ThS. Phạm Thị Kim Cương
Học viện Dân tộc
TS. Phạm Thị Quỳnh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – An ninh con người là một khái niệm tổng hợp, trừu tượng và rộng lớn mang những đặc trưng, sắc thái quốc gia, văn hóa riêng. Ở Việt Nam, an ninh con người được đề cập trong khoảng vài thập kỷ gần đây và chủ yếu thảo luận về lý thuyết; việc vận dụng vào các đối tượng, trường hợp cụ thể còn có những hạn chế. Nội dung bài viết bàn về an ninh con người; bảo đảm an ninh con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua việc phân tích các rủi ro mà người dân đang gặp phải nhằm góp thêm ý kiến cho việc vận dụng lý thuyết an ninh con người trong nghiên cứu nhiều đối tượng khác nhau. Cùng với đó, bài viết cũng hướng đến thảo luận về việc làm sao để bảo đảm an ninh con người trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước.
Từ khóa: An ninh con người; vùng dân tộc thiểu số; an ninh phi truyền thống; sinh kế bền vững.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh xâm lược diễn ra liên tục, quan điểm coi vấn đề an ninh quốc gia là trọng tâm, là tất yếu. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XX, với những biến chuyển biến tích cực từ sự phát triển của kinh tế – xã hội, chính trị ngày càng ổn định, vấn đề an ninh cũng cần được xem xét ở cả khía cạnh lý thuyết và thực tiễn. Đặc biệt, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu sắc đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm đối với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề an ninh. Từ an ninh quốc gia, nhiều vấn đề khác được quan tâm, như: an ninh cộng đồng, an ninh văn hóa, an ninh môi trường, an ninh con người, đặc biệt an ninh con người vùng dân tộc thiểu số.
Phát triển vùng dân tộc thiểu số ở miền núi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bởi, đây là vùng địa – chính trị quan trọng cũng là khu vực còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển. Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 đã nhấn mạnh vấn đề công tác dân tộc là: “Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiếp kịp dân tộc Kinh, giúp đỡ các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình cùng nhau đoàn kết chặt chẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”1. Từ đó, hàng loạt các chính sách phát triển miền núi được Đảng và Nhà nước thông qua. Kết quả là vùng dân tộc thiểu số và miền núi không ngừng được phát triển, đời sống người dân được nâng cao, tình hình chính trị, xã hội và văn hóa ngày càng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, con người vùng dân tộc thiểu số ở miền núi vẫn còn chưa được bảo đảm các điều kiện cơ bản để phát triển so với các vùng khác trong cả nước.
Vấn đề cấp thiết đặt ra là, trên cơ sở lý luận về an ninh lấy con người để xem xét vấn đề an ninh con người ở vùng dân tộc thiểu số sẽ như thế nào? Và làm sao để bảo đảm được vấn đề an ninh con người ở vùng dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế bền vững? Dựa trên các dữ liệu thu thập ở một số dân tộc thiểu số, nội dung bài viết muốn bàn luận thêm về hai vấn đề quan trọng vừa đặt ra trên đây.
2. Lý luận về an ninh con người
An ninh là một thuật ngữ quan trọng của nhiều lĩnh vực nghiên cứu, từ lĩnh vực quân sự, chính trị, quan hệ quốc tế, gần đây lan tỏa sang các lĩnh vực khác, như: nhân học, xã hội học, tâm lý học, khoa học môi trường, khoa học phát triển… Hiểu theo cách phổ biến nhất từ cách tiếp cận của các lĩnh vực quân sự, chính trị hay quan hệ quốc tế: “An ninh, hiểu theo một nghĩa đơn giản nhất, là khả năng giữ vững sự an toàn trước các mối đe dọa. Tuy nhiên, an ninh không phải là một khái niệm tĩnh mà là một khái niệm động và trải qua nhiều thay đổi về cách hiểu, cũng như cách tiếp cận. Từ một ý niệm truyền thống xoay quanh các chủ đề quân sự, chiến tranh và bạo lực, khái niệm an ninh với những kết nối mới đã mở ra những chiều kích xuất phát từ nhiều lãnh vực khác nhau. Từ góc nhìn ban đầu tập trung vào Nhà nước (với vai trò vừa là chủ thể, vừa là cấp độ phân tích) các học giả đang nói về những “hình thái an ninh” mới, với sự thay đổi về chủ thể lẫn khách thể, cũng như phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của những tác nhân mới này”2. Trong cách hiểu truyền thống này, an ninh đặt trọng tâm vào đối tượng là quốc gia và vấn đề được quan tâm là quân sự, bạo lực, các mối đe dọa về vũ trang: “an ninh được hiểu như khả năng của một quốc gia có thể ngăn chặn được các cuộc xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài”3.
