ThS. Nguyễn Thu Ngân
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên
(Quanlynhanuoc.vn) – Marketing số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Có rất nhiều công cụ Marketing số, trực tuyến và ngoại tuyến. Nhưng với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật và mạng Internet thì các công cụ Marketing số trực tuyến ngày càng được sử dụng nhiều hơn các công cụ Marketing ngoại tuyến. Bằng phương pháp định tính, nghiên cứu tổng hợp tài liệu, tập trung thảo luận về khái niệm Marketing số và một số công cụ Marketing số trực tuyến phổ biến hiện nay, đó là: Marketing trên công cụ tìm kiếm, Marketing nội dung, Marketing qua truyền thông mạng xã hội và Marketing qua Email. Từ đó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Marketing số và lựa chọn được các công cụ Marketing số phù hợp để đạt được các mục tiêu kinh doanh của mình.
Từ khoá: Marketing số, công cụ, quảng cáo, trực tuyến, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Marketing đóng vai trò lớn trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và từ đó quyết định doanh số bán hàng và lợi nhuận của một doanh nghiệp. Trước đây, bảng quảng cáo, tờ rơi, ti vi, radio,… được sử dụng để quảng cáo sản phẩm nhưng ngày nay các hoạt động Marketing có nhiều thay đổi. Hoạt động Marketing và chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh ở một số tình huống và bối cảnh sẽ ưu việt hơn các hình thức Marketing và kinh doanh truyền thống. Marketing số đã trở thành một trong những phương thức tiếp cận khách hàng và giới thiệu sản phẩm hiệu quả.
Kỷ nguyên mới được gọi là kỷ nguyên Marketing số, nơi các trang web thương mại điện tử, tiếp thị truyền thông xã hội, quảng cáo trả tiền hoặc trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột (PPC), tiếp thị nội dung, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và nhiều công nghệ khác được sử dụng để tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ (Deshmukh và Patil, 2021). Việc đưa ra quyết định lựa chọn hình thức Marketing phù hợp không phải là điều dễ dàng và có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong hiệu quả kinh doanh. Thêm vào đó, từ năm 2019, đại dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện với khó khăn kinh doanh, phải tìm cách khắc phục tình trạng sản xuất đình trệ. Thói quen tiêu dùng, hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi theo hướng trực tuyến để hạn chế tiếp xúc cộng đồng. Hình thức Marketing truyền thống, Marketing hiện đại hay Marketing Online vẫn chưa phải là sự lựa chọn hiệu quả nhất cho hoạt động Marketing của các tổ chức, doanh nghiệp. Thay vào đó, Marketing số sẽ trở thành phương thức tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Bài viết sử dụng phương pháp định tính, nghiên cứu tổng hợp tài liệu để đưa ra khái niệm Marketing số và một số công cụ Marketing số trực tuyến đang phổ biến hiện nay.
2. Marketing số và một số công cụ Marketing số trực tuyến phổ biến
2.1. Marketing số
Theo từ điển Oxford thì “Marketing” có nghĩa là “Hoạt động trưng bày, quảng cáo và bán các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty theo cách tốt nhất có thể”. Theo Philip Kotler – Giáo sư của Trường Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, được mệnh danh là cha đẻ của Marketing thì “Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thoả mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi”. Dịch nghĩa của từ Marketing ra tiếng Việt có nghĩa là “Tiếp thị”. Ở nhiều quốc gia người ta không dịch mà để nguyên thuật ngữ “Marketing” để hiểu rõ nội hàm của thuật ngữ. Trong các nghiên cứu và thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam người ta cũng thường giữ nguyên từ tiếng Anh là Marketing. Trong nghiên cứu này, tác giả cũng không dịch sang tiếng Việt mà dùng từ tiếng Anh để thống nhất với các nguyên cứu của Việt Nam và thế giới.
