Các yếu tố ảnh hưởng tới chính sách hỗ trợ phòng, chống thiên tai – nghiên cứu trường hợp cộng đồng người Bru – Vân Kiều, vùng biên giới Việt – Lào, tỉnh Quảng Bình

ThS. Đoàn Việt
Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm hỗ trợ cộng đồng người Bru – Vân Kiều vùng biên giới Việt  Lào phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương cấp xã đã thực thi một số biện pháp cụ thể, như: cứu hộ, cứu nạn, đa dạng hóa phương pháp truyền thông, tái định cư, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa tại huyện Lệ Thủy năm 2023 và huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) năm 2024 cho thấy, những hoạt động hỗ trợ người dân phòng, chống thiên tai của chính quyền cấp xã chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, ở cả chính sách và người thụ hưởng chính sách. Vì vậy, việc kiểm soát và khắc phục được những ảnh hưởng này giúp thúc đẩy, gia tăng năng lực phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Đồng thời,góp phần củng cố niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo, bảo vệ Nhân dân của chính quyền địa phương.  

Từ khóa: Phòng, chống thiên tai; chính sách hỗ trợ; yếu tố ảnh hưởng; người Bru – Vân kiều; biên giới Việt – Lào; tỉnh Quảng Bình.

1. Đặt vấn đề 

Năm 2022, Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hiệp quốc đã nhận định, chỉ trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XXI, ước tính các loại hình thiên tai trên thế giới tăng so với giai đoạn trước khoảng 75%, trong đó Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại hơn 6,4 tỷ USD1.

Quảng Bình là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông là đường bờ biển có chiều dài trên 116 km, phía Tây giáp nước bạn Lào với tổng chiều dài biên giới là 222,118 km. Diện tích tự nhiên của Quảng Bình là 7.998,76 km2. Về địa hình Quảng Bình ở khu vực hẹp nhất nước ta, dù vậy địa hình lại có sự phân chia phức tạp, chia cắt dữ dội. Phần lớn diện tích đất đai của tỉnh là khu vực đồi núi, chiếm tới 85% tổng diện tích tự nhiên nằm dọc theo sườn Đông dãy Trường Sơn. Quảng Bình cũng là địa phương chịu nhiều tác động tiêu cực của thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão từ tháng 7 – 11 hằng năm. Mặt khác, với địa hình phần lớn là đồi núi, giao thông đi lại không thuận lợi, thường xuyên bị chia cắt, cô lập cục bộ trong mùa mưa bão… nên công tác công tác phòng chống, cứu hộ, cứu trợ người dân trong thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới của tỉnh. Giai đoạn từ 2010 – 2021, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của 16 cơn bão, thiệt hại 12 người chết, 65 người bị thương, 63 hộ gia đình sập nhà, 2.330 ngôi nhà bị hư hỏng nặng… lũ lụt xảy ra từ 2 – 5 lần mỗi năm, mỗi đợt thường gây thiệt hại về người, tài sản, cây trồng2

Khu vực biên giới Việt Lào của tỉnh Quảng Bình gồm 9 xã thuộc 5 huyện biên giới3 là địa bàn cư trú chủ yếu của người Bru – Vân Kiều, họ sinh sống ở khu vực này từ rất lâu đời. Đời sống kinh tế của đồng bào còn rất khó khăn, tỷ lệ nghèo đói cao, nguyên nhân đói nghèo cơ bản do trình độ dân trí thấp, thiếu đất sản xuất, phương thức sản xuất lạc hậu…4. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo đói của người Bru – Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình là tình trạng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, trong khi năng lực tự ứng phó, khắc phục thiên tai ở cộng đồng này còn khá yếu. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ cộng đồng người Bru – Vân Kiều khắc phục, giảm thiểu tác động của thiên tai tới đời sống như cứu trợ trực tiếp bao gồm cả hoạt động cứu nạn và hỗ trợ kinh tế trong và sau thiên tai5. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cứu trợ, hỗ trợ người Bru – Vân Kiều giảm thiểu tác động thiên tai của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình còn tồn tại một số vấn đề bất cập như người dân thụ động, có tâm lý trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước; mặt khác, việc thực thi chính sách hỗ trợ của chính quyền còn chưa bám sát thực tiễn, dựa trên các cứ liệu về điều kiện kinh tế – xã hội và trình độ phát triển của các cộng đồng dân cư khác nhau ở địa phương; ở một số nội dung hỗ trợ còn mang tính cào bằng nhất là ở các hoạt động tái định cư và giao đất rừng sản xuất6. Người Bru – Vân Kiều vùng biên giới Việt – Lào ở tỉnh Quảng Bình có sự khác biệt giữa các địa phương trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ người dân giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai bao gồm các nội dung trực tiếp như tái định cư, cứu trợ kinh tế và các chính sách mang tính gián tiếp thông qua hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm giúp người dân có thêm nhiều nguồn thu nhập khác nhau, như: giao đất rừng sản xuất, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… Bài viết tìm hiểu nguyên nhân của sự khác biệt trong việc thực thi cùng một chính sách với mong muốn chỉ ra được phương án tối ưu trong hoạt dộng hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.  

