Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay

ThS. Phan Hồng Vân
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò của công tác vận động giai cấp nông dân – lực lượng to lớn của dân tộc. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chủ trương nhất quán của Đảng ta, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, vận động, nông dân, nông nghiệp, nông dân.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của nông dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: “Nông dân lao động là lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ”1. Trong cuộc đấu tranh này, Hồ Chí Minh chính là người đã khơi dậy được lòng tự tôn dân tộc, tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường của nông dân Việt Nam. Qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, giai cấp nông dân đã luôn đồng hành cùng Đảng và dân tộc, tham gia sổi nổi các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiệt liệt hưởng ứng trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đến nông dân. Người luôn lo lắng và trăn trở đến cuộc sống của người nông dân. Thống kê từ năm 1955 – 1965, chỉ trong 10 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 700 chuyến đi xuống cơ sở. Chủ yếu các chuyến đi này với mục đích là để thăm bà con nông dân và tìm hiểu đời sống người nông dân ở các địa phương. Những tình cảm, sự quan tâm của Người với nông dân còn thể hiện trong nhiều bài viết, bài báo, bài nói chuyện về nông dân và những kinh nghiệm, kiến thức về nông nghiệp…

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam

Nhận thức rõ được vai trò to lớn của nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm và chú trọng đến công tác vận động nông dân Việt Nam. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam được khái quát trên những mặt sau:

(1) Về nội dung vận động nông dân

Theo Hồ Chí Minh: Vận động nhân dân là phải “Không để sót một người dân nào”. Nội dung vận động nông dân là: “Tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc”2. Cụ thể nội dung vận động nông dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm:

Thứ nhất, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đường lối của Đảng, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một chương trong tác phẩm Đường Kách mệnh của Người để viết về tổ chức của nông dân. Ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong “Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt” – Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã xác định rõ ràng ngay từ đầu vai trò trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân trong chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ, nhấn mạnh nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, có lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc. Người đánh giá rất cao vai trò của giai cấp nông dân, với tư cách là lực lượng cách mạng, là lực lượng có sức mạnh “long trời lở đất” nếu như được tổ chức lại dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản.

Thứ hai, tổ chức, phát huy vai trò của nông dân trong các phong trào cách mạng, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nông dân.

Khát vọng lớn nhất của nhân dân Việt Nam nói chung và nông dân là độc lập, tự do cho dân tộc. Nhận thức rõ vai trò của nông dân, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chủ trương vận động nông dân gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam đi theo cách mạng và sớm đi sâu vào các vùng nông thôn để vận động, tập hợp nông dân. Vì thế, nông dân đã tin tưởng theo Đảng làm nên thắng lợi của các phong trào cách mạng giai đoạn 1930 – 1931, 1936 – 1939, 1939 – 1945, trong đó, đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc tháng 11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh”3 cho độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”4. Song, “Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”5. Vì thế, Người lưu ý Đảng không được chỉ huy động sự đóng góp của nông dân mà còn phải lo cho nông dân, lo cơm ăn, áo mặc cho họ thì chưa đủ mà phải nâng cao dân trí cho họ, như thế họ mới được hưởng trọn vẹn thành quả của cách mạng. Sau khi giành được chính quyền, bước vào xây dựng chế độ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nông dân Việt Nam đã cùng toàn dân ta cùng một lúc chống 3 thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Trên cơ sở đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân đã có nhiều đóng góp quan trọng, to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nông dân cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Thứ ba, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự công bộc của nhân dân, nhất là vùng nông thôn.

Trong bài báo “Dân vận”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 15/10/1949, mở đầu tác phẩm, Người khẳng định “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”, “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”6. Theo Hồ Chí Minh chỉ rõ: “cán bộ nông dân phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ. Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, thôn. Cán bộ phải óc nghĩ, mắt trông, chân đi, tai nghe, miệng nói, tay làm để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp nông dân và học hỏi dân”7.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội; chú trọng chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân.

