ThS. Lê Quang Minh
TS. Nguyễn Danh Nam
Trường Đại học Thành Đông
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nhằm mục đích tìm ra các yếu tố tác động tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng cá nhân tại Thành phố Hà Nội. Thông qua dữ liệu thu thập từ 295 khách hàng cá nhân với các phương pháp phân tích định lượng trên phần mềm SPSS 26 như thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá, phân tích tương quan và hồi quy tuyến tính. Kết quả cho thấy, 7 yếu tố, gồm: nhu cầu an toàn sức khỏe, nhận thức sự hiệu quả, chất lượng bao bì, rủi ro cảm nhận, thái độ cá nhân, giá cả sản phẩm, ảnh hưởng của xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm thúc đẩy ý định mua và phát triển các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
Từ khoá: Yếu tố tác động; sản phẩm; bao bì; tân thiện với môi trường; khách hàng cá nhân; Thành phố Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và hàng loạt các nhà máy công nghiệp sản xuất ra đời đã kéo theo một vấn đề lớn được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đó là sự ô nhiễm môi trường đã và đang gia tăng nghiêm trọng gây nhiều hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Theo số liệu thống kê gần đây, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, mỗi ngày nước ta đang thải ra môi trường khoảng hơn 60 nghìn tấn rác đây là con số đáng báo động1, trong khi đó con người ngày càng có thói quen sử dụng nhiều các loại đồ dùng nhanh, đồ dùng một lần có bao bì bằng nhựa, xốp, nilon… các sản phẩm này sau khi sử dụng bị vứt bỏ ra môi trường sẽ trở thành loại rác thải rất khó phân huỷ, gây tích tụ chất dẻo trong đất và đại dương tạo ra các hạt vi nhựa nano là nguồn gốc của nhiều loại bệnh nguy hiểm, hơn nữa việc tiếp xúc thường xuyên với các chất hoá học có chứa trong bao bì có thể gây ra độc tính khiến dị ứng, rối loạn nội tiết ở người. Do đó, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường là một trong những việc làm tất yếu, cấp bách và cần thiết nhằm hạn chế rác thải khó phân huỷ, giảm bớt các tác động đến môi trường sống của nhân loại1.
Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, thành phố Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống, học tập và làm việc. Song, quá trình đô thị hóa nhanh và sự quá tải về hạ tầng đô thị do dân số đông đúc khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom gần 7.000 tấn rác thải và con số này tăng từ 5-10% mỗi năm, trong số đó, rác thải từ bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất. Chính vì vậy, việc khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường như một giải pháp tích cực nhằm bảo vệ hệ sinh thái hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tìm chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng bởi luôn có thói quen sử dụng bao bì nilon, nhựa… và giá cả của sản phẩm có bao bì này thường cao hơn các sản phẩm cùng loại sử dụng loại bao bì cũ. Trước thực trạng đó và xuất phát từ sự cấp thiết của xu hướng tiêu dùng xanh, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu tìm hiểu “Các yếu tố tác động tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng cá nhân tại thành phố Hà Nội”, qua đó làm cơ sở đề xuất một số hàm ý quản trị khuyến khích khách hàng mua và sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường và giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách thay đổi bao bì của sản phẩm hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
Bao bì là một loại sản phẩm đặc biệt nhằm mục đích bao gói, chứa đựng làm lớp vỏ bọc, tiếp xúc trực tiếp với thành phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ giá trị sử dụng, bảo quản hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ ngoài ra bao bì còn truyền tải các thông tin về sản phẩm, quảng cáo hình ảnh giúp nhận diện thương hiệu của hàng hóa. Theo Ottman2, bao bì thân thiện với môi trường là bao bì được thiết kế tối ưu hóa năng lượng và vật liệu sản xuất, được làm từ những vật liệu thân thiện không gây hại tới sinh vật trong suốt thời gian tồn tại và có thể tái sử dụng. Tương đồng với quan điểm đó, Nguyen và cộng sự3 định nghĩa sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường là những sản phẩm khi sản xuất ra được đóng gói trong các vật liệu hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của con người trong toàn bộ vòng đời của nó.
