Hoạt động sáp nhập và mua lại trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam: Xu hướng và động lực chính

ThS. Hà Thị Đan Phượng
Công ty TNHH BPO.MP
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Liên
Công ty TNHH Cơ điện Hà An 
TS. Bùi Văn Viễn
Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

(Quanlynhanuoc.vn) – Dưới tác động của chính sách tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sáp nhập và mua lại giúp củng cố hệ thống tài chính, giảm rủi ro và tăng cường cạnh tranh. Hoạt động sáp nhập và mua lại diễn ra theo ba xu hướng chính: sáp nhập ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn để tăng vốn; chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Dù mang lại lợi ích, như: mở rộng quy mô, tối ưu hóa hoạt động, sáp nhập và mua lại cũng gặp thách thức về xung đột văn hóa, tích hợp hệ thống và nguy cơ độc quyền. Để nâng cao hiệu quả, cần hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường giám sát và xây dựng chiến lược sáp nhập và mua lại bền vững.

Từ khóa: Sáp nhập và mua lại; tái cấu trúc tài chính; đầu tư nước ngoài; Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Sáp nhập và mua lại (M&A) là những chiến lược quan trọng trong ngành Ngân hàng, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nhằm mở rộng hoạt động, tối ưu hóa hiệu quả và tăng cường sức mạnh tài chính cho các tổ chức tín dụng. Xu hướng M&A trong lĩnh vực ngân hàng trở nên đặc biệt rõ rệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách nhằm hợp nhất các ngân hàng yếu kém với những ngân hàng mạnh hơn, giảm thiểu rủi ro hệ thống và bảo đảm các ngân hàng thương mại tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về vốn tự có và quản trị rủi ro. Do đó, hoạt động M&A không chỉ giúp nâng cao năng lực vận hành của các ngân hàng mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ thống tài chính ổn định và bền vững.

2. Cơ sở lý luận về M&A trong ngành Ngân hàng

a. Khái niệm M&A trong lĩnh vực ngân hàng

M&A trong lĩnh vực ngân hàng đề cập đến các hợp tác chiến lược giữa hai hoặc nhiều tổ chức tài chính nhằm hợp nhất nguồn lực để đạt được tăng trưởng quy mô, nâng cao sức mạnh tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh này, các quy trình M&A đóng vai trò quan trọng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các hoạt động này củng cố nền tảng tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng bằng cách giúp họ quản lý rủi ro tốt hơn và thích ứng với những thách thức do toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế mang lại1.

M&A đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết những thiếu sót mang tính cơ cấu của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Quá trình này tạo điều kiện để các ngân hàng yếu hơn được sáp nhập vào các ngân hàng mạnh hơn nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe tổng thể của lĩnh vực tài chính, đồng thời bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và quản lý rủi ro2. Kết quả chiến lược của M&A thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững và một hệ thống ngân hàng cạnh tranh hơn.

b. Các hình thức M&A trong ngành Ngân hàng.

Hoạt động M&A trong ngân hàng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:

(1) Sáp nhập (Merger): từ 2 hay nhiều ngân hàng hợp nhất thành một thực thể duy nhất, trong đó một ngân hàng sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, nợ và quyền lợi của ngân hàng còn lại.

(2) Mua lại (Acquisition): một ngân hàng mạnh mua lại một ngân hàng khác, có thể thông qua mua cổ phần chi phối hoặc toàn bộ tài sản.

(3) Sáp nhập bắt buộc (Forced Merger): hình thức này thường xảy ra khi cơ quan quản lý yêu cầu một ngân hàng mạnh tiếp nhận một ngân hàng yếu kém nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.

(4) Liên minh chiến lược (Strategic Alliance): các ngân hàng hợp tác chiến lược mà không cần sáp nhập hoàn toàn, thông qua việc mua bán cổ phần hoặc hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định để tận dụng thế mạnh chung trong khi vẫn duy trì sự độc lập về hoạt động3.

c. Lợi ích và rủi ro của M&A trong ngành Ngân hàng.

Thứ nhất, lợi ích của M&A.

(1) Mở rộng quy mô: điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường cạnh tranh, nơi các tổ chức tài chính lớn có thể tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô để tối ưu hóa hoạt động và giảm chi phí. Các ngân hàng lớn hình thành từ M&A có thể mở rộng danh mục sản phẩm và gia tăng sự hiện diện địa lý, thu hút lượng khách hàng lớn hơn4.

(2) Nâng cao hiệu quả hoạt động: M&A giúp cải thiện hiệu quả vận hành thông qua việc chia sẻ nguồn lực, tích hợp công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực quản lý. Hệ thống được tích hợp giúp cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng và củng cố cơ sở hạ tầng tài chính.

