ThS. Nguyễn Ngọc Diệp
Trường Đại học Thành Đông
(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh niên (đặc biệt là sinh viên) luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước. Để phát huy tối đa vai trò quan trọng này, sinh viên cần được bồi dưỡng thường xuyên về ý thức chính trị, tư tưởng và đạo đức. Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận sinh viên còn thờ ơ hoặc có nhận thức lệch lạc về các vấn đề chính trị – xã hội, do đó, trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết làm rõ vai trò của nhà trường và xã hội trong việc định hướng nhận thức chính trị cho sinh viên; đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức chính trị góp phần xây dựng thế hệ sinh viên có trách nhiệm và bản lĩnh trước những vấn đề của đất nước.
Từ khóa: Nhận thức chính trị; sinh viên; vai trò của nhà trường và xã hội.
1. Đặt vấn đề
Nhận thức chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành bản lĩnh, tư duy và thái độ sống của sinh viên – lực lượng trí thức trẻ sẽ tham gia trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ, nhận thức chính trị của sinh viên càng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, hình thành trách nhiệm công dân và bảo vệ các giá trị cốt lõi của dân tộc. Song, thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận sinh viên chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề chính trị – xã hội, thậm chí có thái độ thờ ơ, thiếu chủ động trong việc tiếp cận và tìm hiểu thông tin chính thống. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên một cách hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của thời đại số. Từ góc nhìn này, bài viết phân tích vai trò của nhà trường và xã hội trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục chính trị góp phần xây dựng thế hệ sinh viên có tư duy chính trị vững vàng, có trách nhiệm với đất nước và xã hội.
2. Thực trạng nhận thức chính trị của sinh viên hiện nay
Nhận thức chính trị của sinh viên là một yếu tố quan trọng, góp phần định hình tư tưởng và trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ. Trong bối cảnh hiện đại, khi thông tin trở nên dễ dàng tiếp cận qua nhiều kênh khác nhau, nhận thức chính trị của sinh viên cũng có sự phân hóa rõ rệt. Có những sinh viên tích cực tìm hiểu, tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội, nhưng cũng có không ít người thờ ơ hoặc thậm chí có nhận thức sai lệch trước những luồng thông tin đa chiều.
Một bộ phận sinh viên có ý thức chính trị tốt, thể hiện qua việc chủ động tìm hiểu các vấn đề thời sự, chính trị – xã hội trong nước và quốc tế. Họ không chỉ tiếp cận thông tin từ các kênh chính thống như báo chí, các diễn đàn chính trị mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động do Nhà trường và tổ chức đoàn thể phát động. Nhiều sinh viên sẵn sàng bày tỏ quan điểm cá nhân một cách có trách nhiệm, biết phản biện trước những thông tin sai lệch và thể hiện tinh thần yêu nước qua hành động cụ thể như tham gia bầu cử, tham gia các câu lạc bộ học thuật liên quan đến chính trị, lịch sử. Nhóm sinh viên này có nhận thức vững vàng, hiểu được vai trò và trách nhiệm đối với đất nước, từ đó chủ động trang bị kiến thức để không bị tác động bởi những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận sinh viên lại thờ ơ với các vấn đề chính trị – xã hội. Theo kết quả khảo sát từ đề tài nghiên cứu khoa học “Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, trong số 2.590 sinh viên được khảo sát, có 123 sinh viên (chiếm 4,7%) cho rằng công tác chính trị, tư tưởng trong bối cảnh hiện nay “rất không quan trọng” và 35 sinh viên (chiếm 1,4%) cho rằng “không quan trọng”1. Nhiều sinh viên chỉ quan tâm đến học tập, giải trí và các mục tiêu cá nhân mà không để ý đến tình hình chung của đất nước. Họ ít khi theo dõi tin tức thời sự, không quan tâm đến các hoạt động chính trị tại trường và thậm chí không hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Khi được hỏi về các sự kiện chính trị quan trọng, họ thường có thái độ hời hợt, không nắm bắt hoặc không có chính kiến rõ ràng. Thực trạng này có thể bắt nguồn từ việc chương trình giảng dạy môn lý luận chính trị tại nhiều trường đại học còn chưa được chú trọng, các bài giảng chưa thực sự được đầu tư và hấp dẫn sinh viên.