Cách hiểu về khái niệm an ninh trong thế kỷ XX (nói chính xác là đến trước khi kết thúc chiến tranh lạnh) được coi là lý thuyết an ninh truyền thống. Khi tình hình chính trị, xã hội trên thế giới ngày càng thay đổi, lý thuyết an ninh cũng có nhiều thay đổi. Sự xung đột vũ trang giảm đi; thay vào đó là những mối đe dọa từ cuộc sống, từ môi trường tự nhiên, từ xung đột văn hóa, sự phát triển kinh tế… khiến vấn đề an ninh cũng được thay đổi quan điểm về cách tiếp cận và lý thuyết an ninh phi truyền thống ra đời.
An ninh phi truyền thống (Nontraditional security) là thuật ngữ xuất hiện từ sau chiến tranh lạnh, nhằm bổ sung cho những hạn chế, thiếu sót của lý thuyết an ninh truyền thống trước đó. Tuy nhiên, trải qua gần ba thập kỷ, qua nhiều thảo luận, vẫn chưa hình thành một khái niệm về an ninh phi truyền thống phổ biến và thống nhất. Hiện nay, an ninh phi truyền thống được phân chia thành hai trường phái.
Trường phái thứ nhất, theo Liên hiệp quốc cho rằng an ninh bao gồm an ninh con người và an ninh cộng đồng. Trong “Báo cáo Phát triển con người” năm 1994, Liên hiệp quốc đưa ra 7 lĩnh vực trong an ninh phi truyền thống là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Tuy nhiên, cũng có quan niệm cho rằng chỉ bao gồm năm lĩnh vực cơ bản là: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa.
Trường phái thứ hai, hiểu khái niệm an ninh phi truyền thống theo cách đối lập với an ninh truyền thống, nghĩa là các lĩnh vực an ninh ngoài quân sự. Theo đó, an ninh phi truyền thống là những nguy cơ an ninh mới, như: khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, di cư bất hợp pháp…4
Bên cạnh việc đưa ra những cách hiểu khác nhau về khái niệm này thì những nghiên cứu về an ninh (cả truyền thống và phi truyền thống) ở các quốc gia khác nhau cũng có những mối quan tâm khác nhau tùy theo đặc thù của mình. Do vậy, cách hiểu về khái niệm an ninh cũng liên tục thay đổi, không chỉ theo thời gian mà còn theo đặc thù từng khu vực, từng quốc gia, từng cộng đồng.
Dù còn những cách hiểu khác nhau nhưng nhìn chung, lý thuyết về an ninh đang có sự chuyển đổi quan trọng, bắt đầu từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trước hết là sự chuyển đổi về mặt đối tượng, từ lấy quốc gia làm trung tâm sang lấy cộng đồng và cá nhân làm trung tâm. Sau đó là chuyển đổi về mặt nội dung, từ chỗ lấy quân sự, vũ trang làm trọng tâm sang lấy kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị làm trung tâm. Trên cơ sở đó, khái niệm an ninh con người xuất hiện và ngày càng dành được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, từ giữa thế kye XX, đã có nhiều tài liệu phổ biến quan niệm về an ninh con người của Liên hiệp quốc. Sau đó, nhiều tác giả đã đi vào các lĩnh vực để nghiên cứu và thao tác hóa thêm khái niệm này trong những vấn đề cụ thể, tiêu biểu kể đến một số nghiên cứu của các tác giả: Bùi Huy Khoát (2009), Vũ Dương Ninh (2009), Đào Thị Minh Hương (2013), Trần Việt Hà (2016)… Các nghiên cứu này tập trung vào phân tích khái niệm và các vấn đề lý luận trên thế giới và Việt Nam; tuy nhiên, nghiên cứu về an ninh con người vẫn còn nhiều hạn chế: chưa quan tâm nhiều đến an ninh con người cá nhân và an ninh của các cộng đồng có tính đặc thù.