Dựa trên nguyên tắc 4R1D trong nghiên cứu của Zhang và Zhao, một sản phẩm có bao bì được coi là thân thiện với môi trường khi đáp ứng đủ các tiêu chí như: giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường; được thiết kế mỏng nhẹ có thể tái sử dụng mà vẫn giữ nguyên vẹn các đặc tính ban đầu; có thể tái tạo bằng cách đốt, ủ…giúp cải thiện điều kiện tự nhiên; dễ dàng tái chế và phân huỷ4. Các loại bao bì thân thiện với môi trường phổ biến hiện nay gồm túi giấy, hộp giấy, túi cói, túi vải không dệt, túi nilon tự hủy, lá sen, lá chuối5…
Tóm lại, sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường là sản phẩm được đóng gói bằng những vật liệu an toàn với sức khỏe con người có thể cải tạo, tái chế, dễ dàng phân huỷ mà không gây hại đến môi trường tự nhiên hoặc khi tái sử dụng vẫn giữ nguyên vẹn các đặc tính ban đầu.
Ý định mua hàng là một yếu tố quan trọng được xem như động cơ quyết định hành vi mua thực tế của người tiêu dùng. Theo Ajzen6, ý định phản ánh suy nghĩ, niềm tin và sự quan tâm của cá nhân liên quan đến chuỗi hành vi tiêu dùng, cho thấy sự nỗ lực thực hiện một hành động như kế hoạch đã được định sẵn7. Ý định liên quan đến hành vi thực hiện một hành động dựa trên kết quả đánh giá trước đó được thực hiện bởi người tiêu dùng8. Ý định mua là tiền đề hình thành quyết định mua hàng từ đó dẫn tới hành vi tiêu dùng, khi một cá nhân có ý định mua mạnh mẽ thì xác suất thực hiện hành vi mua càng nhiều9. Theo Phạm Thu Hương và Trần Minh Thu10, ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường phản ánh suy nghĩ, niềm tin liên quan đến chuỗi hành vi tiêu dùng sản phẩm và thể hiện qua sự quan tâm của người tiêu dùng về môi trường tự nhiên.
2.2. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất
Ý định mua hàng chịu tác động của nhiều yếu tố, tuy nhiên đa số các nghiên cứu cho thấy thang đo thuyết hành vi có kế hoạch TPB của Ajzen5 được sử dụng nhiều nhất khi nghiên cứu về ý định mua của người tiêu dùng với ba khía cạnh là thái độ; chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi5,11. Chính vì vậy, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất dựa trên mô hình TPB của Ajzen5 kết hợp cùng một số nghiên cứu trước đó5,10,12–14 để xác định các yếu tố tác động tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng cá nhân tại thành phố Hà Nội gồm: thái độ cá nhân; ảnh hưởng của xã hội; nhận thức sự hiệu quả; chất lượng bao bì; giá cả sản phẩm15. Đồng thời, thông qua quá trình quan sát thực tế, trao đổi phỏng vấn chuyên sâu với một số chuyên gia là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, lấy ý kiến ngẫu nhiên từ các khách hàng cá nhân là những người tiêu dùng tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, cần bổ sung thêm hai khía cạnh mới vào mô hình nghiên cứu đề xuất thông qua quá trình trao đổi là: nhu cầu an toàn sức khỏe và rủi ro cảm nhận để phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh nghiên cứu tại địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, về nhu cầu an toàn sức khỏe: Đây là những mong muốn, hy vọng của người tiêu dùng đối với một sản phẩm về việc đảm bảo, duy trì sức khỏe lành mạnh, không gây hại, giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và các tác động xấu đến môi trường sống. Do đó, nhu cầu an toàn sức khỏe là yếu tố quan trọng khi người tiêu dùng có ý định sử dụng một sản phẩm và khi thoả mãn được các nhu cầu này người tiêu dùng sẽ có ý định mua sản phẩm nhiều hơn.
Thứ hai, rủi ro cảm nhận: là cảm giác lo lắng, bất an của người tiêu dùng về những hậu quả có thể xảy ra khi mua hoặc sử dụng một sản phẩm nào đó. Điều này được thể hiện qua sự không hài lòng khi nhận lại các phản hồi tiêu cực do sử dụng sản phẩm, hình ảnh sản phẩm không lành mạnh như mong đợi hay sự mất mát, lãng phí tài chính khi những trải nghiệm trong quá trình sử dụng sản phẩm không xứng đáng với số tiền mà người tiêu dùng đã bỏ ra. Bởi vậy, khi rủi ro cảm nhận về một sản phẩm xuất hiện càng nhiều thì người tiêu dùng sẽ ít có ý định tiêu dùng sản phẩm đó.
