Trung tá Nguyễn Khánh Trọng
Bộ Công an
(Quanlynhanuoc.vn) – Thị trường bất động sản bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn những tác động tiêu cực đến nền kinh tế – xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình hình trên là do nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quần chúng nhân dân… còn chưa đầy đủ. Bài viết nghiên cứu thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội và đề xuất giải pháp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần ổn định thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Từ khóa: Thị trường bất động sản, thành phố Hà Nội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
1. Pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản có những nội dung mới
Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực hơn khi Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 được thông qua. Chính phủ cũng đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường như chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, các gói tín dụng hỗ trợ các ngành cũng được triển khai, trong đó có lĩnh vực bất động sản như việc miễn giảm, gia hạn thuế… tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành một số văn bản chỉ đạo đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, điển hình, như: Văn bản số 2253/UBND-ĐT ngày 20/7/2023 của UBND Thành phố Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Văn bản số 2975/UBND-ĐT ngày 15/9/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt, chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 03/10/2022. Trên cơ sở Chương trình phát triển nhà ở, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt các kế hoạch, cụ thể: Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 23/02/2023; Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 4962/QĐ-UBND ngày 09/12/2022; Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 5603/QĐ-UBND ngày 19/12/2022.
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 với những cơ chế đặc thù, vượt trội áp dụng cho Thủ đô; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững.
2. Tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn Thủ đô thời gian qua
(1) Giá nhà chung cư liên tục tăng tại các quận nội thành và tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, giá cho thuê căn hộ cũ và mới các khu dân cư vẫn không ngừng tăng. Giao dịch mua bán căn hộ chung cư diễn ra sôi động, giá một căn nhà chung cư tại nội thành tăng 77%, tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Nguyên nhân giá chung cư tiếp tục tăng là do: nguồn cung khan hiếm mà nhu cầu lớn; một số chủ đầu tư có nguồn cung thì hầu hết là chủ đầu tư lớn, không khó khăn về tài chính nên bán ở mức cao để tối đa lợi nhuận; giá vật liệu xây dựng tăng; lạm phát, quỹ đất trung tâm ngày càng khan hiếm… đã đẩy giá chung cư tăng quá cao, tác động tiêu cực tới an sinh xã hội.
(2) Việc chi trả trái phiếu doanh nghiệp đã và đang gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc trả lãi, hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp bất động sản đang chuyển dịch theo hướng thu gọn để cân bằng thông qua tái cơ cấu nợ và cân bằng dòng tiền. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp, đã phát sinh tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, tụ tập đông người… đòi hỏi Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
(3) Trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục phát sinh các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quỹ bào trì, tranh chấp phần diện tích sử dụng chung, riêng, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình bầu ban quản trị các tòa nhà chung cư… Từ những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện chưa được giải quyết, dẫn đến một số hoạt động gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Những tranh chấp, khiếu kiện chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, cư dân đa phần là thành phần trí thức, thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế khi phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, Ban quản trị, cư dân không gửi đơn ra Tòa án mà tổ chức các hoạt động khiếu kiện tập thể, tụ tập đông người, treo băng rôn, khẩu hiệu… với mục đích tạo sự chú ý, gây áp lực chủ đầu tư và cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết.
(4) Việc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức với giá cao bất thường được dư luận chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an; UBND thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các nội dung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, trong đó cần làm rõ nguyên nhân, định hướng hoàn thiện pháp lý để tránh xảy ra tình trạng tương tự.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyền tuyền, phổ biến pháp luật
Thời gian tới, để góp phần ổn định thị trường bất động sản, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả với một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền phổ biến cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản về Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt là Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; thực hiện Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023 về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản; Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Hai là, tiếp tục tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý sai phạm từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phát hiện kịp thời các vi phạm của chủ đầu tư trong khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao đất, thẩm định và phê duyệt thiết kế, giám sát quá trình thi công công trình và nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, gắn trách nhiệm pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước ở cơ sở; đặc biệt rà soát các dự án phát triển nhà thương mại chậm tiến độ, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không có khả năng triển khai dự án, hoặc vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản để kịp thời đề xuất hướng xử lý; hướng dẫn các chủ đầu tư dự án có sai phạm hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng, nghĩa vụ tài chính… để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án.
Ba là, kiến nghị chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật về lĩnh vực bất động sản, cụ thể: xây dựng Kế hoạch hằng năm về tập huấn, tổ chức tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản cho cán bộ làm công tác quản lý, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các dự án (từ người dân cho đến cán bộ làm công tác quản lý); biên tập Sổ tay tài liệu các quy định của pháp luật, nghị định, thông tư, quyết định về kinh doanh bất động sản gửi đến các cơ quan, đơn vị, các phường, cấp ủy… làm căn cứ để tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định, các kỹ năng, giải đáp, thống nhất các biện pháp giải quyết đơn thư, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý lĩnh vực bất động sản.
4. Kết luận
Tóm lại, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, với sự phát triển nóng của kinh tế, xã hội ở các thành phố lớn như Hà Nội thì thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu ổn định. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân hiểu biết, là nhân tố góp phần xây dựng thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đây thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
2. UBND thành phố Hà Nội (2023). Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
3. Làm rõ những bất thường trong đấu giá đất. Https://baochinhphu.vn/lam-ro-nhung-bat-thuong-trong-đau-gia-dat-102240824111815019.htm