TS. Phạm Thị Diễm
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển năng lực số cho người học đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số giáo dục; đồng thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường là yêu cầu vô cùng quan trọng. Bài viết làm rõ quan điểm về năng lực số, vai trò của phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên và những yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia.
Từ khóa: Năng lực số; chuyển đổi số; học viên, sinh viên; Học viện Hành chính Quốc gia; bối cảnh.
1. Đặt vấn đề
Phát triển năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung mà sẽ mở ra “cánh cửa” lớn cho đổi mới và sáng tạo, giúp các học viên, sinh viên có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đang từng bước có những chính sách cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số một cách toàn diện, như: (1) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định, giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số; (2) Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học; trong đó đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ các phương thức giáo dục – đào tạo, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành thiết yếu hằng ngày với mỗi nhà giáo, mỗi người học; đổi mới phương thức quản lý, quản trị giáo dục dựa trên công nghệ số, nâng cao dịch vụ cung cấp tới người dân và tới người học.
Với ngành Giáo dục, xu hướng áp dụng các công nghệ số để chuyển đổi hệ thống học tập từ truyền thống sang hệ thống học tập hiện đại và số hóa ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Học viện Hành chính Quốc gia cũng không nằm ngoài xu hướng này nhằm hỗ trợ học tập, giảng dạy; đồng thời đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực.
2. Khái niệm năng lực số
Theo Secker (2018), khái niệm “năng lực số” được sử dụng cùng lúc với các khái niệm kỹ năng số, năng lực thông tin, năng lực truyền thông, năng lực học thuật 1. Với lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ được số hóa và không ngừng gia tăng theo cấp số nhân, “năng lực số” ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong xã hội hiện đại.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về “năng lực số”. Ferrari và các cộng sự (2012) cho rằng: “năng lực số bao gồm tập hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết khi sử dụng công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày 2. Theo UNESCO, năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, kết hợp, giao tiếp, đánh giá và sáng tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua công nghệ số để phục vụ cho các công việc từ đơn giản đến phức tạp cũng như khởi nghiệp. Năng lực số là tổng hợp của năng lực sử dụng máy tính, năng lực công nghệ thông tin, năng lực thông tin và năng lực truyền thông 3.
Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát về năng lực số như sau: năng lực số là khả năng sử dụng máy tính, sử dụng công nghệ để hoàn thành một công việc, nhiệm vụ cụ thể hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường làm việc hoặc học tập.
3. Vai trò của phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia
Việc phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Nắm vững các kỹ năng số sẽ giúp học viên, sinh viên thích ứng nhanh chóng với môi trường học tập và làm việc hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Thứ nhất, về phía người học: (1) Năng lực số giúp học viên, sinh viên sẵn sàng sử dụng công nghệ số trong môi trường học tập trực tuyến, nâng cao kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý thông tin hiệu quả và phát triển tư duy phản biện, là nền tảng cho việc học tập suốt đời, giúp học viên, sinh viên phát triển toàn diện, bền vững; (2) Bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục: học viên, sinh viên dễ dàng tiếp cận được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện (các chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ xa E-NAPA, các khóa học trực tuyến trên các nền tảng số như Microsoft Teams, Zoom); (3) Giúp học viên, sinh viên nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, sẵn sàng đối mặt với những cơ hội và thách thức trong thế giới số hóa.
Thứ hai, về phía Học viện Hành chính Quốc gia.
(1) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng: học viên, sinh viên được trang bị đầy đủ năng lực số cần thiết phục vụ cho học tập, nghiên cứu sẽ giúp cho quá trình học tập đạt hiệu quả cao hơn, từ đó, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện cũng được nâng cao. Các giảng viên của Học viện cũng dễ dàng áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, sử dụng các ứng dụng công nghệ, các công cụ tương tác số giúp cho quá trình giảng dạy trở nên sinh động, hấp dẫn và thu hút hơn.
(2) Nâng cao uy tín và vị thế của cơ sở đào tạo: học viên, sinh viên được trang bị năng lực số cần thiết sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi người học được cơ quan nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả làm việc cũng sẽ góp phần nâng cao uy tín của Học viện, khẳng định thương hiệu của Học viện trong xã hội.
(3) Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện. Trong đó, trang bị năng lực số cho học viên, sinh viên nhanh chóng bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, tăng khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ và yêu cầu của xã hội.
4. Yêu cầu đặt ra đối với phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia
Một là, cần xác định được một khung năng lực số cho người học.
Với đặc thù là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hành chính nhà nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học, đối tượng người học của Học viện đa dạng, bao gồm sinh viên và người đã đi làm trong các cơ quan, tổ chức; các sinh viên, học viên trong nước và quốc tế, vì vậy, Học viện cần xác định được khung năng lực số phù hợp với từng nhóm đối tượng người học. Học viện cần: (1) Đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho từng nhóm đối tượng người học thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá; (2) Xây dựng khung năng lực số cho người học trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng khung năng lực số đã được xây dựng trên thế giới.
Bên cạnh đó, yêu cầu xây dựng khung năng lực số cho học viên, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia cần phù hợp với bối cảnh của nền hành chính công Việt Nam hiện nay. Khung năng lực số cho học viên, sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia cần đáp ứng các yêu cầu:
(1) Yêu cầu cơ bản về năng lực số cho học viên, sinh viên cần phải có: kiến thức cơ bản về máy tính và các chương trình máy tính; hiểu biết căn bản về công nghệ số, các xu hướng công nghệ mới; khả năng phân tích và xử lý thông tin, dữ liệu, nội dung số; khả năng tương tác, chia sẻ, hợp tác thông qua công nghệ số; kiến thức về bảo mật thông tin và bảo đảm an toàn dữ liệu trong môi trường số; khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật, các sự cố khi làm việc trong môi trường số.
(2) Yêu cầu về các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho học viên, sinh viên hành chính liên quan đến quản lý dữ liệu và sử dụng công cụ số trong hành chính công, bao gồm: khả năng thu thập, phân tích, quản lý, sử dụng dữ liệu chuyên ngành từ nhiều nguồn khác nhau; khả năng hiểu và ứng dụng các công nghệ số: sử dụng các phần mềm và công cụ phân tích dữ liệu phục vụ công việc; áp dụng các công nghệ để cải tiến phương pháp/quy trình làm việc và cung ứng dịch vụ công; sử dụng công nghệ số trong quản lý dự án, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện công việc; khả năng tìm kiếm và phát triển các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc; áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực hành chính công.
(3) Yêu cầu đối với học viên tham gia chương trình bồi dưỡng: ngoài những năng lực chung và năng lực chuyên môn, người học là cán bộ công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý và các học viên có định hướng lãnh đạo, quản lý thuộc các hệ bồi dưỡng của Học viện cần đáp ứng các yêu cầu về khung năng lực, gồm: khả năng xây dựng và thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong tổ chức; kỹ năng đánh giá và điều chỉnh chiến lược dựa trên phản hồi và kết quả thực hiện; kỹ năng phân tích và sử dụng tối ưu cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định hợp lý và chính xác, nâng cao hiệu quả công việc; đặc biệt là các quyết định chiến lược như việc phân bổ ngân sách, thiết lập mục tiêu và đánh giá hiệu quả công việc; khả năng thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu, an toàn thông tin; khả năng đánh giá và quản lý các rủi ro liên quan đến công nghệ như rủi ro từ việc sử dụng phần mềm không hợp pháp, tấn công mạng, sự cố bảo mật; kỹ năng khai thác công cụ quản lý số.
Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng năng lực số
(1) Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, linh hoạt, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp người học có thể áp dụng kiến thức vào thực tế và phát triển các kỹ năng cần thiết. Sử dụng nhiều hình thức học tập khác nhau, như: học trực tuyến, học qua dự án, học nhóm, các hoạt động ngoại khóa, đi thực tế để tạo ra môi trường học tập phong phú và hấp dẫn.
(2) Tổ chức các chương trình, khóa học về phát triển năng lực số theo nhu cầu của người học, chú trọng phát triển năng lực số cho giảng viên, đội ngũ cán bộ hỗ trợ.
(3) Các khoa chuyên môn cần chủ động rà soát và nghiên cứu bổ sung các chuẩn đầu ra về năng lực số vào các chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ học viên, sinh viên phát triển năng lực số. Thiết kế các khóa học liên quan đến kỹ năng số. Lồng ghép, tích hợp các nội dung phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên vào trong các học phần giảng dạy.
(4) Kết hợp các hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến nhằm khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực và tạo điều kiện cho người học; đặc biệt là người đã đi làm, đội ngũ cán bộ, công chức học tập mọi nơi, mọi lúc.
Ba là, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Cơ sở hạ tầng thông tin, bao gồm: phòng máy tính, thiết bị học tập, các phần mềm cần thiết hỗ trợ người học trong quá trình học tập. Cơ sở hạ tầng thông tin phải bảo đảm cho học viên, sinh viên có quyền truy cập nguồn tài liệu số phục vụ học tập mọi lúc, mọi nơi, bao gồm cả học từ xa (E-NAPA) và học trực tuyến; hỗ trợ sinh viên, học viên trong tiếp cận tài liệu, nộp bài và học tập trực tuyến.
Bốn là, học viên, sinh viên của Học viện cần: (1) Tạo các diễn đàn cộng đồng trực tuyến giữa học viên, sinh viên và giảng viên để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu học tập và hỗ trợ nhau trong việc phát triển kỹ năng số; (2) Thành lập các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa về công nghệ, khuyến khích học viên, sinh viên tham gia vào các dự án hoặc cuộc thi liên quan đến chuyển đổi trong hành chính công; khuyến khích học viên, sinh viên tự tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, từ đó phát triển khả năng tự học và khám phá.
5. Kết luận
Phát triển năng lực số cho học viên, sinh viên là xu hướng tất yếu mà các trường đại học, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần đặc biệt chú trọng để có thể đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh chuyển đổi số giáo dục. Năng lực số là yếu tố quan trọng để sinh viên, học viên Học viện có thể thích ứng với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Để phát triển năng lực này cần xác định được khung năng lực phù hợp, đồng thời có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo, các hoạt động thực hành và sự hỗ trợ từ Học viện, giảng viên và các cơ quan liên quan.
Chú thích:
1. Secker, J. (2018). The trouble with terminology: rehabilitating and rethinking “digital literacy”. Digital Literacy Unpacked, 3-16.
2. Ferrari, A. (2012). Digital competence in practice: An analysis of frameworks. Luxembourg: Publications Office of the European Uninon, p.3.
3. UNESCO (2018). A Global Framework of Reference on Digital Literacy. UNESCO Institute for Statistics. p.6.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Thị Phương, H. H. (2023). Sự cần thiết của việc xây dựng Khung năng lực số cho học viên người lớn ở trung tâm học tập cộng đồng. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 19, số 11.
2. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ.
3. Xây dựng năng lực số của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển Chính phủ số. https//quanlynhanuoc.vn, ngày 10/02/2022.