Từ đó, nhóm tác giả đề xuất mô hình và giả thuyết nghiên cứu như sau:
H1: Thái độ cá nhân có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H2: Ảnh hưởng của xã hội có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H3: Nhận thức sự hiệu quả có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H4: Chất lượng bao bì có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H5: Giá cả sản phẩm có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H6: Nhu cầu an toàn sức khỏe có tác động tích cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
H7: Rủi ro cảm nhận có tác động tiêu cực tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
Từ các giả thuyết trên, mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

Mô hình nghiên cứu được xác định dưới dạng phương trình:
YD = β0 + β1*TD + β2*XH + β3*NT + β4*CL + β5*GC + β6*NC – β7*RR
Trong đó:
YD (biến phụ thuộc): Ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường
Các biến độc lập bao gồm (Xi): Thái độ cá nhân (TD); Ảnh hưởng của xã hội (XH); Nhận thức sự hiệu quả(NT); Chất lượng bao bì (CL); Giá cả sản phẩm (GC); Nhu cầu an toàn sức khỏe (NC); Rủi ro cảm nhận (RR)
βk: Hệ số hồi quy (k = 0, 1, 2,…,7).
3. Phương pháp nghiên cứu
+ Nghiên cứu định lượng: Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích trên phần mềm SPSS 26như thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan và hồi quy tuyến tính bội để xem xét yếu tố nào trong mô hình nghiên cứu tác động trực tiếp đến ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường và mức độ tác động của từng yếu tố đó.
+ Cỡ mẫu nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ bao gồm từ mức 1 (rất không đồng ý) tới mức 5 (rất đồng ý). Nghiên cứu lựa chọn tỷ lệ tốt nhất khi phân tích nhân tố khám phá EFA của Hair và cộng sự14 để bảo đảm tính nguyên vẹn khi phân tích, với tổng số 28 biến quan sát tương ứng với 7 yếu tố độc lập và 1 yếu tố phụ thuộc số phiếu cần thiết là 28*10= 280, tuy nhiên để tránh các phiếu không hợp lệ bị loại bỏ khi làm sạch dữ liệu nhóm tác giả đã phát ra thực tế 300 phiếu. Thông qua quá trình phát phiếu trực tiếp với phương pháp chọn mẫu phi xác suất thuận tiện đối với các khách hàng cá nhân tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị… khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát thu về 295 phiếu đủ điều kiện đưa vào phân tích trong khoảng thời gian từ tháng 4/2024 – 8/2024.
Trên cơ sở thực hiện khảo sát thông qua phương pháp chọn mẫu cho thấy kết quả nghiên cứu như sau:
4. Kết quả nghiên cứu
Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo
Mã hoá | Các biến quan sát | Hệ số Cronbach’s Alpha | Tương quan biến tổng | Cronbach’s Alpha nếu loại biến |
Thái độ cá nhân | ||||
TD1 | Tôi cảm thấy sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu sự ô nhiễm, cải thiện môi trường | 0,817 | 0,563 | 0,803 |
TD2 | Tôi cảm thấy sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường giúp giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên | 0,547 | 0,790 | |
TD3 | Tôi cảm thấy thoải mái khi sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,522 | 0,785 | |
TD4 | Nếu được lựa chọn tôi sẽ ưu tiên các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,516 | 0,764 | |
TD5 | Bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng trước khi tôi quyết định mua một sản phẩm | 0,509 | 0,742 | |
Ảnh hưởng của xã hội | ||||
XH1 | Mọi người thân xung quanh khuyến khích tôi sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,796 | 0,483 | 0,786 |
