ThS. Tạ Văn Sang
Trường Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật có nội dung sâu sắc và giá trị to lớn. Việc khai thác và phát huy giá trị tư tưởng của Người trong giai đoạn hiện nay để hình thành và tạo dựng lòng tin cũng như xây dựng thói quen xử sự theo pháp luật của sinh viên là điều rất cần thiết. Trong bài viết, tác giả đề cập đến nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống theo pháp luật và vận dụng vào xây dựng lối sống cho sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; tuân thủ pháp luật; sinh viên trường đại học; đồng bằng sông Cửu Long.
1. Đặt vấn đề
Sinh viên là bộ phận ưu tú, có trình độ cao trong thanh niên, họ là những người quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Tuy nhiên, một bộ phận họ, trong đó có sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long chưa thực sự tự giác nghiên cứu và chấp hành pháp luật dẫn đến hiện tượng coi thường, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật nhà trường. Vì vậy, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên là điều rất cần thiết nhằm làm cho các quy định của pháp luật thấm sâu vào hoạt động sống trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật. Thực hiện tốt xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ góp phần hình thành ý thức tự giác, tính tích cực, thói quen xử sự theo pháp luật và khắc phục, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong sinh viên.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật là một hệ thống quan điểm về mục đích, chủ thể, nội dung, biện pháp nhằm làm cho các quy định pháp luật thấm sâu vào nhận thức và hành vi của các đối tượng trong mọi hoạt động thường ngày để hướng đến xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống mới phải được hiện thực hóa trên các mặt của hoạt động sống, như: chiến đấu, lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử… Việc xây dựng lối sống trên các mặt này không phải dễ dàng mà là cả một quá trình của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có trách nhiệm, như: Đảng, Chính phủ, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể quần chúng và toàn dân với nội dung cụ thể, biện pháp rõ ràng.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuân thủ pháp luật chính là biểu hiện của lối sống văn minh, mỗi người văn minh thì xã hội sẽ văn minh. Việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của mỗi người sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và cộng đồng, đồng thời tạo nên sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Từ ý nghĩa quan trọng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng hệ thống pháp luật phải vừa đúng, vừa đủ, nghiêm minh, bám sát thực tế và phản ánh ý chí, nhu cầu của Nhân dân, đồng thời phải được thực thi một cách nghiêm túc trong đời sống, không có ngoại lệ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuân thủ pháp luật phải được xem là cơ sở quan trọng để xử lý các mối quan hệ trong đời sống xã hội. Vì vậy, khi đề cập đến đạo đức công dân, Người đã đặt vấn đề “tuân thủ pháp luật của Nhà nước” trở thành tiêu chuẩn đầu tiên mà mọi người phải thực hiện. Riêng với sinh viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm”1.
Để xây dựng lối sống dân chủ, theo pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý trong thi hành pháp luật phải luôn công khai, minh bạch và dân chủ. Theo Người, việc đưa chính trị hay pháp luật vào đời sống nhân dân không thể từ “trên dội xuống” mà phải từ “dưới nhoi lên”. Trong lúc thi hành pháp luật “phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”2. Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy hậu quả nặng nề từ chính sách cai trị của thực dân Pháp đã làm cho phần lớn nhân dân mù chữ, thiếu hiểu biết pháp luật. Cùng với đó, đa số dân ta lại chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “phép vua thua lệ làng” nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Thấu hiểu điều đó, Hồ Chí Minh đã đề ra các biện pháp đề phòng và ngăn chặn kịp thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, thanh niên phải xây dựng cho mình thói quen tuân thủ kỷ luật, Người nói: “Nếu muốn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải giữ vững kỷ luật lao động, bằng cách giáo dục, giúp đỡ, phê bình rồi đi dần đến kỉ luật hành chính”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu ý: “Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy; Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra…”4.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật muốn đạt được hiệu quả, vấn đề tiên quyết là phải nâng cao trình độ dân trí của Nhân dân bằng cách tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, với nội dung đúng, đủ, tiến bộ, phù hợp để từng bước hình thành cho nhân dân hệ thống tri thức pháp luật, lòng tin vào pháp luật dân chủ và động cơ, thói quen thực hiện pháp luật cũng như có thái độ rõ ràng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hướng tới “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải cố gắng học tập để “có pháp luật trong tay”. Việc hiểu biết pháp luật là điều kiện để hình thành ý thức tự giác, tính tích cực, thói quen xử sự theo pháp luật. Khi đã có thói quen xử xự theo pháp luật, thanh niên sẽ tiếp tục nảy sinh nhu cầu học tập, hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích của mình và của người khác tốt hơn. Đồng thời, thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo pháp luật. Với cách nhìn biện chứng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình cho mọi người thói quen tuân thủ và sử dụng pháp luật để đảm bảo quyền là chủ, làm chủ của mình, cũng như việc tham gia vào việc quản lý và kiểm soát nhà nước.
