Vận dụng phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn)  Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân tài, quan tâm thu hút và trọng dụng nhân tài cho đất nước. Với một hệ thống phương pháp cách mạng đa dạng, độc đáo và đặc sắc, Người đã quy tụ được nhiều bậc hiền tài cho sự nghiệp cách mạng và được xem là tấm gương mẫu mực về thu hút, trọng dụng nhân tài. Bài viết nghiên cứu phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài và cách thức vận dụng phương pháp này trong thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: Phương pháp cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh; thu hút; trọng dụng; nhân tài; vận dụng.

1. Đặt vấn đề

Phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn bộ hệ thống cách thức, biện pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được vận dụng, thực hiện trong cách mạng Việt Nam, nhằm đấu tranh để giành, giữ vững chính quyền và xây dựng chế độ mới1. Bản chất phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp cách mạng vô sản, dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quý báu của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Vì vậy, phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh rất đa dạng, độc đáo và đặc sắc, trong đó, phương pháp thu hút, trọng dụng nhân tài của Người được xem là mẫu mực, là khoa học và nghệ thuật. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức đang đặt các quốc gia trong sự cạnh tranh gay gắt về thu hút nhân tài. Một đất nước không có nhân tài sẽ không thể giữ vững độc lập dân tộc, không thể phát triển kinh tế và do đó, không thể ổn định chính trị – xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta hiện nay rất cần thiết và cấp bách để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh trong thu hút, trọng dụng nhân tài

2.1. Phương pháp tìm kiếm, thu hút nhân tài

Kế thừa và phát huy truyền thống trọng hiền tài của dân tộc, để xây dựng chế độ mới, Chủ tịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Kiến thiết cần phải có nhân tài”2. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), trong bối cảnh vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã chủ trương “tìm người tài đức”, “có thể làm được những việc ích nước lợi dân”3. Dựa trên hệ quy chiếu ấy, Người đã sớm thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để tìm kiếm, lựa chọn nhân tài đảm đương trọng trách trong Chính phủ mới. Cụ thể:  

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm kiếm nhân tài từ trong quần chúng nhân dân. Thông qua việc đăng tải liên tiếp nhiều bài viết trên báo Cứu quốc, Người đã mời gọi nhân tài trong nhân dân: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”4. Bởi theo Người “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít, người ngoài đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu, đoàn kết với nhau mới đưa cách mạng đến thắng lợi. Do vậy, trong dân chúng có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng”5. Người tìm kiếm nhân tài không câu nệ thành phần xuất thân miễn là “có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”6. Phương pháp đơn giản nhưng đầy sáng tạo đó thể hiện tinh thần trọng dân, tin tưởng vào sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, tăng cường khối đoàn kết gắn bó trong Nhân dân. 

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm kiếm nhân tài bằng phương pháp tiến cử và tự tiến cử. Để người tài được tiến cử, Người đã chỉ thị cho các địa phương lập tức điều tra nơi nào có người tài đức “phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”7. Phương pháp này nhằm phát huy trách nhiệm tìm kiếm, phát hiện và tiến cử nhân tài của người lãnh đạo nhất là người đứng đầu. Đồng thời, Người cũng khuyến khích các bậc tài đức tự tiến cử để cùng Chính phủ gánh vác nhiệm vụ cách mạng: “Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ”8. Phương pháp tự tiến cử đã thể hiện sâu sắc tinh thần dân chủ của chế độ mới, đã khích lệ tính tích cực, lòng nhiệt tình, hăng hái của nhân tài ra sức cống hiến tài năng cho đất nước. 

Thứ ba, với trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết thư, gặp gỡ, thuyết phục nhân tài. Người đã nhiều lần viết tâm thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng – một chí sĩ yêu nước thương dân – ra giúp việc nước với lời lẽ đầy lòng tôn kính: “Cụ là bậc chiến sĩ đại tài của dân tộc. Tôi là người cộng sản, nhưng cộng sản trước hết là người yêu nước, xin Cụ ở lại để ghé vai gánh vác việc nước”9.Cảm động trước tấm lòng chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt qua những khác biệt về quan điểm chính trị, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời mời tham gia Chính phủ mới. Trong chuyến sang Pháp năm 1946, Người đã trực tiếp gặp gỡ, mời gọi những trí thức Tây học có lòng yêu nước và tinh thần nhiệt tình cách mạng về nước phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Cảm động trước tấm lòng vì dân, vì nước của Người, nhiều bậc hiền tài đã từ bỏ cuộc sống giàu sang về nước, vui vẻ chấp nhận cuộc sống khó khăn, gian khổ để dâng hiến tài năng cho Tổ quốc. 