XH2 | Mọi người thân xung quanh nghĩ tôi nên sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,471 | 0,770 | |
XH3 | Thông tin trên các phương tiện truyền thông kích thích tôi sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,462 | 0,762 | |
XH4 | Tôi cảm thấy các thông tin bảo vệ môi trường thông qua sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường vô cùng hữu ích | 0,459 | 0,753 | |
Nhận thức sự hiệu quả | ||||
NT1 | Tôi có thể góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,822 | 0,516 | 0,810 |
NT2 | Việc sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường phù hợp với giá trị đạo đức của tôi | 0,492 | 0,804 | |
NT3 | Tôi nghĩ rằng việc thực hiện hành vi bảo vệ môi trường sẽ đóng góp vào sự duy trì mối quan hệ cân bằng với thiên nhiên | 0,487 | 0,789 | |
Chất lượng bao bì | ||||
CL1 | Tôi cảm thấy bao bì thân thiện với môi trường vẫn đáp ứng được việc bảo quản sản phẩm bên trong | 0,844 | 0,542 | 0,837 |
CL2 | Tôi cảm thấy bao bì thân thiện với môi trường có thể bền như bao bì thông thường | 0,530 | 0,828 | |
CL3 | Tôi cảm thấy bao bì thân thiện với môi trường đẹp mắt và truyền tải đầy đủ các thông tin sản phẩm như bao bì thông thường | 0,526 | 0,812 | |
CL4 | Bao bì thân thiện với môi trường thu hút được sự chú ý của tôi | 0,511 | 0,805 | |
Giá cả sản phẩm | ||||
GC1 | Tôi sẵn sàng mua các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường dù giá cao hơn các sản phẩm cùng loại | 0,764 | 0,459 | 0,748 |
GC2 | Tôi sẽ mua nhiều hơn các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường khi giá thấp hơn hoặc bằng sản phẩm cùng loại thông thường | 0,441 | 0,739 | |
GC3 | Tôi sẽ cân nhắc mua các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại thông thường | 0,415 | 0,721 | |
Nhu cầu an toàn sức khỏe | ||||
NC1 | Tôi cảm thấy an toàn khi sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,851 | 0,570 | 0,848 |
NC2 | Tôi tin rằng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường sẽ không gây hại đến sức khỏe | 0,567 | 0,831 | |
NC3 | Tôi cảm thấy cần thiết phải sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường để bảo vệ sức khỏe | 0,542 | 0,825 | |
Rủi ro cảm nhận | ||||
RR1 | Tôi cảm thấy bao bì thân thiện với môi trường không bảo quản sản phẩm bên trong được lâu như bao bì thông thường | 0,806 | 0,479 | 0,795 |
RR2 | Tôi cảm thấy các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường có mẫu mã đơn giản, không sang trọng | 0,465 | 0,786 | |
RR3 | Tôi cảm thấy các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường chưa phổ biến trên thị trường | 0,438 | 0,772 | |
Ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | ||||
YD1 | Tôi sẽ mua các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường nhiều hơn trong tương lai | 0,838 | 0,547 | 0,815 |
YD2 | Tôi sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,526 | 0,804 | |
YD3 | Tôi sẽ khuyến khích mọi người xung quanh mua các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | 0,509 | 0,797 |
Kết quả kiểm định độ tin cậy cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha tổng của các yếu tố đều lớn hơn 0,7 bên cạnh đó hệ số tương quan biến- tổng của từng biến quan sát của mỗi yếu tố đều lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến đều bé hơn hệ số Cronbach’s Alpha tổng. Như vậy, kết quả phân tích cho thấy, mỗi biến quan sát đều có sự đóng góp trong việc xây dựng mức độ tin cậy của thang đo tốt và không có biến quan sát nào cần loại bỏ, đủ điều kiện để đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA)16.
