Đánh giá du lịch đô thị bền vững – nghiên cứu trường hợp thành phố Đà Lạt


Trương Thị Lan Hương
Khoa Du lịch và Ẩm thực, Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh
Trần Huyền Trang
Trường Đại học Đà Lạt

(Quanlynhanuoc.vn) – Vấn đề du lịch đô thị bền vững đang trở thành một chủ đề cấp thiết ở cả cấp độ vùng và quốc gia. Thành phố Đà Lạt, cũng giống như nhiều thành phố du lịch trên thế giới và tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như quá tải du lịch, đô thị hóa và đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cư dân. Nghiên cứu này áp dụng bộ 30 chỉ số du lịch đô thị bền vững được chọn lọc từ các nghiên cứu trước đây để đánh giá tính bền vững của du lịch tại thành phố Đà Lạt dựa trên 4 khía cạnh chính: bền vững về quản lý, bền vững về kinh tế, bền vững về văn hóa xã hội và bền vững về môi trường1. Kết quả phân tích từ các nguồn dữ liệu và phương pháp chuẩn hóa đã cho thấy, du lịch đô thị Đà Lạt đạt được tính bền vững ở 19 chỉ số trong giai đoạn nghiên cứu. Các phát hiện từ nghiên cứu không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quát về vấn đề mà còn có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng quyết định lựa chọn những giải pháp phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, nghiên cứu có thể đóng vai trò như nền tảng cho việc phát triển các khung chỉ tiêu bền vững áp dụng cho du lịch đô thị.

Từ khóa: Du lịch đô thị; nghiên cứu trường hợp; du lịch bền vững; thành phố Đà Lạt

1. Đặt vấn đề

Du lịch đô thị đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chiếm khoảng 80% tổng lượng khách du lịch toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm (United Nations World Tourism Organization, 2021). Tuy nhiên, sự phát triển này cũng mang lại nhiều thách thức, như: ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng (Zamfir & Corbos, 2015). Khái niệm du lịch đô thị bền vững ra đời để cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cư dân (Timur, 2010). Du lịch bền vững không chỉ chú trọng lợi nhuận mà còn bảo tồn di sản văn hóa, duy trì cảnh quan thiên nhiên và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng (Honey, 1999). Trong nhiều năm qua, các công cụ đánh giá tính bền vững ngành du lịch đã được phát triển, với bộ chỉ số du lịch bền vững là công cụ chủ yếu để đo lường thành tựu và hiện trạng các vấn đề bền vững. Thông tin từ các chỉ số này giúp nhận diện các yếu tố chưa bền vững và cung cấp hướng dẫn cải thiện, hỗ trợ các nhà quản lý hiểu rõ và xử lý các vấn đề của từng điểm đến.

Đà Lạt, không chỉ sở hữu một di sản đồ sộ của thiên nhiên về cảnh quan, môi trường, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng, phong phú rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, du lịch, đây cũng là đô thị có không gian kiến trúc có giá trị lịch sử lớn cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, nghiên cứu về đô thị tại đây chủ yếu tập trung vào quy hoạch, ít chú trọng đến du lịch. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 (2017-2023), du lịch Đà Lạt vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 22,98% hằng năm, thu hút 6.697.300 lượt du khách năm 2023 (UBND thành phố Đà Lạt, 2024). Sự phát triển nhanh chóng đang gây ra tác động tiêu cực và thách thức lớn về tính bền vững. Nghiên cứu này nhằm hoàn thiện công cụ đánh giá tính bền vững của du lịch Đà Lạt qua các khía cạnh kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và thể chế – quản lý.

2. Cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu

1. Du lịch đô thị

Theo Edwards et al. (2008), khu vực đô thị được coi là có nền kinh tế mạnh mẽ và đa dạng với các trung tâm hoạt động kinh doanh, hệ thống giao thông công cộng phát triển và dân số lớn với lực lượng lao động di chuyển giữa các trung tâm, cùng với sự phát triển có kế hoạch dài hạn. Môi trường này được đặc trưng bởi “cảnh quan đô thị như một mạng lưới mối quan hệ xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế“. 