Marketing số đã tồn tại trong một thời gian dài và được sử dụng phổ biến vào đầu những năm 2000 (Redjeki & Affandi, 2021). Theo định nghĩa của Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ, Marketing số có thể được coi là “các hoạt động, thể chế và quy trình được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số để tạo ra, giao tiếp và mang lại giá trị cho khách hàng và các bên liên quan khác”. Chính vì vậy, Marketing số còn được gọi là Marketing kỹ thuật số. Chaffey, D., và Ellis-Chadwick (2019) cũng nhắc đến các thiết bị kỹ thuật số khi nêu ra định nghĩa “Marketing số là việc đạt được các mục tiêu tiếp thị thông qua các công nghệ kỹ thuật số”.
Đưa ra khái niệm khác liên quan đến khách hàng khi nói về Marketing số, Chaffey và Ellis-chadwick (2019) cho rằng “Marketing số là việc sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua việc nâng cao nhận thức của họ về các hoạt động của doanh nghiệp”. Đồng quan điểm khi nói về sự thoả mãn nhu cầu của khách hàng, Sawicky (2021) cho rằng “Marketing số là việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra một kênh tiếp cận khách hàng tiềm năng để đạt được các mục tiêu của công ty thông qua việc đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu của họ”.
Với xu hướng phát triển nhanh chóng của Internet, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng khái niệm tiếp thị kỹ thuật số hay Marketing số giống hệt với khái niệm tiếp thị trên Internet (Internet Marketing), tiếp thị trực tuyến (Marketing online), tiếp thị điện tử (E – Marketing) (Thaha và cộng sự, 2021), (Sudiwedani và Darma, 2020), (Rodrigo Garcia Motta và cộng sự, 2021), (Todor, 2016). Vì vậy, một số định nghĩa về Marketing số nhấn mạnh đến vai trò của Internet như: Theo định nghĩa của Hiệp hội Marketing số Châu Á, “Marketing số là chiến lược sử dụng các công cụ Internet làm phương tiện cho các hoạt động Marketing và trao đổi thông tin”. Với tất cả các kênh truyền thông số hiện có, doanh nghiệp sẽ triển khai Marketing số để xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, sản phẩm trực tuyến.
Eze và Chinedu-Eze (2018) cho rằng, Marketing số được định nghĩa là “các hoạt động tiếp thị sử dụng phương tiện truyền thông dựa trên Internet”. Redjeki & Affandi (2021) cũng cho rằng, “Marketing số là hoạt động tiếp thị hoặc quảng cáo một thương hiệu hoặc sản phẩm bằng cách sử dụng phương tiện kỹ thuật số hoặc Internet”. Đồng quan điểm, Desai (2019) cũng cho rằng “Marketing số là hoạt động tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chủ yếu trên nền tảng Internet, nhưng cũng bao gồm các hoạt động tiếp thị trên điện thoại di động, quảng cáo hiển thị hình ảnh và bất kỳ phương tiện kỹ thuật số nào khác”. Ủng hộ cho điều đó, Pradhan và cộng sự (2018) cho rằng Marketing số là “việc sử dụng công nghệ trong việc tiếp thị hàng hoá, dịch vụ, thông tin và ý tưởng qua Internet, điện thoại di động và các phương tiện điện tử khác”.
Như vậy, khái niệm tiếp thị kỹ thuật số được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng phần lớn các định nghĩa đều thống nhất ở hai yếu tố: thứ nhất, nó là một phần của kế hoạch và chiến lược tiếp thị; thứ hai, đó là một hoạt động liên quan đến việc sử dụng Internet nhằm tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng một cách hiệu quả hơn. Như vậy, Marketing số là hoạt động tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chủ yếu trên nền tảng Internet để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
2.2. Một số công cụ Marketing số trực tuyến phổ biến
Tien et al. (2020) cho rằng, Marketing số được chia thành hai lĩnh vực chính: Marketing số trực tuyến và Marketing số ngoại tuyến. Marketing số trực tuyến bao gồm: tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tiếp thị nội dung, tiếp thị truyền thông xã hội, trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột, tiếp thị liên kết, quảng cáo gốc, tự động hóa tiếp thị, tiếp thị qua email, quan hệ công chúng trực tuyến, tiếp thị trong nước, nội dung được tài trợ. Marketing số ngoại tuyến gồm có: tiếp thị ngoại tuyến nâng cao, tiếp thị qua radio, tiếp thị qua truyền hình, tiếp thị qua điện thoại. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và mạng Internet, nghiên cứu các công cụ của Marketing số trực tuyến, là hoạt động Marketing sản phẩm dịch vụ có sự tham gia của các công cụ kỹ thuật số và mạng Internet. Theo đó, một số công cụ Marketing số trực tuyến phổ biến được nhắc đến trong công trình nghiên cứu của Hien & Nhu (2022), đó là: Marketing trên công cụ tìm kiếm, Marketing nội dung, Marketing qua truyền thông mạng xã hội và Marketing qua Email.