Ngoài ra, còn có tác động mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng mạng xã hội cũng khiến nhiều sinh viên dành phần lớn thời gian cho giải trí, lướt mạng mà không quan tâm đến các vấn đề chính trị thực sự có ảnh hưởng đến đời sống của mình. Theo thống kê từ báo cáo thường niên WeAreSocial Digital 2024, toàn thế giới hiện có 5 hơn tỷ người sử dụng mạng xã hội, riêng Việt Nam có 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội với thời gian trung bình mỗi ngày là 2 giờ 25 phút thuộc top 20 trên thế giới. Đặc biệt, giới trẻ tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội trung bình 7 giờ mỗi ngày, khá cao trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng chủ yếu mang tính giải trí và thiếu nhiều thông tin cơ bản2. Đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của một nhóm sinh viên có nhận thức chính trị lệch lạc. Đây là những người dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai sự thật, các quan điểm cực đoan trên mạng xã hội. Họ tiếp cận các tin tức không chính thống mà thiếu sự kiểm chứng, từ đó hình thành những quan điểm chính trị thiếu khách quan. Một số sinh viên bị lôi kéo vào các hội nhóm có tư tưởng chống đối, tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị với góc nhìn phiến diện, thiếu cơ sở. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ đến từ sự thiếu hiểu biết về chính trị mà còn từ tâm lý muốn thể hiện bản thân, muốn “khác biệt” so với số đông. Trong khi đó, các cơ chế giáo dục và định hướng từ nhà trường, gia đình và xã hội đôi khi chưa đủ mạnh để giúp sinh viên có tư duy phản biện, biết phân biệt đúng sai trong thế giới thông tin đa chiều.
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan, tác động từ mạng xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức chính trị của sinh viên. Theo kết quả đề tài nghiên cứu Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay do Ban Thư ký Trung ương Hội sinh viên Việt Nam khảo sát trên 26.300 sinh viên trên cả nước thì có tới 97,8% sinh viên sử dụng mạng Facebook và 97% trong số sinh viên có dùng Zalo. Ngoài Zalo và Facebook thì Instagram và Tiktok cũng là hai dịch vụ mạng xã hội được sinh viên sử dụng với tỷ lệ rất cao, lên đến 85,6%. Xu hướng đáng chú ý là sinh viên thường dùng cùng một lúc nhiều dịch vụ mạng xã hội khác nhau; có tới 85,1% sinh viên lựa chọn lên mạng xã hội là việc họ làm hàng ngày3. Ngoài ra, theodữ liệu của DataReportal, tính đến tháng 01/2024, có 72,7 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, dữ liệu được công bố cho thấy có 72,55 triệu người sử dụng mạng xã hội ở độ tuổi từ 18 trở lên tại Việt Nam đầu năm 2024, tương đương với 99,2% dân số từ 18 tuổi trở lên vào thời điểm đó. Tuy nhiên, số liệu này tập trung lớn vào hai nhóm tuổi: nhóm 18 – 24 tuổi và nhóm 25 – 34 tuổi và chiếm gần 60% lượng người sử dụng mạng xã hội vào tháng 01/20244.
Như vậy cho thấy, sinh viên cũng nằm trong nhóm tuổi sử dụng mạng xã hội nhiều nhất nước ta hiện nay. Điều này cũng chỉ rõ mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vừa có thể giúp sinh viên tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng nhưng đồng thời cũng khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các luồng thông tin trái chiều. Nếu không có đủ kiến thức và kỹ năng phân tích, sinh viên dễ dàng bị cuốn theo các quan điểm sai lệch mà không nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn.
Nhìn chung, thực trạng nhận thức chính trị của sinh viên hiện nay có sự phân hóa rõ rệt. Một nhóm sinh viên có nhận thức tốt, biết cách tiếp cận và phân tích thông tin, nhưng vẫn tồn tại một số lượng lớn sinh viên thờ ơ hoặc có tư tưởng lệch lạc. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: sự ảnh hưởng của môi trường giáo dục; sự phát triển của mạng xã hội và mức độ quan tâm của bản thân sinh viên đối với vấn đề chính trị. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, giúp họ trở thành những công dân có trách nhiệm, biết bảo vệ lợi ích quốc gia và có lập trường vững vàng trước những biến động của xã hội.