2. Tình hình thiên tai ảnh hưởng đến đời sống của người Bru – Vân Kiều tỉnh Quảng Bình

Thống kê của cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Bình cho thấy, từ khoảng 10 năm trở lại đây, các hiện tượng thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngày càng trở nên khốc liệt, diễn tiến bất thường, khó lường. 

Theo kết quả quan trắc khí hậu cũng cho thấy sự bất thường của thiên tai trong những năm gần đây. Số liệu thống kê về lương mưa tại trạm Tuyên Hóa (giai đoạn 2019 – 2022) cho thấy, lượng nước mưa trung bình hàng năm đều tăng so với giai đoạn trước, lại thường dồn vào cuối mùa mưa bão, chẳng hạn cơn lũ lịch sử vào trung tuần tháng 10/2022, gây hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vùng người Bru – Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình. Toàn huyện bị ngập lụt hơn 17.000 ngôi nhà, trong đó 24 ngôi nhà bị sập; các cơ sở trường học, bệnh viện, đường giao thông, hệ thống đường dây điện liên thôn bản… cũng bị ngập gây hư hoại nặng nề trang thiết bị; diện tích hoa màu bị thiệt hại 330 ha; cây trồng lâu năm, cây ăn quả: 110 ha; cây trồng hàng năm: 317 ha; rừng bị ngã đổ: 255 ha; lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng: 11.300 tấn. Gia súc bị chết, cuốn trôi: 6.800 con; diện tích nuôi cá chuyên canh bị ngập: 280 ha; diện tích nuôi tôm bị ngập – 32 ha; lồng bè, hải sản các loại bị vỡ – 10 lồng; phương tiện khai thác thủy, hải sản bị hư hỏng 38 chiếc. Ước tính tổng thiệt hại vào khoảng gần 500 tỷ đồng7

Những năm gần đây, hạn hán vào mùa khô trong thời gian khoảng nửa đầu năm dương lịch trở nên đáng quan ngại ở vùng biên giới tỉnh Quảng Bình. Nghiêm trọng nhất là khoảng nửa đầu năm 2024. Ở hai bản khảo sát đều không thể trồng lúa vì không có nước tưới tiêu. Theo ước tính diện tích đất nông nghiệp ở bản Mít Cát năm 2024 khoảng 60% không trồng cấy được, ở bản Sắt con số này khoảng 30%. Năng suất lúa vụ hè thu cũng bị ảnh hưởng đáng kể, chỉ khoảng 30% so với vụ đông xuân. Thiên tai không chỉ gây ảnh hưởng tới tài sản, sức khỏe, an ninh con người mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khi sản xuất nông nghiệp ở vùng người Bru – Vân Kiều còn khá lạc hậu, chưa theo kịp trình độ canh tác ở các vùng khác trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nghèo đói cũng là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới lao động sản xuất. Việc không có vốn đầu tư, không có tri thức, kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khiến cho đời sống đồng bào thực sự rất khó khăn. Trong những năm 2022 – 2023, tình trạng đói nghèo, thiếu ăn ở hai bản trên tăng so với giai đoạn trước. Bản Mít Cát với 78 hộ, năm 2022 – 2023 chỉ có khoảng hơn 10 hộ tự chủ động lo được cái ăn trong năm, số còn lại rơi vào tình trạng thiếu đói, có khoảng 10 hộ lương thực sản xuất ra chỉ đủ ăn trong hai tháng8. Trong khi đó, tại bản Sắt không có hộ thiếu đói, tuy nhiên, tình trạng thất thu mùa màng, thiệt hại kinh tế là không thể phủ nhận. 

3. Thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ góp phần phòng, chống thiên tai 

Một là, chính sách về cảnh báo thiên tai.

Ở cấp cơ sở, mỗi đơn vị xã thuộc tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm thành lập một “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã” do Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm chỉ huy, thành viên bao gồm các trưởng, phó các phòng, ban, hội chức năng cùng lực lượng dân quân tự vệ và các trưởng thôn bản. Phương châm hoạt động của Ban xác định rõ gồm 4 nội dung: (1) Lực lượng tại chỗ; (2) Phương tiện tại chỗ; (3) Chỉ huy tại chỗ; (4) Hậu cần tại chỗ9. Một trong những nội dung quan trọng nhất của Ban phải thực hiện là truyền thông, thông tin về cảnh báo, dự bão tình hình thiên tai tới người dân nhằm giảm thiểu, hạn chế những tác động tiêu cực của thiên tai. Dù vậy, qua khảo sát tại địa phương nhận thấy vẫn còn một số những tồn tại cần khắc phục. 

Phương tiện truyền thông mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn thiếu và yếu. Hệ thống loa phát thanh và đường dây truyền tải hoạt động không ổn định do tác hại của thiên tai, thời tiết cũng như công tác bảo quản, bảo trì, sửa chữa chưa được quan tâm đúng mức. 

