Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới 

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Xác định hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Chính vì vậy, việc đánh giá thực trạng và nhận diện rõ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ khóa: Cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng; kỷ nguyên mới; kỷ nguyên vươn mình.

1. Đặt vấn đề

Cùng với việc tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó nhấn mạnh thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn, cho đến nay, trọng tâm được xác định rõ là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, chủ động dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách trong kỷ nguyên mới. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng về mục tiêu chiến lược của Việt Nam trong kỷ nguyên mới “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”1.

Để đạt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, tại buổi trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết”2. Do đó, hiện thực hóa nhiệm vụ này, cần tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

2. Khái quát thực trạng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta

a. Những kết quả đạt được

Công tác đào tạo, bồi dưỡng được xác định là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức gắn với chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023 – 2025. Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung các tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gồm: (1) Chương trình, tài liệu; (2) Học viên; (3) Giảng viên; (4) Cơ sở vật chất và các hoạt động hỗ trợ; (5) Khóa bồi dưỡng; (6) Hiệu quả sau bồi dưỡng.

Nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với vị trí việc làm và chức danh công chức; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng triển khai đánh giá, rà soát, cập nhật, biên soạn lại hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. Theo đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã bước đầu căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức và theo yêu cầu nhiệm vụ của từng vị trí việc làm; tích cực đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức và quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng bồi dưỡng theo vị trí việc làm, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan, đơn vị đã chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch hằng năm, dựa trên nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức và nhu cầu của cơ quan, đơn vị.

Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã cử 562.452 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh và vị trí việc làm. Trong số đó, trung ương có 35.102 lượt (số lượt công chức được đào tạo là 181, bồi dưỡng là 8.883; số lượt viên chức được đào tạo là 585, bồi dưỡng là 25.453), địa phương có 527.350 lượt (số lượt công chức được đào tạo là 14.173, bồi dưỡng là 245.327; số lượt viên chức được đào tạo là 23.000, bồi dưỡng là 244.850). Năm 2024, cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng 642.049 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, bộ, ngành là 26.536 lượt người (cử đi đào tạo có: 259 lượt công chức; 2.566 lượt viên chức; cử đi bồi dưỡng có: 5.885 lượt công chức; 16.826 lượt viên chức); địa phương là 615.513 lượt người (cử đi đào tạo có: 13.300 lượt công chức; 19.776 lượt viên chức; cử đi bồi dưỡng có: 207.277 lượt công chức; 375.160 lượt viên chức)3.

b. Một số hạn chế, bất cập

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời gian qua vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn chậm; nội dung, phương pháp còn chưa bắt kịp với yêu cầu lãnh đạo, quản lý quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa thật bám sát nhiệm vụ và yêu cầu của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; tính chủ động của một số cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Hệ thống các quy định đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh, tin học, ngoại ngữ chưa thật đồng bộ, thống nhất, gây lúng túng cho cơ quan quản lý cũng như bản thân cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức và tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Hệ thống các chương trình bồi dưỡng chưa được ban hành đầy đủ, nhất là các chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; một số chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chức, viên chức tương đương chậm được ban hành; các chương trình bồi dưỡng liên quan đến các kỹ năng mới, như: công nghệ thông tin; hội

nhập quốc tế; những kiến thức, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng Chính phủ điện tử; Chính phủ số, xã hội số trong bối cảnh 4.0… chưa được chú trọng xây dựng, làm mới, cập nhật. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau để bảo đảm bằng cấp, chứng chỉ theo quy định nhưng chưa thật sự nâng cao được phẩm chất và năng lực trong công tác thực tiễn.

3. Một số yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, gồm: cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; cán bộ và công tác cán bộ; định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình.

Về cán bộ và công tác cán bộ, Tổng Bí thư nêu rõ giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới: (1) Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; (2) Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số; (3) Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí; (4) Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; (5) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn4.