3. Vai trò của nhà trường và xã hội trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên
a. Vai trò của Nhà trường
Nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên, bởi đây là môi trường giáo dục chính quy, nơi trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn các giá trị về tư duy chính trị, đạo đức và trách nhiệm công dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của thông tin, việc giáo dục nhận thức chính trị cho sinh viên càng trở nên quan trọng hơn, giúp họ có tư duy phản biện, hiểu rõ về hệ thống chính trị, từ đó hình thành thái độ và hành vi đúng đắn trước các vấn đề xã hội.
Một là, Nhà trường cung cấp nền tảng lý luận chính trị vững chắc thông qua các chương trình giảng dạy. Các môn học, như: Triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam… giúp sinh viên hiểu được bản chất của hệ thống chính trị, nền tảng tư tưởng và mục tiêu phát triển của đất nước. Thông qua các bài giảng và thảo luận, sinh viên được tiếp cận với các khái niệm như dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm công dân, từ đó giúp họ có góc nhìn toàn diện về các vấn đề chính trị – xã hội.
Hai là, phương pháp giảng dạy trong Nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên. Việc áp dụng các phương pháp học tập hiện đại như học tập theo dự án, tranh biện, nghiên cứu tình huống thực tế sẽ giúp sinh viên không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn biết cách phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị từ nhiều góc độ khác nhau. Khi sinh viên tham gia vào các hoạt động thảo luận nhóm, tranh luận về các vấn đề chính trị – xã hội, họ sẽ có cơ hội rèn luyện tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng lập luận và biết cách tiếp cận vấn đề một cách khách quan, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch.
Ba là, Nhà trường không chỉ giảng dạy lý thuyết mà còn có trách nhiệm tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với thực tiễn chính trị – xã hội. Các buổi tọa đàm, hội thảo về chính trị, thời sự hay các chương trình giao lưu với các chuyên gia, nhà lãnh đạo giúp sinh viên có cơ hội lắng nghe và trao đổi quan điểm với những người có kinh nghiệm. Ngoài ra, các chương trình giáo dục công dân, các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động tình nguyện và các cuộc thi tìm hiểu về chính trị cũng góp phần quan trọng trong việc giúp sinh viên củng cố nhận thức chính trị của mình.
Bốn là, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong trường học, đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên. Đây là những tổ chức có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục chính trị cho sinh viên thông qua các hoạt động phong trào, giáo dục đạo đức lối sống, và tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi sinh viên tham gia vào các hoạt động của Đoàn, Hội, họ không chỉ được trau dồi kỹ năng lãnh đạo, tổ chức mà còn có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước, từ đó phát triển tinh thần yêu nước và ý thức công dân tích cực.
Hơn nữa, trong thời đại công nghệ số, Nhà trường cần chủ động ứng dụng công nghệ vào việc giáo dục nhận thức chính trị cho sinh viên. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội để cung cấp thông tin chính thống, tổ chức các buổi học trực tuyến, diễn đàn thảo luận sẽ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức chính trị một cách linh hoạt và thuận tiện hơn. Đồng thời, các trường đại học cũng cần chú trọng đến việc hướng dẫn sinh viên cách tiếp cận và xử lý thông tin trên không gian mạng, giúp họ nhận diện được các thông tin sai lệch, từ đó có cái nhìn chính xác và khách quan về các vấn đề chính trị – xã hội.
b. Vai trò của xã hội trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên
Nhận thức chính trị của sinh viên không chỉ được hình thành trong môi trường học đường mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các yếu tố xã hội như gia đình, truyền thông và mạng xã hội cũng như các tổ chức chính trị – xã hội. Mỗi yếu tố này đều đóng góp một phần quan trọng trong quá trình hình thành tư duy, thái độ chính trị của sinh viên, giúp họ có cái nhìn toàn diện và khách quan về xã hội, đất nước và thế giới.