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch đô thị là hoạt động diễn ra trong không gian đô thị, cung cấp các sản phẩm và trải nghiệm phong phú về văn hóa, kiến trúc, xã hội và tự nhiên phục vụ nhu cầu giải trí và kinh doanh (UN Tourism, 2024).

Nhìn chung, du lịch đô thị có thể được coi là một danh mục bao gồm các hình thức như du lịch văn hóa, hội nghị, thể thao và nhiều loại hình khác. Các đặc điểm chính của du lịch đô thị bao gồm: chỉ diễn ra trong không gian đô thị; gắn kết với quy hoạch phát triển thành phố, luôn tiếp nhận xu hướng mới; kết hợp với hoạt động thương mại và văn hóa; đô thị vừa là tài nguyên du lịch vừa cung cấp dịch vụ chất lượng cao; đóng góp vào việc nâng cao chất lượng sống của cư dân; tích hợp công nghệ để phát triển thành phố thông minh, bền vững; thu hút cả khách du lịch thuần túy và khách thăm thân (Hà, 2019).  

2. Phát triển du lịch đô thị bền vững

Tính bền vững đô thị là sự kết hợp giữa “đô thị” và “bền vững”, trong đó bền vững được định nghĩa là đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Phát triển đô thị bền vững là quá trình tích hợp các tiểu hệ thống môi trường, xã hội, kinh tế và vật chất của thành phố, nhằm đảm bảo ổn định chất lượng cuộc sống của cư dân, phát triển khu vực rộng lớn và giảm thiểu tác động tiêu cực lên sinh quyển (Grah et al., 2020). 

Phát triển bền vững là quá trình đồng thời vận hành bốn trụ cột: kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và thể chế – quản lý. Tính bền vững kinh tế liên quan đến cơ sở hạ tầng và phúc lợi vật chất, việc làm, sinh kế. Tính bền vững xã hội – văn hóa gắn liền với vốn con người, bao gồm nhận thức, kỹ năng, hành vi và các quyền cơ bản. Tính bền vững môi trường đề cập đến tài nguyên tự nhiên và tình trạng của các nguồn tài nguyên. Tính bền vững thể chế – quản lý liên quan đến các thể chế xã hội, tổ chức chính phủ, mối quan hệ cá nhân và quy trình lập kế hoạch tham gia (Asmelash & Kumar, 2019; Cottrell et al., 2013; Spangenberg, 2002).

3. Hệ thống chỉ số du lịch đô thị bền vững

Đánh giá tính bền vững qua các chỉ số được khuyến nghị là phương pháp hiệu quả để quản lý phát triển đô thị bền vững (Asmelash & Kumar, 2019; Huang et al., 2015). Các chỉ số này cung cấp công cụ đo lường đơn giản, giúp xây dựng thành phố bền vững, vừa thân thiện với môi trường, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, sức khỏe và chất lượng sống lâu dài (Spangenberg, 2002). Chúng được sử dụng để xây dựng chiến lược, xác định ưu tiên và giám sát kết quả (Lerario & Di Turi, 2018), đồng thời cung cấp thông tin cho công chúng, nhà khoa học và nhà quản lý để tham gia vào quá trình ra quyết định (Huang et al., 2015). Việc lựa chọn chỉ số phù hợp góp phần nâng cao nhận thức và hiểu rõ khái niệm phát triển bền vững.

Dựa trên phân tích các bộ chỉ số đánh giá du lịch và du lịch đô thị bền vững từ các nghiên cứu và tài liệu liên quan (UNWTO, 2004; Trương et al., 2024), tác giả đã phân nhóm các chỉ tiêu đánh giá và đề xuất bộ chỉ số du lịch đô thị bền vững cho Đà Lạt, cụ thể gồm: (1) Yếu tố bền vững về thể chế: 6 chỉ tiêu; (2) Yếu tố bền vững về kinh tế: 8 chỉ tiêu; (3) Yếu tố bền vững về văn hóa – xã hội: 7 chỉ tiêu; (4) Yếu tố bền vững về môi trường: 9 chỉ tiêu.