Việc nhận được thông tin cảnh báo chậm cũng gây ảnh hưởng tới công tác cứu hộ, di chuyển tài sản, đồ đạc của người dân. Theo người dân bản Mít Cát, thời điểm nước lên ngập bản vào khoảng đêm tối muộn ngày 17/10/2020 thì trưa ngày 17/10/2020 họ mới nhận được tin di chuyển trú tránh bão lũ. Nhiều hộ gia đình không kịp di chuyển đồ đạc, vật nuôi, thậm chí không kịp mang lương thực dự trữ khi di trú. Trong khi đó, người dân bản Sắt lại phản ảnh việc họ không thể cập nhật các hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chức năng trong và sau thiên tai bởi đường giao thông bị chia cắt, cô lập, không có điện, không có sóng điện thoại. 

Hai là, chính sách cứu hộ, cứu nạn và tái định cư.  

Từ năm 2020 trở lại đây, công tác phòng, chống thiên tai, cứu trợ, cứu nạn Nhân dân ở cả hai xã Kim Thủy và Trường Sơn được nâng cao rõ rệt cả về lực lượng nhân sự, phương tiện tác nghiệp và nguồn quỹ dự phòng. Về vật lực, mỗi xã có 2 thuyền máy cule, 2 thuyền nhựa composite, 2 máy phát điện, 5 phao bè và 30 – 50 phao, áo phao cá nhân mỗi loại. 

Về kế hoạch di, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai cũng được xây dựng kịch bản, tập huấn truyền thông cho cả cán bộ và người dân. Các điểm đón nhận người dân tới trú tránh thiên tai được thông báo sâu, rộng trong nhân dân. Không chỉ vậy, lực lượng của chính quyền địa phương còn phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị biên phòng trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu trợ cứu nạn. 

Công tác dự trữ dự phòng thiên tai cũng dần được cải thiện. Nguồn dự phòng bao gồm thuốc men, nhiên liệu xăng, dầu, lương thực, thực phẩm và nguồn vốn tài chính dự phòng từ nhiều nguồn bao gồm ngân sách, huy động xã hội hóa… 

Vì vậy, công tác cứu hộ cứu trợ người dân khi xảy thiên tai có kết quả tương đối khả quan. Dù vậy, vẫn còn những khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn ở hai xã khảo sát. Trước hết là công tác duy tu, bảo dưỡng các trang bị máy móc, phương tiện phục vụ cứu hộ cứu nạn, nhưng trên thực tế, công tác này đã được giao việc cho từng cá nhân, tuy nhiên, họ cũng chỉ là những cán bộ cấp xã chịu trách nhiệm kiêm nhiệm công tác được giao, mặt khác, công tác duy tu, bảo quản trang thiết bị máy móc cũng chỉ được thực hiện dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Ngoài ra, địa bàn dân cư cư trú phân tán, giao thông đi lại khó khăn thường bị chia cắt, cô lập khi xảy thiên tai… cũng là những trở ngại trong công tác cứu hộ, cứu nạn. 

Về phía người dân, những ý kiến được hỏi đều ghi nhận, đánh giá tốt công tác cứu trợ, cứu nạn của chính quyền và lực lượng biên phòng địa phương. Họ cho biết những năm gần đây, công tác phòng, chống bão lũ, thiên tai diễn ra tốt hơn, người dân được tuyên truyền, truyền thông chủ động đi trú trước khi thiên tai ập đến. Nhờ vậy, những thiệt hại về tài sản, về người cũng giảm thiểu đáng kể. Công tác hậu cần cho đồng bào di trú tránh thiên tai nhìn chung đã có những bước tiến nhất định. Các cơ sở được chỉ định làm nơi tạm trú trong thiên tai như trường học, nhà cộng đồng thôn bản… đều được bố trí bể nước, trữ nước sạch, gas và bếp gas, củi đun, lương thực, thực phẩm, thuốc men…