3. Vấn đề an ninh con người ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay
Xét trên phương diện con người cá nhân hay con người cộng đồng, các dân tộc thiểu số ở miền núi đang phải chịu nhiều rủi ro, đối diện với nhiều nguy cơ ở mọi lĩnh vực cơ bản. Cụ thể:
Một là, vấn đề môi trường.
Môi trường tự nhiên – một trong các yếu tố của tồn tại xã hội, vừa là nhân tố quan trọng, vừa là cái nôi hình thành các nền văn hóa tộc người. Môi trường tự nhiên đang bị tác động và biến đổi nhanh chóng, kéo theo sự biến đổi về bản sắc văn hóa tộc người. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa và thị trường hóa hiện nay, sự tác động của con người đến môi trường càng tăng nhanh và ở chiều ngược lại, môi trường cũng ảnh hưởng đến đời sống con người và bản sắc các nền văn hóa một cách mạnh mẽ hơn.
Sự biến đổi quan trọng đầu tiên cần phải quan tâm là sự suy giảm nghiêm trọng của diện tích rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Có nhiều nguyên nhân từ sự hủy hoại của chiến tranh, sự tàn phá của con người và trong những năm qua là bị suy giảm do việc xây dựng dồn dập các nhà máy thủy điện. Diện tích rừng giảm là một nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng lũ lụt hoành hành ở miền núi đã đẩy con người, cộng đồng vào sự nguy hiểm tính mạng và tài sản. Đơn cử: tháng 7/2005, lũ ống và sạt lở đất đã cuốn trôi ba hộ gia đình ở xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; tháng 8/2008, có 6 thôn người Dao ở các huyện Bảo Yên, Bát Xát (tỉnh Lào Cai), huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) bị thiệt hại nặng nề do lũ ống và lũ bùn, đặc biệt tại thôn Tùng Chỉn ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, bị lũ quét tàn phá khiến 21 hộ gia đình người Dao chết và mất tích; tháng 10/2017, có 15 người chết và 13 mất tích trong đợt mưa lũ ở Tây Bắc; tháng 9/2024, bão Yagi khiến 344 người chết và mất tích, trong đó số chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét là 264 người 5…
Mất rừng không chỉ gây ra lũ lụt mà còn nhiều hệ quả khác đối với đời sống sản xuất, đời sống văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Canh tác nương rẫy ngày càng giảm hẹp. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với rừng bị hạn chế. Nhiều nguồn đặc sản, lâm sản quý giá bị mất dần, hết dần gây nên nhiều khó khăn cho đời sống của một số cộng đồng, đặc biệt là những tộc người sống ở vùng núi cao, như: dân tộc Mông, dân tộc Dao,…Bên cạnh đó, đất đai và nguồn nước là nguồn tài nguyên quan trọng đối với cuộc sống con người dân tộc thiểu số ở miền núi cũng đang có nhiều nguy cơ mất mát, mai một, chất lượng giảm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Hai là, vấn đề kinh tế.
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước (1986), nền kinh tế miền núi cũng có được nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt, trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang chuyển biến từ nên kinh tế truyền thống tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường phát triển, một mặt, tạo nên luồng gió mới vào quá trình phát triển kinh tế miền núi, làm cho người dân tiếp cận với cuộc sống hiện đại nhanh chóng hơn, được hưởng thụ các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đời sống không ngừng được nâng cao. Mặt khác, kinh tế thị trường cũng mang đến nhiều hệ lụy về văn hóa, xã hội và môi trường, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người, đến cộng đồng chủ thể ở đây.
Trước hết, kinh tế thị trường làm thay đổi tư duy của người dân tộc thiểu số. Tiếp cận kinh tế thị trường, người dân bắt đầu biết tính toán lợi nhuận. Càng ngày, lợi nhuận càng trở thành một mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh tế của họ. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều người vi phạm pháp luật, nhiều tệ nạn xã hội, như: ma túy, mại dâm, lô đề cờ bạc… đang đe dọa trực tiếp đến đời sống con người tại đây.