3. Phương pháp nghiên cứu

1. Địa bàn nghiên cứu: thành phố Đà Lạt

Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu, với quy hoạch bài bản và di sản thiên nhiên phong phú về cảnh quan, khí hậu và hệ sinh thái. Tuy nhiên, thành phố đang đối mặt với thách thức lớn về tính bền vững trong phát triển du lịch do sự bùng nổ không kiểm soát và thiếu quy hoạch hợp lý, gây ô nhiễm môi trường và tổn hại tài nguyên thiên nhiên. Để phát triển bền vững, việc bảo tồn bản sắc đô thị di sản là rất cần thiết; nếu không, Đà Lạt có nguy cơ chỉ đạt được sự tăng trưởng mà thiếu đi sự phát triển thực chất. Mặc dù vậy, các nghiên cứu hiện tại về Đà Lạt chủ yếu tập trung vào quy hoạch đô thị, trong khi khía cạnh du lịch cần được phân tích sâu hơn để ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực từ sự phát triển du lịch ồ ạt.

2. Nguồn dữ liệu

Dữ liệu thứ cấp trước hết được sử dụng để tính toán các giá trị thực tế dựa trên hệ thống chỉ số du lịch bền vững đề xuất. Báo cáo kết quả hoạt động của du lịch Lâm Đồng, Niên giám thống kê tỉnh Lâm Đồng, các báo cáo kinh tế, xã hội của UBND thành phố Đà Lạt trong giai đoạn từ 2019 đến nay, được coi là các nguồn dữ liệu thống kê chính thống và có sẵn và được cập nhật thường xuyên, liên tục, vì thế có độ xác thực và độ tin cậy cao. 

Bên cạnh đó, để cung cấp dữ liệu thực tế cho một số chỉ tiêu, phương pháp khảo sát thực địa và điều tra bảng hỏi đã được triển khai để ghi nhận hiện trạng phát triển du lịch và phản ánh của các bên liên quan đối với các chỉ số du lịch đô thị bền vững tại Đà Lạt. Đối tượng khảo sát gồm 160 khách du lịch, 91 doanh nghiệp kinh doanh du lịch và 150 người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

3. Các phương pháp, công cụ thống kê, xử lý số liệu

– Phương pháp phân tích: Nghiên cứu tiến hành chọn lọc và tổng hợp các chỉ số phù hợp với du lịch đô thị bền vững áp dụng cho trường hợp tại thành phố Đà Lạt ở khía cạnh định lượng từ nghiên cứu của GSTC – Hội đồng du lịch toàn cầu (2019) và Bộ các chỉ tiêu du lịch đô thị của World Tourism Organization (2004).

–  Công cụ: Nghiên cứu sử dụng công cụ Excel để thống kê và tiến hành đo lường sự bền vững một cách dễ dàng thông qua việc chuẩn hóa. Công thức chuẩn hóa được tính như sau:

Trong đó: I là giá trị chuẩn hóa; X là giá trị thực của chỉ tiêu; Xmin là giá trị cận dưới của chỉ tiêu; Xmax là giá trị cận trên của chỉ tiêu

Kết quả sẽ thể hiện mức độ bền vững theo từng chỉ tiêu: cụ thể, đề tài giả thiết rằng các chỉ tiêu nào đạt được trên 0,5 là bền vững, các giá trị nằm dưới 0,5 là chưa bền vững. Do đó, giá trị càng thấp thì càng không bền vững, giá trị càng cao càng bền vững (tỷ lệ thuận), hoặc ngoặc lại, giá trị càng thấp thì càng bền vững, giá trị càng cao càng kém bền vững (tỷ lệ nghịch). 