Công tác tái định cư người dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro cao là một trong những hoạt động thiết thực, mạnh mẽ nhằm hỗ trợ người dân vượt qua ảnh hưởng của thiên tai. Dù vậy, ở mỗi địa phương, công tác tái định cư lại có những đặc thù riêng. Trận lụt lịch sử tháng 10/2020 tại bản Sắt gây ra nhiều điểm sạt lở đất, trong đó có vết đất nứt ở quả đồi ngay phía trên bản có nguy cơ sạt xuống vùi lấp bản bất kỳ lúc nào. Vì vậy, ngay sau cơn lũ, chính quyền xã Trường Sơn, chính quyền huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã tập trung nhanh chóng chỉ đạo di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm và lập kế hoạch tái định cư. Khu vực bản mới được tái bố trí cách bản cũ khoảng 1.000m, có diện tích sau san lấp cải tạo mặt bằng khoảng 3ha. Mỗi hộ dân được cấp sổ đỏ 300m2 đất thổ cư và một căn nhà tái định cư có giá trị hoàn thiện là 90 triệu đồng/căn. Bản mới cũng được Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ xây dựng hệ thống đường cấp nước sạch từ nguồn vào tới từng hộ gia đình và hỗ trợ xây dựng công trình phụ với tổng số vốn khoảng hơn 60 ngàn USD10. Việc nhanh chóng tạo dựng khu tái định cư thực sự đáp ứng nhu cầu mong muốn của người dân. Hầu hết, các ý kiến được hỏi đều cho rằng họ cảm thấy hài lòng với chủ trương, chính sách trên. Họ cho rằng việc xây dựng những căn nhà như vậy chỉ hết 90 triệu đồng/căn là phù hợp với vật giá thị trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhà tái định cư sử dụng nguyên vật liệu bê tông cốt thép và gỗ công nghiệp không phù hợp với môi trường, khí hậu, dẫn tới tuổi thọ các hạng mục không cao và bất tiện khi sử dụng. Nhà bê tông, mái tôn cũng không phù hợp với điều kiện thời tiết của vùng, mùa hè thì nóng còn mùa đông lại bị lạnh, hơn nữa, bản Sắt là khu vực chưa có điện lưới quốc gia nên càng bức bối. Do vậy, ngay một vài tháng sau nhận nhà, hầu như các hộ gia đình bản Sắt đều phải tự bỏ vốn đầu tư cải tạo lại ngôi nhà sàn được cấp. Tùy nhu cầu sử dụng mà mỗi hộ gia đình có những tác động khác nhau, như: lát gạch sàn nhà, khu vực sân trước nhà; xây tường gạch hoặc dựng ván ở khu vực gầm sàn để tạo thành phòng ở. Thay mới hoặc sửa chữa mặt sàn tầng hai, vách nhà bằng gỗ công nghiệp do bị cong vênh, phồng dộp, một số hộ làm thêm mái tôn che phủ cả khoảng sân lớn phía trước nhà.

Về sinh hoạt kinh tế, điều kiện ở bản tái định cư không thể tốt bằng nơi bản cũ vì bản mới chỉ có diện tích đất ở mà không kèm vườn tược xung quanh. Do vậy, một số hộ dân vẫn tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi, ở khu vực bản cũ, nhà cũ. Mặt khác, việc san lấp bản mới cũng ảnh hưởng tới dòng chảy tưới tiêu cho diện tích 7,5 ha đất trồng lúa của bản. Kể từ sau năm 2022, đất trồng lúa của bản Sắt chỉ còn làm được 1 vụ đông xuân, vụ hè thu không thể làm được vì thiếu nguồn nước tưới. Đây cũng là một hạn chế của chương trình tái định cư bản Sắt, do mới chỉ quan tâm tới nơi ở mà chưa có kế hoạch cụ thể trong công tác duy trì sản xuất kinh tế.

Trong khi đó, ở bản Mít Cát, hiện nay có khoảng hơn 20 hộ định cư lâu đời. Từ sau năm 2013 – 2015, sau khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy qua bản được hoàn thiện, khu vực này nằm giữa tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và phía tả bờ thượng nguồn sông Kiến Giang. Cũng kể từ giai đoạn đó tình hình ngập lụt sau mưa bão, lũ đầu nguồn ở khu vực này trở nên phức tạp, so với giai đoạn trước lâu lâu mới xảy ra một lần thì những năm gần đây, mỗi năm có từ 1 – 2 đợt ngập lụt dài ngày. Hơn nữa, ở quả đồi cao đối diện bản qua đường mòn Hồ Chí Minh cũng xuất hiện vết nứt địa chất tương đối sâu, kéo dài khoảng hơn 100 m, độ rộng miệng vết nứt ngày càng lớn. Người dân đã nhiều lần đề nghị với chính quyền xã được tái định cư, mong muốn phòng tránh rủi ro. Thời điểm tháng 4/2024, tại bản Mít Cát (ở khu vực trung tâm bản) đã có 4 hộ gia đình, có nền tảng kinh tế hộ khá vững chắc hơn số hộ còn lại đã tự bỏ tiền, tự tái định cư, di chuyển nhà sang khu vực an toàn (phía bên kia sông). Hiện khu vực trên còn 17 hộ dân sinh sống, hầu hết là những gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, không có khả năng tự tổ chức nơi ở mới. Toàn bộ nhà cửa khu vực này thuộc diện nhà cũ, nhà tạm do người dân lo sợ thiên tai phá hoại nên không dám xây dựng, cải tạo mà chỉ vá víu, sửa chữa. UBND xã Kim Thủy đã lập kết hoách tái định cư cho một bộ phận bản Mít Cát từ những năm 2017 – 2019, đã trình UBND huyện, tỉnh và xin ý kiến cơ quan kiểm lâm, gửi tờ trình tới Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng cho đến nay vẫn chưa có phê duyệt11.