Kinh tế thị trường cũng tạo ra sự phân hóa xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Có một nhóm ít người có năng lực, có vốn kinh tế và mạng lưới xã hội đã tiếp cận được các nguồn lực phát triển nên kinh tế ngày càng phát triển nhanh hơn. Còn đại đa số phần còn lại thì thiếu kỹ năng và điều kiện để tiếp cận thị trường nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Một số bị đẩy xa hơn với cuộc sống hiện đại, và tâm lý cũng bị tổn thương, khiến họ càng rút sâu hơn vào khu vực ít người ở. Kinh tế thị trường với tính chất cạnh tranh của nó cũng gây ra những tâm lý thiếu ổn định cho con người ở miền núi. Không chỉ vậy, sự phát triển của kinh tế thị trường cũng gây sức ép lên các nguồn tài nguyên và từ đó ảnh hưởng đến con người. Có nhiều nguyên nhân trong đó, nguyên nhân quan trọng là người dân thiếu các trải nghiệm thị trường, các kỹ năng tiếp cận thị trường. Kinh tế kém phát triển và bấp bênh khiến cho con người luôn phải đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực, mất an ninh kinh tế.
Ba là, vấn đề xã hội.
Vấn đề an ninh xã hội trước đây chỉ nhấn mạnh đến sự ổn định xã hội khi không có bạo lực, không bị đe dọa từ các cộng đồng khác. Tuy nhiên, vấn đề an ninh xã hội hiện nay ở các dân tộc thiểu số vùng miền núi lại là nguy cơ đứt gãy, thiếu bền vững từ các thiết chế xã hội cũng như sự tan vỡ các mối quan hệ xã hội truyền thống, trong khi chưa thiết lập được các mối quan hệ xã hội mới. Trong xã hội truyền thống, mỗi cộng đồng, tộc người đều có những thiết chế xã hội riêng và được điều khiển, quản lý bởi một hệ thống chính trị mang đặc trưng tộc người của họ. Đó là những thiết chế mang tính tự trị nội tại và nằm dưới sự quản lý chung của nhà nước. Các thiết chế xã hội phổ biến của các dân tộc thiểu số là thiết chế gia đình, thiết chế dòng họ, thiết chế bản mường với vai trò lãnh đạo, như: già làng, trưởng bản, trưởng họ, chủ nhà…
Tuy nhiên, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, đặc biệt là trong thời gian xây dựng hệ thống hợp tác xã ở miền núi cũng như cải cách, đổi mới hệ thống thiết chế xã hội từ giữa những năm 50 đến nay, đã tác động mạnh mẽ đến thiết chế xã hội ở các tộc người miền núi. Các thiết chế truyền thống các sinh hoạt văn hóa gắn liền với các thiết chế xã hội cũng bị thay đổi. Quan hệ xã hội cơ bản cũng thay đổi, sự di dân của người miền xuôi lên cũng gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, xáo trộn dân cư ẩn chứa nhiều rủi ro khác nhau. Một số người cảm thấy tự ti, không muốn tiếp cận với cuộc sống hiện đại.
Bốn là, vấn đề văn hóa.
Nền văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi đang có xu hướng mai một, mất mát dần các yếu tố văn hóa truyền thống. Văn hóa vật chất của nhiều cộng đồng thay đổi nhanh chóng. Từ kết cấu làng bản, nhà cửa thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Các ngành nghề thủ công truyền thống cũng không xác lập được thế đứng của mình trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là các yếu tố văn hóa tinh thần, các lễ hội truyền thống, các bài múa, bài hát, các sinh hoạt văn hóa liên quan đến đời sống sản xuất, đời sống xã hội cũng ít được thực hành trong đời sống cộng đồng.
Về hệ giá trị cũng thay đổi, phân hóa. Ở các dân tộc thiểu số miền núi, hệ thống giá trị văn hóa đang bị đứt quãng, mất đi sự tiếp nối các mạch nguồn giá trị văn hóa. Đó là sự đứt đoạn văn hóa giữa các thế hệ. Trong khi thế hệ người già vốn được sinh ra và trải nghiệm trong nền văn hóa truyền thống nên tôn sùng các giá trị văn hóa truyền thống. Họ là linh hồn gìn giữ các yếu tố văn hóa truyền thống khi mà những người cao tuổi số lượng ngày càng ít đi. Trong khi đó, những người trẻ tuổi, vốn được sinh ra và trải nghiệm nhiều hơn trong nền văn hóa hiện đại với nền kinh tế thị trường thì lại lựa chọn những giá trị khác. Họ vẫn tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống nhưng ít theo đuổi các giá trị này, mà thay vào đó lại tìm đến các giá trị văn hóa thị trường, vì các giá trị truyền thống không bảo đảm cuộc sống hiện tại của họ. Mặt khác, muốn hội nhập với các cộng đồng khác thì họ phải gạt bỏ cái riêng qua một bên. Điều này, làm cho khoảng cách giữa các thế hệ lại càng xa cách và việc thừa kế, tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống càng thêm khó khăn, bất cập.