Thứ nhất, vai trò của gia đình trong nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi cá nhân, góp phần hình thành tư duy và quan điểm sống của sinh viên ngay từ khi còn nhỏ. Một gia đình có truyền thống quan tâm đến chính trị, thường xuyên cập nhật thông tin về các sự kiện thời sự, thảo luận về các vấn đề chính trị – xã hội sẽ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm với những kiến thức nền tảng về chính trị. Bên cạnh đó, cách cha mẹ, người thân thể hiện quan điểm chính trị, thái độ trước các vấn đề xã hội cũng ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của sinh viên. Nếu gia đình có lối suy nghĩ tích cực, ủng hộ những chính sách đúng đắn của Nhà nước, định hướng con cái tiếp cận thông tin một cách khoa học và có chọn lọc, sinh viên sẽ hình thành tư duy chính trị vững vàng, tránh bị tác động bởi những luồng thông tin sai lệch. Vì vậy, gia đình cần khuyến khích sinh viên chủ động tìm hiểu thông tin chính trị, tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, từ đó giúp họ phát triển tư duy phản biện và lập trường chính trị đúng đắn.
Thứ hai, vai trò của truyền thông và mạng xã hội. Truyền thông và mạng xã hội ngày nay là nguồn cung cấp thông tin chính trị quan trọng đối với sinh viên. Báo chí, truyền hình và các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách sinh viên tiếp nhận và phân tích các vấn đề chính trị – xã hội. Mặt tích cực của truyền thông là giúp sinh viên tiếp cận thông tin nhanh chóng, cập nhật các sự kiện chính trị, chính sách mới của nhà nước, cũng như các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Các kênh báo chí chính thống, như: VTV, báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam giúp cung cấp thông tin xác thực, có kiểm chứng, giúp sinh viên có góc nhìn chính xác hơn về chính trị. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái, khi xuất hiện không ít thông tin giả mạo, sai lệch, kích động, gây hiểu lầm hoặc tạo ra quan điểm chính trị cực đoan. Nếu không có khả năng phân tích, chọn lọc thông tin, sinh viên rất dễ bị dẫn dắt bởi các tin đồn, quan điểm phiến diện. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn để sinh viên nâng cao kỹ năng đánh giá thông tin, biết cách phân biệt giữa nguồn tin chính thống và tin giả, từ đó có thái độ chính trị đúng đắn.
Nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội cần phối hợp trong việc giáo dục sinh viên sử dụng truyền thông một cách có trách nhiệm, khuyến khích họ tiếp cận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và tránh bị ảnh hưởng bởi những nội dung mang tính tiêu cực, gây chia rẽ.
Thứ ba, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc định hướng nhận thức chính trị. Các tổ chức chính trị – xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, các câu lạc bộ học thuật, hội nhóm chính trị trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên. Thông qua các hoạt động như tọa đàm, hội thảo, các chương trình ngoại khóa, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính trị, giúp họ mở rộng hiểu biết về các chính sách, đường lối phát triển của đất nước. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về chính trị mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Bên cạnh đó, các phong trào như “Sinh viên 5 tốt”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… không chỉ giúp sinh viên nâng cao nhận thức chính trị mà còn khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng, từ đó phát triển tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân. Ngoài ra, các tổ chức này còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên và chính quyền, giúp truyền đạt những ý kiến, nguyện vọng của sinh viên đến các cấp lãnh đạo, góp phần xây dựng môi trường chính trị – xã hội lành mạnh, dân chủ.
4. Một số đề xuất nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho sinh viên hiện nay
Một là, tăng cường giáo dục chính trị trong nhà trường.
Nhà trường là môi trường quan trọng giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức chính trị một cách bài bản và có hệ thống. Để nâng cao nhận thức chính trị, các trường đại học cần chú trọng hơn đến việc giảng dạy các môn học lý luận chính trị, như: Triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung giảng dạy cần được đổi mới theo hướng thực tiễn, tránh lý thuyết suông, giúp sinh viên dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, giảng viên cần khuyến khích sinh viên thảo luận, tranh luận về các vấn đề thời sự, chính trị – xã hội trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để họ hình thành tư duy phản biện và lập trường chính trị vững chắc. Ngoài ra, trường học cũng nên phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị để tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, giúp sinh viên có cơ hội giao lưu với các chuyên gia và tiếp cận những nguồn thông tin chính thống. Khi nền tảng kiến thức chính trị vững vàng, sinh viên sẽ có khả năng đánh giá, phân tích các vấn đề xã hội một cách khách quan và khoa học hơn.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn liền với chính trị – xã hội.