2.2.1. Marketing trên công cụ tìm kiếm (SEM)
Theo Hien & Nhu (2022), Marketing trên công cụ tìm kiếm là một chiến lược dài hạn để cung cấp nội dung phù hợp với người tiêu dùng và tạo ra kết quả tìm kiếm được xếp hạng cao hơn. Ponzoa & Erdmann (2021) cho rằng, Marketing trên công cụ tìm kiếm là việc sử dụng các công cụ do công cụ tìm kiếm cung cấp để các từ khoá, các câu chính mô tả các hình ảnh quảng cáo, văn bản quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ xuất hiện ở những vị trí đầu tiên hoặc vị trí đặc biệt của công cụ tìm kiếm. Đây là một quá trình nhằm giúp website gia tăng lượng truy cập nhờ vào các hoạt động trên công cụ tìm kiếm. Công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp thị Internet của nhiều doanh nghiệp và có thể giúp doanh nghiệp mang lại nhiều lợi thế khác biệt cho cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Khi khách hàng buộc phải tìm kiếm, cập nhật thông tin trực tuyến và hạn chế giao tiếp trực tiếp thì nó dần trở thành kênh tiếp thị chính trong quảng cáo trực tuyến hiện nay. Về cơ bản, vị trí quảng cáo trong kết quả tìm kiếm càng cao thì tác động đến khách hàng càng nhiều, sản phẩm sẽ có khả năng hiển thị cao hơn, dễ dàng nhận được nhiều sự chú ý của khách hàng hơn và ảnh hưởng đến ý định mua hàng.
Marketing trên công cụ tìm kiếm (SEM) bao gồm tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO) và trả tiền dựa trên mỗi lần nhấp chuột (PPC) (Key, 2017), (Ponzoa & Erdmann, 2021). Theo Bala & Verma (2018), dựa trên ngân sách, đối tượng khách hàng, mục tiêu cụ thể và lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có thể chọn mô hình PPC (trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột) hoặc CPC (giá mỗi lần nhấp chuột) hoặc CPM (giá mỗi nghìn lần hiển thị).
2.2.2. Marketing nội dung (CM)
Theo Silbert & Markose (2021) thì Marketing nội dung là phương pháp tiếp thị chiến lược tập trung vào việc tạo và phân phối nội dung có giá trị, phù hợp và nhất quán để thu hút và giữ chân đối tượng được xác định rõ ràng và cuối cùng là thúc đẩy hành động của khách hàng để sinh lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng ý với quan điểm đó, (Jaas, 2022) cho rằng tiếp thị nội dung được thực hiện bằng cách cung cấp các lời khuyên cho khách hàng, giúp tạo dựng niềm tin và sự trung thành của khách hàng, từ đó khuyến khích nhu cầu mua hàng và dịch vụ được cung cấp. Trọng tâm của Marketing nội dung phải là khách hàng hoặc là khách hàng tiềm năng.
Khi doanh nghiệp xác định được nhu cầu của khách hàng, thông tin có thể được trình bày ở các dạng khác nhau như: viết blog, hội thảo trên web, podcast, bản tin email, video, sách điện tử, hướng dẫn cách thực hiện… (Silbert & Markose, 2021). Không giống như các hình thức tiếp thị trực tuyến khác, tiếp thị nội dung chủ yếu dựa vào việc dự đoán và đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng hiện tại, trái ngược với việc tạo ra nhu cầu cho một nhu cầu mới. Nói cách khác, nghệ thuật giao tiếp với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng mà không cần hoạt động bán hàng là thông qua Marketing nội dung. Nội dung hữu ích sẽ xây dựng lợi thế cạnh tranh lâu dài cho doanh nghiệp. Không cần sử dụng sản phẩm, nội dung của tiếp thị ảnh hưởng đến thái độ và mục tiêu mua hàng của khách hàng, thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.