Có thể thấy, với tầm nhìn xa trông rộng, tinh thần “cầu hiền” chân thành, tha thiết, bằng nhiều phương pháp khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được rất nhiều bậc hiền tài cho sự nghiệp cách mạng. Mặc dù khác nhau về thành phần xuất thân, song họ đều là những bậc ái quốc, ái dân, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân để cống hiến cho quyền lợi dân tộc. 

2.2. Phương pháp trọng dụng nhân tài 

Để nhân tài cống hiến lâu dài cho sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã thực hành nhiều phương pháp trọng dụng nhân tài vừa khoa học, vừa nghệ thuật. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài phù hợp với tài năng, sở trường của họ: “ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”10. Phương pháp tùy tài mà dùng người, tùy tài mà giao việc đã phát huy được tài năng, sự đam mê, sở trường của nhân tài và là chìa khóa quyết định mọi sự thành công. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù Nguyễn Bình chưa kết nạp Đảng, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tài năng và đức độ của ông, giao cho ông trọng trách rất nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang: chỉ huy bộ đội Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Khi được đặt đúng vị trí, Nguyễn Bình đã phát huy tài năng và bản lĩnh của mình, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Người giao phó. 

Người trọng dụng nhân tài với sự tin tưởng tuyệt đối và khuyến khích họ mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ. Người chỉ rõ: “Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát triển tài năng của họ”11. Trước khi đi Pháp năm 1946, trong Chính phủ mới có nhiều người là đảng viên Đảng Cộng sản, song với lòng tin khoa học vào nhân tài, Bác đã ký Sắc lệnh số 82/SL ngày 29/5/1946 trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời nhắn nhủ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”12. Không phụ lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã giải quyết được các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của đất nước trong lúc hiểm nghèo. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã đặt trọn niềm tin và giao toàn quyền chỉ huy chiến dịch cho vị Đại tướng tài ba Võ Nguyên Giáp. Ngày 05/01/1954, khi tiễn Đại tướng lên đường ra Mặt trận, Bác đã dặn dò thân mật: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”13. Nhờ vậy, tài năng, bản lĩnh và sự quyết đoán của vị Đại tướng được phát huy cao độ, đã chỉ huy quân và dân cả nước lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Có thể thấy, những nhân tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, đặt lòng tin đã phát huy được tài năng của mình và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng. 

Không chỉ tùy tài mà dùng người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tùy tài mà bổ nhiệm cán bộ. Người cất nhắc nhân tài không gò bó, cứng nhắc theo một quy trình thủ tục hành chính thông thường mà rất linh hoạt. Ngày 20/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110-SL phong hàm đại tướng cho Võ Nguyên Giáp14. Với quyết định này, Võ Nguyên Giáp từ chỉ huy du kích được phong thẳng lên đại tướng, không qua cấp bậc nào và ông trở thành vị đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 37. Trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Người đã nói: “Đánh thắng đại tá thì phong đại tá. Đánh thắng thiếu tướng, phong thiếu tướng. Đánh thắng trung tướng, phong trung tướng. Thắng đại tướng, phong đại tướng”15. Có thể thấy, phương pháp cất nhắc nhân tài của Người rất công tâm, khách quan, dựa vào tài năng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của họ để bổ nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng hiền tài gắn liền với chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần. Mặc dù, đất nước còn khó khăn, song Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến điều kiện sinh sống của nhân tài: “Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình”16. Bởi chỉ khi các vấn đề liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của nhân tài và gia đình họ được bảo đảm thì họ mới an tâm cống hiến. Cùng với đó, Người tôn vinh công lao, đóng góp của nhân tài một cách khách quan, kịp thời với phương châm: “Họ có nết tốt dù nhỏ cũng phải ghi, họ có công trạng dù nhỏ cũng thưởng, thì ai cũng cố gắng”17. Đãi ngộ và tôn vinh đúng người, đúng việc đã trở thành nguồn động viên tinh thần to lớn để nhân tài vượt qua những khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao phó. 

