ThS. Dương Huy Toàn
Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và tái định cư. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều thách thức, như: tình trạng đơn thư trùng lặp, chậm trễ trong giải quyết và áp lực giải phóng mặt bằng từ các dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, giữ vững trật tự xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.
Từ khóa: Giải pháp, nâng cao hiệu quả, công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo, tỉnh Đắk Nông.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của nước ta hiện nay, yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân trở thành một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và giải quyết nhanh và hiệu quả từ phía chính quyền các cấp. Tỉnh Đắk Nông, với đặc thù là một tỉnh miền núi, nơi diễn ra nhiều dự án phát triển lớn liên quan đến đất đai, tái định cư, môi trường… đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Năm 2024, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có xu hướng gia tăng với nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp, gây áp lực lớn lên chính quyền địa phương. Trước thực trạng đó, việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là yêu cầu cấp thiết bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội và phát triển bền vững của tỉnh.
2. Thực trạng công tác khiếu nại, tố cáo về đất đai tại tỉnh Đắk Nông
Số liệu từ Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của ngành Thanh tra toàn quốc (ngày 28/12/2024) cho thấy, năm 2024, số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm; số đơn tiếp nhận tăng; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%)1. Các vụ khiếu nại lần đầu chiếm phần lớn và được giải quyết chủ yếu thông qua các quyết định hành chính, trong đó nhiều vụ việc khiếu nại được xác định là không có cơ sở. Về tố cáo, các cơ quan chức năng cũng đã tiếp nhận và xử lý xong 91,7% số vụ việc, trong đó có nhiều vụ tố cáo được đánh giá đúng hoặc có phần đúng, giúp làm rõ các sai phạm và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan2.
Trong năm 2024, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các cấp, các ngành ở địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.
Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Đắc Nông có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Theo thống kê, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng bình quân 15 – 20% mỗi năm, trong đó đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp chiếm khoảng 70%. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như: đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư (chiếm khoảng 65%); môi trường (chiếm khoảng 15%); chính sách xã hội (chiếm khoảng 10%); và các lĩnh vực khác (chiếm khoảng 10%)3.
Đáng chú ý, các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất đông người, gây mất an ninh trật tự. Một số vụ việc đã được giải quyết nhiều lần nhưng người dân vẫn không đồng tình, tiếp tục khiếu nại vượt cấp. Xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện đông người. Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên, chất lượng giải quyết còn hạn chế, tỷ lệ người dân đồng tình với kết quả giải quyết chưa cao. Nhiều vụ việc phải giải quyết nhiều lần, kéo dài thời gian, gây bức xúc trong nhân dân.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề nổi cộm là tình trạng công dân gửi đơn thư trùng lặp nội dung đến nhiều cấp, nhiều nơi, gây khó khăn trong việc phân loại và giải quyết. Một số đơn thư không đủ điều kiện thụ lý nhưng vẫn được chuyển tiếp, làm tăng số vụ việc không cần thiết, đồng thời gây mất thời gian và nguồn lực. Ngoài ra, công tác tiếp công dân tại một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến hiệu quả xử lý không cao. Một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm phát sinh các khiếu kiện kéo dài và vượt cấp. Các yếu tố khách quan như ảnh hưởng từ việc triển khai các dự án thủy lợi, thủy điện cũng đóng góp vào tình trạng khiếu kiện. Việc xây dựng các công trình này đã gây sạt lở đất, ngập úng, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Thêm vào đó, khó khăn trong việc bố trí đất tái định cư có vị trí tương đồng với đất bị thu hồi, cùng với các quy định pháp luật chưa cho phép trả tiền thay cho đất tái định cư, đã tạo thêm áp lực cho chính quyền địa phương trong xử lý các vụ việc phát sinh.
Trước những thách thức trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường thanh tra trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt tại những địa bàn có nhiều vụ việc phát sinh. Các cấp, các ngành được yêu cầu tập trung xử lý kịp thời, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, nơi phát sinh các vụ việc mới; đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp và đông người. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, bảo vệ rừng cũng được chú trọng tăng cường. Các sở, ban, ngành và chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm như lấn chiếm, sang nhượng đất đai trái phép. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch trong quá trình xử lý. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và quản lý bảo vệ rừng. Việc tăng cường đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân cũng được đề xuất như một giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng khiếu kiện vượt cấp và kéo dài, đồng thời củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước.
3. Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới
Dựa trên tình hình hiện tại cùng các dữ liệu và xu hướng diễn biến trong năm 2024, có thể dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tại tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới sẽ còn phát sinh nhiều phức tạp, đặt ra những thách thức lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng. Cụ thể những nguy cơ đang đặt ra như sau:
Thứ nhất, năm 2025, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng các công trình, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai một số dự án trọng điểm và xử lý các tồn tại trong quản lý đất đai; việc giao đất cho các hộ dân chồng lấn lên đất quốc phòng trên địa bàn huyện Tuy Đức; việc bồi thường, hỗ trợ do thu hồi đất để xây dựng một số công trình công cộng trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa; xử lý việc lấn, chiếm đất được giao quản lý tại huyện Đắk R’Lấp; các công trình thủy lợi, thủy điện làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Krông Nô,… Bên cạnh đó, năm 2025 là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, phát sinh đơn thư phản ánh, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự… tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có thể tiếp tục phát sinh nhiều và phức tạp4.
Thứ hai, gia tăng tố cáo cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến quản lý đất đai và tài chính. Tố cáo về sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính và chính sách xã hội cũng được dự báo sẽ gia tăng. Khi địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển, nguy cơ việc lợi dụng quá trình quản lý đất đai, giao đất và sử dụng tài sản công trái quy định pháp luật sẽ gia tăng. Tâm điểm các vụ tố cáo này được dự báo sẽ tập trung vào cán bộ cấp cơ sở, nhóm quản lý dự án, và các đơn vị triển khai chức năng thanh tra, đặc biệt là tại các khu vực phát triển nhạy cảm như dự án nông lâm nghiệp và thuỷ điện.
Thứ ba, gia tăng khiếu nại, tố cáo đông người. Xu hướng khiếu nại, tố cáo đông người dự kiến sẽ có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những vấn đề đã tồn tại lâu, như các dự án thu hồi đất chậm trễ, quỹ đất tái định cư không đầy đủ, vấn đề môi trường và sinh kế do các công trình thủy điện, thủy lợi gây ra. Đặc biệt, nhóm khiếu nại, tố cáo đông người từ các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ tăng lên, gây khó khăn cho việc xử lý và giải quyết.
Thứ tư, năm 2025 là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Trong bối cảnh đó, các đơn thư phản ánh, tố cáo liên quan đến nhân sự các cấp dự kiến sẽ gia tăng. Tình trạng này yêu cầu chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc các quy trình giải quyết được quy định bởi pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan trong các quyết định liên quan đến nhân sự.
4. Quan điểm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn của tỉnh Đắk Nông
Trong bối cảnh tỉnh Đắk Nông đang chứng kiến sự gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp của các vụ việc khiếu nại, tố cáo, vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp cần được đặc biệt chú trọng để bảo đảm ổn định xã hội và nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Dựa trên thực tiễn hiện tại và dự báo tình hình trong thời gian tới, cần quán triệt một số quan điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng như sau:
Một là, xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Cấp ủy Đảng cần khẳng định vai trò trung tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để làm được điều này, cấp ủy Đảng phải xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bảo đảm sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác này cần được thực hiện thường xuyên, sát với thực tiễn và có tính khả thi cao. Qua đó, cấp ủy Đảng có thể định hướng rõ ràng cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong việc tiếp dân và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề của nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong xử lý các vụ việc. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những hành vi thiếu trách nhiệm, gây phiền hà hoặc vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh để tạo niềm tin trong nhân dân.
Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và tổ chức chính trị – xã hội.
Cấp ủy Đảng cần phát huy vai trò điều phối, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành và tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, rõ ràng giữa các đơn vị giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo trách nhiệm hoặc đùn đẩy công việc, từ đó nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội, như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cần tham gia tích cực trong công tác giám sát, hỗ trợ và phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc phản ánh trung thực những vấn đề phát sinh tại cơ sở và đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân.
Bốn là, chú trọng công tác tiếp dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền.