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bảng 1. Kết quả tính toán giá trị thực tế và chuẩn hóa các chỉ tiêu bền vững

Các chỉ tiêuMức độ đạt đượcSố liệu thực tếCận dướiCận trênGía trị chuẩn hóaKết luận
Bền vững về mặt thể chế – quản lý (TB chung = 0,57) 
DLBV được tích hợp vào quy hoạch phát triển du lịch chung của thành phốĐã và đang triển khai các đề án quy hoạch chung0,670,051,050,62Đạt giới hạn bền vững
Hệ thống theo dõi, có các chỉ số và chỉ tiêu cụ thể để đo lường và theo dõi tính bền vững trong du lịch tại đô thịChưa có hệ thống chỉ tiêu cụ thể đo lường bền vững tại đô thị, tuy nhiên có thực hiện đánh giá và dán nhãn xanh cho cơ sở lưu trú, lữ hành, điểm du lịch30,0001580,19Chưa đạt giới hạn bền vững
Số lượng các hiệp hội liên quan đến du lịch140 tổ chức trong Hiệp hội140,001001700,57Đạt giới hạn bền vững
Tỷ lệ giải quyết khiếu nại của khách du lịchTỷ lệ giải quyết cao, 24/240,800,051,050,75Đạt giới hạn bền vững
Số chiến lược, chính sách du lịch bền vững và kế hoạch hành động được triển khai sử dụng các công cụ giám sát và đánh giá đã thống nhấtCó những Nghị quyết, văn bản cụ thể ban hành và hệ thông chỉ tiêu đánh giá để hướng tới6,00010,000,60Đạt giới hạn bền vững
Mức độ hài lòng của khách du lịch (với trải nghiệm tổng thể tại điểm đến)Mức độ hài lòng của khách du lịch cao 86%3,841,005,000,71Đạt giới hạn bền vững
Bền vững về mặt kinh tế (TB chung = 0,58) 
Số lượng khách du lịchTăng đều, năm 2023 đạt 6.697.300 lượt khách, tăng trưởng trung bình là 22,98%6,702,2310,700,53Đạt giới hạn bền vững
Đóng góp của du lịch vào nền kinh tế của điểm đến (% GDP/GRDP)2017 – 2020: 66,16%       2021 – 2023: 68,14%        68,1438,8078,850,73Đạt giới hạn bền vững
Doanh thu xã hội từ du lịchKhoảng 26.552 tỷ đồng năm 2023, chiếm 68,15% tổng giá trị sản xuất của thành phố Đà Lạt26,5511,9034,770,64Đạt giới hạn bền vững
Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch2,2 ngày/đêm2,202,002,500,40Chưa đạt giới hạn bền vững
Số lượng việc làm trong ngành du lịch13.000 việc làm trực tiếp, chủ yếu là người địa phương211,76199,02230,670,40Chưa đạt giới hạn bền vững
Mức độ sử dụng hàng hóa của địa phương73% các doanh nghiệp tận dụng và sử dụng hàng hóa địa phương4,051,005,000,76Đạt giới hạn bền vững
Số lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch đô thị82% sản phẩm, dịch vụ đô thị trong số các sản phẩm4,291,005,000,82Đạt giới hạn bền vững
Chi tiêu của du khách ở khu vực đô thịThấp hơn bình quân chung cả nước, trung bình 55 -85 USD/ngày, khách quốc tế, 80-100 USD/ngày1,300,852,000,39Chưa đạt giới hạn bền vững
Bền vững về văn hóa – xã hội (TB chung = 0,66) 
Tỷ lệ cư dân hài lòng với du lịch88% ghi nhận hài lòng mức trung bình trở lên3,471,005,000,62Đạt giới hạn bền vững
Chệnh lệch thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thônTrung bình: 86,49 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ dân thành thị chiếm ưu thế về thu nhập so với nông thôn0,620,050,950,37Đạt giới hạn bền vững