Để xây dựng và duy trì uy tín của thương hiệu, doanh nghiệp phải đồng sáng tạo nội dung với khách hàng. Hành động của người tiêu dùng phụ thuộc vào thái độ đối với nội dung mà doanh nghiệp cung cấp. Nội dung phải được doanh nghiệp chọn lựa kỹ để có thể tạo nên hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Thuật toán của Google đã có thay đổi để hướng tới việc nội dung là dữ liệu quan trọng khi lọc kết quả tìm kiếm. Các doanh nghiệp có thể sáng tạo nội dung, kết hợp với Marketing trên công cụ tìm kiếm và khéo léo liên kết một cách gián tiếp đến trang web của doanh nghiệp. Ở một góc nhìn khác thì các phương tiện truyền thông xã hội có nhiều lợi thế khi được sử dụng để thu hút khách hàng mục tiêu nên dễ dàng trở thành phương tiện để truyền tải nội dung đến khách hàng. Các nội dung này cũng được liên kết và dẫn dắt khách hàng đến trang web của doanh nghiệp. Một chiến lược hiệu quả sẽ thu hút người đọc và khiến họ quan tâm đến nhiều thông tin từ doanh nghiệp. Nội dung tốt được chia sẻ là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu. Đôi khi khách hàng không mua hàng mà để có được thông tin họ truy cập vào một trang web của doanh nghiệp nào đó.
Marketing nội dung có thể được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm các bài viết hỏi đáp, diễn đàn, hội thảo trên web, chia sẻ kiến thức, tin tức, hình ảnh, biểu ngữ, video, podcast,… cho các trang blog, website và mạng xã hội (Bala & Verma, 2018).
2.2.3. Marketing qua truyền thông mạng xã hội (SMM)
Phương tiện truyền thông xã hội bao gồm các hoạt động trực tuyến dưới dạng blog, mblog, email giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng và các trang mạng xã hội (Chatterjee & Kumar Kar, 2020). Trên mạng xã hội, các thành viên tham gia giao tiếp với nhau và chia sẻ ý kiến hoặc trải nghiệm về một sản phẩm nhất định giữa những người được kết nối trong mạng. Theo Kaplan & Haenlein (2010), có sáu loại phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm: blog và microblog (ví dụ Twitter), trang mạng xã hội trực tuyến (ví dụ Facebook), thế giới xã hội ảo (ví dụ Second Life), thế giới trò chơi ảo (ví dụ World of Warcraft), các dự án hợp tác (ví dụ Wikipedia) và cộng đồng nội dung (ví dụ Youtube) chạy trên nền tảng công nghệ của Web 2.0 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo, trao đổi và tiêu thụ nội dung.
Tiếp thị qua truyền thông mạng xã hội là chiến lược tiếp thị mà các doanh nghiệp sử dụng để tạo và chia sẻ nội dung, thông tin về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội (Hien & Nhu, 2022). Nói cách khác, đây là quá trình tiếp thị nội dung và thông tin thông qua các phương tiện truyền thông xã hội để thu hút lưu lượng truy cập lớn hoặc sự chú ý đến thương hiệu. Chiến lược này cho phép doanh nghiệp kết nối với khách hàng, nâng cao nhận thức về thương hiệu, tác động đến thái độ của người tiêu dùng, nhận phản hồi về sản phẩm và dịch vụ, từ đó giúp tăng tổng doanh thu bán hàng.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng mạng truyền thông xã hội bằng cách truyền thông để tạo nên sự gắn bó về sản phẩm và thương hiệu, xây dựng lòng tin của khách hàng. Nhờ vào tính phổ biến rộng rãi của mạng xã hội, Marketing qua truyền thông mạng xã hội cho phép doanh nghiệp tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả. Các tính năng có sức ảnh hưởng như chia sẻ, tương tác trực tuyến kịp thời giữa doanh nghiệp và khách hàng cũng là một trong những lợi thế cần được phát huy của loại công cụ Marketing số này, đặc biệt khi mọi người bị hạn chế trong giao tiếp trực tiếp trong môi trường kinh doanh và bối cảnh dịch bệnh như thời gian diễn ra đại dịch Covid – 19.
Mạng xã hội sử dụng yếu tố kích thích nhận thức và hành vi của khách hàng, do đó, các doanh nghiệp sử dụng phương tiện này như một công cụ chiến lược để tăng cường hình ảnh mình, lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu, nhận thức về thương hiệu, tài sản thương hiệu và tính bền vững của thương hiệu. Redjeki & Affandi (2021) cho rằng, công ty cần đưa các thông tin lên các nền tảng trên phương tiện truyền thông mạng xã hội, như Facebook và Twitter vì chi phí rất nhỏ, có thể là miễn phí và hơn hết điều này còn làm tăng giá trị thương hiệu của công ty. Có thể thấy, Marketing truyền thông mạng xã hội với các công cụ khác nhau đã làm thay đổi phương thức giao tiếp với khách hàng của doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp phải học cách sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội theo cách thức phù hợp với nhu cầu của mình.
Marketing truyền thông mạng xã hội liên quan đến thúc đẩy lưu lượng truy cập đến trang web của doanh nghiệp hoặc tăng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua các mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, Twitter, Pinterest, Google+, LinkedIn. (Bala & Verma, 2018). (Desai, 2019) cũng cho rằng, các kênh mà doanh nghiệp có thể sử dụng trong Marketing truyền thông xã hội bao gồm Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram, Snap chat, Pinterest, and Google+
2.2.4. Marketing qua Email (EM)
Bawm & Nath (2014) cho rằng, Marketing qua email là tiếp thị trực tiếp thông điệp thương mại tới một nhóm người sử dụng thư điện tử (email) để gửi quảng cáo, kêu gọi bán hàng hoặc quyên góp, yêu cầu kinh doanh hoặc xây dựng lòng trung thành, niềm tin hoặc nhận thức về thương hiệu. Ủng hộ khái niệm đó, Bala & Verma (2018) cho rằng, khi doanh nghiệp gửi một tin nhắn thương mại qua email đến danh sách khách hàng tiềm năng, chiến lược này được gọi là Marketing qua email. Marketing qua email là một trong những công cụ tiếp thị phổ biến nhất đối với nhiều doanh nghiệp và đặc biệt quan trọng đối với các công ty muốn xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Marketing qua email được các doanh nghiệp sử dụng như một cách giao tiếp với khách hàng của mình. Email thường được sử dụng để quảng cáo nội dung, chương trình khuyến mại, giảm giá, sự kiện cũng như giới thiệu trang web của doanh nghiệp tới các khách hàng. Tiếp thị qua email cho phép doanh nghiệp tiếp cận lượng người tiêu dùng rộng hơn bằng cách phân phối thông tin và tin nhắn qua Email.
Tiếp thị email có một số lợi thế như: tiết kiệm thời gian và chi phí, tỷ lệ phản hồi cao, có sẵn lượng lớn khách hàng, tạo hình ảnh thương hiệu và sản phẩm một cách bền vững. Mặc dù email về cơ bản là kênh giao tiếp hai chiều nhưng đối với các doanh nghiệp, nó thường được sử dụng làm kênh một chiều để gửi bản tin hoặc quảng cáo. Hơn nữa, email được xem là kênh giúp các nhà tiếp thị có cơ hội tương tác với người tiêu dùng bằng cách dễ dàng tùy chỉnh nội dung hoặc ưu đãi trong email sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của từng đối tượng. Điều này không những giúp khách hàng có ấn tượng tốt về doanh nghiệp mà còn và xây dựng lòng trung thành và nhận diện thương hiệu mạnh mẽ hơn ở người tiêu dùng đối với doanh nghiệp. Đa số các Email quảng bá sẽ hướng người đọc đến website của doanh nghiệp nhằm tìm hiểu đầy đủ nhất về sản phẩm, dịch vụ mà người đọc đang quan tâm. Đây là cách tăng tỷ lệ truy cập tự nhiên được đánh giá cao nhất hiện nay.
Theo Ellis-Chadwick & Doherty (2012), một số loại email gồm có: khuyến mãi bán hàng, thông tin sản phẩm, bản tin, lời nhắn hành động, khuyến mãi theo mùa, lời mời sự kiện. Trong nghiên cứu của mình, Ellis-Chadwick & Doherty (2012) cũng chỉ ra cách phân loại khác: thông tin, hoạt động trước khi mua hàng, ưu đãi, cơ chế mua hàng và hỗ trợ sau mua hàng (chăm sóc khách hàng).
3. Kết luận
Như vậy, Marketing số là hoạt động tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng công nghệ kỹ thuật số, chủ yếu trên nền tảng Internet để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Marketing số có nhiều công cụ giúp các doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm và gia tăng doanh số bán hàng. Có thể kể đến một số công cụ Marketing số trực tuyến phổ biến như: Marketing trên công cụ tìm kiếm, Marketing nội dung, Marketing qua truyền thông mạng xã hội, Marketing qua email. Tuỳ thuộc vào ngân sách, khách hàng mục tiêu cũng như chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp lựa chọn các công cụ Marketing số một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo:
1.Bala, M., & Verma, D. (2018). A Critical Review of Digital. International Journal of Management, 8(10), 321–339. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3545505.
2. Bawm, Z. L., & Nath, R. P. D. (2014). A conceptual model for effective email marketing. 2014 17th International Conference on Computer and Information Technology, ICCIT 2014, October, 250–256. https://doi.org/10.1109/ICCITechn.2014.7073103.
3. Chaffey, D., & Ellis-Chadwick, F. (2019). Digital marketing. Pearson UK.
4. Chaffey, D., & Ellis-chadwick, F. (2019). Digital marketing: strategy, implementation and practice. https://doi.org/10.1016/j.ijinfomgt.2020.102103.
5. Desai, D. M. V. (2019). Digital Marketing: A Review. International Journal of Trend in Scientific Research and Development, Special Is (Special Issue-FIIIIPM2019), 196–200. https://doi.org/10.31142/ijtsrd23100.
6. Ellis-Chadwick, F., & Doherty, N. F. (2012). Web advertising: The role of e-mail marketing. Journal of Business Research, 65(6), 843–848. https://doi.org/10.1016/j.jbusres.2011.01.005.
7. Eze, S. C., & Chinedu-Eze, V. C. (2018). Strategic roles of actors in emerging information communication technology (EICT) adoption in SMEs: Actor network theory analysis. Bottom Line, 31(2), 114–136. https://doi.org/10.1108/BL-09-2017-0029.
8. Consumers’ purchase intention in B2B businesses: CThe moderating role of brand awareness. Cogent Business and Management, 9(1). https://doi.org/10.1080/23311975.2022.2105285.
9. Jaas, A. (2022). E-Marketing and Its Strategies: Digital Opportunities and Challenges. Open Journal of Business and Management, 10(02), 822–845. https://doi.org/10.4236/ojbm.2022.102046.
10. Kaplan, A. M., & Haenlein, M. (2010). Users of the world, unite! The challenges and opportunities of Social Media. Business Horizons, 53(1), 59–68. https://doi.org/10.1016/j.bushor.2009.09.003.
11. Key, T. M. (2017). Domains of Digital Marketing Channels in the Sharing Economy. Journal of Marketing Channels, 24(1–2), 27–38. https://doi.org/10.1080/1046669X.2017.1346977.
12. Ponzoa, J. M., & Erdmann, A. (2021). E-Commerce Customer Attraction: Digital Marketing Techniques, Evolution and Dynamics across Firms. Journal of Promotion Management, 27(5), 697–715. https://doi.org/10.1080/10496491.2021.1880521.