ThS. Trần Thị Quỳnh Trang
Huyện ủy An Dương, thành phố Hải Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Những năm qua, thành phố Hải Phòng đã tiến hành thực hiện chính sách cho người cao tuổi đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách đã bộc lộ một số hạn chế cần phải khắc phục, đặc biệt là trước xu thế già hóa dân số ở Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng hiện nay. Vì vậy, cần xây dựng một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người cao tuổi hướng tới một xã hội già hóa khỏe mạnh góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững của thành phố.
Từ khóa: Trợ giúp xã hội; người cao tuổi; xu thế già hóa dân số; Hải Phòng; giải pháp; hiệu quả; chính sách trợ giúp.
1. Đặt vấn đề
Thành phố Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam và là thành phố cảng quan trọng, với diện tích 1.526,52 km², gồm 7 quận và 8 huyện1. Hiện nay, thành phố có hơn 320.000 người cao tuổi, chiếm 18,17%, tương đương gần 1/5 dân số toàn thành phố2. Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên đáng kể, năm 2019 (74,7 tuổi), năm 2023 (75 tuổi), vượt mức tuổi thọ trung bình của cả nước (74,5 tuổi)3. Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện chính sách, như: vấn đề trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách đối với Hải Phòng cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao trong bối cảnh già hóa dân số đang gia tăng như hiện nay.
2. Thực hiện trợ giúp xã hội cho người cao tuổi của thành phố Hải Phòng
Những năm gần đây, Nhà nước thường sử dụng khái niệm “người cao tuổi” thay cho người già. Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể. Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Như vậy, người cao tuổi được hiểu là “Tất cả những người là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, theo Bộ luật Lao động năm 2019 độ tuổi lao động đã có sự thay đổi đối với nam từ đủ 15 – 62 tuổi và đối với nữ từ đủ 15 – 60 tuổi, do đó, độ tuổi để xác định là người cao tuổi cũng sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên thuật ngữ “người cao tuổi” được nhắc đến tại khoản 2 Điều 59 và khoản 3 Điều 3 khi đề cập một cách đầy đủ và khẳng định mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi thành viên trong xã hội. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Tiếp đó, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành Kế hoạch số 70/KHUBND ngày 19/3/2021 về việc thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 21/10/2020 về việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; Kế hoạch số 46/KH-UBND của UBND thành phố về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022 – 2025. Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng xã hội, Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND thành phố quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn thành phố, trong đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi… Đặc biệt, ngày 19/7/2024, HĐND thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố, cụ thể: “Người cao tuổi từ đủ 60 – 79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội hàng tháng; hội viên Hội người mù thành phố chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí” (điểm d khoản 2 Điều 1), do đó, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thứ nhất, các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức tư vấn, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại 100% các xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã có 78 xã, phường, thị trấn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, qua đó, đã phát hiện kịp thời một số bệnh thường gặp, tư vấn hướng dẫn cách điều trị và lập hồ sơ quản lý sức khỏe; tư vấn cách chăm sóc dự phòng tại nhà; tư vấn chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với từng loại bệnh của người cao tuổi; truyền thông, tư vấn về lợi ích, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ đối với người cao tuổi. Đây chính là đòn bẩy quan trọng giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng chính sách ưu việt của bảo hiểm y tế, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục mở rộng đối tượng, nâng cao mức sống, tiến tới bao phủ toàn bộ trong xu thế già hóa dân số như hiện nay.
Thứ hai, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 105.000 người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi, ước tính tổng kinh phí hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế khoảng hơn 102 tỷ đồng, trong đó một số địa phương có số lượng người cao tuổi thuộc diện hỗ trợ cao, như: huyện Vĩnh Bảo gần 15.000 người, huyện Thủy Nguyên hơn 12.300 người, huyện An Dương hơn 11.000 người, huyện Tiên Lãng hơn 10.600 người, quận Lê Chân hơn 11.000 người…, dự kiến đến năm 2025, số người được hỗ trợ sẽ tăng lên khoảng 112.700 người4. Đây là nhóm đối tượng đã hết tuổi lao động; đồng thời, cũng là nhóm đối tượng hay phải đi khám, chữa bệnh nhiều hơn những người trẻ tuổi khác.
Thứ ba, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi về vật chất, tinh thần, các quy định về nâng mức trợ cấp đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên bằng 1,4 lần so với mức chung cả nước; trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 đến dưới 79 tuổi ở vùng núi, hải đảo (Trung ương quy định từ đủ 80 tuổi trở lên); cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi từ 70 – 79 tuổi và nâng mức tặng quà chúc thọ cho người cao tuổi thấp nhất là 900.000 đồng/người và cao nhất 1.800.000 đồng/người5. Đồng thời, triển khai các chính sách trợ cấp cho người cao tuổi, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu.
Hoạt động chăm sóc người cao tuổi được triển khai hiệu quả, Hội đã phối hợp tổ chức tốt việc chúc thọ, mừng thọ, tặng quà của Chủ tịch nước, của thành phố và các địa phương tới 39.721 người cao tuổi với tổng số tiền trị giá trên 38 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp6.
Thứ tư, đã thành lập được 19 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, nâng tổng số lên 114 câu lạc bộ. Tích cực triển khai Dự án “Phát triển và mở rộng can thiệp phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” với gần 2.000 thành viên được hưởng lợi, trong đó có 313 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các cấp Hội cũng đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao – Gương sáng” gắn với việc tổ chức Hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi giai đoạn 2018 – 20237.
