Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trong xây dựng chính quyền địa phương hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Tuyết Loan
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng chính quyền là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị của nước ta. Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều nội dung, phương thức hoạt động để tham gia xây dựng chính quyền địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và sự phát triển của tỉnh. Bài viết phân tích thực trạng tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, chỉ rõ hạn chế, bất cập; từ đó, đề xuất một số giải nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng chính quyền địa phương trong thời gian tới. 

Từ khóa: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xây dựng; chính quyền địa phương; phát huy vai trò; tỉnh Đồng Tháp.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn để xây dựng chính quyền cùng cấp,  góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và sự phát triển toàn diện của tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều nội dung, phương thức hoạt động, như: tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia góp ý kiến vào các dự thảo, dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, nghị định…; tham gia góp ý vào việc hoạch định các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri; thực hiện các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh với chính quyền… Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì công tác góp phần xây dựng chính quyền địa phương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải được đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta hiện nay.

2. Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp trong xây dựng chính quyền thời gian qua

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân để nâng cao về nhận thức; đồng thuận thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đồng thời, chủ động xây dựng, tuyên truyền nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chính quyền cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng môi trường dân chủ và đồng thuận trong nhân dân ngày càng tốt hơn, tạo động lực tích cực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trongtỉnh. 

Chỉ tính riêng năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 327/KH-MTTQ-BTT ngày 04/6/2024 phát động Phong trào thi đua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh năm 2024. Kết quả cho thấy, đã tổ chức được trên 12.780 cuộc, với trên 1.740.000 lượt người tham dự (trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức và lồng ghép được 220 cuộc, với 14.632 lượt người dự)1. Duy trì vận hành Website và Trang cộng đồng (Fanpage), Zalo của Mặt trận Tổ quốc tỉnh; thường xuyên phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin các hoạt động của Mặt trận, tạo không khí thi đua sôi nổi tổ chức hoạt động giữa các địa phương.

Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã góp phần cùng chính quyền triển khai, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Các nội dung giám sát hằng năm được cấp ủy cùng cấp thống nhất phê duyệt và được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốcViệt Nam các cấp triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bầu trưởng ấp, phó trưởng ấp, khóm, thành viên ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Hội thẩm Tòa án Nhân dân. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách, quyết định liên quan đến công tác cán bộ, công chức. Chỉ tính riêng năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận 30 đơn khiếu nại, tố cáo2. Thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị lấy ý kiến nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp chính quyền địa phương điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách về nhân sự, bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở tại địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã kết hợp với đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp tổ chức cho đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri. Trong giai đoạn 2021 – 2023, đã thực hiện 304 hội nghị tiếp xúc cử tri, có 5.810 cử tri tham dự, 364 ý kiến đóng góp. Chỉ tính riêng năm 2024, đã tiếp xúc 98 lượt cử tri, 1.782 cử tri tham dự, 132 ý kiến đóng góp3. Trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức 1 cuộc hội nghị phản biện dự thảo Chương trình giải quyết tình trạng xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 20304. Đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động 21 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới với gần 550 thành viên, tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới5.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2024 với chủ đề “Chăm lo Tết cho người nghèo và xây dựng nhà Đại đoàn kết” trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 12 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hưởng ứng lời phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2024, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tôn giáo trao bảng tượng trưng đóng góp hơn 5,8 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo trên địa bàn tỉnh6

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương với các tổ chức thành viên và thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Trong đó, điển hình là các tổ chức tôn giáo và cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo thống nhất chương trình phối hợp hành động phong trào thi đua yêu nước, hoạt động an sinh xã hội. Từ đó, phát huy hiệu quả vai trò của các chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy hiệu quả chương trình phối hợp giữa các tổ chức xã hội trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, từ đó, địa phương đã duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ tự quản đường biên giới ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền tình hình liên quan đến biên giới, biển, hải đảo và xử lý tình huống khi xảy ra tập trung đông người, gây rối trật tự tại địa phương…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chú trọng triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã tích cực tham gia góp ý bằng văn bản vào những dự thảo, nghị quyết quan trọng của cấp ủy Đảng các cấp, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, cải cách hành chính… của chính quyền các cấp địa phương. Điển hình trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức 14 hội nghị và góp ý các dự thảo luật, tham gia đóng góp ý kiến 297 văn bản, dự thảo các chương trình, đề án, kế hoạch về các vấn đề liên quan đến Mặt trận Tổ quốc theo quy định7. Đồng thời, việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được tổ chức thường xuyên, dân chủ. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thường xuyên thực hiện công tác giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chưa có biện pháp tổ chức linh hoạt, sát với đối tượng là đồng bào dân tộc, tôn giáo trong tuyên truyền các nghị quyết, quyết định, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của chính quyền cấp tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia phối hợp với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp ở một số lĩnh vực, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Đối với công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Việc góp ý bằng văn bản đối với cơ quan, chính quyền, người đứng đầu cơ quan chính quyền tỉnh về những vấn đề cần thiết đôi khi còn thiếu tính kịp thời và linh hoạt. Công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng chính quyền cấp tỉnh còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tham gia xây dựng chính quyền trong tình hình mới…

3. Yêu cầu xây dựng chính quyền địa phương của tỉnh Đồng tháp trong bối cảnh cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay

Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả”đã tạo tiền đề, cơ sở nền tảng để tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu, xây dựng chính quyền địa phương trong bối cảnh cách mạng tinh gọn bộ máy ở nước ta. Tỉnh đã bám sát mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội… Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương”8.

Thực hiện Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 05/12/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh uỷ Đồng Tháp đã lãnh đạo cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, bỏ cấp huyện. Tính đến hết năm 2024, tỉnh Đồng Tháp có 141 xã, phường, thị trấn (114 xã, 8 phường, 9 thị trấn). Theo dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Tháp, sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 45 xã, phường (giảm 68,09%)9.

Quán triệt Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đặc biệt: “các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 16/4/2025) nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khóa XIII) ở địa phương, cơ quan, đơn vị10.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu đổi mới của Trung ương và Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng phải thực sự tinh gọn, bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; không hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân. Huy động tối đa các nguồn lực tham gia vào các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

4Giải pháp phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong xây dựng chính quyđịa phương 

Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tỉnh Đồng Tháp.

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy là một trong những tiêu chí, nội dung quan trọng để phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp. Do đó, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh là cơ sở “bản lề” trong công tác này. Hoàn thiện bộ máy, chức năng và nhiệm của cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phù hợp với thực tiễn tinh gọn và mạnh trong tổng thể tổ chức chính trị trong tỉnh.  

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đội ngũ cán bộ đóng vai trò quyết định trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì vậy, cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Việc tuyển chọn, giới thiệu cán bộ tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải là những người thực sự có uy tín, có tác phong gần gũi, có trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng dân vận tốt. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, đội ngũ cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có những tiêu chuẩn cụ thểgắn với đặc thù vị trí việc làm. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ cho cán bộ làm công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên liên quan.

Thứ haihoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền hiệu quả, chất lượng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần tích cực, chủ động trong việc cụ thể hoá nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy Đồng Tháp về quy chế hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động; đáp ứng kịp thời, đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về xây dựng Đảng, Chính quyền và hoạt động xã hội của địa phương. Thông qua đó, bảo đảm hành lang pháp lý để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình trong tham gia xây dựng chính quyền cấp cơ sở. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hình thành quy chế hoạt động phục vụ xây dựng chính quyền. Chú trọng các quy định bảo đảm phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, của dư luận xã hội, thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị về vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp.

Nhận thức đóng vai trò là cơ sở, nền tảng trong việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói chung và tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp nói riêng. Để làm tốt công tác này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chức năng, nhiệm vụ mới trong hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh. Trong đó, chú trọng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… 

Đặc biệt, chú trọng nguyên tắc: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước… Tiếp tục thể chế hoá và cụ thể hoá cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân”11. Vì vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cần bám sát tình hình thực tế tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền xây dựng kế hoạch, hướng dẫn phù hợp để triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường các lực lượng, nguồn lực để phát huy tối ưu vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia xây dựng chính quyền địa phương.

Trong xây dựng chính quyền địa phương, việc tăng cường các lực lượng và  nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng để phát huy tối đa vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Để làm tốt công tác này, cần xác định rõ kế hoạch, chương trình huy động các lực lượng trong tỉnh tham gia xây dựng chính quyền địa phương. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng huy động lực lượng gồm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông… Các lực lượng này ngoài việc tham gia xây dựng chính quyền tỉnh, thành phố còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh trong tham gia xây dựng chính quyền theo nội dung, chương trình, kế hoạch hành động chung của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đề ra. 

Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia xây dựng chính quyền địa phương cần tối ưu hoá sử dụng nguồn lực chung của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào nguồn dữ liệu số, phương tiện chuyển đổi số như mạng xã hội Zalo, Facebook… để tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân  trong tỉnh. 

5. Kết luận

Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực trong việc tham gia xây dựng chính quyền cùng cấp. Những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng chính quyền cùng cấp không chỉ khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và Nhân dân. Trên cơ sở đó, tăng cường niềm tin xã hội, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự và an toàn ở địa phương. Có thể tin tưởng rằng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ gặt hái nhiều thành công trong xây dựng chính quyền cùng cấp cũng như có nhiều đổi mới trong cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Chú thích
1. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp (2024). Báo cáo số 70/BC-MT-BTT ngày 26/12/2024 kết quả thực hiện phong trào thi đua chuyên đề năm 2024 “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của đoàn viên, hội viên và nhân dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.
2, 3, 4, 5, 6. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp (2024). Báo cáo số 64/BC-MTTQ-BTT ngày 24/11/2023 kết quả công tác Mặt trận năm 2024, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2025
7. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp (2023). Báo cáo số 826/BC-MT-BTT ngày 20/12/2023 về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, Chương trình công tác năm 2024.
8. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
9. Sau sắp xếp, dự kiến Đồng Tháp còn 45 xã, phường. https://baochinhphu.vn, ngày 18/4/2025. 
10. Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 11. https://vov.vn ngày 16/4/2025.
11. Bộ Chính trị (2013). Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tài liệu tham khảo:
1. Những điểm sáng trong công tác Mặt trận tỉnh Đồng Tháp. https://www.baodongthap.vn, ngày 19/8/2024.