TS. Phan Thị Cẩm Lai
ThS. Vũ Thị Thu Hiền
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng công tác đối ngoại nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc và là di sản quý báu cho đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nghiên cứu và vận dụng tư tưởng này là điều cần thiết để mở rộng quan hệ đối ngoại, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; ngoại giao tâm công; tư tưởng Hồ Chí Minh; ngoại giao Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, định hướng chiến lược cho chính sách đối ngoại của Việt Nam suốt hơn 90 năm qua. Với tầm nhìn sâu sắc và bản lĩnh chính trị kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống quan điểm ngoại giao độc đáo, nổi bật dựa trên nền tảng tư tưởng “tâm công” – nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa tính cách mạng và tính nhân văn. Tư tưởng này vừa góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế, vừa tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè năm châu trong cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền ngoại giao Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng “tâm công” không chỉ góp phần giữ vững bản sắc cách mạng mà còn định hình, xây dựng một nền ngoại giao hiện đại, linh hoạt. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đồng thời, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trong thời kỳ mới.
2. Tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo đã kế thừa tinh hoa ngoại giao truyền thống của dân tộc và nâng tầm ngoại giao “tâm công” lên một tầm cao mới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Ngoại giao “tâm công” được Người vận dụng linh hoạt, khéo léo để phù hợp với bối cảnh lịch sử và yêu cầu của thời đại, thể hiện qua những nội dung cốt lõi và sâu sắc.
Thứ nhất, cơ sở cốt lõi của ngoại giao “tâm công” theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là niềm tin vào bản tính hướng thiện của con người và sự gắn kết qua các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng tinh hoa truyền thống dân tộc kết hợp với những giá trị nhân văn phổ quát để xây dựng và phát triển ngoại giao “tâm công” thành một phương thức độc đáo và hiệu quả. Người nhận ra sự tương đồng trong lý tưởng, tâm lý và tình cảm giữa dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, từ đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác. Trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám” năm 1947, Người nhấn mạnh: “Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy hòa bình và đạo lý làm tiêu chí phân biệt bạn – thù, không đánh đồng cả một dân tộc với những kẻ gây chiến mà nỗ lực cô lập kẻ thù chính và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân các nước. Dựa trên sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, tâm lý và phong tục của cả phương Đông lẫn phương Tây, Người khéo léo tìm kiếm và khai thác các điểm tương đồng để thúc đẩy tinh thần hợp tác, hữu nghị và sự ủng hộ của quốc tế. Với niềm tin vào bản tính hướng thiện của con người, Người luôn nhấn mạnh rằng, dân tộc nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ và chính tinh thần yêu hòa bình này là cầu nối gắn kết các dân tộc tiến bộ “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”2.
Người không chỉ thuyết phục bạn bè quốc tế bằng lẽ phải và đạo lý mà còn biết vận dụng linh hoạt các phương thức ứng xử phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh, khiến họ ủng hộ hoặc ít nhất là không chống lại Việt Nam. Trong “Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “… chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự đồng hành nền độc lập của chúng tôi… Cũng như Philippines, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”3. Từ tinh thần yêu nước sâu sắc, Người đã mở rộng thành tinh thần quốc tế chân chính, khơi dậy tình cảm nhân văn và lý tưởng cao cả, đưa ngoại giao “tâm công” trở thành một sức mạnh mềm đầy thuyết phục, góp phần quyết định vào thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
Thứ hai, đối với các nước là bạn, là đồng chí của Việt Nam, Người luôn nỗ lực xây dựng tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế trên cơ sở chân thành, trong sáng và thủy chung.
