ThS. Bùi Minh Nghĩa
Trường Đại học Tài chính – Marketing
(Quanlynhanuoc.vn) – Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị là nội dung, biện pháp quan trọng đưa nghị quyết, quy định của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Bài viết làm rõ vai trò chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức; từ đó, đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khoá: Chất lượng, nguồn nhân lực, cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị.
1. Mở đầu
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm mọi công việc ở các vị trí hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không bị ngắt quãng, gián đoạn. Nguồn nhân lực chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được sắp xếp, bố trí đúng chuyên môn, sở trường, phát huy được năng lực, thế mạnh của mình trong tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, địa phương nhiều cơ chế, chính sách đúng, trúng có lợi cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức thực hiện thắng lợi những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhân tố quyết định đến việc tổ chức thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối của Đảng sau khi hoàn thành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Với phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, giữ người có đức, có tài trong hệ thống chính trị và loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng bình quân chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ra ngoài; cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị một cách đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị được đánh giá, đo bằng kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Ở đó, năng lực, phẩm chất, uy tín được thực hiện một cách tốt nhất, không còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc sang người khác; có tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển; thu hút các nguồn lực bên trong và bên ngoài, đời sống của các tầng lớp Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên về mọi mặt. Do đó, sau khi hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác, khả năng xử lý, giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên tầm cao mới; có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, hành động thực tiễn ở từng lĩnh vực, công việc cụ thể. Tính chuyên nghiệp, hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức được đặt lên hàng đầu, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và giữ vững niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị là hoạt động tích cực, chủ động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong lựa chọn, sắp xếp đúng người, đúng việc ở từng vị trí công tác theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, hướng dẫn của các cơ quan, ban ngành Trung ương nhằm phát huy thế mạnh, sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành tổ chức sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phù hợp, hiệu quả với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm quán triệt, tổ chức thực hiện thắng lợi việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đến từng cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; những cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, có năng lực thực sự được giữ lại làm việc; giải quyết tốt những chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giảm biên chế. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng được quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt để nhanh chóng ổn định cuộc sống cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu và các cơ quan, ban ngành có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau trong từng khâu, từng bước. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững… Chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”1.
Vì thế, trước, trong và sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị mọi công việc, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn hoạt động thông suốt theo đúng kế hoạch, tiến độ đã xác định; không bị ảnh hưởng, ngừng trệ từ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi được bố trí ở vị trí công tác mới đã bắt tay ngay vào công việc, giải quyết, xử lý kịp thời mọi tình huống, sự việc nảy sinh từ thực tiễn; người dân và doanh nghiệp đến các cơ quan công sở làm việc được hướng dẫn, giải quyết tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị còn một số hạn chế: một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, hướng dẫn của cơ quan, ban ngành của Trung ương; còn bố trí, sắp xếp cán bộ chưa đúng vị trí, chưa phát huy được năng lực, sở trường, thế mạnh của từng người; ở một số nơi, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xin chuyển vị trí công tác còn nhiều… chế độ, chính sách để đãi ngộ, thu hút người tài ở lại làm việc chưa nhiều, nhất là chế độ tiền lương. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực của bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; chưa có sự tăng tốc, bứt phá rõ rệt trên từng mặt, từng lĩnh vực công tác.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do: (1) Công tác tuyên truyền, giáo dục của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến cán bộ, công chức, viên chức chưa sâu sắc, toàn diện. (2) Việc cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa linh hoạt, sáng tạo, còn dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại vào hướng dẫn, định hướng của Trung ương. (3) Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở của người đứng đầu chưa sâu sát, còn bị động, thiếu tính chủ động trong công việc.
3. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Thứ nhất, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức tầm quan trọng nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo đó, tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức những nghị quyết, quy định của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới; tuyệt nhiên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn sắp xếp tổ chức biên chế cán bộ, công chức, viên chức để trục lợi, cục bộ địa phương.
Thường xuyên theo dõi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, giải quyết các mối quan hệ, ứng xử khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức để điều chỉnh vị trí việc làm, có những tham mưu, đề xuất với cấp trên có thẩm quyền bố trí lại việc làm, hoặc thay thế mới bảo đảm khách quan, dân chủ, công bằng, không trù dập, có động cơ cá nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân”4. Từng cán bộ, công chức, viên chức đề cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; không ngừng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, phát huy vai trò nêu gương của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu để bồi dưỡng nâng cao cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu rà soát, đánh giá một cách cẩn trọng trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi, quyền hạn quản lý; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở từng lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể; tập trung vào việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, nói và làm đi liền với nhau, nói ít làm nhiều, có kiến thức toàn diện về các mặt để hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc; phân công, giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp uỷ, tổ chức đảng theo dõi, đánh giá chất lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức chưa đúng trong quá trình làm việc; tăng cường công tác quản lý nắm bắt tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời định hướng thông tin đúng đắn cho cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động.
Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tự bồi dưỡng, rèn luyện về năng lực, phương pháp tác phong công tác làm việc.
Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị được làm việc ở các cơ quan, ban, ngành địa phương tích cực, chủ động hơn nữa trong tự bồi dưỡng, rè luyện về năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số xâm nhập vào từng lĩnh vực, con người cụ thể, trở thành động lực cho sự phát triển của các lĩnh vực. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng về năng lực chuyên môn công tác; đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình làm việc, giải quyết, xử lý các mối quan hệ; không tự bằng lòng, thoả mãn với những gì đã có, phải nỗ lực, cố gắng không ngừng ở mọi lúc, mọi nơi; tự bồi dưỡng, rèn luyện gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương trong sạch, vững mạnh; đấu tranh phản bác với quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; những hiện tượng sai trái, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Cán bộ, công chức, viên chức tự mình chiến thắng bản thân, làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, hạn chế những sai xót, khuyết điểm trong công việc, không biết thì hỏi, tránh dấu dốt, kiêu ngạo cộng sản; không chịu lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng đội, Nhân dân sẽ không bao giờ tiến bộ, trưởng thành và phát triển. Cán bộ, đảng viên dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt để được mọi người kính trọng, nể phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời gắn lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân”2.
4. Kết luận
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới là sự thể hiện quá trình thẩm thấu, lan toả quan điểm, đường lối của Đảng về thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn, tổ chức sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị. Sự trưởng thành, phát triển về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức triển khai thực hiện những quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo chính là sự phản ánh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên trong công việc để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi đã ổn định tổ chức về mọi mặt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp giải quyết tốt nhất những vấn đề xã hội nảy sinh, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng văn minh, giàu mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chú thích:
1. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triể khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII). https://baochinhphu.vn, ngày 16/4/2025.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật tr. 134.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/1005102/tong-bi-thu-to-lam-trao-doi-chuyen-de-%E2%80%9Cky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam%E2%80%9D.aspx.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 4. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 171.
3. Tô Lâm (2025). Học tập suốt đời. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/03/hoc-tap-suot-doi.