Bên cạnh giáo dục chính trị trong nhà trường, các hoạt động ngoại khóa cũng là phương thức quan trọng giúp sinh viên nâng cao nhận thức chính trị. Các trường đại học nên thành lập hoặc đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ chính trị – xã hội, nơi sinh viên có thể thảo luận về các vấn đề thời sự, tham gia các buổi diễn đàn, tranh biện về các chính sách công, các vấn đề chính trị trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc tổ chức các chương trình tham quan thực tế tại các cơ quan hành chính, cơ sở cách mạng, khu di tích lịch sử cũng giúp sinh viên có cái nhìn trực quan và sâu sắc hơn về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hơn nữa, phong trào tình nguyện cũng là một kênh hiệu quả giúp sinh viên hiểu rõ hơn về đời sống chính trị – xã hội, khi họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Qua những trải nghiệm thực tế này, sinh viên sẽ rèn luyện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và ý thức công dân đối với sự phát triển chung của đất nước.
Thứ ba, đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin chính thống và tự học hỏi.
Trong thời đại công nghệ số, sinh viên có nhiều kênh thông tin khác nhau để tiếp cận với các vấn đề chính trị – xã hội. Tuy nhiên, không phải nguồn thông tin nào cũng chính xác và đáng tin cậy. Do đó, cần hướng dẫn sinh viên cách chọn lọc và tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống như báo chí nhà nước, cổng thông tin chính phủ, các tổ chức uy tín. Đồng thời, việc khuyến khích sinh viên tự học, tự nghiên cứu về các vấn đề chính trị cũng là một yếu tố quan trọng. Nhà trường có thể tạo ra các diễn đàn trực tuyến, thư viện số, cung cấp tài liệu, sách báo về chính trị để sinh viên dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, sinh viên cũng nên được hướng dẫn cách suy luận, phân tích thông tin một cách khách quan, tránh bị lôi kéo bởi các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội. Khi sinh viên có thói quen tự học và biết cách chọn lọc thông tin, họ sẽ xây dựng được tư duy chính trị độc lập, từ đó có quan điểm đúng đắn trước những vấn đề xã hội phức tạp.
Thứ tư, nâng cao vai trò của gia đình và xã hội trong giáo dục chính trị cho sinh viên.
Gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chính trị của sinh viên. Bố mẹ, người thân cần quan tâm, định hướng cho sinh viên về cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, giúp họ có tư duy đúng đắn, tránh bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin tiêu cực. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông cũng cần phát huy vai trò giáo dục chính trị bằng cách cung cấp thông tin chính xác, khách quan và dễ tiếp cận cho giới trẻ. Các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần đẩy mạnh các phong trào chính trị – xã hội, tạo điều kiện để sinh viên tham gia và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Khi gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay trong việc giáo dục chính trị, sinh viên sẽ có một môi trường thuận lợi để phát triển nhận thức chính trị một cách toàn diện.
5. Kết luận
Nhận thức chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư duy, bản lĩnh và trách nhiệm công dân của sinh viên, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên thờ ơ hoặc có nhận thức lệch lạc trước các vấn đề chính trị – xã hội, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với nhà trường, gia đình và xã hội trong việc định hướng và giáo dục. Nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và tranh biện để giúp sinh viên tiếp thu kiến thức một cách chủ động. Gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sinh viên tiếp cận thông tin chính xác, rèn luyện tư duy phản biện và nâng cao trách nhiệm công dân. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ tạo ra một môi trường giáo dục toàn diện, giúp sinh viên có lập trường vững vàng, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Chú thích:
1. Ngô Thị Phương Lan (Chủ nhiệm) (2022). Đổi mới công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục đại học: nghiên cứu trường hợp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, mã số ĐH 2022-18b-01.
2, 4. We Are Social, Kepios (2024). Báo cáo toàn diện về Digital 2024. http://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam.
3. Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (2023). Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay. Đề tài nghiên cứu phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI (2023-2028)
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nâng cao nhận thức thái độ và tính tích cực về lý luận chính trị của sinh viên các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/08/31/nang-cao-nhan-thuc-thai-do-va-tinh-tich-cuc-ve-ly-luan-chinh-tri-cua-sinh-vien-cac-truong-dai-hoc-o-dong-bang-song-cuu-long/
3. Giải pháp nâng cao ý thức học tập của sinh viên hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/11/23/giai-phap-nang-cao-y-thuc-hoc-tap-cua-sinh-vien-hien-nay/
4. Nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/11/16/nang-cao-nhan-thuc-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay/