TS. Võ Văn Thật
Trường Đại học Sài Gòn
NCS. Nguyễn Văn Dững
Trường Đại học Sài Gòn
(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Long An đã tranh thủ tận dụng tiềm năng, thế mạnh địa phương, từng bước chuyển dịch, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả. Bài viết phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An, từ đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế và đề xuất một số giải pháp phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh1.
Từ khóa: Phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Long An.
1. Đặt vấn đề
Với ưu thế về vị trí địa lý là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế năng động của cả nước ở phía Đông, Long An hội tụ những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tận dụng những ưu thế trên, cùng với tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo, sự cần cù và sáng tạo của Nhân dân, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Long An đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu về đổi mới kinh tế và có những bước tiến quan trọng, đưa địa phương từ một tỉnh thuần nông ngày càng năng động, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hòa nhập vào tiến trình phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
2. Một số kết quả phát triển kinh tế nổi bật
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm giai đoạn 2020 – 2025 đạt 9,2 – 10%. Cơ cấu kinh tế: nông – lâm – thủy sản, công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ đến năm 2025 lần lượt chiếm 10% – 60,5% – 29,5% trong cơ cấu GRDP2. Để thực hiện những nội dung, chỉ tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh quyết tâm thay đổi bức tranh kinh tế – xã hội tỉnh, tạo bước đột phá trong thu hút các nguồn lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Từ quyết tâm chính trị đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, công cuộc dựng xây, kiến thiết tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực nổi bật, có nhiều dấu ấn.
Theo Cục Thống kê tỉnh Long An, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước cả năm 2024 tăng 8,30%. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, Long An đã trở thành tỉnh đứng thứ 21 cả nước, đứng thứ 3 của vùng đồng bằng sông Cửu Long về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với đó, trong từng khu vực có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm và thuỷ sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Sự chuyển dịch này là tất yếu khách quan nhằm hướng đến những ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo sự đột phá cho bức tranh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cụ thể: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm 2024 có nhiều thuận lợi, đạt mức tăng 3,60%, chủ yếu do sản lượng lúa tăng 3,43% so với cùng kỳ3. Ngoài ra, hoạt động nuôi cá tra thương phẩm của các doanh nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười cũng góp phần vào tăng trưởng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng trên địa bàn tỉnh có xu hướng phục hồi tích cực hơn. Tốc độ tăng trưởng cả khu vực ước đạt 10,95%, tăng chủ yếu do ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp có được đơn hàng, tăng công suất sản xuất, tăng trưởng tập trung ở những ngành công nghiệp chủ đạo, như: sản xuất trang phục tăng 47,29%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 24,26%, sản xuất thiết bị điện tăng 19,68%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất tăng 15,99%4…
Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi, ước tính cả khu vực tăng 6,44%. Thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ do tăng lương cơ sở, lương vùng, lợi nhuận từ việc bán nông sản (lúa, chanh,…) và nhận tiền đền bù từ các dự án quy hoạch trên địa bàn tỉnh, do đó người dân tăng chi tiêu góp phần cho ngành dịch vụ tăng 8,27%; ngành lưu trú và ăn uống tăng 10,42%; sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2024 tăng 15,34% so cùng kỳ, nhập khẩu tăng 19,84% làm cho ngành vận tải, kho bãi tăng 14,12%5.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 107,3 triệu đồng/người/năm.
Bảng 1. Tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người từ 2011 – 2024
Nội dung | Năm | |||||||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2024 | |
Tăng trưởng kinh tế (%) | 12,2 | 10,5 | 11 | 11 | 11,5 | 9,72 | 9,82 | 10,59 | 9,58 | 8,3% |
GRDP đầu người (triệu đồng/người/năm) | 29,56 | 36,6 | 40 | 44,5 | 50 | 50,3 | 57,3 | 65,7 | 72,7 | 107,3 |
Qua số liệu cho thấy, từ năm 2011 – 2024, GRDP bình quân tăng lên 47,44 triệu đồng/người/năm. Cụ thể tăng từ 29,56 triều đồng của năm 2011 lên 107,3 triệu đồng vào năm 2024. Đây là thu nhập tương đối cao so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Điều này chứng tỏ trong những năm qua chiến lược phát triển kinh tế Long An là phù hợp và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân.
Sự phát triển đó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: hạ tầng đô thị, các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp lớn được hình thành có hệ thống ở các địa phương tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh và thành phố Tân An, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nông nghiệp nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng chú trọng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bước đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Lúa vẫn là cây trồng chủ lực, tỷ trọng lúa chất lượng cao ngày càng tăng, mô hình cánh đồng lớn được chú trọng và khai thác có hiệu quả. Mạng lưới phân phối, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất và làm thay đổi diện mạo theo hướng hiện đại.
Với những phân tích và số liệu trên cho thấy, kinh tế Long An phát triển bền vững và chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Từng bước chuyển dịch từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là những ngành công nghệ cao đóng vai trò lớn. Công nghiệp ngày càng phát huy vai trò động lực, phát triển chiều rộng để khai thác hạ tầng công nghiệp và chú trọng chiều sâu góp phần định hình nền công nghiệp hiện đại.