(3) Tăng cường năng lực tài chính: việc hợp nhất nguồn lực tài chính giúp các ngân hàng sau sáp nhập nâng cao vốn chủ sở hữu, từ đó mở rộng quy mô cho vay và tăng khả năng thanh khoản. Khả năng tài chính mạnh hơn cho phép các ngân hàng đầu tư vào công nghệ mới và phát triển các dịch vụ đa dạng, qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh5.

Thứ hai, khó khăn của M&A

(1) Xung đột văn hóa doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn nhất của M&A là sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa các tổ chức sáp nhập. Các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc hài hòa triết lý hoạt động, phong cách quản lý và kỳ vọng của nhân viên, dẫn đến xung đột nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất và tinh thần làm việc6.

(2) Khó khăn trong việc tích hợp hệ thống. Việc hợp nhất hệ thống, quy trình và công nghệ sau M&A là một nhiệm vụ phức tạp và đầy thách thức. Các ngân hàng thường sử dụng các hệ thống công nghệ cũ (legacy systems) không tương thích, dẫn đến gián đoạn hoạt động, sai lệch dữ liệu và giảm hiệu quả trong giai đoạn chuyển đổi7. Hơn nữa, chi phí tích hợp hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo nhân viên có thể tạo áp lực tài chính đáng kể lên ngân hàng mới thành lập.

(3) Nguy cơ độc quyền. Việc hợp nhất các ngân hàng thông qua M&A có thể dẫn đến sự tập trung thị trường quá mức, làm dấy lên lo ngại về các hành vi độc quyền. Khi số lượng ngân hàng giảm và thị trường bị thống trị bởi một số ít tổ chức lớn, áp lực cạnh tranh có thể suy giảm, dẫn đến việc tăng giá dịch vụ và giảm lựa chọn cho khách hàng8.

3. Hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam

a. Thực trạng M&A trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam

Trong giai đoạn 2011 – 2025, nhiều thương vụ M&A quan trọng đã diễn ra, góp phần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những thương vụ này không chỉ giúp các ngân hàng tăng cường tiềm lực tài chính mà còn góp phần củng cố sự ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bảng 1. Thực trạng M&A trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam

TTNgân hàng bị sáp nhập/chuyển giaoNgân hàng nhận sáp nhập/chuyển giaoNămLoại hình
1Tín Nghĩa BankSCB2011Sáp nhập
Đệ Nhất Bank
SCB
2HabubankSHB2012Sáp nhập
3MHBBIDV2015Sáp nhập
4Phương NamSacombank2015Sáp nhập
5DaiABankHDBank2015Sáp nhập
6MDBMaritimeBank2015Sáp nhập
7CBVietcombank2024Chuyển giao bắt buộc
8OceanBankMB2024Chuyển giao bắt buộc
9DongA BankHDBank2025Chuyển giao bắt buộc
10GPBankVPBank2025Chuyển giao bắt buộc
11SeABank (bán PTF)AEON Financial2025Mua bán cổ phần
12SHB FinanceKrungsri (Nhật Bản)2025Mua bán cổ phần
13Vietcombank, BIDVNhà đầu tư nước ngoài2025Bán vốn cổ phần
Nguồn: Tác giả tổng hợp, tháng 3/2025.

Bảng 1 cho thấy, hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng Việt Nam trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn 2011 – 2015 đánh dấu quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ do Chính phủ và Ngân hàng nhà nước triển khai nhằm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nâng cao sự ổn định tài chính. Giai đoạn 2024 – 2025 chứng kiến xu hướng chuyển giao bắt buộc, khi Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng lớn tiếp nhận những tổ chức tín dụng yếu kém nhằm bảo đảm an toàn hệ thống. Từ năm 2025, hoạt động mua bán cổ phần trở nên sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài, phản ánh sự hấp dẫn của thị trường ngân hàng Việt Nam.

b. Xu hướng M&A chính trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam

Một là, sáp nhập ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn để tăng vốn.

Một xu hướng nổi bật tại Việt Nam là việc hợp nhất các ngân hàng nhỏ vào các tổ chức tài chính lớn hơn. Chiến lược này nhằm tăng cường dự trữ vốn của ngành Ngân hàng bằng cách tạo ra các thực thể lớn hơn có khả năng chống chịu áp lực tài chính và mang lại sự ổn định cho nền kinh tế. Đơn cử 1 số thương vụ tiêu biểu: năm 2011, sáp nhập 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Tín Nghĩa và SCB9 tạo ra một tổ chức tài chính có quy mô lớn hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện hiệu quả quản lý. Năm 2015, sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank10 giúp Sacombank mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng vốn điều lệ, cải thiện đáng kể sức khỏe tài chính của ngân hàng. Cùng năm 2015, sáp nhập MHB vào BIDV, DaiABank vào HDBank và MDB vào MaritimeBank, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính và bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn cho các ngân hàng sau sáp nhập.