Tỷ lệ tội phạm, nghiện rượu, phá hoại,… do du lịch gây ra, Sự xuất hiện những dịch bệnh, tệ nạn xã hội liên quan tới du lịch tại địa phươngPhần lớn đánh giá tỷ lệ tệ nạn gia tăng rất cao 88%3,481,005,000,62Chưa đạt giới hạn bền vững
Sự phát triển hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ108,5% về số doanh nghiệp trong năm 202116,3410,4017,500,84Đạt giới hạn bền vững
Tỷ lệ các sự kiện của điểm đến tập trung ở khu vực đô thịPhần lớn các sự kiện đều tập trung ở quảng trường, trung tâm đô thị0,7001,000,70Đạt giới hạn bền vững
Mức độ an toàn an ninh ở khu vực đô thịDiễn biến an ninh, trật tự, an toàn xã hội không xấu đi bất thường so với diễn biến bình thường trước khi có hoạt động du lịch0,7501,000,75Đạt giới hạn bền vững
Số lượng và loại phương tiện giao thông công cộng ở khu vực đô thịXe buýt, taxi, xe trung chuyển, xe điện, xe ngựa3,172,973,250,71Đạt giới hạn bền vững
Bền vững về môi trường (TB chung = 0,35) 
Tỷ lệ đường phố đi bộ trong 
tổng thể mạng lưới đường bộ
Chiếm 0,0046%, chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong mạng lưới đường bộ0,004600,050,09Chưa đạt giới hạn bền vững
Sự tồn tại và mức độ mở của các khu vực công cộng (quảng trường, công viên,…)Quảng trường Lâm Viên, hệ thống công viên, vườn hoa công cộng, chợ Đà Lạt, các khu, điểm du lịch miễn phí, Hồ xuân Hương, mở 24/240,501,000,50Đạt giới hạn bền vững
Tổng số khách du lịch tại các địa điểm du lịch chínhQuá tải vào mùa cao điểm, đặc biệt ở khu vực trung tâm, chợ Đà Lạt2,230,932,310,94Chưa đạt giới hạn bền vững
Mật độ điểm du lịch2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, 10 di tích cấp quốc gia, 24 khu, điểm du lịch; hơn 20 công trình tham quan; 28 điểm du lịch canh nông, 27 điểm café tham quan chụp hình0,660,051,000,64Đạt giới hạn bền vững
Quản lý ô nhiễm (năng lượng, nước, chất thải…)Đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu cụ thể về môi trường của cơ quan chức năng ở từng thời kỳ0,420,051,000,39Chưa đạt giới hạn bền vững
% diện tích cảnh quan bị xuống cấp do xây dựng/tổng diện tích sử dụng do du lịchMật độ cây xanh thành phố Đà Lạt chiếm trên 51%, 91% đánh giá cảnh quan bị xuống cấp nghiêm trọng3,461,005,000,62Chưa đạt giới hạn bền vững
Mức độ tiêu thụ các sản phẩm động, thực vật quý hiếm (phổ biến hiếm hoi – không có)69% sử dụng nhiều3,721,005,000,68Chưa đạt giới hạn bền vững
% số công trình kiến trúc không phù hợp với kiến trúc bản địa (hoặc cảnh quan)/tổng số công trình69% đánh giá là phù hợp từ trung lập trở lên1,921,005,000,23Đạt giới hạn bền vững
% khả năng vận tải sạch/khả năng vận tải cơ giới (tính theo trọng tải)Chiếm số lượng nhỏ, chỉ 5% trong tổng số0,0501,050,05Chưa đạt giới hạn bền vững
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát và số liệu của UBND TP. Đà Lạt (2024) và Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng năm 2023, 2024