Trong xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, giáo dục và pháp luật phải đi đôi với nhau, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Trong xử lý vi phạm, trước hết là dùng biện pháp giáo dục, đạo đức để cảm hóa chứ không phải “chút gì cũng dùng đến xử phạt” nhưng điều đó không có nghĩa là “không dùng xử phạt” mà Chính phủ cần phải kiên quyết và nghiêm khắc với mọi hành vi vi phạm pháp luật để người dân hiểu được tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Từ đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác, tự nguyện chấp hành các quy định của pháp luật.
Một trong những biện pháp quan trọng trong xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chính là nêu gương trong thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hành pháp luật và “chính Người cũng nghiêm chỉnh thi hành pháp luật, thể lệ của Nhà nước”5 để Nhân dân noi theo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật có nội dung và giá trị sâu sắc, mang tính thời sự nhằm xây dựng một xã hội kỷ cương, dân chủ, mỗi người dân đều hiểu rõ và tôn trọng pháp luật góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng của Người trong xây dựng xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn hiện nay nhất là đối với thanh niên, sinh viên – những người đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhân cách.
3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long
a. Những kết quả đạt được
Một là, công tác phổ biến, tuyên truyền xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật có nhiều tiến bộ. Bám sát tư tưởng Hồ Chí Minh, các trường đại học đã quán triệt và triển khai tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, của bộ, ngành, địa phương về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật và hiểu rõ tầm quan trọng của thanh niên sinh viên đối với sự phát triển và trường tồn của dân tộc, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030; Quyết định số 410/QĐ-BGDVĐT ngày 04/02/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 -2030”…
Cùng với đó, các trường thực hiện triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của ngành Giáo dục phù hợp với điều kiện riêng của từng trường nhằm xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên, khắc phục biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống và tình trạng bạo lực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong sinh viên. Đơn cử: giai đoạn từ năm 2022 – 2024, Trường Đại học An Giang đã tổ chức 54 hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 29.125 lượt sinh viên tham gia6; tại Trường Đại học Cần Thơ, trung bình mỗi năm nhà trường tiến hành tổ chức sinh hoạt, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 30.000 lượt sinh viên7; tại Trường Đại học Đồng tháp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thực hiện sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng thanh niên sinh viên góp phần xây dựng ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” và định kỳ hằng tuần, thực hiện kiểm tra, thăm hỏi, nhắc nhở sinh viên ngoại trú về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản…8; ở Trường Đại học Kiên Giang, việc phổ biến, giáo dục pháp luật được cụ thể hóa với các chủ đề riêng của từng tháng9; tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, có 100% sinh viên được triển khai nghị quyết các cấp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước10…
Hai là, nhiều hoạt động xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức thực hiện. Hầu hết các trường đã xây dựng chuyên mục tuyên truyền và phổ biến pháp luật trên Cổng thông tin điện tử, fanpage, zalo của trường; xây dựng tủ sách pháp luật; tập huấn, tọa đàm, hội thảo, báo cáo chuyên đề; cuộc thi, hội thi, tiểu phẩm tìm hiểu pháp luật… Các trường còn triển khai học phần Pháp luật đại cương đến đa số sinh viên và có những chỉ đạo lồng ghép giáo dục pháp luật vào các môn học, các chương trình ngoại khóa và đặc biệt là phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống với giáo dục pháp luật qua việc tổ chức thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Công tác xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Ngoài ra, các trường còn phối hợp với các bộ phận chuyên trách, lực lượng công an để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho sinh viên, như: phổ biến “Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, “Tìm hiểu Luật Thanh niên”, “Tìm hiểu Luật An ninh mạng 2018”, “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới”, “Tìm hiểu Luật Sở hữu trí tuệ” “Tuyên truyền chủ quyền biển đảo”, “Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội”, “Tập huấn kĩ năng an toàn giao thông”, “Sinh viên với văn hóa giao thông”, “Phòng chống quấy rối tình dục nơi công cộng”; hội thi “Chuông vàng pháp lý”; hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11”…;
Nhiều trường đã thành lập trung tâm hay câu lạc bộ, như: Trung tâm Tư vấn pháp lý (TVU), Câu lạc bộ tiếng Anh pháp lý (CTU), Câu lạc bộ Pháp lý và Lý luận chính trị (AGU) hay phổ biến pháp luật qua Câu lạc bộ Lý luận trẻ (KGU, ĐThU, TVU, TGU, BLU…). Các trường trong khu vực đều tổ chức “Phiên tòa giả định” cho sinh viên viết bản cam kết về “phòng chống ma túy và đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; tổ chức tọa đàm: “Đa cấp và các quy định liên quan”, “Vấn đề sử dụng mạng xã hội”… Những hoạt động này có tác dụng lớn trong việc tạo chuyển biến trong nhận thức, hình thành niềm tin vào pháp luật và thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho sinh viên. Đồng thời, ngăn ngừa sinh viên mắc vào những trò lừa đảo của bọn tội phạm và tham gia vào công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, để xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật Nhà nước, quy định của nhà trường, Đoàn Thanh niên các trường còn lập các đội cờ đỏ để kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật nhà nước, nội quy nhà trường của sinh viên chuyển biến theo hướng tích cực.