Bảng 2. Kết quả EFA các yếu tố độc lập
Hệ số KMO = 0,824 | ||
Kiểm định Bartlett’s | Giá trị Chi bình phương xấp xỉ | 8572,619 |
df | 295 | |
Sig. | 0,000 |
Biến quan sát | Nhân tố | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | |
NT2 | 0,810 | ||||||
NT1 | 0,796 | ||||||
NT3 | 0,774 | ||||||
RR1 | 0,783 | ||||||
RR3 | 0,760 | ||||||
RR2 | 0,759 | ||||||
TD1 | 0,828 | ||||||
TD5 | 0,807 | ||||||
TD3 | 0,792 | ||||||
TD4 | 0,781 | ||||||
TD2 | 0,766 | ||||||
CL3 | 0,805 | ||||||
CL2 | 0,782 | ||||||
CL1 | 0,776 | ||||||
CL4 | 0,754 | ||||||
NC1 | 0,798 | ||||||
NC2 | 0,775 | ||||||
NC3 | 0,763 | ||||||
XH2 | 0,812 | ||||||
XH4 | 0,793 | ||||||
XH3 | 0,785 | ||||||
XH1 | 0,767 | ||||||
GC2 | 0,769 | ||||||
GC3 | 0,754 | ||||||
GC1 | 0,740 | ||||||
Tổng phương sai trích % | 28,754 | 33,091 | 46,385 | 50,797 | 64,876 | 71,021 | 79,580 |
Eigenvalue | 5,923 | 4,767 | 4,154 | 3,682 | 3,097 | 2,548 | 1,675 |
Kết quả EFA các yếu tố độc lập dựa trên phương pháp quay Varimax và trích Principle Components cho thấy, hệ số KMO đạt 0,824 (thỏa mãn điều kiện 0,5 <= KMO <= 1), hệ số Sig. của kiểm định Bartlett đạt yêu cầu nhỏ hơn 0,05. Tại giá trị Eigenvalue bằng 1,675 có 7 nhân tố được trích với tổng phương sai trích là 79,580% (lớn hơn 50%), nghĩa là 7 nhân tố này được trích ra giải thích được 79,580% sự biến thiên của dữ liệu, trong bảng ma trận xoay các biến quan sát đều có hệ số tải đạt yêu cầu lớn hơn 0,5 đảm bảo mức ý nghĩa trong EFA của thang đo16.
Bảng 3. Kết quả EFA yếu tố phụ thuộc
Hệ số KMO = 0,818 | |||
Kiểm định Bartlett’s | Giá trị Chi bình phương xấp xỉ | 306,127 | |
df | 3 | ||
Sig. | 0,000 | ||
Yếu tố phụ thuộc | Số biến quan sát | Hệ số tải nhân tố | |
Ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường | YD1 | 0,799 | |
YD2 | 0,786 | ||
YD3 | 0,775 | ||
Tổng phương sai trích % | 81,463 | ||
Eigenvalue | 1,825 | ||
Kết quả EFA biến phụ thuộc cho thấy, hệ số KMO đạt 0,818 thoả mãn điều kiện lớn hơn 0,5 và bé hơn 1, mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett là 0,000 bé hơn 0,05 thể hiện mối tương quan của các biến quan sát với nhau trong tổng thể. Tại giá trị Eigenvalue bằng 1,825 có 1 nhân tố được trích với tổng phương sai trích đạt 81,463% (lớn hơn 50%) và hệ số tải các biến quan sát đều lớn hơn 0,5. Như vậy, dữ liệu thu về đối với thang đo đạt yêu cầu đặt ra16.
Bảng 4. Kết quả phân tích tương quan Pearson
YD | TD | XH | NT | CL | GC | NC | RR | |
YD | 1 | |||||||
TD | 0,572** | 1 | ||||||
XH | 0,641** | 0,226** | 1 | |||||
NT | 0,514* | 0,315* | 0,326** | 1 | ||||
CL | 0,705** | 0,408** | 0,519** | 0,402** | 1 | |||
GC | 0,683** | 0,372** | 0,299* | 0,216* | 0,326** | 1 | ||
NC | 0,596* | 0,415** | 0,357** | 0,357** | 0,275** | 0,368* | 1 | |
RR | 0,670** | 0,286* | 0,313** | 0,340** | 0,414** | 0,275** | 0,432** | 1 |
**. Tương quan có ý nghĩa ở mức 0,01*. Tương quan có ý nghĩa mức 0,05 |
Kết quả phân tích cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa các yếu tố độc lập và yếu tố phụ thuộc, hệ số Sig. bé hơn 0,05 và hệ số tương quan đạt từ 0,514 đến 0,705. Do đó, các yếu tố độc lập này đủ điều kiện đưa vào mô hình để giải thích cho yếu tố phụ thuộc. Đồng thời, kiểm định Pearson cho thấy giữa các yếu tố độc lập tương quan với nhau đều thỏa mãn điều kiện để đưa vào phân tích hồi quy và không có nghi ngờ vềhiện tượng đa cộng tuyến.