Bằng sự luôn tinh tế trong việc phát hiện và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của mỗi quốc gia, đồng thời tìm kiếm các điểm tương đồng để xây dựng nền tảng cho tình hữu nghị bền vững giữa các dân tộc, Người luôn đề cao tình cảm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với các nước bạn bè, láng giềng và thể hiện sự tôn trọng, gắn bó qua những hành động cụ thể. Trong chuyến thăm vào tháng 7/1955, Người bày tỏ sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới nhân dân Liên Xô – người bạn lớn đã đồng hành cùng Cách mạng Việt Nam: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã chỉ cho nhân dân Việt Nam con đường thắng lợi để giải phóng dân tộc. Chính sách của Liên Xô nhằm bảo vệ hòa bình thế giới và những cố gắng của Liên Xô ở Hội nghị Giơnevơ đã giúp nhân dân Việt Nam lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”4. Khi tiễn Vua Lào thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ như một món quà tri ân; khi thăm Ấn Độ, Người mang cây Đại từ Hà Nội để trồng tại nơi tưởng nhớ Thánh Gandhi, hay đặt vòng hoa tưởng niệm cha của Thủ tướng Nêru. Những hành động ấy không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thấm đẫm tình cảm sâu sắc, tạo dựng lòng tin và sự gắn kết giữa dân tộc Việt Nam với các nước.
Ngay từ thời kỳ bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã chủ động gây dựng tình bạn với nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau, từ những chiến sĩ lỗi lạc của Đảng Cộng sản Pháp đến các công nhân, thợ khâu bình dị. Dù ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á, Người luôn tìm kiếm và phát huy các điểm tương đồng để làm cơ sở xây dựng tình hữu nghị. Người cũng nhắc nhở cán bộ ngoại giao phải thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ dân tộc bị áp bức và gắn bó với nhân dân thế giới, tất cả vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Nhờ sự kết hợp giữa lý tưởng cao đẹp và hành động thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của tinh thần quốc tế trong sáng, đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc.
Thứ ba, đối với kẻ thù, Người luôn khéo léo sử dụng lời lẽ thuyết phục, nhấn mạnh đạo lý và chính nghĩa.
Trong “Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương” năm 1945, Người đã bày tỏ quan điểm sâu sắc về độc lập và tự do, nhấn mạnh sự tương đồng trong khát vọng của cả hai dân tộc và nói rõ: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập…. Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”5. Người tiếp tục kêu gọi sự thức tỉnh và tinh thần nhân văn của Nhân dân Pháp: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình – một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ – phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư?”6. Đây là lời cảnh tỉnh, thể hiện sự trân trọng của Người đối với nhân cách cá nhân nhằm thức tỉnh lương tâm của đối phương.
Đối với Nhân dân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến khơi dậy tinh thần trách nhiệm và lòng yêu chuộng công lý của họ. Trong “Điện gửi các bạn người Mỹ nhân dịp năm mới năm 1968”, Người chỉ rõ những bất công mà cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam “… có nửa triệu quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam, cùng với hơn 70 vạn quân ngụy và quân chư hầu, hằng ngày bắn giết người Việt Nam, đốt phá thành phố và xóm làng Việt Nam… hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải chết và bị thương vô ích trên chiến trường Việt Nam. Chính phủ Mỹ xài phí về chiến tranh ở Việt Nam mỗi năm hàng chục tỷ đôla tiền mồ hôi, nước mắt của Nhân dân Mỹ… Các bạn ra sức đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ chúng tôi”7. Bằng những dẫn chứng cụ thể về tổn thất nhân mạng và tài chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh khéo léo kêu gọi Nhân dân Mỹ hành động để buộc chính phủ của họ chấm dứt chiến tranh, vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ cuộc đấu tranh chính đáng của Nhân dân Việt Nam. Kết hợp lý lẽ sắc bén, sự thấu hiểu tâm lý và lòng nhân ái sâu sắc, Người đã tạo nên những thông điệp mạnh mẽ, lay động lương tri, không chỉ thức tỉnh đối phương mà còn tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tấm lòng nhân ái và tinh thần bao dung, luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác địch vận trong sự nghiệp cách mạng. Người từng khẳng định trong Hội nghị quân sự lần thứ Năm (tháng 8/1948): “Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh. Cái đó là việc chính trị”8. Trong cách đối xử với tù binh, Người luôn đề cao tinh thần nhân đạo và sự khoan dung “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng”9. Lời dạy của Người vừa thể hiện trí tuệ chiến lược, vừa khẳng định giá trị đạo đức cao quý, làm sáng ngời nhân cách và bản sắc dân tộc Việt Nam.