Kết quả đánh giá tính bền vững của Đà Lạt cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các khía cạnh, phản ánh cả thành công và thách thức trong phát triển bền vững. 

Về kinh tế, chỉ số bền vững đạt 0,58 với 5/8 chỉ tiêu đạt yêu cầu, nhưng chưa đủ để khẳng định sự phát triển bền vững. Việc chưa đạt cân bằng giữa tăng trưởng và bảo tồn tài nguyên cho thấy “bền vững kinh tế đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa quản lý tài nguyên và chiến lược phát triển” (Grah et al., 2020).

Về môi trường, chỉ số đạt 0,35 và chỉ có 3/9 chỉ tiêu đạt bền vững, cho thấy tình trạng đáng lo ngại. Đà Lạt, với khí hậu trong lành và cảnh quan phong phú, đang đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sống và tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Sự thiếu hụt trong các chỉ số này đòi hỏi các chính sách bảo vệ môi trường mạnh mẽ để đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên.

Ngược lại, khía cạnh văn hóa – xã hội là điểm sáng nổi bật với giá trị 0,66 và toàn bộ 6/7 chỉ tiêu đều đạt bền vững, cho thấy sự ổn định xã hội và bảo tồn các giá trị văn hóa. Điều này nhấn mạnh vai trò của các chính sách xã hội bền vững trong giáo dục, y tế và di sản văn hóa, góp phần củng cố sự gắn kết cộng đồng. 

Cuối cùng, khía cạnh thể chế – quản lý đạt chỉ số 0,57 và 5/6 chỉ tiêu đạt bền vững, cho thấy sự phát triển ổn định nhưng cần cải thiện để tăng cường điều phối các chính sách phát triển bền vững như (Timur, 2010) đã nêu rõ “sự hiệu quả của thể chế quản lý là yếu tố quyết định để triển khai thành công các chính sách bền vững, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan“.

Trong tổng số 30 chỉ tiêu, 19 chỉ tiêu đạt mức bền vững, cho thấy sự phát triển ổn định. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về kinh tế và môi trường vẫn còn yếu, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong chính sách phát triển để đạt được cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống xã hội và củng cố thể chế quản lý bền vững.

6. Kết luận và giải pháp

Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch đô thị bền vững trong bối cảnh Đà Lạt và các thành phố du lịch khác đối mặt với thách thức như quá tải du lịch, đô thị hóa nhanh và duy trì chất lượng sống cho cư dân. Áp dụng bộ 30 chỉ số du lịch đô thị bền vững, nghiên cứu đã đánh giá mức độ bền vững của Đà Lạt qua bốn khía cạnh: quản lý – thể chế, kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường. Kết quả cho thấy, Đà Lạt đạt mức bền vững ở 19 chỉ số, cung cấp cái nhìn toàn diện về hiện trạng du lịch đô thị tại đây.

Những phát hiện này không chỉ giúp xác định mức độ bền vững mà còn cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà quản lý và chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp duy trì phát triển bền vững du lịch Đà Lạt. Nghiên cứu cũng mở ra hướng phát triển mới để xây dựng và hoàn thiện các khung chỉ tiêu bền vững cho các đô thị du lịch khác, góp phần vào chính sách phát triển du lịch bền vững của Việt Nam (Nguyễn & Vũ, 2024).

Trên cơ sở đánh giá với phương pháp chuẩn hóa, bài viết cho thấy những điểm cần cải thiện của du lịch Đà Lạt để tiến tới du lịch bền vững, cần được chú ý các giải pháp sau.

Thứ nhất, việc gia tăng doanh thu du lịch cần gắn liền với nguyên tắc phát triển bền vững, đặc biệt thông qua việc triển khai các dự án vui chơi giải trí, bao gồm cả hoạt động về đêm. Các khu mua sắm và cửa hàng đặc sản địa phương phải được thiết kế để hài hòa với cảnh quan và văn hóa địa phương để bảo tồn hình ảnh “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. 

Thứ hai, phát triển sản phẩm để thu hút khách quốc tế và duy trì hình ảnh điểm đến đối với thị trường khách nội địa. Thế mạnh của du lịch Đà Lạt là du lịch văn hóa – lịch sử. Do vậy cần coi các giá trị văn hoá là cội rễ, là động lực để phát triển du lịch Đà Lạt.

Thứ ba, tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường khách du lịch nội địa trọng điểm, đồng thời thu hút dòng khách cao cấp của thị trường trong nước. Khai thác các thị trường khách quốc tế trọng điểm như châu Á, trực tiếp là Đông Nam Á.

Thứ tư, tiến hành đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực có liên quan đến phát triển đô thị (bao gồm ở các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư) theo hướng tiếp cận mới – phát triển đô thị theo hướng bền vững. Song song với công tác đào tạo, cần thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về quản lý, kỹ thuật, công nghệ…

