Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

ThS. Bùi Minh Nghĩa
Trường Đại học Tài chính – Marketing

(Quanlynhanuoc.vn) – Nền kinh tế số vận hành dựa trên ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử (thông qua Internet). Do vậy, nguồn nhân lực số phải có đầy đủ năng lực về trí tuệ, văn hóa để tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố quyết định sự thành công trong việc xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực số, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóaViệt Nam; đào tạo; nhân lực số; chất lượng cao; kinh tế số; hiện nay.

1. Sự cần thiết phải đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của kinh tế số

Kinh tế số đang thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống và làm việc. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), vi mạch bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới, … đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn đối với thị trường lao động. 

Hiện nay, sự thiếu hụt nguồn nhân lực về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu làm việc của các tập đoàn công nghệ đang là điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam. Điều này sẽ gây trở ngại trong việc thu hút vốn đầu tư, dự án vào các lĩnh vực công nghệ cao, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt trong làm chủ công nghệ, là “chìa khóa” của sự thành công. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để có thể đáp ứng được trong nền kinh tế số, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải tạo ra được nguồn lao động có các trình độ sau: (1) Có kỹ năng kỹ thuật số cao, bao gồm: lập trình, phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin. Những kỹ năng này là nền tảng để các cá nhân có thể tham gia vào quá trình số hóa và tạo ra giá trị mới; (2) Sáng tạo và đổi mới: nguồn nhân lực có tư duy phản biện, khả năng thích ứng với thay đổi và sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới; (3) Giải quyết các vấn đề phức tạp: các vấn đề trong kinh tế số thường có tính chất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, cần có những người có khả năng tư duy hệ thống, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng. Để thực hiện được các mục tiêu chiến lược đó, đào tạo có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Điều này được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ:

Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định: “khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”1. Dưới sự tác động mạnh mẽ trên tất cả mọi lĩnh vực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), muốn phát triển nhanh và bền vững, nước ta: “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”2; “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược3;  phải “đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”4. Đây là chủ trương lớn mang tính chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. 

Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

 Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, kinh tế số được xác định là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Quyết định này đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, trong đó có mục tiêu là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực là một trong các nhiệm vụ để tạo nền móng cho kinh tế số. 

Như vậy, nguồn nhân lực số là lực lượng chủ yếu để triển khai và hiện thực hóa nền kinh tế số, quyết định sự tồn tại của nền kinh tế số, có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số, vận hành nó trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của nền kinh tế. Vì vậy, đào tạo nguồn năng lực số để đáp ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế số là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, hiện nay, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực số rất lớn trong xã hội. 

Công tác đào tạo nhân lực số đã có bước phát triển mới và đạt được kết quả quan trọng. Việt Nam hiện nay có hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông, an toàn thông tin5. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học. Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân máy tính và công nghệ thông tin năm 2022 đạt 70.000 người, tăng 16% so với năm 2021. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 65.000 (tính cả cao đẳng, trung cấp)6. Một số trường đại học tiên phong trong đào tạo nhân lực số trình độ cao. Chẳng hạn:  (1) Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã áp dụng thử nghiệm mô hình đại học số trên nền tảng công nghệ PTIT-Slink. Nền tảng đã được triển khai thử nghiệm tại một số trường đại học; (2) Trường Đại học FPT thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, nghiên cứu – triển khai – ứng dụng với nhiều chuyên ngành đào tạo, trong đó công nghệ thông tin là trọng tâm7

Tuy vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn “khát” nguồn nhân lực số. Nhu cầu đến năm 2025 cần tới 700.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, số lượng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động cả nước. Tỷ lệ này tương đối thấp so với một số quốc gia, như: Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%)8. Mặt khác, nhu cầu về nguồn nhân lực số rất cao nhưng các trường đại học chưa đáp ứng được. Về số lượng, trên thực tế, nguồn nhân lực mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn chất lượng chỉ đạt 30% đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp9. Vì vậy, cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của nền kinh tế số, như: (1) Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kết hợp với các bộ, ngành cụ thể, giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu để dự báo được nhu cầu thị trường lao động cần để hoạch định chỉ tiêu đào tạo; (2) Xây dựng chương trình đào tạo số cho học sinh từ bậc học phổ thông với nội dung, phương pháp đào tạo luôn phải cập nhật; (3) Xây dựng học liệu số, thư viện số giúp học sinh, sinh viên phát huy khả năng tự học, tiếp cận thông tin tri thức kịp thời; (4) Hợp tác doanh nghiệp: tổ chức các chương trình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên.Cho phép sinh viên được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp trong một thời gian nhất định. Các doanh nghiệp có thể tham gia xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; (5) Mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục – đào tạo các việc làm mới, như: AI, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối,… với các nước trên thế giới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giảng viên, như: tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho giảng viên, giúp họ cập nhật kiến thức mới nhất; tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu, công bố bài báo khoa học; mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Thứ ba, xây dựng văn hóa lao động cho nguồn nhân lực số nhằm xây dựng, củng cố lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; sống và làm việc kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực cho nguồn nhân lực số, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 với nhiều thông tin đa chiều. 

Thứ tư, đổi mới công tác quản lý giáo dục – đào tạo trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, gắn với trách nhiệm của cơ sở đào tạo; đặc biệt, cần giảm dần sự can thiệp của các cơ quan chủ quản vào các hoạt động đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để giảng viên có đủ năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo cao và tự chịu trách nhiệm, đồng thời, có cơ chế sàng lọc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý và giảng dạy.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 208, 213, 203 – 204, 232 – 233.
5, 8.  Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số Quý I năm 2022. Tài liệu phục vụ Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 26/4/2022.
6, 7. Phát triển nhanh nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/phat-trien-nhanh-nguon-nhan-luc-cho-chuyen-doi-so-652065.html, ngày 13/11/2023.
9. Việt Nam đang thiếu 150 nghìn nhân lực công nghệ thông tin. https://theleader.vn/viet-nam-dang-thieu-150-nghin-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-d13748.html, ngày 18/5/2022. 
Tài liệu tham khảo:
1. Kamoche, K. (2001). Human resources in Vietnam: The global challenge. Thunderbird international business review, 43(5), 625-650.
2. Tri, N. M. (2021, March). Developing Education in Vietnam in the context of international integration. In 17th International Conference of the Asia Association of Computer-Assisted Language Learning (AsiaCALL 2021) (pp. 234-240). Atlantis Press.
3. Đào tạo nguồn nhân lực số – yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam hiện nay. https://chinhtrivaphattrien.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-so-yeu-cau-cap-bach-doi-voi-viet-nam-hien-nay-a8813.html, ngày 29/4/2024.
4. Kinh tế số – cơ hội “bứt phá” cho Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/810607/kinh-te-so—co-hoi-%E2%80%9Cbut-pha%E2%80%9D-cho-viet-nam.aspx, ngày 6/9/2019.
5. Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/01/19/phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nen-kinh-te-so-o-viet-nam/, ngày 19/01/2023.