Phân tích hồi quy tuyến tính bội theo phương pháp Enter, các yếu tố độc lập được đưa vào cùng một lúc để kiểm định mô hình lý thuyết
Bảng 5. Tóm tắt mô hình hồi quy
Mô hình | R | Hệ số xác định R2 | R2 hiệu chỉnh | Sai số chuẩn của ước lượng | Durbin-Watson |
1 | 0,839a | 0,820 | 0,808 | 0,317 | 1,796 |
a. Dự đoán: (Hằng số), TD, XH, NT, CL, GC, NC, RRb. Biến phụ thuộc: YD |
Kết quả phân tích mô hình hồi quy cho thấy, hệ số xác định R2 = 0,820 thể hiện độ thích hợp của mô hình đạt 82%. Bên cạnh đó giá trị R2 hiệu chỉnh đạt 0,808 nghĩa là các yếu tố TD, XH, NT, CL, GC, NC, RR giải thích được 80,8% ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng cá nhân tại TP Hà Nội. Giá trị Durbin Watson đạt 1,796 nên chấp nhận giả thuyết không có sự tương quan chuỗi bậc nhất trong mô hình. Ngoài ra, kết quả phân tích ANOVA và kiểm định F cũng cho thấy trị số thống kê có giá trị Sig đạt 0,000 do đó mô hình hồi quy tuyến tính là phù hợp với tệp dữ liệu và hoàn toàn sử dụng được.
Bảng 6. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
Nhân tố | Hệ số chưa chuẩn hoá | Hệ số đã chuẩn hoá | t | Sig. | Thống kê cộng tuyến | |||
B | Độ lệch chuẩn | Beta | Độ chấp nhận | VIF | ||||
1 | (Hằng số) | 0,186 | 0,025 | 0,263 | 0,000 | 0,587 | 1,802 | |
TD | 0,305 | 0,010 | 0,318 | 0,184 | 0,000 | 0,761 | 1,647 | |
XH | 0,255 | 0,012 | 0,261 | 0,257 | 0,001 | 0,604 | 1,721 | |
NT | 0,362 | 0,021 | 0,385 | 0,169 | 0,008 | 0,554 | 1,793 | |
CL | 0,340 | 0,016 | 0,359 | 0,215 | 0,000 | 0,792 | 1,620 | |
GC | 0,287 | 0,018 | 0,294 | 0,172 | 0,001 | 0,635 | 1,771 | |
NC | 0,379 | 0,020 | 0,412 | 0,236 | 0,000 | 0,710 | 1,863 | |
RR | -0,323 | 0,011 | -0,346 | -0,198 | 0,003 | 0,522 | 1,750 | |
Biến phụ thuộc: YD |
Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu cho thấy, các biến có mức ý nghĩa Sig. bé hơn 0,05. Hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến độc lập trình bày trong bảng đều nhỏ hơn 2. Như vậy, không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến giữa các yếu tố độc lập. Đồng thời, kiểm tra giả định về phân phối chuẩn của phần dư cho thấy độ lệch chuẩn = 0,995 gần bằng 1 và Mean xấp xỉ = 0 nên giả thuyết phân phối chuẩn của phần dư khi xây dựng mô hình hồi quy không bị vi phạm. Biểu đồ phân tán thể hiện sự phân tán ngẫu nhiên của các giá trị phần dư trong một vùng đi qua đường tung độ 0 và các điểm dữ liệu bám sát đường thẳng kỳ vọng do đó giả định liên hệ tuyến tính không vi phạm.