Chú thích: 
1. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện hệ thống chỉ số đánh giá phát triển du lịch bền vững, áp dụng cho đô thị du lịch: nghiên cứu trường hợp thành phố Đà Lạt”, mã số: B2022-DLA-03, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức chủ trì: Trường Đại học Đà Lạt. 
Tài liệu tham khảo
1. Cục thống kê tỉnh Lâm Đồng. (2024). Tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
2. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng. (2023). Niên giám thống kê Lâm Đồng 2022 (Nhà xuất bản Thống kê, Ed.).
3. Trương Thị Lan Hương, Đỗ Anh Kiệt, Nguyễn Thị Thanh Ngân, Văn Thị Nguyên, Nguyễn Văn Anh, Cao Thế Anh (2024). Bộ chỉ số thành phố du lịch bền vững: một nghiên cứu sử dụng phương pháp Delphi tại Đà Lạt. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, 168, DOI: https://doi.org/10.38203/jiem.vi.092024.1187
4. UBND TP. Đà Lạt (2024). Thông báo số 30/TB-UBND ngày 16/01/2024 về  Kết luận của đồng chí Đặng Quang Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt tại cuộc hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024.
5. Một số vấn đề lý thuyết cơ bản về du lịch đô thị. https://itdr.org.vn/tin-tuc-chung/mot-so-van-de-ly-thuyet-co-ban-ve-du-lich-do-thi/
6. Hoàn thiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Tạp chí Quản lý Nhà nước, 09/05/2024, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/09/hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-du-lich-ben-vung-tai-viet-nam/
7. Asmelash, A. G., & Kumar, S. (2019). Assessing progress of tourism sustainability: Developing and validating sustainability indicators. Tourism Management, 71, 67–83. https://doi.org/10.1016/j.tourman.2018.09.020
8. Cottrell, S. P., Vaske, J. J., & Roemer, J. M. (2013). Resident satisfaction with sustainable tourism: The case of Frankenwald Nature Park, GermanyTourism Management Perspectives, 8, 42–48. https://doi.org/10.1016/j.tmp.2013.05.005
9. Edwards, D., Griffin, T., & Hayllar, B. (2008). Urban Tourism Research. Developing an Agenda.Annals of Tourism Research, 35(4), 1032–1052. https://doi.org/10.1016/j.annals.2008.09.002
10. Grah, B., Dimovski, V., & Peterlin, J. (2020). Managing sustainable urban tourism development: The case of Ljubljana. Sustainability (Switzerland), 12(3). https://doi.org/10.3390/su12030792
11. Honey, Martha. (1999). Ecotourism and sustainable development: who owns paradise? Island Press.
12. Huang, L., Wu, J., & Yan, L. (2015). Defining and measuring urban sustainability: a review of indicators. In Landscape Ecology (Vol. 30, Issue 7, pp. 1175–1193). Kluwer Academic Publishers. https://doi.org/10.1007/s10980-015-0208-2
13. Lerario, A., & Di Turi, S. (2018). Sustainable urban tourism: Reflections on the need for building-related indicators. Sustainability (Switzerland), 10(6). https://doi.org/10.3390/su10061981
14. Spangenberg, J. H. (2002). Environmental space and the prism of sustainability: Frameworks for indicators measuring sustainable development. Ecological Indicators, 2(3), 295–309. https://doi.org/10.1016/S1470-160X(02)00065-1
15. Timur, S. (2012). Analyzing Urban Tourism Stakeholder Relationships: A Network Perspective. Haskayne School of Business University of Calgary Working Papers. https://docenti.unimc.it/docenti/sitodocenti/docenti/gianluigi.corinto/teaching/2020/22106/files/pdf_lectures/analyzing-urban-tourism-stakeholder-relationshipsf022-a-network-perspective.pdf
16. UNWTO (2004), Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations: A Guidebook, World Tourism Organization. https://www.e-unwto.org/doi/abs/10.18111/9789284407262
17. United Nations World Tourism Organization (2021). International Tourism Highlights, 2020 Edition. In International Tourism Highlights, 2020 Edition. World Tourism Organization (UNWTO). https://doi.org/10.18111/9789284422456
18. UN Tourism. (2024). Urban Tourism. UN Tourism. Retrieved April 10, 2024, from https://www.unwto.org/urban-tourism
19. Zamfir, A., & Corbos, R. A. (2015). Towards sustainable tourism development in urban areas: Case study on Bucharest as tourist destination. Sustainability (Switzerland), 7(9), 12709–12722. https://doi.org/10.3390/su70912709;