Từ bài học kinh nghiệm tái định cư chưa quan tâm tới phát triển sản xuất ở bản Sắt, cho thấy bản Mít Cát cũng gặp những vấn đề tương tự, thực tế còn có phần khó khăn hơn do nguồn tài nguyên đất ruộng chỉ bằng 1/3 diện tích của bản Sắt trong khi số hộ lại gấp hơn 2 lần. Do vậy, việc thực hiện kế hoạch tái định cư cho bản Mít Cát còn cần thiết hơn nữa xây dựng phương án phát triển sản xuất kinh tế phù hợp với trình độ năng lực của đồng bào. Lý giải về sự chậm trễ tái định cư của bản Mít Cát, trưởng bản cũng đề cập tới việc di chuyển dân cư đồng thời phải thực hiện với bố trí đất sản xuất. 

Ngay cả khi không có kế hoạch tái định cư thì vấn đề đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực vùng núi, vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Bình cũng là một thách thức của người dân và chính quyền địa phương. Mặt khác, với trình độ canh tác nông nghiệp còn nhiều hạn chế như ở người Bru – Vân Kiều hiện nay thì việc tìm kiếm nguồn đất đai sản xuất trong hoạt động tái định cư chỉ là những giải quyết phần ngọn, đạt hiệu quả tốt nhất chỉ ở mức duy trì mà chưa thực sự hướng tới mục đích phát triển. Việc chú trọng tới phát triển kinh tế, có xu hướng phát triển ít phụ thuộc vào đất đai là giải pháp hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc trưng của vùng. Việc này cũng đòi hỏi sự nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng, đoàn thể và chính quyền các cấp.       

Ba là, chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế.

(1) Giao đất rừng sản xuất cho hộ gia đình

Chính sách giao đất, giao rừng với mong muốn phù xanh đất trống đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng và tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân được UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện từ đầu những năm 2000. Hầu hết, người dân đều đón nhận chính sách này với tâm lý phấn khởi, hy vọng mở ra một hướng phát triển kinh tế phù hợp với trình độ sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy ở mỗi địa phương khác nhau, tộc người khác nhau, chính sách giao đất, giao rừng của Chính phủ và tỉnh Quảng Bình lại có mức độ hiệu quả khác nhau. Ở tộc người Bru – Vân Kiều cũng vậy, giữa các địa phương khác nhau, thậm chí giữa các thôn bản trong cùng xã, việc phát triển kinh tế trồng rừng lại có những sắc thái khác biệt. Chẳng hạn, người dân bản Mít Cát mong muốn được giao đất, giao rừng để phát triển sản xuất thì cho đến nay họ vẫn chưa được giao rừng cho hộ gia đình vì trên địa bàn không có nguồn rừng sản xuất. Hiện cả thôn được giao khoanh nuôi, bảo vệ khoảng 28 ha rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới. Trong khi đó, người dân ở bản Sắt lại tỏ ra khá “thờ ơ” với diện tích rừng được giao, họ không có động thái phát triển sản xuất sau khi nhận rừng. Tính đến thời điểm năm 2024 ở bản Sắt chỉ còn 6 hộ sở hữu đất rừng trồng keo với diện tích khoảng 8,3 ha. Năm 2013, diện tích rừng được giao cho người dân của bản Sắt mà không đưa vào sản xuất được thu hồi lại, giao cho lâm trường Long Đại quản lý sản xuất. Giai đoạn 2014 – 2018, khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dần hoàn thiện, tạo điều kiện kết nối với giao thông của bản Sắt, mặt khác, việc trồng keo lấy gỗ đem lại hiệu quả nhất định đã được người dân ở các khu vực khác trong xã sản xuất, cho thu nhập khá tốt nên người dân bản Sắt mong muốn được chia lại số rừng đã giao từ năm 2006. Tuy nhiên, lúc này diện tích rừng đó đã được giao cho lâm trường Long Đại nên họ được đề nghị giao diện tích rừng có vị trí cách bản khoảng 5 km. Khu vực này hiện chưa có đường giao thông, nếu phát triển sản xuất ở khu vực này lại tiếp tục tình trạng không có đường ra cho sản phẩm, việc phát triển sản xuất, thu hoạch sản phẩm không hiệu quả do chi phí vận chuyển tăng cao. Mặt khác, việc giao đất lần thứ 2 này có diện tích quá ít, trung bình chỉ vào khoảng 0,25 ha/người. Với diện tích nhỏ như vậy, nếu trồng keo sẽ không bán được do sản phẩm thu hoạch ít, không bù lại chi phí vận chuyển. Được biết, 1 ha keo trồng 5 năm có giá trị thu hoạch khoảng từ 30 – 50 triệu đồng tùy thời điểm. Đây là giá trị thu về của các diện tích trồng keo gần đường, thuận lợi cho việc thu hoạch, bốc xếp và vận chuyển. Đối với các khu vực xa, vận chuyển tốn nhiều nhân công, chi phí đội giá… giá trị thu về có khi chỉ còn ½. Do vậy, xét về hiệu quả kinh tế, ví dụ 1 hộ gia đình 4 khẩu, được giao 1 ha đất rừng trồng keo, sau 5 năm thu về được 30 – triệu, tính trung bình khoảng 500 – 800 ngàn đồng/tháng/hộ 4 khẩu. Thu nhập như vậy quá thấp, không hiệu quả nên một lần nữa người dân bản Sắt lại từ chối nhận rừng. Sau đó diện tích rừng định giao cho người dân này được nhập chung vào diện tích đất rừng giao cho tập thể bản Sắt trông coi, bảo vệ. 