Ba là, nhận thức của sinh viên trong nghiên cứu và thực hiện pháp luật từng bước được nâng lên. Từ nhận thức và hoạt động thực tiễn xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh của các trường cho thấy: sinh viên ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của nhà trường. Kết quả: có 43,7% sinh viên hiểu biết pháp luật ở mức bình thường, 27% sinh viên hiểu biết pháp luật ở mức biết nhiều và đặc biệt có đến 65,4% sinh viên dám bày tỏ thái độ đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật11. Điều này cho thấy, sinh viên đã từng bước có nhu cầu về tìm hiểu pháp luật và thể hiện thái độ rõ ràng đối với các hành vi vi phạm.
b. Những hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên, vẫn còn những hạn chế nhất định, như:
(1) Một số chủ thể giáo dục trong nhà trường vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này; nội dung, hình thức xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên chưa có nhiều đổi mới; sự phối hợp trong xây dựng lối sống giữa nhà trường – gia đình – xã hội chưa chặt chẽ; những nguồn lực cần thiết cho xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên vẫn còn thiếu nên công tác này chưa thật hiệu quả…
(2) Một bộ phận sinh viên ít hiểu biết về pháp luật, chưa nắm chắc, hiểu sâu, hiểu đúng pháp luật dẫn đến thái độ coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của nhà trường. Bên cạnh đó, những hành vi, như: lười lao động, lười học tập, quay cóp trong kiểm tra, thi cử; cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan; mua bán bằng giả (tin học, ngoại ngữ); ứng xử thiếu văn minh trong thực tế và không gian mạng… cũng đang diễn ra trong sinh viên.
Những hạn chế này là do một bộ phận chủ thể giáo dục chưa thực sự nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống theo pháp luật; do sự tác động từ những biến đổi văn hóa, lối sống ở đồng bằng sông Cửu Long; do sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, của cơ chế thị trường; do truyền thông, dư luận xã hội cũng như sự tác động của môi trường học tập; do các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật trong nhà trường, sự giáo dục và định hướng lối sống của gia đình còn những hạn chế nhất định. Đặc biệt, là do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và chấp hành pháp luật của một bộ phận sinh viên.
3. Một số giải pháp xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên
Từ góc nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực trạng lối sống theo pháp luật của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long và từ những nhân tố tác động, để xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nghiêm minh, đồng bộ. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nội dung quan trọng để xây dựng xã hội ổn định, bền vững, góp phần giúp mọi người có niềm tin vào công lý, công bằng xã hội và có ý thức thượng tôn pháp luật; động viên được phong trào quần chúng tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và những biểu hiện vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật… Cùng với đó, phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân trong đó có thanh niên sinh viên thực hiện trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ cương, phép nước.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của các chủ thể giáo dục về tầm quan trọng của việc xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật và thực hành nêu gương chấp hành pháp luật. Các chủ thể giáo dục phải bám sát và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống theo pháp luật; quán triệt hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân để từng bước thể chế hóa thành chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật tại trường; tiến hành đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức giáo dục đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của sinh viên; tăng cường đầu tư kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cần thiết cho sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Cùng với việc nâng cao nhận thức, cần thực hiện nêu gương và xây dựng điển hình tiên tiến về “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, trong đó, nhất thiết phải giáo dục cho sinh viên tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh – một tấm gương sáng về tuân thủ pháp luật. Đây chính là biện pháp lấy nhân cách để giáo dục nhân cách, thực hiện tốt điều này sẽ có tác động nhanh, mạnh, hiệu quả đối với tư tưởng, tình cảm của sinh viên.
