ThS. Nguyễn Thị Như Hoa
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bên cạnh những tư tưởng về nữ quyền và giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định phụ nữ là lực lượng quan trọng, có đóng góp lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Vai trò của phụ nữ được phát huy không chỉ trong gia đình mà còn ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Đảng và Nhà nước đã xây dựng và triển khai các chính sách bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, qua đó, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; quyền phụ nữ; bình đẳng giới; phát triển kinh tế – xã hội; chính sách phụ nữ; vai trò của phụ nữ
1. Đặt vấn đề
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội có nguồn gốc từ lòng yêu thương sâu sắc và sự thấu hiểu đặc biệt của Người đối với phụ nữ, cũng như từ những bất công mà họ phải chịu dưới chế độ phong kiến hay sự đàn áp của thực dân Pháp đối với Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong suy nghĩ của Người, giải phóng phụ nữ không chỉ là một mục tiêu xã hội mà còn là thước đo cho sự tiến bộ và văn minh của một quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “Phụ nữ là nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể giải phóng một nửa loài người. Không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một phần không thể tách rời của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giai cấp và cuối cùng là giải phóng con người. Người nhấn mạnh rằng, “đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại, nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”2.
Trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc Việt Nam, phụ nữ không chỉ là những người góp phần vào sự phát triển mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và nghị lực, thêu dệt nên vẻ đẹp của đất nước. Người cho rằng,“Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”3. Không những thế, Người còn cho rằng, việc giải phóng phụ nữ luôn là một bộ phận không thể tách rời của cuộc giải phóng dân tộc.
Thực hiện tư tưởng của Người, với quan điểm rõ ràng và kiên định về bình đẳng giới, Đảng và Chính phủ Việt Nam từ khi mới thành lập đã nêu bật chính sách nam nữ bình đẳng, được phản ánh mạnh mẽ trong Hiến pháp. Điều này thể hiện cam kết không ngừng nghỉ trong việc hỗ trợ và thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ. Trong bất cứ giai đoạn lịch sử cách mạng nào thì phụ nữ cũng được khuyến khích nắm bắt địa vị là người chủ của đất nước, với quyết tâm mới, đạo đức mới và tác phong mới, để đóng góp một phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2. Vai trò của phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Lịch sử đã chứng minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng, cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do không thể thành công nếu thiếu đi sự góp sức của phụ nữ. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1952), Người đã viết: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phụ nữ cũng như nam giới là những người chủ thực thụ của đất nước. Người kêu gọi phụ nữ phải chủ động và nỗ lực không ngừng trong việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và dấn thân vào xây dựng đời sống mới. Người đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện đời sống văn hóa, xã hội ở những vùng miền núi, nơi mà phong tục lạc hậu và mê tín dị đoan còn nặng nề, bên cạnh đó, Người thúc giục phụ nữ không chỉ đoàn kết và yêu thương lẫn nhau mà còn phải làm gương trong việc phá bỏ những rào cản lạc hậu để xây dựng những phong tục tốt đẹp, lành mạnh hơn cho xã hội, cụ thể: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế phong trào “Năm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng”5.
Ngoài ra, Người cũng nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc học tập và tự giác tiến bộ của phụ nữ. Chỉ bằng cách không ngừng nâng cao hiểu biết và kỹ năng, phụ nữ mới có thể thực sự trở thành người làm chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”6. Đây không chỉ là một ước vọng mà là một yêu cầu bức thiết để bảo đảm rằng mỗi bước tiến của đất nước luôn có sự đồng hành của cả nửa xã hội. Người viết, “… Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”7.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc phụ nữ phải là những người tiên phong trong việc thay đổi tư duy và hành động, là những nhà lãnh đạo và điển hình trong mọi phong trào xã hội. Với tinh thần đó, Người kêu gọi phụ nữ không chỉ học hỏi về văn hóa, chính trị và nghề nghiệp mà còn phải tham gia tích cực vào quá trình làm chủ đất nước. Người tin tưởng rằng với quyết tâm và sự kiên trì, phụ nữ Việt Nam sẽ không chỉ vượt qua được những thách thức của hiện tại mà còn tiếp tục là những nhân tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển bản sắc văn hóa, chính trị và kinh tế của quốc gia8. Người viết, “…, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được…”9.
