao trải nghiệm của người học; cải thiện phương pháp dạy học cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất1.
Ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục với nền tảng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị điện tử… sẽ tạo ra nhiều mô hình lớp học, phương pháp dạy học, phương thức tổ chức dạy học mới thuận tiện hơn. Từ đó, việc tương tác giữa người dạy và người học trở nên đơn giản và dễ dàng, đáp ứng được mọi nhu cầu học tập của người học, phù hợp định hướng học tập suốt đời mà UNESCO đã đề ra. Hiện tại, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính, đó là:
Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học: phương pháp dạy học trực tuyến, phương pháp E – learning.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý: Công cụ vận hành, quản lý.
Ứng dụng công nghệ trong lớp học: Công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học. Có thể nói ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học là hình thức dễ nhìn thấy nhất và cũng đang phát triển mạnh mẽ nhất trong hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Có thể kể đến các hình thức như:
Các phương pháp dạy học trực tuyến: với các hình thức giảng dạy online dựa trên nền tảng công nghệ là các phần mềm như Zoom Cloud Meeting, Trans, Microsoft Teams; Google Meeting kết hợp với sự phủ sóng của internet, thiết bị điện tử ngày càng trở nên phổ biến và phát triển hoặc các khóa học E – learning mà ở đó người học có thể tham gia mọi lúc mọi nơi.
Phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo: Đây là phương pháp sử dụng công nghệ thực tế ảo để tạo ra môi trường giả lập, nhân tạo và sử dụng chúng làm môi trường học tập, tạo cơ hội cho người học được thực hành, trải nghiệm một cách thực tế thông qua các giác quan. Việc ứng dụng thực tế ảo vào giáo dục là một bước đột phá trong phương pháp dạy học, mang lại cho người học cách tiếp cận thực tế, dễ hiểu, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều so với việc cung cấp thông qua sách, trang web hoặc thậm chí video. Các tiết học trở nên sinh động và cụ thể hơn. Người học sẽ được tương tác và tiếp cận với môi trường ảo để khám phá sâu rộng, hiểu rõ hơn về chúng, điều này giúp người học vừa cảm thấy thú vị vừa dễ hiểu bài và ghi nhớ sâu hơn. Phương pháp này đặc biệt thích hợp trong giảng dạy các lĩnh vực như: y tế, kỹ thuật, sinh học, quân sự, văn hóa, du lịch, nghiên cứu khoa học, vũ trụ và không gian…
Thứ ba, phương pháp dạy học trực tuyến, dạy học dựa trên các nền tảng công nghệ. Dạy học trực tuyến, dạy học online, hay còn gọi E – learning đều dùng để chỉ một loại “học từ xa” với sự ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động dạy học2. Nó dùng để chỉ hoạt động phân phát các nội dung học diễn ra trong khoảng cách xa mà không theo phương thức lớp học truyền thống trên cơ sở sử dụng các phương tiện, nền tảng công nghệ như:
(1) Phần mềm nền tảng học trực tuyến để dẫn truyền âm thanh, hình ảnh tạo sự tương tác giữa giảng viên và người học;
(2) Mạng internet;
(3) Thiết bị điện tử thông minh có thể kết nối internet như máy tính, máy tính bảng, điện thoại;
(4) Các bài giảng, tài liệu dưới dạng văn bản, hình ảnh, video được đưa lên nền tảng trực tuyến.
Điểm nổi bật của phương pháp dạy học trực tuyến đó là không gian lớp học không còn là không gian cố định truyền thống với một số lượng nhất định người học mà là không gian ảo mà ở đó giảng viên và người học tương tác với nhau một cách gián tiếp thông qua các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến. Như vậy, hoạt động dạy học nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào các phương tiện công nghệ, ngoài ra, người học lúc này cũng cần phát huy tối đa khả năng tự học, tự chủ trong quá trình học tập của mình.