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho sinh viên. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”12. Để xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên, các trường cần thường xuyên tổ chức việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật thông qua nhiều kênh nhằm nâng cao tinh thần tự giác, tính tích cực và thói quen xử sự theo pháp luật. Tập trung tuyên truyền, giáo dục các vi phạm thường gặp ở sinh viên, như: vi phạm an toàn giao thông, vi phạm trong sử dụng chất kích thích hoặc các chất cấm, vi phạm trong kiểm tra, thi cử, vi phạm an ninh mạng, gây rối trật tự công cộng, vi phạm về tín dụng và tài chính, vi phạm liên quan đến lao động…
Cùng với đó, các trường cần triển khai học phần Pháp luật đại cương đến tất cả sinh viên một cách nghiêm túc với đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành để từng bước nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho sinh viên, giúp họ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội. Và trong điều kiện cho phép, các trường có thể kết nối, giao lưu với các luật gia hoặc trung tâm pháp lý để sinh viên có điều kiện tiếp xúc và nâng cao hiểu biết pháp luật của mình tốt hơn.
Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giáo dục pháp luật. Đội ngũ này phải là người có sự am hiểu về tri thức pháp luật, có kỹ năng sư phạm, hoạt ngôn, đam mê với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đồng thời, họ phải thường xuyên được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác xây dựng lối sống theo pháp luật cho sinh viên.
Thứ năm, phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong việc xây dựng lối sống theo pháp luật cho sinh viên. Đoàn, Hội phải thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi tìm hiểu pháp luật hiểu pháp luật với hình thức nhiều hình thức phong phú cả trực tiếp và trực tuyến, thông qua hình thức trò chơi, mini game, sân khấu hóa hay thông qua các kênh, như: báo chí, trang mạng, tranh ảnh, pano, khẩu hiệu; qua các nền tảng tiktok, youtube, facebook… để tác động đến nhận thức, tình cảm của sinh viên đối với pháp luật. Đặc biệt, Đoàn, Hội cần kết hợp giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên giúp họ không chỉ có lối sống tuân thủ pháp luật mà còn có nền tảng đạo đức vững chắc, nếp sống văn minh, lành mạnh.
Thứ sáu, xây dựng môi trường văn hóa pháp lý lành mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa pháp lý sẽ tạo ra môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng và phát triển những tình cảm, hành động đạo đức, lối sống tốt đẹp của con người cũng như việc nêu cao tinh thần đấu tranh dẹp bỏ những tiêu cực, lạc hậu trong lối sống. Đặc biệt, trong nhà trường phải xây dựng được nề nếp trong thực hành pháp luật, tự giác xử sự theo pháp luật, không chỉ trong sinh viên mà cả trong giảng viên. Điều đó, sẽ tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng trước pháp luật từ trên xuống dưới.
Thứ bảy, nâng cao ý thức tự giác học tập và chấp hành pháp luật của sinh viên. Sinh viên với tư cách là “người chủ tương lai” của nước nhà, nên các chủ thể cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và sự tự giác của họ trong học tập, rèn luyện lối sống theo pháp luật và tư duy phòng chống những hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng. Bản thân sinh viên phải tranh thủ mở rộng kiến thức pháp luật của mình bằng cách học tập và tham gia các chương trình có liên quan đến pháp luật. Khi có tri thức và thói quen lao động, học tập, làm việc, sinh hoạt, ứng xử theo pháp luật sinh viên sẽ luôn có suy nghĩ, hành động đúng đắn, góp phần vào việc xây dựng con người mới, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
4. Kết luận
Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn hiện nay góp phần quan trọng trong xây dựng thế hệ sinh viên có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi sinh viên học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, có ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật sẽ là cơ sở để đẩy lùi cái xấu, nhân rộng cái tốt trong xã hội và xây dựng cho bản thân một tương lai tươi sáng.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 402.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 233.
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập10. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 582.
4, 12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập12. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 707.
5. Hội Luật gia Việt Nam (1985). Bác Hồ đi bầu cử, Hồ Chủ tịch và pháp chế. NXB TP. Hồ Chí Minh, tr. 158, 301.
6. Tác giả tổng hợp từ: Báo cáo công tác Đoàn Thanh niên Trường Đại học An Giang do Đoàn Trường Đại học An Giang cung cấp, 2024.
7. Nguyễn Văn Tròn và Nguyễn Chí Hiếu (2019). Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 55(2C), tr. 78 – 85.
8. Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp (2024). Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Đồng Tháp lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
9. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. https://www.vnkgu.edu.vn/Tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-16-1.html, truy cập ngày 09/10/2024.
10. Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long (2020). Văn kiện đại hội Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, nhiệm kỳ 2020 -2023.
11. Số liệu điều tra xã hội học do tác giả thực hiện vào tháng 4/2024, với 436 sinh viên tại 6 trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2015). Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030.
2. Quốc hội (2012). Luật Phổ biến Giáo dục pháp luật năm 2012.
3. Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên Đại học Tân Trào. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/05/05/nang-cao-chat-luong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-sinh-vien-dai-hoc-tan-trao/
4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Đại học Thành Đông. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/01/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-giao-duc-dao-duc-cho-sinh-vien-truong-dai-hoc-thanh-dong/