Năm là, vấn đề chính trị.
Vùng dân tộc thiểu số ở miền núi là vùng có vị trí chính trị quan trọng, lại là vùng có nhiều đường biên giới với các nước láng giềng. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hệ thống chính trị ở miền núi đã thay đổi nhiều. Hầu hết, hệ thống chính trị tồn tại trong các cộng đồng đã không còn được duy trì, thay vào đó là hệ thống chính trị các cấp theo hệ thống tổ chức của Đảng và chính quyền nhà nước điều hành. Với hệ thống chính trị này, quyền bình đẳng giữa các cộng đồng, các dân tộc được bảo đảm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc thực hiện những chính sách vẫn còn có những hạn chế: việc tuyên truyền chưa thực sự tốt; chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị ở vùng dân tộc còn hạn chế; việc tham vấn các chính sách từ thực tiễn cuộc sống chưa hiệu quả…
Một điều đặc biệt mới xuất hiện gần đây là tâm lý ỷ lại, lười biếng của một số người dân do tác động của các chính sách phúc lợi xã hội cũng như việc làm của các tổ chức từ thiện. Trong nhiều năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển miền núi được thực hiện, người dân được nhiều ưu ái và nhận được nhiều lợi ích vật chất. Từ hỗ trợ tiền bạc, thóc gạo đến các vấn đề khác. Mặt trái của phúc lợi xã hội và từ thiện là làm cho một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý ỷ lại.
4. Bảo đảm an ninh con người vùng dân tộc thiểu số gắn với phát triển sinh kế bền vững
Nội dung chủ đạo của khung sinh kế bền vững là: “lấy con người và sinh kế của họ làm trung tâm để phân tích, nghĩa là đặt con người ở trung tâm của sự phát triển”6. Trong đó, tập trung vào các loại vốn, cụ thể:
Thứ nhất, đầu tư khai thác và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Vốn tự nhiên là các nguồn lực tự nhiên phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Một đặc trưng quan trọng của vốn tự nhiên là không/khó tái tạo sau khi bị sử dụng cạn kiệt. Vậy nên, đầu tư khai thác nguồn vốn tự nhiên cần phải tính đến sự bền vững của nguồn vốn quan trọng này. Đối với tài nguyên rừng, cần đầu tư để trồng rừng, tái sinh rừng và khai thác hợp lý các nguồn lực liên quan đến rừng gắn với bảo vệ và tái tạo gắn với việc bảo đảm sinh kế cơ bản cho người dân bản địa. Đối với tài nguyên đất, quy hoạch và quản lý cần quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương. Đối với tài nguyên nước, cần phải có chiến lược lâu dài, không chạy theo lợi ích trước mắt.
Thứ hai, đầu tư phát triển nguồn vốn vật chất.
Vốn vật chất được hiểu là các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển, là một nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế thị trường. Vốn vật chất ở miền núi trong nhiều năm qua đã được đầu tư và xây dựng nhiều: các tuyến đường huyết mạch được sửa sang, mở rộng và nâng cấp, tạo điều kiện cho giao thông thuận lợi hơn. Bên cạnh đó là sự nâng cấp các yếu tố khác, như: đường điện, hệ thống cơ sở vật chất cho y tế, giáo dục và hệ thống chợ được đầu tư nhiều hơn. Điều đó, thể hiện nguồn vốn vật chất được tăng cường đáng kể (chủ yếu từ nguồn tài chính của ngân sách nhà nước; trong khi các doanh nghiệp lại khai thác các nguồn vốn này khá nhiều nhưng tái đầu tư lại hạn chế). Vậy nên, cần thu hút vốn đầu tư để mở rộng nguồn vốn vật chất ở miền núi từ các doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau, như: hợp tác cùng chia sẻ lợi ích, đánh thuế để tái đầu tư xây dựng cơ bản…
Thứ ba, đầu tư nguồn vốn tài chính.