Để thực hiện có hiệu quả những giải pháp này, cần nghiên cứu xác định rõ các yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ nhất, thay đổi tư duy, nhận thức về nội dung và hoạt động quản lý đào tạo, bồi dưỡng, chuyển hướng từ bồi dưỡng kiến thức sang bồi dưỡng phát triển năng lực. Xác định đúng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để xây dựng chương trình và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực, gắn với vị trí việc làm. Theo đó, xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm yêu cầu thiết thực và cập nhật. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông chính sách về đào tạo, bồi dưỡng để các chủ thể có liên quan nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời, giúp họ xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của mình trong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng; từ đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức xác định rõ việc học tập là để cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu và nâng cao trình độ, năng lực cho bản thân nhằm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, khắc phục tình trạng tham gia các chương trình bồi dưỡng chỉ để nhằm hợp thức về tiêu chuẩn, bằng cấp, chứng chỉ.

Thứ hai, tiến hành rà soát, đánh giá đúng những hạn chế, vướng mắc của hệ thống thể chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện hành để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, giảm thiểu bất hợp lý trong quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp thực tiễn và phản ánh đúng yêu cầu của nền hành chính hiện đại. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xác định nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, chương trình cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm hiệu quả gắn với yêu cầu công việc; tạo lập cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ theo quy định, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực làm việc. Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng tăng cường bồi dưỡng theo nhu cầu, yêu cầu của vị trí việc làm” quy định tại Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết. Tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về dữ liệu số, kỹ năng số, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức. Kỹ năng số là rất cần thiết và quan trọng để cán bộ, công chức, viên chức sử dụng được các công nghệ số mới được áp dụng, thích ứng với sự thay đổi của môi trường số, quan trọng nhất là biết khai thác dữ liệu để ứng dụng vào trong thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thích ứng và quản trị sự thay đổi. Kinh tế số, xã hội số sẽ xuất hiện những cách thức giao dịch mới, yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải thay đổi phù hợp. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần có sự cập nhật để trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết làm chủ được sự thay đổi, tránh bị thụ động trước sự phát triển của khoa học – công nghệ.

Thứ tư, kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiện đại; thực hiện phân công, phân cấp rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để hình thành hệ thống đào tạo, bồi dưỡng đồng bộ, thống nhất. Xây dựng đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thu hút những giảng viên trình độ chuyên môn cao kết hợp với sử dụng giảng viên thỉnh giảng là những người có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín. Nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực đội ngũ giảng viên để họ chủ động điều chỉnh hợp lý và hiệu quả nội dung, phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người học.

Thứ năm, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không chỉ tạo cơ hội và điều kiện nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, kỹ năng, phương pháp quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách mà còn góp phần quan trọng hình thành các chuyên ngành khoa học mới, như: lãnh đạo học và chính sách công, quyền con người, truyền thông chính sách, giới và lãnh đạo nữ, an ninh chiến lược, phát triển bền vững…; trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tùy theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, định chế quốc tế, như: Trung tâm Chia sẻ tri thức quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Trung tâm Việt – Úc (VAC), Văn phòng Dự án Việt – Nhật (JICA), Dự án Việt – Hàn (KOICA), Việt – Singapore, nhóm nghiên cứu an ninh chiến lược, nhóm nghiên cứu về đối tác xây dựng lòng tin và phối hợp hành động châu Á (CICA), Trường Đại học Hành chính công (ENAP) tại Quebec, Canada, Học viện Hành chính châu Âu…

4. Kết luận

Với gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam đã và đang tích cực chuyển mình hội nhập quốc tế, đây cũng là giai đoạn chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, có sự kế tiếp giữa các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức. Chính vì vậy, việc tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần xác định rõ mục đích, nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp và sát thực với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc xác định rõ và chú trọng các yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chính là nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
2. Tổng Bí thư Tô Lâm: Ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. https://www.qdnd.vn, truy cập ngày 31/10/2024.
3. Bộ Nội vụ (2024). Báo cáo kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ, ngày 21/12/2024.
4. Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. https://tintuc.vn, truy cập ngày 31/10/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Kết luận số 39-KL/TW ngày 18/7/2022 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.