Như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống phương pháp thu hút, trọng dụng nhân tài độc đáo, dựa trên giá trị cốt lõi là luôn đặt quyền lợi của dân tộc lên hàng đầu làm điểm quy tụ nhân tài. Nhờ đó, các bậc hiền tài được Người trọng dụng đều có cơ hội cống hiến tài năng của mình cho Tổ quốc. Ngày nay, tên tuổi, công lao của các vị ấy vẫn được Nhân dân ta khắc ghi và tưởng nhớ.

3. Thực trạng thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta hiện nay

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Quan điểm về thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, nhất là từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay và thể hiện tập trung ở nhiều Nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2024 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới… Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”18. Để phát triển đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đề ra một trong ba đột phá là: “Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”19. Gần đây nhất, trong Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2024, Đảng nhấn mạnh “Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng, trọng dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc…”. Những quan điểm trên thể hiện sự nhận thức sâu sắc, quyết tâm chính trị to lớn của Đảng ta trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước. 

Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về thu hút và trọng dụng nhân tài. Điều này được thể hiện trong các luật như: Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010; Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức năm 2019; Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang; Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ về thu hút cá nhân hoạt động khoa học – công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học – công nghệ tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Có thể coi đây là chiến lược đầu tiên và toàn diện nhất về thu hút, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam trong giai đoạn mới với nhiều giải pháp mang tính đột phá. 

Trên cơ sở các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã căn cứ tình hình thực tiễn để triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo Báo cáo số 5392/BC-BNV ngày 14/11/2022 của Bộ Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (khóa XV) đến năm 2022, có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại 24 bộ và địa phương, trong đó có 2.903 người hiện nay vẫn đang công tác (chiếm 92,8%)20

Tại Hà Nội, trong giai đoạn 2013 – 2022, đã có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc, trong đó có 43 công chức, 12 viên chức21. Tại TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014 – 2018, “số lượng chuyên gia đã thu hút được là 17 trường hợp, trong đó có 3 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài và đặc biệt có 8/17 trường hợp là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài”22. Các chuyên gia, nhà khoa học được thu hút đa phần đều có trình độ chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ. “Tỷ lệ nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt 98,8%, tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 (38,4%)”23. Trong giai đoạn 2019 – 2022, “Thành phố đã tuyển chọn 5 chuyên gia về công tác tại khu công nghệ cao”24. Đầu năm 2024, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh đã “tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”25. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đã bước đầu giúp các địa phương thu hút được người có trình độ cao, các chuyên gia, nhà khoa học, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có tài năng đặc biệt về làm việc, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho một số ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, tạo động lực mới cho sự phát triển của địa phương, đất nước. 

Tuy nhiên, việc thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Việc thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ được triển khai thực hiện “từ năm 2018 đến nay mới thu hút được 258 người, chưa đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2020 tuyển 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ theo Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/11/2014 của Bộ Chính trị”26. Một vài năm gần đây, “làn sóng” cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ở khu vực công đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực này. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính từ ngày 01/01/2020 đến 30/6/2022, “số lượng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc là 39.552 người, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục và y tế”27. “Trong đó, số lượng công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 25.507 người, chiếm tỷ lệ 64,49%”28. Kết quả báo cáo đánh giá khả năng cạnh tranh nhân lực năm 2023 cũng cho thấy, “Việt Nam xếp thứ 75/134 nước về Chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCT), xếp ở nhóm giữa toàn cầu về thu hút nhân tài”29

Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên, trước hết xuất phát từ “Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc”30; “thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức”31. “Trọng dụng nhân tài chưa thực sự phù hợp, chưa đảm bảo phân công đúng người, đúng việc”32. Chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh với khu vực tư nhân. Môi trường làm việc vẫn còn tồn tại cách quản lý hành chính quan liêu, chưa thực sự đề cao sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động… Vì vậy, thời gian tới, cần phải thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để thu hút và trọng dụng nhân tài. 