Có hai nguồn vốn tài chính chủ yếu trong việc đầu tư phát triển miền núi trong nhiều năm qua là từ ngân sách nhà nước và từ các doanh nghiệp. Trong khi các nguồn vốn của Nhà nước tập trung vào việc xây dựng cơ bản, thì nguồn đầu tư của các doanh nghiệp tập trung vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư và các dự án phát triển du lịch, thương mại hóa các sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư này chủ yếu thuộc các doanh nghiệp nhỏ. Những nguồn tài chính đầu tư này chủ yếu vào khai thác tài nguyên ở miền núi nhưng không đưa lại nhiều hệ quả cho quá trình phát triển miền núi. Mặc dù các dự án cũng đã đem lại những lợi ích kinh tế nhất định cho các địa phương nhưng lại khai thác quá mức các nguồn tài nguyên mà đáng ra những người dân cũng được hưởng các lợi ích.
Nhà nước cần có những sự khích lệ và hỗ trợ để chính người dân bản địa đứng ra làm chủ, sử dụng vốn tài chính họ huy động được hay vay mượn từ Nhà nước để đi vào phát triển. Đó chính là những dự án phát triển mang tính cộng đồng, được Nhà nước hỗ trợ dưới nhiều hình thức hợp lý. Đồng thời, cần có những biện pháp vừa thu hút nguồn tài chính từ các doanh nghiệp đầu tư nhưng kiểm soát được mục tiêu phát triển của các dự án và bảo đảm được sự minh bạch, bền vững trong quá trình đầu tư phát triển.
Thứ tư, đầu tư nguồn vốn văn hóa.
Vốn văn hóa là khái niệm do P. Bourdieu (1986) đưa ra và được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phát triển. Vốn văn hóa bao gồm các sản phẩm văn hóa được con người sản xuất ra là các hiện vật hay các giá trị tinh thần gắn với con người hoặc các thể chế liên quan, ràng buộc giữa con người với nhau nhưng có khả năng luân chuyển để tạo ra lợi ích. Hay nói cách khác, vốn văn hóa là các yếu tố văn hóa được con người vận dụng và luân chuyển vào quá trình phát triển để đem lại lợi ích, lợi nhuận.
Đầu tư vào vốn văn hóa, trước hết là đầu tư để khôi phục và phát huy các yếu tố văn hóa cộng đồng, văn hóa tộc người đang sinh sống ở miền núi. Khi khôi phục được các yếu tố, các giá trị văn hóa truyền thống thì đó sẽ là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, thương mại hóa các sản phẩm thủ công nghiệp… Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, đầu tư vào vốn văn hóa, vào phát triển kinh tế di sản sẽ có hiệu quả cao hơn so với các hạng mục đầu tư khác nếu có cách làm hợp lý. Điều quan trọng là đầu tư vào vốn văn hóa cần phải lấy chủ thể làm trung tâm, tôn trọng sự khác biệt về giá trị văn hóa giữa các cộng đồng và tạo điều kiện để cho chính họ quyết định sự phát triển của họ trên nên tảng lựa chọn giá trị văn hóa.
Thứ năm, đầu tư nguồn vốn xã hội.
Vốn xã hội được hiểu là những mối liên kết, các mạng lưới xã hội, niềm tin, sự chia sẻ và tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân, các cộng đồng trong quá trình phát triển. Miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nguồn vốn xã hội nội bộ, nội tại phong phú, đó là các quan hệ xã hội truyền thống, các thiết chế xã hội cùng sức liên kết cộng đồng chặt chẽ ở các tộc người. Tuy nhiên, vốn xã hội ngoại tại thì lại hạn chế. Quan hệ xã hội giữa các cộng đồng, các địa phương hạn chế do điều kiện đi lại khó khăn, quan hệ giao tiếp không được mở rộng. Đặc biệt, khi phát triển kinh tế thị trường thì vai trò của các quan hệ xã hội ngày càng quan trọng, chính là điểm yếu của các cộng đồng ở miền núi.