Như vậy, việc giao đất rừng cho người dân bản Sắt chưa thực sự đạt mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong đó bao gồm cả năng lực phòng chống thiên tai. Việc giao rừng sản xuất chưa tính đến hiệu suất kinh tế, điều kiện sản xuất, năng lực sản xuất của người dân… chính là nguyên nhân thất bại của chính sách, người dân từ chối cơ hội nhận rừng để phát triển kinh tế do nhận thấy không có lợi ích. 

Mặt khác, việc quy hoạch đất rừng ở bản Sắt hiện nay chưa hợp lý khiến người dân cảm thấy bị đối xử bất công. Hầu hết, diện tích rừng sản xuất có địa thế thuận lợi, gần bản hiện nay chủ yếu do UBND xã và lâm trường Long Đại quản lý. Những hộ có đất trồng keo được nhận rừng từ năm 2006 có địa thế gần bản, dễ dàng đi lại chăm sóc, là những hộ gia đình, thân nhân của cán bộ UBND xã. Họ mong muốn được chuyển đổi diện tích rừng được giao với diện tích rừng mà các đơn vị UBND xã và lâm trường Long Đại quản lý.  

Về ý kiến đổi đất rừng tạo điều kiện cho người dân thuận lợi phát triển sản xuất được cán bộ UBND xã cho biết việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không phải do xã quyết định mà phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, phê duyệt từ các cơ quan ban ngành chuyên môn và quản lý nhà nước cấp huyện, tỉnh cùng cơ quan Kiểm lâm. Việc đổi đất cho lâm trường Long Đại, UBND xã cũng chỉ có thể đề nghị, cấp trên giải quyết do kế hoạch giao cho lâm trường Long Đại quản lý và sử dụng đất rừng ở bản Sắt là chủ trương của huyện, do huyện quản lý. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của người dân với diện tích UBND xã quản lý không phải do UBND xã có thẩm quyền quyết định. Cũng vậy, việc chấp nhận và giao rừng cho lâm trường Long Đại cũng là chủ trương của tỉnh, UBND xã Trường Sơn cũng như huyện Quảng Ninh không can thiệp giải quyết được mà phải trình các cơ quan có thẩm quyền như Kiểm lâm, UBND tỉnh Quảng Bình. 

(2) Hỗ trợ phát triển sinh kế

Có nhiều các chương trình, dự án của chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện, phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào người Bru – Vân Kiều vùng biên giới tỉnh Quảng Bình, tuy nhiên tỷ lệ thành công của các chương trình, dự án ấy chưa khả quan. 

Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong những định hướng nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trong điều kiện thiếu đất đai trồng trọt và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bằng các nguồn khác nhau, hầu hết các hộ dân người Bru – Vân Kiều thuộc diện hộ nghèo được cấp trâu/bò gây nguồn vốn phát triển sinh kế. Tại thời điểm tháng 4/2024, tổng đàn trâu bò của bản Mít Cát có 56 con và bản Sắt có 70 con. Các hộ được nhận bò để nuôi, con non đầu tiên dành để cấp vốn cho một hộ nghèo khác, kể từ con non thứ 2 trở đi đều thuộc quyền của chủ trâu/bò. Dù vậy, số lượng trâu/bò được giao ban đầu có tỷ lệ chết khá cao, năm 2003 bản Mít Cát chết 5 bò, bản Sắt chết 3 bò, đều không rõ nguyên nhân. Mặc dù, đã được tập huấn chăn nuôi cả về làm chuồng trại, chăn thả, chăm sóc, dự trữ thức ăn, tiêm phòng… nhưng hầu hết người dân đều không tuân thủ quy trình được chuyển giao mà chăn thả theo phương thức truyền thống, thả gia súc ở các khu vực rừng, núi trong thôn. Nếu thời tiết thuận lợi họ đi thăm, xem vật nuôi hàng ngày, vào mùa mưa lũ, họ rong gia súc về các điểm gần thôn bản hoặc trong khuôn viên gia đình. Việc dự trữ thức ăn, chăm sóc y tế cho vật nuôi hầu như không được quan tâm. Dê cũng là vật nuôi được người Bru – Vân Kiều quan tâm vì dê ít bệnh tật, tự chủ kiếm ăn, kiếm ăn tốt ở khu vực rừng núi. Tuy nhiên, việc nuôi dê luôn cần người trồng coi, chăn thả vì vùng núi biên giới tỉnh Quảng Bình địa hình rất phức tạp, dê thả rông dễ bị lạc, bị ngã vực. Tuy nhiên, dê được nuôi tự phát vì ý kiến của đồng bào chỉ nhận nuôi trâu bò “vì nó to và có giá trị hơn dê”. 