3. Thực trạng khi ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học tại Học viện
3.1. Về phần mềm để triển khai nền tảng học trực tuyến.
Khi quyết định chuyển đổi phương pháp dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến, Học viện đã nhanh chóng lựa chọn sử dụng phần mềm Trans làm nền tảng công nghệ cho việc triển khai hoạt động dạy học trực tuyến. Đây là phần mềm sử dụng công nghệ điện toán đám mây, máy chủ sẽ được nhân bản khi số lượng người dùng tăng. Công cụ này cũng có khả năng tự sửa lỗi đường truyền, tự động hiệu chỉnh độ phân giải video phù hợp với tốc độ đường truyền của điểm cầu đó. Người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà chất lượng âm thanh rõ ràng, hình ảnh mượt bởi thuật toán xử lý nén và truyền dẫn tín hiệu tốt như hiện nay. Tiện ích của TranS bao gồm: Trình chiếu tài liệu, chat, chia sẻ file, ghi hình, bảng trắng… Đối với giảng viên, công cụ này giúp dễ dàng trong việc mang tới giao diện dạy học, tạo phòng học online, quản trị người học, điểm danh, đăng ký phát biểu và giám sát độ tập trung của người học. Có thể thấy, với các tính năng và tiện ích đi kèm, đáp ứng tốt các yêu cầu giảng dạy và học tập trực tuyến, do đó tỷ lệ giảng viên và người học đánh giá mức hài lòng và trên mức hài lòng việc ứng dụng Trans khá cao lần lượt đạt 74,2% và 68,6%. Tại Học viện, giảng viên được cung cấp tài khoản và password đăng nhập vào những học phần do mình đảm nhiệm. Người học được cung cấp mã ID để vào lớp học theo thời khóa biểu của mình. Việc truy cập đăng nhập vào các lớp học phần của giảng viên và người học đều được tiến hành trong vài thao tác đơn giản, đảm bảo sự thuận tiện và dễ tiếp cận cho người dùng. Ngoài ra, để triển khai thành công việc chuyển đổi phương pháp dạy học trực tuyến này, Học viện đã có những buổi tập huấn sử dụng phần mềm Trans cho toàn thể giảng viên trong Học viện, đảm bảo mọi giảng viên đều tiến hành hoạt động giảng dạy một cách thuận lợi trên nền tảng trực tuyến này.
Với nhóm 25,8% giảng viên và 31,4% người học chưa hài lòng về ứng dụng Trans trong hoạt động giảng dạy và học tập của mình đều cho rằng so với các phần mềm trực tuyến hiện nay, ứng dụng Trans còn khá hạn chế các tính năng trình bày bài giảng, ghi chú, phân nhóm. Ngoài ra việc khó cài đặt trên hệ điều hành IOS cũng gây khó khăn cho các giảng viên sử dụng thiết bị giảng dạy hệ điều hành IOS3.
3.2. Về thiết bị dạy học, đường truyền internet.
Với lớp học trực tuyến, giảng viên phần lớn sẽ sử dụng máy tính cá nhân làm công cụ dạy học bởi dễ dàng thuận tiện trong các hoạt động trình chiếu bài giảng, tương tác với người học, chia sẻ học liệu. Người học thì tùy vào điều kiện hoàn cảnh của bản thân có thể sử dụng các thiết bị điện tử khác nhau như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại smartphone… Qua việc khảo sát, điều tra về phương tiện học tập trực tuyến của người học tại Học viện cho thấy: có 82,5% người học Học viện sử dụng máy tính laptop làm phương tiện học tập, 12,5% sử dụng điện thoại smartphone, và 5% còn lại sử dụng máy tính bảng.
Việc dạy học trực tuyến không thể diễn ra nếu thiếu sự kết nối của hệ thống mạng Internet. Đây chính là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc chuyển đổi từ phương pháp dạy học trực tiếp sang phương pháp dạy học trực tuyến. Mặc dù hệ thống Wifi được phủ sóng toàn Học viện, nhưng nhiều lớp học trực tuyến diễn ra cùng một thời điểm, thời lượng buổi học kéo dài từ 2 đến 3 giờ khiến chất lượng đường truyền Internet không thể ổn định trong suốt buổi học. Chính vì vậy, có 33,2% giảng viên tham gia điều tra giảng dạy trực tuyến cho rằng rất thường xuyên và thường thường xuyên bị ảnh hưởng chất lượng đường truyền Internet; và 40,2% giảng viên cho rằng thỉnh thoảng bị ảnh hưởng bởi chất lượng đường truyền Internet. Để khắc phục tình trạng này, giảng viên có thể yêu cầu người học “tắt cam” – ngắt chia sẻ hình ảnh. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc bao quát quản lý lớp học, giảm khả năng tương tác giữa giảng viên và người học, khiến người học dễ lơ là mất tập trung trong quá trình học.