Đầu tư vốn xã hội ở vùng miền núi chính là sự đầu tư để gây dựng các mạng lưới xã hội, giúp đỡ cho các cộng đồng tiếp cận được với thị trường, tiếp cận và tương tác với nhau trên cơ sở giữ được văn hóa truyền thống, không bị đánh mất mình. Thực tế, nhiều người dân bản địa đã nhận thức ra được sự quan trọng của việc đầu tư vào vốn xã hội nhưng họ không tìm ra được cách để xây dựng các mối quan hệ xã hội, các mạng lưới xã hội nhằm đưa họ đến với thị trường, với cuộc sống hiện đại. Những dự án đầu tư phát triển cần phải quan tâm để khắc phục được vấn đề hạn chế này.
Thứ sáu, đầu tư nguồn vốn con người.
Vốn con người hay nguồn nhân lực ở miền núi hiện tại khá đa dạng từ người Kinh dưới xuôi lên và người dân bản địa sống lâu năm ở đó. Nhìn chung, trình độ nguồn nhân lực ở miền núi hiện nay còn thấp, nhất là khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận cuộc sống hiện đại. Đầu tư vốn con người là một sự đầu tư tổng hợp, khá toàn diện. Vừa phải đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, vốn xã hội, vốn văn hóa cho họ. Sự đứt quãng giá trị giữa các thế hệ đang thể hiện rõ ràng ở các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, làm sao để gắn kết các thế hệ với nhau để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển lại là một bài toán khó. Con người ở miền núi chăm chỉ, cần cù lao động, yêu thiên nhiên và sống gần gũi, mến khách nhưng họ chưa được trải nghiệm trong đời sống thị trường nhiều. Chưa được thụ hưởng nền giáo dục hiện đại nên khó tiếp cận được nhịp phát triển của thời đại. Không chỉ vậy, giữa các cộng đồng cũng có những đặc trưng khác nhau nên khi đầu tư phát triển nhân lực cũng cần tính đến sự đa dạng này.
5. Kết luận
An ninh con người là vấn đề quan trọng đã và đang được nhiều người quan tâm. Càng ngày, an ninh con người càng trở thành một vấn đề quan trọng trong việc nghiên cứu, nhận thức và phân tích trong lý thuyết an ninh và càng có vai trò quan trọng trong các chiến lược bảo đảm an ninh từ an ninh quốc gia, an ninh cộng đồng và an ninh cá nhân. Đó là một bước chuyển đổi quan trọng trong lý thuyết an ninh cũng như chiến lược an ninh, thể hiện con người cá nhân ngày càng được coi trọng.
Con người vùng dân tộc thiểu số ở miền núi có thể nói chưa được bảo đảm về an ninh gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đến an sinh của người dân. Thực trạng đó đang thể hiện rõ ràng và cần được quan tâm hơn nữa để có nhận thức đúng đắn và đưa ra được những quyết sách hợp lý. Từ đó, có thể tìm ra được những chiến lược đầu tư phát triển miền núi hợp lý. Đầu tư phát triển dựa vào phân tích các loại vốn cơ bản được các nhà nhân học, các nhà nghiên cứu phát triển đưa ra là một mô hình có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, bất cứ khung phân tích nào cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng nên cần tham khảo nhiều mô hình phân tích khác nhau. Điều đó, sẽ bảo đảm hiệu quả cho việc hoạch định và thực thi chính sách đối với an ninh con người vùng dân tộc thiểu số.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1960). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. H. NXB Sự thật, tr. 125.
2, 3. Trương Minh Huy Vũ (2013). An ninh. In trong “Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế” do Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
4. Chu Duy Ly (2013). An ninh phi truyền thống. https://nghiencuuquocte.org/2014/11/16/an-ninh-phi-truyen-thong/#more-4410
5. Tác giả tổng hợp số liệu từ các báo cáo tại hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai qua các năm.
6. Nguyễn Văn Sửu (2015). Khung sinh kế bền vững: một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo. In trong “Nhân học phát triển: lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. H. NXB Tri thức, tr. 17.
Tài liệu tham khảo:
1. Bourdieu, P. (1986). The Forms of Capital. J. G. Richardson (ed.) Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. New York: Greenwood Press. Pp. 241-258.
2. Trần Việt Hà (2016). An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 7 (104).
3. Vũ Dương Ninh (2009). An ninh con người và sự bất an trong cuộc sống hôm nay. Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ, tập 12, số 01.
4. Bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/03/03/bao-dam-an-ninh-con-nguoi-o-viet-nam-hien-nay/