Công tác tiếp dân định kỳ và đột xuất của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các cấp cần được thực hiện nghiêm túc, thực chất, tránh hình thức. Việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến và nguyện vọng của người dân từ những buổi tiếp dân này không chỉ giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa người dân và chính quyền. Đồng thời, cần tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với người dân, đặc biệt tại các khu vực có nhiều vấn đề phức tạp hoặc các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người. Thông qua đối thoại, cấp ủy Đảng và chính quyền có thể kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân, đồng thời, giảm thiểu nguy cơ phát sinh mâu thuẫn hoặc khiếu kiện vượt cấp.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trước thực trạng khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp tại tỉnh Đắk Nông, việc triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả, toàn diện là điều cần thiết để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế – xã hội và giữ vững trật tự tại địa phương. Dựa trên tình hình hiện tại và những thách thức dự báo trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp sau nhằm nâng cao hiệu quả xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ nhất, tăng cường năng lực và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tăng cường năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, cần xây dựng các quy trình làm việc rõ ràng, minh bạch và bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong quá trình xử lý từng vụ việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ. Các sai phạm, thiếu sót phải được phát hiện và xử lý kịp thời để tránh tình trạng kéo dài, vượt cấp hoặc gây mất lòng tin từ phía người dân.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỉnh Đắk Nông cần triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo; kết nối thông tin giữa các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Điều này giúp minh bạch hóa quy trình xử lý; đồng thời, hỗ trợ người dân dễ dàng theo dõi tiến độ giải quyết các vụ việc của mình. Việc phát triển các ứng dụng trực tuyến để tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khiếu nại, tố cáo cũng là giải pháp hữu ích nhằm giảm tải áp lực cho bộ phận tiếp công dân tại các địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh các vụ việc đông người.
Thứ ba, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp là do người dân có tâm lý so sánh giá trị thị trường của đất tái định cư với giá trị đất bị thu hồi; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, dẫn đến phát sinh đơn thư5. Do đó, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các kênh thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc các buổi đối thoại trực tiếp với người dân. Đồng thời, cần khuyến khích các tổ chức đoàn thể và chính quyền cơ sở đóng vai trò tích cực trong việc giải thích, hướng dẫn người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng khiếu kiện vượt cấp mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Thứ tư, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan chức năng và giải quyết ngay từ cơ sở. Đối thoại trực tiếp là một công cụ quan trọng giúp giảm thiểu mâu thuẫn và tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền. Chính quyền các cấp cần tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại định kỳ với người dân để lắng nghe, giải đáp kịp thời các thắc mắc và kiến nghị. Điều này không chỉ giúp giải quyết các vụ việc nhanh chóng mà còn giảm thiểu nguy cơ phát sinh các khiếu kiện đông người hoặc kéo dài. Ngoài ra, việc giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở cần được chú trọng. Các cấp chính quyền cơ sở cần nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc mới phát sinh, bảo đảm giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Những vụ việc đã được xử lý cần được thông báo công khai, đầy đủ đến người dân để tránh tình trạng hiểu lầm hoặc tái khiếu nại.
Thứ năm, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương là yếu tố quyết định trong việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Cần xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị liên quan để đảm bảo mọi vụ việc đều được giải quyết hiệu quả, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong việc giám sát quá trình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến đất đai, tài nguyên và nhân sự Đảng bộ các cấp. Việc này đảm bảo tính minh bạch và khách quan trong các quyết định xử lý.
Thứ sáu, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng và phức tạp. Đối với các vụ việc đã tồn tại lâu, chưa được giải quyết dứt điểm, cần có kế hoạch rà soát và đẩy nhanh tiến độ xử lý. Chính quyền tỉnh Đắk Nông cần ưu tiên nguồn lực, tập trung giải quyết các vụ việc này nhằm ổn định tình hình tại địa phương. Việc này cũng sẽ giúp giảm tải áp lực cho hệ thống xử lý, đồng thời, xây dựng niềm tin của người dân vào năng lực và trách nhiệm của chính quyền. Trong quá trình giải quyết, cần thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là yếu tố then chốt để duy trì trật tự và công bằng. Các quyết định xử lý cần được thực hiện trên cơ sở pháp lý rõ ràng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ phía cán bộ, công chức hoặc người dân.
Chú thích:
1, 2. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024: Những kết quả nổi bật. http://thanhtra.daknong.gov.vn/cong-tac-tiep-cong-dan-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-nam-2024-nhung-ket-qua-noi-bat, ngày 31/12/2024.
3. Báo cáo tổng kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (các năm 2021, 2022, 2023, 2024). http://thanhtra.daknong.gov.vn/ các ngày 31/12/2021, 31/12/2022, 31/12/2023, 31/12/2024.
4. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. https://tinhuy.daknong.gov.vn/tin-tuc/thuc-hien-tot-cong-tac-tiep-cong-dan-va-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-10283.html, ngày 10/12/2024.
5. Đắk Nông: Thụ lý giải quyết 100% các vụ việc đủ điều kiện. https://thanhtra.com.vn/, ngày 27/11/2024.