Thứ năm, Hội Người cao tuổi thành phố đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thể dục, thể thao phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, như đi bộ, bóng chuyền hơi, cầu lông… đặc biệt là tập luyện dưỡng sinh, nhảy dân vũ được phát triển mạnh ở các thôn, xóm, khu phố, tổ dân phố, tạo sân chơi bổ ích để người cao tuổi giao lưu, lan tỏa, tăng cường sức khỏe… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định:
(1) Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở một số địa phương trên địa bàn thành phố có lúc chưa thực sự quan tâm đến công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, thậm chí ngược đãi, phân biệt đối xử, bạo hành với người cao tuổi… Đây chính là những nguyên nhân khiến cho việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn.
(2) Số lượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa tham gia bảo hiểm y tế còn nhiều nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trợ cấp xã hội. Mặt khác, do mức lương cơ sở đã được điều chỉnh (từ ngày 01/7/2023, tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng và từ ngày 01/7/2024 tiếp tục tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng) dẫn đến mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo, gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là những người từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi.
(3) Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương có tuổi thọ trung bình cao, số người cao tuổi hưởng chính sách trợ giúp xã hội lớn, công tác quản lý theo dõi sự biến động của người cao tuổi rất phức tạp nhưng đa số cán bộ theo dõi, tổng hợp là kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý. Đồng thời, cán bộ làm công tác lao động – thương binh và xã hội ở các quận/huyện và các phường/xã, thị trấn có nhiều thay đổi nên công tác theo dõi, cập nhật thông tin, thực hiện hoạt động quản lý và trợ giúp xã hội cho người cao tuổi còn hạn chế.
3. Một số đề xuất thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi ở thành phố Hải Phòng
Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật về người cao tuổi để phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố, nâng mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với công tác trợ giúp xã hội người cao tuổi. Nâng cao nhận thức xã hội và bản thân người cao tuổi về vai trò của họ đối với xã hội, xóa bỏ suy nghĩ người già là gánh nặng; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an ninh, chăm sóc, hỗ trợ xã hội và các chương trình ngăn chặn, đối phó với hành vi ngược đãi người cao tuổi.
Ba là, các cơ sở khám, chữa bệnh cần nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế nhất là tuyến huyện, xã; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, đặc biệt là đào tạo về chăm sóc sức khỏe dài hạn, phục hồi chức năng cho người cao tuổi.
Các quận, phường chú trọng xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ giúp người cao tuổi có thêm nhiều cơ hội nâng cao sức khỏe tinh thần, sống khỏe và sống có ích. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý người cao tuổi có chuyên môn, chất lượng và tâm huyết.
Xây dựng Khoa Lão khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố. Bệnh viện/Trung tâm Y tế có giường bệnh tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi, đẩy mạnh đào tạo y học gia đình tại các Trường Đại học Y – Dược trong thành phố, nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đồng thời, huy động, thu hút mọi nguồn lực để mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, đào tạo chuyên gia, khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng cơ sở, trung tâm trong sóc y tế, viện dưỡng lão của các nước trên thế giới trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chương trình và mô hình về chăm sóc sức khỏe tinh thần, các trung tâm văn hóa, địa điểm sinh hoạt văn nghệ, thể dục, thể thao, các sân chơi, chương trình giao lưu cho người cao tuổi tại thành phố đến các quận/huyện, xã/phường, thị trấn.
Năm là, cần xác định các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, bao gồm chăm sóc sức khỏe thể lực, tinh thần nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày, hướng tới xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Các dịch vụ này cần phải hoàn thiện sớm, đồng thời dễ tiếp cận và có chi phí phù hợp với người cao tuổi.
4. Kết luận
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội là bước quan trọng nhằm bảo đảm cho người dân đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản và cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là cho người cao tuổi. Các biện pháp và chương trình hỗ trợ không chỉ giúp đỡ tài chính mà còn cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở. Nhờ đó, những người gặp khó khăn, nhất là người cao tuổi có thể có cuộc sống an lành và gắn kết hơn với cộng đồng; đồng thời, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững.
Chú thích:
1. Hải Phòng thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnh, truy cập ngày 25/10/2024.
2, 3. Người cao tuổi chiếm hơn 18%, Hải Phòng làm gì ứng phó với già hóa dân số?. https://giadinhonline.vn/nguoi-cao-tuoi-chiem-hon-18-hai-phong-lam-gi-ung-pho-voi-gia-hoa-dan-so-d200917.html
4. Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến 79 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế từ ngày 01/8/2024. http://anhp.vn/nguoi-cao-tuoi-tu-du-60-tuoi-den-79-tuoi-khong-co-luong-huu-khong-co-tro-cap-xa-hoi-hang
5, 6. Tích cực vận động nguồn lực chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.https://haiphong.gov.vn/cong-dan/tich-cuc-van-dong-nguon-luc-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-co-hoan-canh-kho-khan-697502
7. Hội Người cao tuổi thành phố phối hợp các cấp, các ngành triển khai nhiều hoạt động phát huy vai trò Hội viên. https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/Hoi-Nguoi-cao-tuoi-thanh-pho-phoi-hop-cac-cap-cac-nganh-trien-khai-nhieu-hoat-dong-phat-huy-vai-tro-Hoi-vien-124997
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2011). Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.
2. Bộ Y tế (2011). Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
4. Hội đồng nhân dân (2022). Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 09//12/2022 về quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
5. Hội Người cao tuổi thành phố tổng kết công tác hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. https://haiphong.gov.vn/tin-so-nganh/hoi-nguoi-cao-tuoi-thanh-pho-tong-ket-cong-tac-hoat-dong-nam-2023-trien-khai-nhiem-vu-nam-2024-668794