Ở phía người học tỷ lệ rất thường xuyên và thường thường xuyên bị ảnh hưởng chiếm 44,6%. Người học phần lớn các em thuê nhà trọ nên đường truyền Internet không ổn định khiến người học thường xuyên bị ngắt kết nối, phải đăng nhập lại vào lớp học cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học tập trực tuyến cũng như tâm lý của cả giảng viên và người học trong suốt buổi học4.
3.3. Về công cụ phần mềm, tài liệu tham khảo hỗ trợ dạy học trực tuyến.
Các công cụ phần mềm hỗ trợ hoạt động dạy học trực tuyến không chỉ gồm các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ hoạt động giảng dạy nhằm tăng thêm hứng thú cho người học, tăng tính tương tác giữa giảng viên và người học mà còn bao gồm các ứng dụng giúp quản lý lớp học, thiết kế giao bài tập, hỗ trợ hoạt động kiểm tra, đánh giá người học. Nhóm các phần mềm tăng tính tương tác trong lớp học thường được giảng viên của Học viện sử dụng có thể kể đến như Padlet, Google Jamboard, Nearpod. Nhóm các phần mềm thiết kế giao bài tập, hỗ trợ hoạt động kiểm tra đánh giá mà giảng viên của Học viện thường sử dụng là Liveworksheets; Wordwall; Quizizz … Ngoài ra, giảng viên thường sử dụng các ứng dụng như Google clas; Group Zalo, Group Facebook để quản lý lớp học trong suốt học phần. Tuy nhiên, thông qua điều tra ngẫu nhiên 45 giảng viên đã giảng dạy trực tuyến tại Học viện, chúng tôi thấy rằng mức độ sử dụng các công cụ hỗ trợ cho dạy học trực tuyến này chưa cao.
Tỷ lệ thường xuyên và rất thường xuyên sử dụng các công cụ hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy trực tuyến chỉ 27,8%, tỷ lệ thỉnh thoảng sử dụng là 26,5%, tỷ lệ hiếm khi sử dụng là 33,4%, và chưa bao bao giờ sử dụng là 12,3%5. Tại Học viện, tùy vào đặc thù mỗi học phần mà giảng viên có thể lựa chọn các công cụ phần mềm khác nhau nhằm hỗ trợ hoạt động dạy học trực tuyến của mình. Như vậy, có thể nói những ứng dụng này đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động dạy học trực tuyến, giúp giảng viên khắc phục được những nhược điểm của hoạt động giảng dạy trực tuyến, đồng thời tận dụng được lợi thế công nghệ, Internet của hoạt động giảng dạy này. Tuy nhiên, do đây chỉ là công cụ hỗ trợ hoạt động dạy học nên việc sử dụng còn mang tính tự phát, phụ thuộc vào đặc thù môn học, đối tượng người học, thời gian dạy học…. Hoạt động dạy học trực tuyến với yêu cầu cao ở khả năng tự học của người học khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu thiếu đi việc cung cấp nguồn học liệu, tài liệu tham khảo số thông qua thư viện số của Học viện. Mặc dù nhiều năm trở lại đây, Học viện đã chú trọng đến hoạt động số hóa sách, giáo trình, tài liệu tham khảo nhằm xây dựng thư viện số, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng và tham khảo tài liệu số. Với xu thế phát triển của phương thức dạy học trong tương lai, việc xây dựng thư viện số sẽ là một trong những yêu cầu bắt buộc góp phần tiến hành thành công hoạt động chuyển đổi số trong phương pháp dạy học tại Học viện.
3.4. Khó khăn về phía giảng viên.
Giảng viên Học viện đa phần đã quen với phương pháp dạy học trực tiếp với mô hình lớp học truyền thống, tập trung, tương tác trực tiếp vì vậy việc chuyển đổi sang phương pháp dạy học trực tuyến sẽ trở ngại lớn đối với họ. Giảng viên gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mô hình giảng dạy mới. Trong quá trình dạy học, giảng viên không những truyền đạt đầy đủ nội dung, kiến thức theo quy định trong chương trình học phần mà còn phải tạo được hứng thú cho người học. Điều này đòi hỏi giảng viên cần nghiên cứu về kỹ năng dạy học, phương pháp dạy học để áp dụng thành công trong quá trình dạy học. Để triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào phương pháp dạy học, đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần có kiến thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ; kỹ năng khai thác và sử dụng công cụ phần mềm hỗ trợ hoạt động dạy học, quản lý người học, soạn giáo án sao cho phù hợp với việc dạy học trực tuyến. Trên thực tế hiện nay, rất nhiều giảng viên khi bắt đầu giảng dạy trực tuyến mới biết đến các ứng dụng, phần mềm tương tác như: Padlet, Google Jamboard, Nearpod hay hỗ trợ thiết kế giao bài tập như Liveworksheets; Wordwall; Quizizz …vì vậy khi sử dụng các ứng dụng, phần mềm này nhiều giảng viên cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.