4. Một số giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta hiện nay

Vận dụng phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thu hút, trọng dụng nhân tài, hiện nay, Đảng và Nhà nước cần quan tâm thực hiện các giải pháp cơ bản sau: 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội về vị trí, vai trò của nhân tài, tầm quan trọng, tính cấp bách và nội dung chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút và trọng dụng nhân tài. Muốn vậy, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông chính sách, bởi thực hiện tốt công tác này giúp quảng bá chính sách rộng rãi, tăng cường sự hiểu biết và khả năng tiếp cận chính sách của xã hội, đặc biệt là các viện nghiên cứu, các hiệp hội, các trường đại học, lực lượng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Nội dung truyền thông chính sách cần đầy đủ thông tin, được cập nhật thường xuyên, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Đặc biệt phải khơi dậy được “tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc để khuyến khích nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, trở về nước làm việc, cống hiến”33

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập cá nhân… để tạo sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện. Căn cứ vào quy định pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong đó, cần xây dựng cơ chế thực hiện linh hoạt, mềm dẻo theo hướng nhanh gọn, đơn giản, thuận tiện, khắc phục tình trạng “hành chính hóa” – yếu tố đã và đang cản trở sức hấp dẫn của chính sách. Bởi việc thu hút nhân tài, nhất là nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ mới thường khó khăn. Mặt khác, tài năng của họ đã được thừa nhận và khẳng định trong nước hoặc trên thế giới. Vì vậy, việc thiết kế và thực hiện chính sách thu hút cần có những “biệt đãi” với đối tượng này, không thể theo quy trình tuyển dụng công chức, viên chức thông thường, nặng về sát hạch, thi cử, kiểm tra năng lực. 

Thứ ba, chính sách tiền lương đối với nhân tài không nên cố định mà chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận giữa cơ quan đơn vị thu hút và nhân tài, đồng thời được điều chỉnh linh hoạt theo sự vận động của thị trường. Về cơ bản, mức lương phải thể hiện được tinh thần “trọng dụng”, tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm, sự cống hiến, đóng góp của nhân tài để họ toàn tâm cống hiến tài năng, tâm huyết của mình cho địa phương, đất nước. Cùng với đó, cần phải quan tâm đến những chế độ đãi ngộ khác như phúc lợi xã hội, phương tiện đi lại, thủ tục xuất, nhập cảnh, nhà ở… để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài và gia đình sinh sống. 

Cần thực hiện chính sách khen thưởng, tôn vinh kịp thời, công bằng đối với những đóng góp của nhân tài thông qua việc “Tổ chức các Chương trình tôn vinh nhân tài Việt Nam hằng năm trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và trong phạm vi quốc gia”34. Sự tôn vinh này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước đối với những đóng góp, cống hiến của nhân tài vào sự phát triển. Đó là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với nhân tài mà đôi khi không của cải vật chất nào sánh được. 

Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, với đầy đủ các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của nhân tài. Đồng thời, cần kiến tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở, thân thiện, tin tưởng và trao quyền chủ động cho nhân tài để họ có không gian sáng tạo. Mỗi cơ quan, đơn vị trong khu vực công cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở, văn hóa trọng hiền tài, đề cao sự năng động, tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động, góp phần cải thiện hình ảnh, xây dựng “thương hiệu tuyển dụng” cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 

Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu, trong tiến cử, thu hút và trọng dụng nhân tài. Chính sách dù tốt đến đâu, chế độ đãi ngộ dù cao thế nào nhưng nếu thiếu sự quan tâm của người lãnh đạo, quản lý thì chưa đủ sức giữ chân nhân tài làm việc lâu dài. Do đó, rất cần lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo, quản lý có tài trong việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài; phải có cách “lãnh đạo khéo” bởi: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ35. Đồng thời, người lãnh đạo phải có tâm trong sáng, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, luôn quan tâm, chăm lo, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân tài, biết tạo điều kiện để nhân tài tập trung sức lực, trí tuệ vào việc nghiên cứu, phát minh. Việc tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài cần trở thành một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. 

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”36. Cần xử lý nghiêm minh tình trạng lợi dụng chính sách để “cài cắm” người nhà vào các vị trí làm việc, không để các hiện tượng tiêu cực, những “căn bệnh” nguy hiểm như: bệnh kiêu ngạo, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh hẹp hòi, “thói một người làm quan cả họ được nhờ”… thành trở lực làm thui chột tài năng, bào mòn nhiệt huyết của nhân tài. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị nhằm “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ”37.