Hỗ trợ người dân trồng rừng bằng giống keo mới, cho gỗ lớn có giá trị thu hoạch nổi trội cũng là một trong những chủ chương của các huyện miền núi tỉnh Quảng Bình. Mặc dù, tại hai bản khảo sát tỷ lệ người dân trồng rừng, trồng keo rất ít, chỉ gồm 6 hộ ở bản Sắt, do vậy việc đón nhận chương trình trồng keo gỗ lớn không được ủng hộ, đặc biệt là ở các hộ người Bru – Vân Kiều. Cây keo gỗ lớn có chu trình phát triển dài, phải từ 15 – 20 năm mới cho thu hoạch. Trong khi đó, giống keo hiện tại tuy có sản lượng thấp nhưng 5 năm đã cho thu hoạch. Chu trình thời gian thu hoạch ngắn có tính ưu việt hơn khi thời tiết, khí hậu của vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, do vậy thời gian thu hoạch càng dài thì tỷ lệ rủi ro càng cao. Mặt khác, nền tảng kinh tế của đa số hộ dân người Bru – Vân Kiều nhìn chung đều thấp, việc kéo dài thời gian thu hoạch là không hợp lý với điều kiện kinh tế hiện nay.

Với điều kiện hạn chế về đất đai sản xuất, dân số ngày càng phát triển, UBND xã Trường Sơn và Kim Thủy đều xác định việc tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp, làm việc bên ngoài địa phương là xu hướng cần ủng hộ, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là nhóm người trẻ và cộng đồng người Bru – Vân Kiều. Tuy chưa có chủ trương, chính sách cụ thể nhưng đảng ủy, cán bộ xã và các ban ngành, đoàn thể trong xã quán triệt việc hỗ trợ, ít nhất về mặt thủ tục hành chính tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân đi làm việc ngoài địa phương, đi xuất khẩu lao động. 

5. Một số yếu tố ảnh hưởng tới chính sách hỗ trợ phòng, chống thiên tai

Một là, những trói buộc về chính sách. Trong quản lý đất đai, đặc biệt là đất rừng đã và đang làm khó các kế hoạch hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai của chính quyền địa phương, như việc không thể tìm được quỹ đất nhằm thiết lập khu tái định cư cho các hộ dân đang ở trong khu vực có nguy cơ rủi ro cao về sạt lở đất. Việc chuyển đổi đất rừng, tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất cho người dân phát triển kinh tế trồng rừng ở bản Sắt là mong muốn chính đáng của người dân. Việc mỗi loại đất có sự quản lý khác nhau về cấp độ, chả chính quyền và chuyên môn khiến cho nhu cầu chuyển đổi không thể thực hiện nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai.  

Hai là, tầm nhìn sâu rộng trong quy hoạch tái định cư. Đối với người dân, kế hoạch tái thiết cần xem xét cân bằng giữa các yếu tố cơ sở hạ tầng nơi cư trú, điều kiện lao động sản xuất, đón đầu các công trình tương lai như điện, đường, trạm… Tôn trọng các giá trị văn hóa tộc người trong tái thiết, bao gồm cả các giá trị tín ngưỡng dân gian và  tri thức địa phương trong ứng phó với đặc trưng thời tiết, thiên nhiên (phong thủy, vật liệu xây dựng…). 

Ba là, tính công bằng. Cần được đề cao khi thực thi các chính sách hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai. Việc xác định các nhóm tổn thương cao để tập trung hỗ trợ thiết thực hơn việc phân phát cào bằng. Cũng vậy, việc phân phối nguồn vốn thúc đẩy phát triển sản xuất được hỗ trợ bởi các chương trình, dự án cũng cần thiết phải được thảo luận và thống nhất công khai giữa người dân, tránh tình trạng người yếu thế cảm thấy bị đối xử bất công. Lợi ích của người dân địa phương cần được tôn trọng hơn lợi ích của các tập đoàn kinh tế, các nhóm “tinh hoa” và chính quyền. Trong vấn đề giao đất rừng sản xuất ở bản Sắt, rất cần thiết phải quy đổi đất rừng với các tổ chức kinh tế lớn hơn nhằm hỗ trợ người dân thuận tiện lao động sản xuất trên đất đai của họ. 

Bốn là, tâm lý thua cuộc. Là trở ngại rất khó vượt qua ở một bộ phận người dân. Nghèo, đói, thiên tai bủa vây, tàn phá đất đai, cướp đi nhà cửa, tài sản khiến tâm lý của người dân không ổn định, mất đi tinh thần lao động, chỉ cần vào rừng “kiếm” cái gì đó đắp đổi qua ngày. Những năm gần đây, khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy qua nhiều điểm bản Bru – Vân Kiều thì tâm lý trông chờ vào hoạt động hỗ trợ tự phát từ các nhà hảo tâm trở nên phổ biến. Tính ưu việt của hỗ trợ tự phát giúp người dân tổn thương giải quyết nhanh chóng nhu cầu trước mắt về cái ăn, cái mặc, thuốc men… nhưng cũng gián tiếp tạo ra tâm lý ngại lao động, tinh thần “tích cốc phòng cơ” của người dân. 