3. Vận dụng tư tưởng ngoại giao “tâm công” trong xây dựng nền ngoại giao hiện đại, toàn diện
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng nghệ thuật “tâm công” – phương pháp lấy nhân tâm làm nền tảng để củng cố khối đoàn kết dân tộc, xây dựng đường lối, chính sách ngoại giao hiện đại, toàn diện.
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao sự tương đồng trong quan điểm và lợi ích trong quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.
Quán triệt tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng việc tìm kiếm sự tương đồng về lợi ích trong các mối quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia không thể tách rời mà cần phải hợp tác để giải quyết những vấn đề chung, như: bảo vệ hòa bình, phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh phi truyền thống. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng ta luôn kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, luôn đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên hàng đầu, đồng thời tìm kiếm điểm chung để tạo dựng quan hệ hợp tác có lợi cho tất cả các bên.
Tinh thần “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết” đã được thể hiện rõ trong các Nghị quyết Đại hội XII và XIII của Đảng, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng và khoan dung trong quan hệ quốc tế. Đảng xác định: “… tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”10, chính là yếu tố quan trọng để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ… Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”11.
Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “năm không”, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không tham gia các liên minh quân sự, không để các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. Trước tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, Việt Nam luôn chú trọng giải quyết các vấn đề tồn đọng với các quốc gia láng giềng theo hướng “tăng điểm tương đồng, giảm điểm bất đồng”. Đặc biệt, trong các vấn đề như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khai thác nguồn nước sông Mê Kông hay ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn khẳng định lập trường duy trì hòa bình, ổn định và kêu gọi đối thoại trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai là, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần thiện chí hòa bình, hợp tác, hữu nghị trong các mối quan hệ ngoại giao thông qua đường lối đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Vận dụng tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng luôn thể hiện tinh thần thiện chí, hòa bình, hợp tác và hữu nghị trong các mối quan hệ ngoại giao. Ngoại giao vừa là công cụ bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa là phương tiện để xây dựng lòng tin, tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các quốc gia, nhằm tạo ra một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. Chính vì vậy, chính sách đối ngoại của Đảng được thể hiện qua việc đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế, mở rộng các mối quan hệ với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực. Đại hội VII đã khẳng định: “… thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa… tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng, bảo đảm ổn định, an ninh và phát triển”12.
Từ tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã đề cao việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung của các quốc gia. Chính sách đối ngoại này vừa thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm, vừa thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc đóng góp vào sự hòa bình và ổn định của thế giới, đồng thời bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia trong mọi tình huống.
Tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), Đảng đã đưa ra nhiệm vụ cấp bách trong việc kết nối Việt Nam với các tổ chức đa phương, như: IMF, WB, ADB và các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN, đánh dấu sự chuyển biến trong tư duy đối ngoại. Từ đó, Đảng xác định không phân biệt chế độ chính trị hay trình độ phát triển, mục tiêu là xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với tất cả các quốc gia. Đại hội VIII của Đảng tiếp tục cụ thể hóa chính sách đối ngoại đa phương, không chỉ mở rộng hợp tác kinh tế mà còn nhấn mạnh vai trò của đối ngoại nhân dân, tăng cường sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam.
Các kỳ Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới luôn phản ánh sự đổi mới mạnh mẽ và tiến bộ trong tư duy đối ngoại. Từ “muốn làm bạn” ở Đại hội IX đến “sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy” trong Đại hội X đã thể hiện sự chủ động và tích cực trong quan hệ quốc tế, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh quan điểm đối ngoại đa phương là một chiến lược quan trọng, với ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đại hội nhận định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”13.
Có thể nói, quan điểm, tư duy đối ngoại của Đảng luôn thực chất và cụ thể, thể hiện qua hành động xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với mọi quốc gia. Việt Nam mong muốn trở thành bạn và đối tác tin cậy, sẵn sàng hợp tác mà không phân biệt chế độ chính trị, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Với tinh thần hợp tác tích cực, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; quan hệ đối ngoại của Việt Nam vì thế không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 30 quốc gia có mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện. Đồng thời, Việt Nam duy trì mối quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ14.