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác Hồ đã để cả một chương viết về tổ chức của nông dân, phân tích hết những nỗi tủi nhục, cực khổ của giai cấp nông dân và Người đã vạch ra lối thoát: “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”8. Để vận động, tập hợp nông dân tham gia hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đề ra nhiều tổ chức nông dân có nội dung hoạt động phù hợp với trình độ, hoàn cảnh của nông dân và đáp ứng yêu cầu của các mạng từng thời kỳ như: tổ chức Nông hội, Nông hội đỏ, Hội Nông dân Cứu quốc…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất sâu sắc về liên minh công – nông, nhấn mạnh liên minh quần chúng nông dân đông đảo với giai cấp công nhân là cơ sở chủ yếu để có thể lập ra một mặt trận dân tộc rộng rãi và vững chắc. Người chỉ rõ: “Thực hiện cho được liên minh công – nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. Chỉ có khối liên minh công – nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội”9.

(2) Về phương châm vận động nông dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh không đưa ra cụm từ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng nhiều bài nói, bài viết của Người thể hiện rất rõ điều đó:

Để dân biết, “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”10. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”11. Và theo Người, muốn tập hợp, phát huy sức mạnh của nông dân, cũng là muốn làm tốt được công tác vận động nông dân, vấn đề rất quan trọng là phải làm thế nào mà “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”12.

Dân bàn, nghĩa là trên cơ sở nông dân được biết, được hiểu thì nông dân phải có quyền tham gia bàn luận, đưa ra ý kiến của mình. Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương”13.

Dân làm, trên cơ sở nông dân được biết, được hiểu, được bàn bạc, khi họ đã nhất trí, để họ tự quyết tâm làm, có nghĩa là “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”14. Lúc này nhiệm vụ của cán bộ dân vận là phải động viên và tổ chức nông dân thực hiện, khuyến khích nông dân hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương.

Dân kiểm tra, cán bộ không được làm thay cho quần chúng mà phải động viên quần chúng kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”15 bởi đây mới là biểu hiện cao nhất của tinh thần “Dân chủ”, vì dân mà vận động. Dân không chỉ được “biết”, được “bàn”, được “làm” mà dân còn phải được “kiểm tra” mọi vấn đề, mọi công việc của đất nước.

(3) Về phương pháp vận động nông dân

Trong tác phẩm Dân vận được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z, Người đã thẳng thắn chỉ rõ: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”16.

Không chỉ dừng lại ở việc giải thích cho nông dân hiểu mà Hồ Chí Minh còn dùng những sự việc, sự kiện thực tế điển hình của giai cấp nông dân trên thế giới để vận động, tác động vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người nông dân Việt Nam. Người giới thiệu phong trào của nông dân trên thế giới: nhờ có Chính phủ Xô viết ra đời, “trong ngành đại học, các sinh viên nghèo và nhất là công nhân và nông dân được cấp học bổng và những ưu tiên khác”17.

Đặc biệt, trong công tác vận động nông dân, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phương pháp nêu gương. Người nhận định, các dân tộc phương Đông vốn giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Nêu gương là một trong những phương pháp vận động thiết thực, hữu hiệu và có sức lan tỏa. Để tập hợp được lực lượng, vận động được nông dân, được nông dân tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm công tác vận động phải là những tấm gương sống.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về vận động giai cấp nông dân là những chỉ dẫn quan trọng và là bài học kinh nghiệm quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975) cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay

Trong suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, nông dân Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong công tác dân vận, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác nông vận và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng trong bối cảnh xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di dân quy mô lớn”18.

Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn”19. Do vậy, vận động giai cấp nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tiếp tục quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay cần tập trung vào một số nội dung sau: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển sản xuất, tạo việc làm, giải quyết tình trạng dư thừa lao động, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân. (2) Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác và hợp tác xã ở nông thôn. (3) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của chính quyền trong công tác vận động giai cấp nông dân. (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác vận động giai cấp nông dân hiện nay. (5) Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác vận động giai cấp nông dân. (6) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết việc thực hiện công tác vận động giai cấp nông dân.

4. Kết luận

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được Đảng ta quán triệt, vận dụng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân đã trở thành một trong những định hướng quan trọng để Đảng ta xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong đó có vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Sự quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay đã chứng tỏ tầm nhìn vĩ đại của Đảng, góp phần hiện thực hóa thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:
1, 5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 42, 42.
2, 3, 6, 7, 8, 11, 14, 16, 17. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 248, 248, 232, 249, 233, 233, 233, 232-233.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 56.
9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 339.
10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 391.
12, 13, 15. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 286, 345, 334.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.166-167.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.