Hai là, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xử lý các ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết ngành Ngân hàng, đặc biệt là thúc đẩy các thương vụ M&A nhằm giải quyết thách thức do các ngân hàng yếu kém gây ra. Những năm gần đây, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo nhiều thương vụ chuyển giao bắt buộc nhằm tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Điển hình, năm 2024, Ngân hàng nhà nước yêu cầu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp nhận Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tiếp nhận Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Đến năm 2025, xu hướng này tiếp tục với việc HDBank nhận chuyển giao Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và VPBank tiếp quản Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

 Những thương vụ này không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của khách hàng mà còn góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia. Việc can thiệp của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong các thương vụ M&A không chỉ giúp xử lý các ngân hàng yếu kém mà còn nâng cao hiệu quả giám sát tài chính, hạn chế nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống. Các ngân hàng tiếp nhận cũng có cơ hội mở rộng quy mô, gia tăng năng lực tài chính và cải thiện sức cạnh tranh, góp phần củng cố thị trường ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Ba là, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thông qua M&A.

Khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Lượng vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong nước. Việc tự do hóa ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài mua cổ phần tại các tổ chức tài chính trong nước, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng quản trị nhờ hiệu ứng lan tỏa tri thức11.

Thực tế, trong những năm gần đây, thị trường ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận một số thương vụ M&A đáng chú ý có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu năm 2025, AEON Financial (Nhật Bản) đã hoàn tất việc mua lại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) từ SeABank12, đánh dấu sự mở rộng của các tập đoàn tài chính nước ngoài trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Cùng năm 2025, Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Nhật Bản cũng đã hoàn tất việc mua lại 100% vốn của SHB Finance cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức tài chính quốc tế đối với thị trường tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, Vietcombank và BIDV cũng có kế hoạch bán vốn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2025, nhằm tăng cường vốn chủ sở hữu và mở rộng quy mô hoạt động. Xu hướng này không chỉ giúp các ngân hàng trong nước cải thiện năng lực tài chính mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với các tập đoàn tài chính quốc tế, góp phần nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường.

Bốn là, M&A với công ty tài chính để mở rộng tín dụng tiêu dùng

Một xu hướng đáng chú ý khác là các ngân hàng tiến hành mua lại hoặc sáp nhập với các công ty tài chính nhằm mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng. Điều này, giúp các ngân hàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm và mở rộng kênh phân phối. Các liên minh chiến lược này giúp nâng cao năng lực cung cấp các sản phẩm tín dụng phong phú hơn, đáp ứng hiệu quả nhu cầu khách hàng và gia tăng độ phủ thị trường13.

Thực tế, nhiều ngân hàng Việt Nam đã thực hiện các thương vụ M&A tiêu biểu để chiếm lĩnh thị phần tín dụng tiêu dùng. Đơn cử: HDBank mua lại SGVF từ Société Générale (Pháp) vào năm 2013, đổi tên thành HD SAISON Finance VPBank mua lại Công ty tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin Finance) năm 2015, sau đó phát triển thành FE Credit14. Việc tập trung vào tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục tiêu của các ngân hàng trong việc gia tăng cơ sở khách hàng và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Xu hướng này tiếp tục phát triển khi các ngân hàng tìm kiếm lợi thế trên thị trường tài chính tiêu dùng, một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ và quản trị rủi ro.

4. Các động lực thúc đẩy M&A trong ngành Ngân hàng

Ngành Ngân hàng tại Việt Nam đang trải qua những chuyển đổi quan trọng dưới tác động của nhiều yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A. Những yếu tố này định hình bối cảnh cạnh tranh, môi trường pháp lý và động thái thị trường góp phần vào quá trình phát triển liên tục của các tổ chức ngân hàng trong khu vực.

Thứ nhất, chính sách tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam là chính sách tái cơ cấu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện. Sau những thách thức tài chính trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ngân hàng đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm giảm số lượng ngân hàng yếu kém trong hệ thống. Bằng cách chủ động hướng dẫn việc hợp nhất các ngân hàng nhỏ và kém ổn định vào các tổ chức lớn hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang góp phần xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh, có khả năng chống chịu trước các áp lực kinh tế.