Thứ bảy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu xây dựng mạng lưới kết nối nhân tài trong và ngoài nước nhằm cung cấp một “địa chỉ” thích hợp làm nơi hội tụ nhân tài, là cầu nối để tăng cường giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin, ý tưởng giữa các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt (nguồn cung) với các cơ quan hành chính, viện nghiên cứu, trường đại học…(bên cầu). Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kết nối với các trường đại học, các viện nghiên cứu để tiếp cận nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội… trong việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài.

5. Kết luận

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã khẳng định tầm quan trọng, giá trị lý luận và thực tiễn của phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thu hút, trọng dụng nhân tài. Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, yêu cầu cấp bách đối với nước ta hiện nay là cần phải thu hút, trọng dụng nhân tài trên mọi lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn sẽ góp phần sớm đưa nước ta trở thành một trong những nơi quy tụ nhân tài trong nước và quốc tế.

Chú thích:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị. H. NXB. Lý luận chính trị, tr. 206.
2, 3, 4, 6, 7, 8, 10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 504, 504, 43, 504, 114, 114.
5, 11, 16, 17, 35, 36. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 315-316, 320, 315, 701, 320, 134.
9. Phạm Văn Tản (2005). Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức và trọng dụng nhân tài. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 3.
12. Trần Thị Minh Tuyết (2022). Hồ Chí Minh với việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng và các bài học kinh nghiệm. Tạp chí Lý luận chính trị, số 530 (4/2022). 
13. Ngô Vương Anh (2024). Võ Nguyên Giáp – người được lịch sử lựa chọn và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao toàn quyền. https://thanhnien.vn/vo-nguyen-giap-nguoi-duoc-lich-su-chon-va-ho-chi-minh-trao-toan-quyen-18524042712462215.htm
14, 15. Vũ Trung Kiên (2021). Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốc, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/vo-nguyen-giap-vi-nhan-tuong-tan-trung-bao-quoc-1491882880
18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 115.
19.  Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3735
20. Hoàng Mai (2024). Thu hút, trọng dụng nhân lực trẻ tài năng trong khu vực công. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công”, Học viện Hành chính Quốc gia, tháng 7/2024, tr. 85.
21. Hà Nội: Ưu đãi, thu hút nhân tài còn hạn chế, vì sao?. https://tienphong.vn/ha-noi-uu-dai-thu-hut-nhan-tai-con-han-che-vi-sao-post1566819.tpo
22, 23, 24. Sở Khoa học và Công nghệ (2022). Định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút chuyên gia, nhà khoa học cho Thành phố. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới, Sở Nội vụ và Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, tr. 20.
25. TP. Hồ Chí Minh tuyển được 3 viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc sau 5 năm. https://thanhnien.vn/tphcm-tuyen-duoc-3-vien-chuc-tu-nguon-sinh-vien-xuat-sac-sau-5-nam-185240118104002108.htm?utm_source=dable
26. Để hệ thống chính trị thu hút được nhân tài – Bài 1: Chật vật thu hút người tài. https://www.sggp.org.vn/de-he-thong-chinh-tri-thu-hut-duoc-nhan-tai-bai-1-chat-vat-hut-nguoi-tai-post689679.html
27, 28. Hoàn thiện chính sách tiền lương mới, thực hiện tăng lương để khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/hoan-thien-chinh-sach-tien-luong-moi-thuc-hien-tang-luong-de-khac-phuc-tinh-trang-cong-chuc-vien-chuc-thoi-viec-nghi-viec-119231010150225817.htm
29. Thụy Sĩ, Singapore dẫn đầu thế giới về thu hút nhân tài. https://thesaigontimes.vn/thuy-si-singapore-dan-dau-the-gioi-ve-thu-hut-nhan-tai/
30, 31. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) (2023). Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-45-nqtw-ngay-24112023-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9941
32. Lãng phí người tài: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu!. https://thanhnien.vn/lang-phi-nguoi-tai-du-hoc-thac-si-ve-lam-nhap-lieu-185861044.htm
33, 34. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
37. Bộ Chính trị (2021). Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.