Ba là, Việt Nam luôn tăng cường mối quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng trên tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau”, “giúp bạn là tự giúp mình”.
Nhận thức rõ vai trò chiến lược của mối quan hệ với các nước láng giềng, Đảng luôn đặt vấn đề này ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại. Ngay từ thời kỳ đổi mới, chủ trương xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng đã được xác định là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững “… phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương,… hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”15.
Đặc biệt, sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, quan hệ với các nước láng giềng không chỉ giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn mở ra cánh cửa hội nhập và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tại Đại hội VII năm 1991, Đảng ta đã nêu rõ nhiệm vụ “Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”16.
Điểm nhấn đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là giải quyết thành công vấn đề Campuchia thông qua Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991. Đây là một bước tiến lớn nhằm tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, giúp Việt Nam thoát khỏi thế cô lập, vươn lên xây dựng quan hệ với các đối tác quốc tế. Đại hội XIII của Đảng nhận định “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”17. Quan hệ láng giềng không chỉ được củng cố qua các hoạt động song phương mà còn khẳng định vai trò then chốt trong tổng thể chiến lược đối ngoại của Việt Nam, đóng góp thiết thực vào mục tiêu xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động với thách thức từ đại dịch toàn cầu và xung đột địa chính trị, Việt Nam luôn kiên định thực hiện đường lối đối ngoại linh hoạt, nhân văn, lấy tinh thần “tối lửa tắt đèn có nhau” và “giúp bạn là tự giúp mình” làm kim chỉ nam. Mối quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia tiếp tục được củng cố, thể hiện qua sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình trong cuộc chiến chống chế độ diệt chủng tại Campuchia hay chia sẻ nguồn lực trong đại dịch Covid-19. Quan hệ chính trị giữa ba nước đóng vai trò định hướng chiến lược, là nền tảng cho hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, Việt Nam chủ động tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, khai thác tiềm năng hợp tác để bảo đảm an ninh, phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
4. Kết luận
Vận dụng tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng và triển khai đường lối ngoại giao linh hoạt, hiện đại, toàn diện, hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Đường lối này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế đa dạng và hiệu quả, đồng thời, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tư tưởng ngoại giao “tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng vững chắc cho đường lối đối ngoại của Đảng, thể hiện trong sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ chủ quyền quốc gia và chủ động hội nhập quốc tế. Đó là minh chứng cho sự sáng tạo và kiên định của Đảng trong việc ứng phó với những thách thức của thời đại, thể hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng và hợp tác cùng phát triển với cộng đồng quốc tế.
Chú thích:
1, 8. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 218, 595.
2, 3, 5, 6, 9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 397, 204, 75, 76 – 77, 29 – 30.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 41.
7. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 414.
10. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 158.
11, 13, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 69, 50, 69.
12, 15, 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X). H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 313 – 314, 79, 238.
14. Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới. https://consosukien.vn/ngoai-giao-dua-viet-nam-hoi-nhap-vao-dong-chay-chung-cua-the-gioi.htm.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Dy Niên (2002). Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nét độc đáo trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/net-doc-dao-trong-tu-tuong-doi-ngoai-ho-chi-minh-637856.html
3. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/tu-tuong-ngoai-giao-ho-chi-minh-trong-duong-loi-doi-ngoai-cua-dang-va-nha-nuoc-ta-618146.
4 Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/02/06/gia-tri-ly-luan-va-thuc-tien-cua-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doan-ket-quoc-te/.
5. Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh – nhìn từ Đại hội XIII của Đảng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/06/01/dai-doan-ket-dan-toc-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-nhin-tu-dai-hoi-xiii-cua-dang/.
6. Giá trị của tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/09/gia-tri-cua-tu-tuong-than-dan-trong-lich-su-tu-tuong-chinh-tri-viet-nam-voi-cong-cuoc-xay-dung-dat-nuoc-hien-nay/