Đại tá, PGS.TS. Phạm Thanh Giang
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Đình Thắng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình sĩ quan trẻ trong bối cảnh hiện nay không chỉ chịu tác động bởi các nhân tố khách quan, như: công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… mà còn bị ảnh hưởng bởi chất lượng sĩ quan trẻ và ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình sĩ quan trẻ. Những nhân tố đó tác động cả tích cực và tiêu cực đến mọi mặt đời sống gia đình sĩ quan trẻ. Vì vậy, việc nghiên cứu, luận giải những nhân tố tác động đến gia đình sĩ quan trẻ nhằm đề xuất các giải pháp xây dựng gia đình sĩ quan trẻ là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Từ khóa: Nhân tố, gia đình, sĩ quan trẻ.
1. Đặt vấn đề
Gia đình là tế bào của xã hội, là cội nguồn sức mạnh, thành trì quan trọng nhất của mỗi con người. Gia đình là “tổ ấm” thân yêu, “cái nôi” nuôi dưỡng cả cuộc đời con người. Gia đình như một “bảo tàng” lưu trữ, truyền đạt các giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hạnh phúc gia đình là tiền đề để hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội. Đánh giá vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”1.
2. Tác động từ quá trình đổi mới toàn diện đất nước
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Chính những thành tựu đó đã tạo môi trường hoà bình, ổn định để mọi gia đình có điều kiện, cơ hội phát triển, đồng thời là cơ sở để đầu tư chăm lo phát triển con người, phát triển gia đình sĩ quan trẻ quân đội.
Tuy nhiên, công cuộc đổi mới đất nước bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình sĩ quan trẻ. Dưới tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trước tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi, làm cho gia đình sĩ quan trẻ đang có sự chuyển đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại, gây ra những đảo lộn nhất định trong đời sống xã hội. Nhiều vấn đề về tâm lý, đạo đức, lối sống, nhất là hình thành lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân… chi phối mạnh mẽ đến vai trò và chức năng của gia đình sĩ quan trẻ quân đội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là sĩ quan trẻ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống đã ảnh hưởng tiêu cực đến các thiết chế giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình.
Ngoài ra, hoạt động xây dựng gia đình sĩ quan trẻ luôn được đặt trên nền tảng của văn hóa dân tộc nói chung, truyền thống của cộng đồng, dòng tộc nói riêng. Chính trên cơ sở này, truyền thống của dân tộc, quê hương, dòng tộc sẽ từng bước thẩm thấu, lan tỏa vào gia đình sĩ quan trẻ, từng bước xây dựng gia đình sĩ quan trẻ theo những chuẩn mực truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, quá trình này cũng luôn diễn ra sự biến đổi, thích ứng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi gia đình và điều kiện cuộc sống mới. Đặc biệt, truyền thống quân đội được biểu hiện tập trung ở phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” sẽ trực tiếp tác động sâu sắc đến quá trình hoàn thiện nhân cách người sĩ quan trẻ theo những chuẩn mực cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”. Mức độ thẩm thấu, chuyển hóa truyền thống của quân đội, của đơn vị đối với sĩ quan trẻ sẽ tác động trực tiếp đến thái độ, hành vi ứng xử cũng như thực hiện vai trò của mình trong gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó những tư tưởng, hủ tục, tập quán lạc hậu, cổ hủ ở một số dòng tộc, cộng đồng và địa phương được hình thành và tồn tại trong khoảng thời gian dài, thậm chí có thể tới hàng trăm, hàng nghìn năm nên có sự ăn sâu, bám rễ, ảnh hưởng vô cùng sâu sắc trong đời sống xã hội cũng như trong tâm hồn của mỗi cá nhân và gia đình sĩ quan trẻ, đặc biệt tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “bất bình đẳng giới” vẫn còn trong nhiều gia đình sĩ quan trẻ…
3. Tác động từ chủ trương xây dựng hậu phương quân đội và giá trị văn hóa gia đình Việt Nam
Cùng với quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn quan tâm đến công tác gia đình và xây dựng hậu phương quân đội. Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đối với công tác gia đình. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016 khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”3.
Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “…thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”4. Triển khai thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình quân nhân nói chung và gia đình sĩ quan trẻ nói riêng phù hợp với điều kiện hoạt động quân sự. Chính sự quan tâm này đã tạo điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi để gia đình sĩ quan trẻ ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, cơ cơ chế, chính sách, pháp luật xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và gia đình sĩ quan trẻ nói riêng hiện nay còn dàn trải, thiếu đồng bộ, có chính sách còn chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến hiệu quả còn thấp trong quá trình thực hiện. Nhiều chính sách bảo tồn giá trị truyền thống của gia đình và xây dựng gia đình văn hóa được ban hành nhưng thiếu tính tổng thể. Đặc biệt, còn thiếu các cơ chế, quy định tăng cường phân cấp, phân quyền và phối hợp và quy trách nhiệm đối với từng chủ thể trong tổ chức thực hiện, thiếu nguồn lực hoặc không bảo đảm kinh phí cho tổ chức thực hiện. Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng chưa có nhiều chính sách, giải pháp đặc thù nhằm xây dựng gia đình sĩ quan trẻ và xây dựng hậu phương quân đội trong điều kiện mới.
Hiện nay, chất lượng sĩ quan trẻ và ý thức, trách nhiệm của các thành viên gia đình sĩ quan trẻ là yếu tố chủ quan đặc biệt quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng gia đình sĩ quan trẻ. Phần lớn các thành viên trong gia đình sĩ quan trẻ có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, có trách nhiệm cao trong xây dựng gia đình tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng gia đình hạnh phúc, hiện đại. Đặc biệt, phần lớn sĩ quan trẻ có xuất thân từ nông thôn, là con em nông dân, họ đã được thẩm thấu và lưu giữ những nếp nghĩ, nếp sống, phong tục tập quán của làng quê trong đó có cả những phong tục, tập quán trong sinh hoạt gia đình, văn hoá gia đình truyền thống.
Cùng với sĩ quan trẻ là những người vợ sĩ quan trẻ cũng là người còn mang nhiều nét truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nên mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng đa số họ chín chắn với công việc gia đình, luôn đảm đang, gánh vác công việc gia đình thay chồng. Chính những yếu tố thuận lợi này đã và đang làm cho quá trình tiếp nhận, chuyển hoá, thẩm thấu và lan toả các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam ở các gia đình sĩ quan trẻ trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chất lượng của một bộ phận sĩ quan trẻ còn thấp, trách nhiệm các thành viên trong một số gia đình chưa cao. Tuy được đào tạo cơ bản nhưng phần lớn sĩ quan trẻ có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, sự hiểu biết về truyền thống và xã hội chưa sâu sắc lại ít được va chạm xã hội nên không tránh khỏi những khó khăn khi phải vừa đảm nhiệm chức trách, nhiệm vụ ở đơn vị, vừa phải gánh vác trọng trách công việc gia đình.
Ngoài ra, một số ít sĩ quan trẻ chưa chú trọng rèn luyện phẩm chất, năng lực, trình độ, lại tiếp thu thiếu chọn lọc lối sống tiêu cực của văn hoá tư sản phương Tây nên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát huy vai trò của họ trong xây dựng gia đình. Phần lớn vợ sĩ quan trẻ có tuổi đời còn trẻ, thành phần xuất thân, nghề nghiệp cũng như phẩm chất, trình độ, năng lực đa dạng, phức tạp, xu hướng chủ yếu là xây dựng gia đình hiện đại nên việc phát huy những giá trị gia đình truyền thống trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
4. Kết luận và khuyến nghị
Gia đình sĩ quan trẻ quân đội là một bộ phận gia đình quân nhân mang đầy đủ những đặc trưng của gia đình Việt Nam, đồng thời phản ánh những nét đặc thù bởi yêu cầu, nhiệm vụ, môi trường công tác của quân đội. Gia đình sĩ quan trẻ quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự trưởng thành, phát triển của người sĩ quan trẻ mà còn đối với việc xây dựng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, xây dựng hậu phương quân đội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, đòi hỏi cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải nghiên cứu, nắm rõ những nhân tố tác động đến gia đình sĩ quan trẻ Quân đội để đề xuất những giải pháp xây dựng gia đình sĩ quan trẻ tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Quá trình xây dựng gia đình sĩ quan trẻ luôn chịu sự tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải tích cực nghiên cứu, khai thác, phát huy những tác động tích cực và khắc phục những tác động tiêu cực của các nhân tố tác động đến gia đình sĩ quan trẻ nhằm đề xuất các giải pháp hiệu quả góp phần xây dựng gia đình sĩ quan trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 300.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 103 -104.
3. Văn phòng Trung ương Đảng (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 128.