Giảng dạy trực tuyến với mô hình lớp học ảo, do đó sự tương tác trong lớp học gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là hoạt động làm việc nhóm, thảo luận trong lớp và hoạt động cộng tác khác khó tiến hành hoặc nếu tiến hành sẽ mất khá nhiều thời gian tổ chức, dẫn đến sự kết nối giữa người học ngày càng lỏng lẻo. Vì vậy, làm thế nào để tăng sự tương tác giữa giảng viên với người học, giữa các người học với nhau là điều không dễ khi dạy trực tuyến mà giảng viên cần khắc phục.
3.5. Khó khăn về phía người học.
Có thể thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp sang phương thức giảng dạy trực tuyến tại Học viện thời gian đầu người học ở vị thế bị động, chưa thực sự sẵn sàng tiếp nhận việc ứng dụng chuyển đổi này. Điều này gây khó khăn không nhỏ đến việc triển khai ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp giảng dạy tại Học viện. Đối với người học, một trong những thách thức lớn nhất của việc học trực tuyến là duy trì sự tập trung cao độ trong một thời gian dài vào nội dung bài giảng thể hiện trên màn hình máy tính, điện thoại. Khi học trực tuyến tại nhà, do hạn chế bởi các hoạt động tương tác trong quá trình tham gia vào bài học, người học càng dễ bị phân tâm bởi bối cảnh xung quanh, mạng xã hội hoặc các ứng dụng, trang web khác.
4. Giải pháp ứng dụng chuyển đối số vào phương pháp dạy học tại Học viện
Một là, đổi mới công tác quản lý chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người. Do vậy, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, giảng viên về lợi ích, tầm quan trọng và sự cần thiết của chuyển đổi số vào phương pháp dạy học, từ đó thúc đẩy họ tích cực tham gia, hợp tác xây dựng môi trường số hóa trong quá trình dạy học. Đồng thời, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin; kỹ năng, nghiệp vụ và phương pháp dạy học để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học.
Xây dựng và bảo đảm về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phương pháp dạy học bao gồm các yếu tố như: nền tảng dạy học trực tuyến, chất lượng đường truyền Internet, trang thiết bị máy tính, máy chiếu, máy thu hình….
Cần thúc đẩy phát triển đồng bộ hệ sinh thái số hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số trong phương pháp dạy học bao gồm học liệu số, thư viện số phục vụ dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học; hình thành kho học liệu số, học liệu mở, dễ tiếp cận, dùng chung toàn Học viện có liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học và học tập suốt đời.
Triển khai xây dựng số hoá bài giảng để tiến tới phát triển đa dạng các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của người học. Phối hợp với các tổ chức đã triển khai thành công hoạt động ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học nhằm tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ, giúp đẩy nhanh, mạnh quá trình chuyển đổi số trong phương pháp dạy học tại Học viện.
Hai là, đổi mới hoạt động sư phạm của giảng viên.
Với tư cách là chủ thể của hoạt động ứng dụng công nghệ vào phương pháp dạy học, giảng viên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai hiệu quả quá trình ứng dụng này. Để đảm bảo truyền đạt được nội dung, kiến thức như học trực tiếp thông qua hình thức giảng dạy trực tuyến, đòi hỏi mỗi giảng viên cần có kỹ năng công nghệ thông tin tốt. Do đó, giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác…
Việc giảng viên lựa chọn sử dụng được phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp với giảng dạy trực tuyến cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Giảng viên cần thiết kế bài giảng sinh động, sử dụng hình ảnh, hiệu ứng, video minh họa một cách phù hợp, kết hợp với giọng nói, khả năng truyền đạt để tăng cường thu hút người học. Bên cạnh đó, để duy trì sự tập trung và thu hút tham gia của người học, giảng viên cần có những kỹ năng mới để tổ chức quản lý hoạt động giảng dạy, tăng cường tương tác với người học thông qua các cửa sổ chat hoặc các phần mềm ứng dụng tương tác như Padlet, Google Jamboard, Nearpod… Ngoài ra, để hỗ trợ tốt nhất hoạt động tự học của người học, giảng viên cần kết hợp nhiều công cụ phần mềm hỗ trợ hoạt động, như: Live Worksheets; Wordwall; Quizizz trong việc thiết kế các bài tập, ôn tập.