Cuối cùng, sự nghiệp của phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc giành lấy những quyền lợi xã hội cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn phụ nữ sẽ trở thành những nhà cải cách, những tấm gương của đạo đức và tác phong mới, những người xây dựng và bảo vệ các giá trị tốt đẹp của đất nước. Sự phát triển của phong trào “Năm tốt” và việc thực hiện bình quyền, bình đẳng không chỉ là những dấu ấn của sự tiến bộ mà còn là minh chứng cho khả năng và sức mạnh của phụ nữ trong việc định hình tương lai của Việt Nam.
Với tầm nhìn và tư tưởng tiến bộ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại một di sản về sự lãnh đạo sáng suốt mà còn khơi gợi một hành trình không ngừng của phụ nữ Việt Nam trong việc tìm kiếm, khẳng định và phát huy vị thế của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ, trong quá khứ lẫn hiện tại, không ngừng chứng tỏ rằng, họ không chỉ là nửa thế giới mà còn là trái tim và linh hồn của mỗi bước tiến của dân tộc.
3. Trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, phụ nữ không chỉ là nửa của xã hội mà còn là nửa quan trọng của sức mạnh quốc gia trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh: “Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh,… còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ để xây dựng mỹ tục thuần phong”10. Người không chỉ thể hiện niềm tin mà còn là lời kêu gọi phụ nữ phải không ngừng nỗ lực vươn lên, phát huy tối đa khả năng và đóng góp của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc.
Người cũng chỉ ra một số nhược điểm của phụ nữ và giải pháp khắc phục, đó là: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền…”11. Trước những thách thức này, Người kêu gọi phụ nữ không nên chỉ dựa dẫm vào Đảng và Chính phủ mà phải tự thân vận động, quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng vào năng lực bản thân và nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết để cùng nhau giải quyết mọi khó khăn.
Theo Người, mỗi phụ nữ và toàn thể phụ nữ Việt Nam phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước phải không ngừng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và đóng góp tích cực vào việc xây dựng nước nhà. Để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang này, phụ nữ cần phải xoá bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại, phát huy ý chí tự cường, tự lập, và không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật của bản thân. Người viết, “… Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội…. Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”12.
Qua đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng đất nước không chỉ là sự nhấn mạnh về vai trò của họ trong lịch sử và thực tiễn mà còn là một lời kêu gọi sâu sắc để họ tiếp tục phát huy sức mạnh, trí tuệ và đóng góp vào sự nghiệp chung. Người mong muốn mỗi người phụ nữ sẽ là một điểm sáng trong cuộc đấu tranh vì một xã hội công bằng, tiến bộ và phát triển, nơi mà giá trị và khả năng của phụ nữ được trân trọng và phát huy tối đa:“Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước (…) Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”13.
Từ những luận điểm trên, chúng ta dễ thấy rằng điều cốt lõi nhất trong tư tưởng của Người về phụ nữ là sự tiến bộ của một xã hội không thể tách rời khỏi sự tiến bộ của phụ nữ. Do đó, việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống không chỉ là trách nhiệm của họ mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Điều này đòi hỏi một nỗ lực liên tục từ mọi tầng lớp, từ Chính phủ đến mỗi cá nhân trong việc tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ phát triển toàn diện, vượt qua các rào cản văn hóa hay kinh tế14.
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng đất nước là một lời nhắc nhở về sức mạnh tiềm tàng và vai trò không thể thay thế của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển quốc gia. Đó là lý do vì sao Người luôn coi trọng và khuyến khích sự đóng góp của phụ nữ, không chỉ trong giai đoạn khó khăn mà cả trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững của đất nước. Qua mọi thời đại, tư tưởng của Người về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị, trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong hành trình không ngừng nỗ lực vì một tương lai tươi sáng, công bằng và thịnh vượng cho đất nước.
4. Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ hiện nay
Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội không chỉ là việc tôn vinh những đóng góp to lớn của họ mà còn là cách thức để xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng và phát triển bền vững. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, từ gia đình đến xã hội, chính trị và kinh tế. Để phát huy giá trị này trong bối cảnh hiện nay, cần kết hợp các chính sách bình đẳng giới với việc nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về vị trí của phụ nữ. Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, hỗ trợ họ phát triển kinh tế qua các chương trình khởi nghiệp, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng cũng cần được coi trọng, tạo môi trường để họ vừa có thể chăm sóc gia đình, vừa đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh đó, các hội phụ nữ và tổ chức xã hội có thể hỗ trợ phụ nữ kết nối và phát triển năng lực. Cuối cùng, khuyến khích phụ nữ giữ gìn và truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống giúp xã hội không chỉ phát triển về kinh tế mà còn vững vàng về đạo đức, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Để phát huy vai trò và trách nhiệm của phụ nữ, Người cho rằng, “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng, Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…”15. Không những thế, “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”16.
Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết để phát huy vai trò và trách nhiệm của phụ nữ. Đơn cử như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị đã đề ra các chủ trương và giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa17. Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo điều kiện để phụ nữ không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, đảm nhận các vị trí lãnh đạo, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước. Kết quả là Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới (Bảng 1), khẳng định Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp cho đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc phát huy vai trò của phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Sinh thời, Người cho rằng: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”18. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao tinh thần yêu nước và sẵn sàng hy sinh của phụ nữ Việt Nam, cho rằng, “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”19.
Để phát huy vai trò và trách nhiệm của phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ tham gia vào khởi nghiệp và kinh doanh không chỉ giúp họ độc lập về kinh tế mà còn đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia. Người cho rằng, “Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…”20.
Thực tế ngày nay, nhiều phụ nữ thực hiện khởi nghiệp để thể hiện tài năng, đam mê và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Việc thành công trong lĩnh vực kinh doanh có thể giúp phụ nữ chứng minh khả năng lãnh đạo và sáng tạo của mình, đồng thời phá vỡ những định kiến xã hội cho rằng phụ nữ yếu thế hơn trong kinh doanh. Để phát huy vai trò khởi nghiệp, Đảng và Chính phủ đã có nhiều nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp;… Nhiều chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng kinh doanh và kết nối mạng lưới doanh nhân sẽ tạo động lực và cơ hội cho phụ nữ, tiêu biểu được thực hiện đạt kết quả cao (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”).
Bình đằng giới là một trong sợi chỉ xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ. Người viết, “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai”21; “phải thực sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”22. Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng có nhiều nghị quyết liên quan đến bình đẳng giới. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”23. Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản pháp lý quan trong về bình đẳng giới, giá trị pháp lý cao nhất và Luật Bình đẳng giới năm 2006; theo đó, ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới.
Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy giá trị tương tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng đất nước, Chính phủ cần ban hành và thực thi các chính sách thiết thực hơn nữa trong hỗ trợ bình đẳng giới trong giáo dục, lao động và các vị trí lãnh đạo, bảo đảm phụ nữ và nam giới đều có cơ hội phát triển và thăng tiến.
Các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng cần được triển khai rộng rãi hơn nữa để thay đổi tư duy xã hội, xóa bỏ định kiến giới và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kết nối, hỗ trợ phụ nữ và thúc đẩy quyền lợi của họ. Cuối cùng, sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng sẽ giúp phụ nữ tự tin đóng góp vào xã hội, đồng thời khẳng định vị thế và quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng một xã hội phát triển công bằng và bền vững như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Chú thích:
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ và giải phóng phụ nữ. https://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-vai-tro-cua-phu-nu-va-giai-phong-phu-nu.html.
2, 12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 506, 448.
3, 7, 16. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 300, 301, 510.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 340.
5, 8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 313, 610.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 60 – 61.
9, 10, 20. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 214 – 216.
11. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 432.
13, 14, 15, 18. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 85 – 86, 219, 254, 317.
17. Nhìn lại 16 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về nội dung công tác phát triển cán bộ nữ – Những kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nhin-lai-16-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-11-nq-tw-ve-noi-dung-cong-tac-phat-trien-can-bo-nu-nhung-ket-qua-dat-duoc-va-dinh-huong-trong-thoi-gian-toi.
19. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 172.
21. Hồ Chí Minh toàn tập (2001). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 275.
22. Hồ Chí Minh toàn tập (2001). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 640.
23. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 169.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2007). Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Bộ Chính trị (2011). Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới.
4. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) (2018). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
5. Quốc hội (2006). Luật Bình đẳng giới năm 2006.
6. Quốc hội (2014). Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
7. Thực hiện bình đẳng giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/05/thuc-hien-binh-dang-gioi-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.
8. Tiếp cận về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/09/tiep-can-ve-binh-dang-gioi-trong-lanh-dao-quan-ly-o-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc-viet-nam.