Từ việc chuyển dịch đó mà tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, đó là sự chuyển dịch tích cực nhằm tăng cường những tiềm năng, lợi thế của từng ngành, từng thành phần kinh tế trong quá trình thực hiện những chủ trương, đường hướng phát triển các thành phần kinh tế, trong đó thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò là trụ đỡ, bệ phóng của bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh. Chuyển dịch theo hướng kinh tế nhà nước giảm, kinh tế tập thể, kinh tế ngoài nhà nước (kể cả có vốn đầu tư nước ngoài) gia tăng. Toàn tỉnh hiện có 19.515 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 392.709 tỷ đồng; 2.250 dự án trong nước với số vốn đăng ký 474.578,3 tỷ đồng; 1.377 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký gần 12,6 tỷ USD, trong đó, có 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD. Tỉnh cũng là 1 trong 10 địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, Long An có sự bứt phá từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI năm 2023 và đạt điểm cao nhất từ trước đến nay (tăng 8 bậc so với năm 2022). Riêng về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, Long An cũng có sự đột phá khi tăng đến 16 bậc so với năm 2022 và đứng ở vị trí thứ 12 trong năm 20236.
Nhìn chung, cơ cấu thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế nhà nước giảm, kinh tế ngoài nhà nước, kể cả có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng, đóng góp rất lớn vào giá trị chung của sự phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với quá trình chuyển dịch này đó là các doanh nghiệp ngoài nhà nước tuy nhiều nhưng đóng góp chưa nhiều do tiềm tài chính lực nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, tạo bước đột phá trong nội bộ mỗi ngành kinh tế. Nhờ vậy, có tác động sâu sắc đến các linh vực khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 13 nghìn héc ta (trong đó, 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động). Số lượng lao động trong các khu công nghiệp khoảng 212.000 người. Dự kiến, đến năm 2030 tăng lên khoảng 305 nghìn người, do đó, nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp rất lớn, chiếm khoảng 50% số lao động hiện tại. Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 37 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 13.000ha. Trong đó, 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 86%. Số lượng lao động trong các khu công nghiệp khoảng 212.000 người. Dự kiến, đến năm 2030 tăng lên khoảng 305.000 người7.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, về phía chính quyền, để kinh tế phát triển bền vững, đúng hướng, tỉnh Long An cần đánh giá đúng về ưu thế và tồn tại, hạn chế trong những năm qua. Trên cơ sở đó đề ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả từ cơ chế, chính sách đến sự chủ động của doanh nghiệp. Trong đó, các cơ quan quản lý cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân hiệu quả để bớt phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI; cải thiện, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối Long An với TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị và vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ hai, về phía các doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường và có chiến lược phát triển, kinh doanh hợp lý, hiệu quả, bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương, thành tựu của khoa học – công nghệ, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập vào sản xuất – kinh doanh; phát triển kinh tế gắn với việc thực hiện trách nhiệm với công đồng, như: an sinh xã hội, an toàn lao động; tham mưu, đối thoại trên cơ sở đóng góp cho các cơ quan quản lý để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt trong quá trình đầu tư, kêu gọi đầu tư, phát triển sản xuất.
Thứ ba, về phía người dân, cần có sự đồng tình, ủng hộ của người dân có các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn; tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động đối với người dân và doanh nghiệp để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, không gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Người dân đồng hành cùng với doanh nghiệp, giúp đỡ, ủng hộ doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mỗi một chu trình phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm của sự đổi mới, phát triển. Trong quá trình đó, doanh nghiệp và người dân có sự tương tác, thấu hiểu, chia sẻ của mỗi chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển bền vững với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội đối với người dân ở địa bàn đứng chân.
4. Kết luận
Mỗi giai đoạn, thời kỳ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế có sự thay đổi về chỉ tiêu, nội dung nhưng đều hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy chính quyền các cấp, tinh giảm biên chế bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu tỉnh Long An biết cách phát huy những lợi thế, khắc phục những hạn chế, bất cập thì sẽ hiện thực hóa được mục tiêu đề ra là trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững, là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Từng bước thúc đẩy quá trình chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chú thích:
1. Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp cơ sở “Quá trình phát triển kinh tế công – thương nghiệp tỉnh Long An” của Trường Đại học Sài Gòn.
2. Đảng bộ tỉnh Long An. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr. 34.
3, 4, 5. Cục Thống kê tỉnh Long An. https://cucthongke.longan.gov.vn.
6. Long An là một trong 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024. https://baolongan.vn/long-an-la-1-trong-10-dia-phuong-hap-dan-doanh-nghiep-lon-nam-2024-a187974.html.
7. Long An phát huy tối đa lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. https://baochinhphu.vn/long-an-phat-huy-toi-da-loi-the-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cham-lo-doi-song-nhan-dan-102231216073206898.htm.