Như vậy, các giả thuyết nghiên cứu đưa ra đều được chấp nhận trong đó yếu tố RR có tác động ngược chiều đến yếu tố phụ thuộc, trong khi 6 yếu tố TD, XH, NT, CL, GC, NC có tác động cùng chiều đến yếu tố phụ thuộc. Phương trình hồi quy theo hệ số Beta chuẩn hoá như sau:
YD = 0,412*NC + 0,385*NT + 0,359*CL – 0,346*RR + 0,318*TD + 0,294*GC + 0,261*XH
Dựa vào phương trình mức độ tác động của 7 yếu tố có sự giảm dần theo thứ tự là: nhu cầu an toàn sức khỏe; nhận thức sự hiệu quả; chất lượng bao bì; rủi ro cảm nhận; thái độ cá nhân; giá cả sản phẩm; ảnh hưởng của xã hội. Kết quả cho thấy có sự tương đồng với nghiên cứu trước đó5,10,12–14. Tuy nhiên, do sự khác nhau về đối tượng, thời gian và bối cảnh nghiên cứu, cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu, đối tượng khảo sát tại một địa phương cụ thể nên vẫn tồn tại những hạn chế của nghiên cứu. Ngoài ra, điểm mới của nghiên cứu này là đề xuất và kiểm chứng hai yếu tố mới đó là nhu cầu an toàn sức khỏe và rủi ro cảm nhận có tác động đến ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
5. Hàm ý quản trị
Thứ nhất, về nhu cầu an toàn sức khỏe các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng thông qua việc kiểm soát chất lượng tuân thủ các quy định y tế về các hoạt chất có trong bao bì. Cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ, minh bạch về thành phần, công dụng, cách sử dụng và các cảnh báo liên quan đến bao bì sản phẩm. Thường xuyên cải tiến và kiểm tra chất lượng bao bì sản phẩm, xây dựng hệ thống để tiếp nhận và xử lý khiếu nại, đồng thời, đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời khi người tiêu dùng gặp vấn đề về an toàn sức khỏe do bao bì sản phẩm gây ra.
Thứ hai, về nhận thức sự hiệu quả các doanh nghiệp cần có kế hoạch kết hợp với cơ quan nhà nước xây dựng phương án tuyên truyền tích cực, quảng cáo rộng rãi đến người tiêu dùng về những lợi ích bảo vệ môi trường và sự cần thiết sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường thông qua các kênh truyền thông phổ biến, các hoạt động tuyên truyền trên đường phố qua các băng rôn thiết thực, gần gũi hàng ngày. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đề ra các chính sách khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường, xây dựng khung pháp lý để các doanh nghiệp có điều kiện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên ở khâu vật liệu bao gói sản phẩm tuân thủ quy định về việc xử lý chất thải sau sản xuất nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu bằng các hành động vì môi trường, truyền tải những thông điệp tích cực đến với người tiêu dùng.
Thứ ba, về chất lượng bao bì doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các loại bao bì thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế, phân hủy sinh học sử dụng nguyên liệu thân thiện tiết kiệm tài nguyên hiệu quả, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe, thiết kế bao bì nhỏ gọn nhưng vẫn bảo vệ tốt sản phẩm. Tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn môi trường quốc tế để bảo đảm bao bì được sản xuất theo quy trình bền vững, không ngừng cải thiện, nâng cao mẫu mã, hình thái bao bì tạo ra sự bắt mắt thu hút người tiêu dùng
Thứ tư, về rủi ro cảm nhận doanh nghiệp cần công khai các thử nghiệm để người tiêu dùng thấy rằng bao bì thân thiện với môi trường đáp ứng tốt khả năng bảo vệ sản phẩm ngay cả trong các điều kiện môi trường biến đổi như nắng nóng, mưa, lạnh trong quá trình vận chuyển mà vẫn giữ nguyên tính chất ban đầu. Sáng tạo trong việc thiết kế để mang đến những bao bì thoả mãn tính thẩm mĩ, đẹp mắt thu hút người dùng. Tính toán chi phí sản xuất bao bì hợp lý để không làm tăng giá sản phẩm. Ghi nhận các phản hồi của người tiêu dùng làm cơ sở xây dựng kế hoạch phù hợp cải tiến bao bì, đồng thời giảm thiểu các bất tiện có thể gặp phải.
Thứ năm, về thái độ cá nhân các doanh nghiệp cần có chiến lược khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen cũ, ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường thông qua các sự kiện, diễn đàn giảm thiểu chất thải nhựa, có các phong trào, sống thân thiện với môi trường, tổ chức các chiến dịch cộng đồng, các chương trình thu gom bao bì cũ, tái chế hoặc các cuộc thi sáng kiến bảo vệ môi trường. Cung cấp thông tin rõ ràng về các chứng nhận môi trường mà bao bì sản phẩm đạt được nhằm xây dựng lòng tin và nâng cao thái độ tích cực của người tiêu dùng đối với sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.
Thứ sáu, về giá cả sản phẩm các doanh nghiệp cần có những nghiên cứu nhằm tạo hiệu quả trong sản xuất, tận dụng các nguyên liệu để giảm giá thành bao bì và không tăng giá sản phẩm nhiều. Có các chiến lược khuyến mãi, phần thưởng, chương trình giảm giá, ưu đãi hoặc các lợi ích đặc biệt dành cho khách hàng khi mua nhiều sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường. Tổ chức các chương trình thu hồi bao bì cũ hoặc giảm giá cho khách hàng khi tái sử dụng bao bì, xây dựng kế hoạch marketing rõ ràng, làm nổi bật giá trị cộng thêm của bao bì thân thiện với môi trường để người tiêu dùng cảm thấy việc trả giá cao hơn là hợp lý
Thứ bảy, về ảnh hưởng của xã hội, doanh nghiệp cần triển khai nhiều hoạt động có đạo đức liên quan đến môi trường, xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp quan tâm môi trường, tạo thiện cảm đến người tiêu dùng và thúc đẩy họ trở thành người tiêu dùng suy nghĩ vì môi trường. Có chiến lược truyền thông xã hội gắn với những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, tuyên truyền xây dựng cộng đồng tiêu dùng thân thiện với môi trường để người tiêu dùng cảm nhận được sự khuyến khích từ nhóm xã hội mà họ tham gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu Net Zero: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/11/phat-trien-kinh-te-huong-den-muc-tieu-net-zero-kinh-nghiem-quoc-te-va-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam/
2. Ottman, J. (1998). Green Marketing: Challenges and Opportunities. NTC Business Books, Chicago.
3. Nguyen, A.T., Parker, L., Brennan, L. and Lockrey, S. (2020). A consumer definition of eco friendly packaging. Journal of Cleaner Production, 252(10), pp. 119- 792.
4. Zhang, G. and Zhao, Z. (2012). Green packaging management of logistics enterprises. Physics Procedia, 24, pp. 900-905.
5. Ý định sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của sinh viên tại Hà Nội. https://kinhtevadubao.vn/y-dinh-su-dung-bao-bi-than-thien-voi-moi-truong-cua-sinh-vien-tai-ha-noi-28890.html
6. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior & Human Decision Processes, 50, pp. 179-211.
7. Armitage, C.J. and Conner, M. (2001). Efficacy of the theory of planned behavior: a meta-analytic review. British Journal of Social Psychology, 40(4), pp. 471- 499.
8. Nsairi, Z.B. (2012). Managing browsing experience in retail stores through perceived value: Implications for retailers. International Journal of Retail and Distribution Management, 40(9), pp. 676-698.
9. Ghali-Zinoubi, Z. and Toukabri, M. (2019). The antecedents of the consumer purchase intention: Sensitivity to price and involvement in the organic product: Moderating role of product regional identity.Trends in Food Science & Technology, 90, pp. 175-179.
10. Phạm Thu Hương và Trần Minh Thu (2019). Các yếu tố tác động tới ý định mua sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường của giới trẻ Việt Nam tại Hà Nội. Tạp chí Khoa học Thương mại, 133, tr. 33- 50.
11. Kumar, B. (2012). Theory of Planned Behaviour Approach to Understand the Purchasing Behaviour for Environmentally Sustainable Products. Indian Institute of Management, Ahmedabad India, pp. 1-43.
12. Lu, T. (2014). Assessing the variables that influence the intention of green purchase. Social Sciences Research, 2, pp. 27-37.
13. Nguyễn Hoàng Diễm My, Trần Huỳnh Bảo Châu, Nguyễn Thị Hương Giang, Bùi Dũng Thể và Phạm Xuân Hùng (2022). Ý định mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm trà có bao gói thân thiện với môi trường trên địa bàn Thành phố Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, Tập 131 (5C), tr. 137-160.
14. Nguyễn Hán Khanh và Nguyễn Thị Thanh Nhung (2023). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường của khách hàng tại Bình Dương. Tạp chí Công thương, 8, tr. 320- 325.
15. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh: nghiên cứu trường hợp sinh viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/18/cac-yeu-to-anh-huong-den-hanh-vi-tieu-dung-xanh-nghien-cuu-truong-hop-sinh-vien-dai-hoc-tai-tp-ho-chi-minh/
16. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J. and Anderson, R.E. (2010). Multivariate Data Analysis. 7th Edition, Pearson, New York.