Giảng viên cũng cần chủ động lựa chọn cách thức đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tế, có thể cho người học làm bài tiểu luận, vấn đáp hoặc bài viết tự luận, khuyến khích hoạt động làm việc nhóm, làm dự án nhằm phát huy tối đa sự chủ động trong hoạt động học tập của người học.
Việc ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học sẽ tạo ra nhiều mô hình lớp học, loại hình học tập, phương pháp học tập khác nhau. Đây sẽ là hướng đi mới của giáo dục trong tương lai, do đó giảng viên cần có thái độ tích cực trên tinh thần hỗ trợ người học, nhiệt tình, trách nhiệm giúp đỡ người học để các em hoàn thành tốt nhất việc học của mình.
Ba là, đổi mới hoạt động học tập của người học.
Người học không ngừng nâng cao nhận thức về lợi ích và xu thế tất yếu của việc ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học, xây dựng thái độ học tập tích cực, chủ động, xác định rõ động cơ và mục tiêu học tập để có kế hoạch học tập phù hợp.
Người học cũng cần trau dồi khả năng tự học, khả năng khai thác tìm kiếm thông tin, cũng như thành thạo trong kỹ năng sử dụng máy tính, xử lý kỹ thuật công nghệ, đáp ứng tốt cho việc học tập bằng phương pháp dạy học trực tuyến trên nền tảng chuyển đổi số.
Trong quá trình tham gia học trực tuyến cần đảm bảo không gian yên tĩnh, hạn chế ảnh hưởng của ngoại cảnh vào quá trình học và tâm lý học.
5. Kết luận
Quá trình chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số vào phương pháp dạy học ở Học viện nhằm hiểu rõ hơn về quá trình này. Bài viết đã nghiên cứu về thực trạng ứng dụng chuyển đổi số vào phương pháp dạy học tại Học viện, đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sự phát triển và vị thế của Học viện.
Chú thích:
1. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
2. Trần Công Phong & cộng sự (2019). Chuyển đổi số trong giáo dục. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam số 17, tr. 1 – 7.
3, 4, 5. Học viện Hành chính Quốc gia. Báo cáo số 357/BC-HCQG ngày 20/8/2023 về “Kết quả tổ chức lấy ý kiến phản hồi của giảng viên, sinh viên, học viên về các hoạt động của Học viện trong năm 2023”.
Tài liệu tham khảo:
1. Andersson, A.Grunlund. (2009). A Conceptual Framework for E-Learning in Developing Countries: A Critical Review of Research Challenges. The Electronic.
Journal of Information Systems in Developing Countries, 38 (1), p. 1 – 16.
2. Puri, D.G. (2012). Critical Success Factors In E-Learning – An Empirical Study. International Journal of Multidisciplinary Research, 2 (1), p. 149 – 161.
3. Học viện Hành chính Quốc gia. Báo cáo số 2629/BC-HCQG ngày 06/12/2022 về “Thống kê về cơ sở vật chất năm 2023”.
4. Học viện Hành chính Quốc gia. Quyết định số 1213/QĐ-HCQG ngày 20/4/2021 ban hành “Quy chế Quản lý lớp học thông qua hệ thống công nghệ thông tin của Học viện Hành chính Quốc gia”.
5. Nguyễn Thị Thu Vân ( 2020). Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Tạp chí Quản lý nhà nước số 309, tr. 8 – 16.
6. Trần Đình Mạnh (2021). Các nhân tố ảnh hường đến hiệu quả học trực tuyến: Nghiên cứu tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Tạp chí Công thương số 23, tr. 123 – 129.
7. Ngô Thị Lan Anh & Hoàng Minh Đức (2020). Đào tạo trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng. Tạp chí Công thương số 23.