6. Kết luận

Về cơ bản đời sống cộng đồng người Bru – Vân Kiều ở khu vực miền núi biên giới tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo vào loại cao nhất cả nước. Bên cạnh việc sinh sống ở khu vực có địa bàn hiểm trở, tài nguyên đất đai trồng trọt bình quân đầu người rất ít ỏi, quy hoạch và quản lý rừng ngày càng trở nên nghiêm ngặt… hằng năm họ còn chịu tác động của nhiều đợt thiên tai, như: bão lốc, mưa lũ, ngập lụt và hạn hán. Gần đây, dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu khiến tình trạng thiên tai ngày cành trở nên khắc nghiệt, phức tạp. 

Chính quyền địa phương cấp xã đã nỗ lực vận dụng chính sách thực thi nhiều biện pháp hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, tiếp tục lao động sản xuất, gia tăng năng lực kinh tế, nâng cao khả năng phòng chống thiên tai… qua các động thái cụ thể như cứu hộ, cứu nạn khi bão lốc, lũ lụt; di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro cao vì lũ quét và sạt lở đất, xây dựng khu tái định cư; tăng cường các cơ hội phát triển sản xuất, cung cấp giống vật nuôi và cây trồng… Dù vậy, quá trình hỗ trợ cứu nạn, khắc phục tác động của thiên tai vẫn còn một số vướng mắc cần rút kinh nghiệm, tháo gỡ. Những vướng mắc này gồm cả lý do khách quan và chủ quan. 

Nghèo đói, thiếu đất sản xuất, khiến năng lực ứng phó với thiên tai, thảm họa của người Bru – Vân Kiều vùng biên giới Việt – Lào tỉnh Quảng Bình phần lớn phải dựa vào hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ, như: bộ đội biên phòng. Để làm tốt vai trò bảo vệ người dân, khi thực hiện các chính sách hỗ trợ cần cân nhắc tới các yếu tố đã chỉ ra bao gồm tầm bao quát trong quy hoạch, tạo sự cân bằng tối thiểu, bảo đảm tính hợp lý của các yếu tố sinh hoạt thường nhật, lao động sản xuất và văn hóa, tri thức địa phương. Chú trọng đến hoạt động cứu trợ, cứu nạn, xác định đúng nhóm yếu thế cần hỗ trợ, tránh thực hiện phổ rộng, cào bằng: đồng thời, bảo đảm tính công bằng tạo niềm tin cho người dân. Niềm tin của người dân sẽ tạo động lực cho họ phấn đấu, nỗ lực chung tay với chính quyền vượt qua khó khăn. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động truyền thông kịp thời, sâu sát ở các mặt dự báo, cảnh báo thiên tai, hướng dẫn người dân chủ động bảo vệ tài sản, tính mạng và giải thích chính sách. 

Chú thích:
1. Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, gây thiệt hại lớn. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-thien-tai-ngay-cang-dien-bien-bat-thuong-gay-thiet-hai-lon-698014.
2. UBND huyện Lệ Thủy (2022). Quyết định phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn huyện Lệ Thủy năm 2022 trong trạng thái bình thường mới.
3. Huyện biên giới và 9 xã biên giới của tỉnh Quảng Bình bao gồm: Huyện Minh Hóa (4 xã: Thanh Hóa, Dân Hóa, Sơn Hóa, Thượng Hóa), huyện Tuyên Hóa (1 xã), huyện Bố Trạch (1 xã: Thượng Trạch), huyện Quảng Ninh (1 xã: Trường Sơn) huyện Lệ Thủy (2 xã: Kim Thủy, Lâm Thủy).
4. Bùi Thị Bích Lan và cộng sự (2017). Dân tộc Bru – Vân Kiều”, trong Các dân tộc ở Việt Nam. Tập 3 – Nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, Vương Xuân Tình (Chủ biên). H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
5, 7. Phạm Thị Cẩm Vân (2024). Thiên tai và phòng chống thiên tai của người Bru – Vân Kiều vùng biên giới tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Dân tộc học, số 3/2024.
6. Nguyễn Công Thảo (2024). Chính sách hỗ trợ phòng chống thiên tai ở một xã biên giới tỉnh Quảng bình: Thực tiễn và bài học kinh nghiệm. Tạp chí Dân tộc học, số 4/2024.
8. Nguyễn Công Thảo (2024). Một số trở ngại trong phòng chống thiên tai của người Bru – Vân Kiều ở vùng biên giới tỉnh Quảng Bình. Tạp chí Dân tộc học, số 2/2024.
9. UBND xã Trường Sơn (2022). Báo cáo “Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự năm 2021, 9 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022”.
10. Theo cán bộ xã Kim Thủy: khu vực bản Mít Cát thuộc vùng vành đai biên giới, rừng phòng hộ biên giới cũng do các bộ, ngành trung ương quản lý, thẩm quyền không thuộc chính quyền tỉnh Quảng Bình. Do vậy, việc xin đất để lập khu tái định cư cho người dân vẫn đang tiếp tục được gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét phê duyệt.