Thứ hai, áp lực tuân thủ quy định vốn

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng Việt Nam là áp lực ngày càng gia tăng trong việc tuân thủ các quy định về vốn. Các khuôn khổ này đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về mức độ an toàn vốn, quản lý rủi ro và sức khỏe tài chính tổng thể của ngân hàng. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế này đòi hỏi một nguồn vốn đáng kể, khiến nhiều ngân hàng coi M&A là một chiến lược khả thi để củng cố nền tảng vốn của mình. Các ngân hàng sau khi sáp nhập có thể đạt được mức vốn lớn hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh và quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng và vận hànhClick or tap here to enter text..

Thứ ba, cạnh tranh gia tăng

Bối cảnh ngành Ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngân hàng số, đổi mới công nghệ tài chính và xu hướng quốc tế hóa. Sự mở rộng nhanh chóng của công nghệ trong lĩnh vực tài chính đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều đối thủ phi truyền thống trên thị trường, buộc các ngân hàng truyền thống phải điều chỉnh chiến lược để duy trì vị thế và thị phần. M&A trở thành một giải pháp chiến lược giúp các ngân hàng tiếp cận công nghệ mới và mở rộng thị trường, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường số hóa ngày càng mạnh mẽ.

Thứ tư, nhu cầu mở rộng thị phần và tăng vốn

Để duy trì tính cạnh tranh, các ngân hàng cần mở rộng thị phần và gia tăng vốn. Hoạt động M&A tạo điều kiện cho sự mở rộng này bằng cách cung cấp cơ hội thâm nhập thị trường mới, đa dạng hóa cơ sở khách hàng và củng cố vị thế tài chính. Các vụ sáp nhập giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ vào lợi thế kinh tế theo quy mô, cho phép các tổ chức giảm chi phí trong khi mở rộng phạm vi tiếp cận khách. Động lực chiến lược này nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tham gia M&A như một phương thức bảo đảm tăng trưởng và tính bền vững trong hệ sinh thái tài chính đang phát triển.

Thứ năm, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài

Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng Việt Nam. Quá trình mở cửa thị trường ngân hàng đã thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mua lại các ngân hàng nội địa, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thông qua việc áp dụng các thông lệ quốc tế và dòng vốn ngoại. Đầu tư nước ngoài không chỉ giúp bổ sung vốn mà còn cải thiện quản trị và cung cấp công nghệ ngân hàng tiên tiến, mang lại lợi ích cho sự ổn định và hiệu quả chung của hệ thống ngân hàng15.

5. Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu đã làm rõ xu hướng và động lực chính thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam. Các thương vụ M&A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính, giúp nâng cao năng lực hoạt động của các ngân hàng, tối ưu hóa hiệu quả quản lý rủi ro và tăng cường năng lực tài chính. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dưới sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các thương vụ M&A ngày càng có sự tham gia mạnh mẽ của các ngân hàng trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những lợi ích, như: mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả vận hành và khả năng cạnh tranh, hoạt động M&A cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: xung đột văn hóa doanh nghiệp, khó khăn trong tích hợp hệ thống và nguy cơ độc quyền. Do đó, cần có các biện pháp điều tiết và hỗ trợ phù hợp nhằm bảo đảm quá trình sáp nhập mang lại lợi ích thực chất cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Để bảo đảm hoạt động M&A trong ngành Ngân hàng diễn ra minh bạch, hiệu quả và góp phần vào sự ổn định của hệ thống tài chính, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo hành lang pháp lý rõ ràng nhằm bảo đảm quá trình sáp nhập diễn ra công bằng, tránh tình trạng độc quyền. Đồng thời, cần tăng cường giám sát sau M&A bằng cách theo dõi chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập, đánh giá hiệu quả vận hành, kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tài chính. Đối với các thương vụ chuyển giao bắt buộc giữa các ngân hàng lớn và các tổ chức tín dụng yếu kém, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn và chính sách ưu đãi phù hợp để bảo đảm ngân hàng tiếp nhận có đủ năng lực tài chính và quản trị để tái cấu trúc thành công, từ đó nâng cao sự bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại cần chủ động xây dựng chiến lược M&A bền vững, bảo đảm sự cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và khả năng quản lý rủi ro. Việc mở rộng quy mô thông qua M&A không chỉ nhằm nâng cao vị thế thị trường mà còn phải đi đôi với việc củng cố năng lực tài chính và quản trị. Để bảo đảm hiệu quả sau sáp nhập, các ngân hàng cần phát triển mô hình quản trị rủi ro phù hợp, đặc biệt là trong việc tích hợp công nghệ, hệ thống dữ liệu và văn hóa doanh nghiệp giúp hạn chế các rủi ro tiềm ẩn và tối ưu hóa hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài thông qua M&A mang lại cơ hội tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, song các ngân hàng cần có chiến lược hợp tác hợp lý nhằm duy trì sự chủ động trong điều hành, tránh phụ thuộc quá mức vào các tổ chức tài chính nước ngoài.

Chú thích:
1. Ahmed, S., Talreja, S., Shah, M. A., Asad, M., & Sakina. (2022). Peeking Beyond Profitability: Effects of Merger and Acquisition on Microeconomic Indicators in Banking Industry. Journal of Business Administration and Management Sciences (JOBAMS), 4(1), 31 – 41. https://doi.org/10.58921/jobams.4.1.75
2. Haakantu, M., & Phiri, J. (2022). Effects of Mergers and Acquisitions on the Financial Performance of Commercial Banks in Developing Countries-A Case of Zambia. Open Journal of Business and Management, 10 (06), 3114 -3131. https://doi.org/10.4236/ojbm.2022.106155
3. Gachigo, J., Ondigo, H., Aduda, J., & Onsomu, Z. (2023). Effect of Mergers and Acquisition Strategies on Financial Performance of Commercial Banks in Kenya. Journal of Finance and Accounting, 7 (7), 40 – 66. https://doi.org/10.53819/81018102t2213
4. Vozarova, I. K., Kosikova, M., Heckova, J., Chapcakova, A., & Fulajtarova, M. (2022). The impact of GDP on M&A volume in the European area in the context of the consolidation of the banking market. Entrepreneurship and Sustainability Issues, 10 (2), 207 – 216. https://doi.org/10.9770/jesi.2022.10.2 (13)
5. Sghaier, A., & Hamza, T. (2024). CEO power and risk taking: evidence from European banks mergers and acquisitions. Journal of Strategy and Management, 17 (4), 655 – 687. https://doi.org/10.1108/JSMA-05-2024-0098.
6. Roopesh, R., & Sandhya, S. (2022). Will Mergers and Acquisition Vacillate the Performance of Banks? A Case Study of Public Sector Banks in India. Binus Business Review, 13 (2), 191 – 202. https://doi.org/10.21512/bbr.v13i2.7928.
7. Kalra, N., Gupta, S., & Bagga, R. (2013). A Wave of Mergers and Acquisitions: Are Indian Banks Going Up a Blind Alley? Global Business Review, 14 (2), 263 – 282. https://doi.org/10.1177/0972150913477470.
8. Kalandarov, A. (2024). Antitrust and competition issues in the context of mergers and acquisitions. Общество и Инновации, 5 (1/S), 63 – 69. https://doi.org/10.47689/2181-1415-vol5-iss1/S-pp63-69.
9. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2011). Quyết định số 2716/QĐ-NHNN ngày 26/12/2011 chấp thuận về việc hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần: Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa.
10. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2015). Quyết định số 1844/QĐ-NHNN ngày 14/9/2015 về việc Southern Bank chính thức sáp nhập vào Sacombank từ ngày 01/10/2015.
11. Nguyen, O. T. (2020). Factors Affecting the Intention to Use Digital Banking in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 7 (3), 303 – 310. https://doi.org/10.13106/jafeb.2020.vol7.no3.303.
12. Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2024). Quyết định số 2871/QĐ-NHNN ngày 30/12/2024 về việc chấp thuận mua bán, chuyển nhượng 100% vốn góp của SeABank tại PTF cho công ty AEON Financial Service (Nhật Bản).
13. Nguyen, T. N., Stewart, C., & Matousek, R. (2018). Market structure in the Vietnamese banking system: a non-structural approach. Journal of Financial Regulation and Compliance, 26 (1), 103 -119. https://doi.org/10.1108/JFRC-03-2016-0024.
14. Hdbank vững hành trình góp phần kiến tạo và phát triển thành phố mang tên Bác. https://hdbank.com.vn/hdbank-vung-hanh-trinh-gop-phan-kien-tao-va-phat-trien-thanh-pho-mang-ten-bac. 
15. Massand, A. B., & Gopalakrishna B.V. (2017). Determinants of Bank Foreign Direct Investment Inflow in India: A Dynamic Panel Data Approach. IIM Kozhikode Society & Management Review, 6 (1), 13 – 22. https://doi.org/10.1177/2277975216674049.
Tài liệu tham khảo:
1Nguyễn Xuân Thu (2024). Tăng cường giám sát bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Tạp chí Quản lý nhà nước số 340 (5/2024).
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/08/01/cac-yeu-to-anh-huong-den-dao-duc-nghe-nghiep-cua-doi-ngu-nhan-su-nganh-ngan-hang.