TS. Lê Thị Hồng Hạnh
Trường Đại học Điện lực
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên Trường Đại học Điện lực là một bộ phận quan trọng của nội dung chương trình giáo dục, đào tạo ở bậc đại học giúp hình thành, phát triển nhân cách cho sinh viên. Những tri thức lý luận chính trị góp phần quan trọng trang bị cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản và phương pháp luận khoa học; trực tiếp bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ tư duy lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn. Cùng với đó, giáo dục lý luận chính trị còn tạo sức đề kháng, khả năng “miễn dịch” cho sinh viên trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trí thức chất lượng tốt cho Đảng và Nhà nước ta, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam.
Từ khóa: Đổi mới phương pháp; giáo dục lý luận chính trị; sinh viên; Trường Đại học Điện Lực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
1. Đặt vấn đề
Trường Đại học Điện lực là cơ sở giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ có uy tín,giữ vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy mới nâng cấp được 18 năm, song với bề dày nửa thế kỷ từ một trường trung cấp và cao đẳng, trường đã đào tạo và cung cấp cho ngành Điện và cả nước một đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư có chất lượng. Sinh viên Trường Đại học Điện lực có kiến thức, hiểu biết, năng động, hăng hái, nhiệt tình, sáng tạo và nhạy cảm với cái mới, song do chưacó nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống còn thiếu, bản lĩnh chính trị, năng lực làm chủ còn hạn chế nên công tác giáo dục lý luận chính trị cần được thường xuyên bồi đắp và đổi mới.
2. Thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên Trường Đại học Điện lực
Một là, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục lý luận cho sinh viên nói riêng, như: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 94-NQ/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, các tổ chức đoàn thể cũng ban hành những kế hoạch, chương trình giáo dục cho từng đối tượng và thời gian triển khai cụ thể.
Hai là, chủ thể tham gia công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên đã có nhận thức đúng, trách nhiệm cao và năng lực đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị. Bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên lý luận chính trị, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Trường Đại học Điện lực đã chủ động tiến hành đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên; định hướng cho sinh viên rèn luyện theo tiêu chí: “Tâm trong – Trí sáng – Hoài bão lớn”. Theo đó, Trường Đại học Điện lực tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho sinh viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo đúng nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp đã xác định; tích cực kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị.
Ba là, công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch và quy chế với nội dung đa dạng và hình thức phong phú. Đơn cử:
(1) Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Điện lực đã tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng EPU’s Got Talent 2019”. Cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng trong sinh viên, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người tham dự, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng ủy, Ban giám hiệu cũng như góp phần xây dựng thương hiệu Sinh viên Đại học Điện lực “Năng động – Sáng tạo – Xung kích – Hội nhập – Phát triển” trong thời kỳ mới.
(2) Tổ chức Chung kết hội thi Olympic tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2024 với sự tham gia của 5 đội thi xuất sắc đến từ 5 khoa chuyên môn, các đội thi đã mang đến các phần thi hấp dẫn, thú vị với sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của sinh viên trong và ngoài trường.
(3) Phát động cuộc thi trực tuyến cho sinh viên, học viên, viên chức và người lao động dưới 35 tuổi với nội dung: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Bốn là, kết quả đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị đã có chuyển biến tích cực, trực tiếp góp phần bồi dưỡng rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiến thức, năng lực chính trị của sinh viên. Từ việc nhận thức được những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu đúng về mục tiêu, lý tưởng, nội dung, bản chất cách mạng xã hội chủ nghĩa, sinh viên Trường Đại học Điện lực có thêm niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, nhất trí cao với đường lối, quan điểm của Đảng, có ý chí quyết tâm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.
Phần lớn sinh viên Trường Đại học Điện lực luôn đề cao tinh thần tự giác học tập, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực chính trị. Biết vận dụng, ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; đấu tranh tự phê bình và phê bình, phê phán, lên án các quan điểm sai trái, ủng hộ cái tốt, cái đúng, xây dựng nếp sống văn hóa, ý thức tổ chức cao, xứng danh “trí thức trẻ – chủ nhân tương lai của nước nhà”; phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức chung lòng của sinh viên để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viêncòn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đó là:
(1) Một số cán bộ quản lý, giảng viên của Trường chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên nên triển khai thực hiện chưa tích cực dẫn đến tình trạng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc thiếu chặt chẽ, thống nhất. Chưa gắn giáo dục lý luận chính trị cơ bản với giáo dục lý luận chính trị thường xuyên; giáo dục lý luận chính trị với tham gia các hoạt động chính trị – xã hội, các phong trào hành động của sinh viên.
Theo kết quả khảo sát của tác giả về thực hiện hình thức nghiên cứu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đối với đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên, có 34% ý kiến khẳng định đạt loại tốt, 40% ý kiến cho rằng đạt loại khá, 22% ý kiến thừa nhận chỉ đạt trung bình, 4% ý kiến cho biết chỉ xếp đạt loại kém1.
(2) Nội dung, hình thức, phương pháp đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên chưa phù hợp với đặc điểm hoạt động của nhà trường, chưa tạo được sự bứt phá, hiệu quả hơn so với hình thức và phương pháp giáo dục lý luận chính trị truyền thống. Tính hấp dẫn của các hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị tuy có tăng lên so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là chưa đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của thực tiễn đặt ra.
(3) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chậm được bổ sung, thay thế; các tài liệu tham khảo, chuyên khảo, chuyên đề phục vụ giáo dục lý luận chính trị chưa nhiều và chưa được cập nhật thường xuyên.
(4) Một bộ phận sinh viên chưa tích cực phấn đấu, học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực; thiếu kiến thức và bản lĩnh chính trị; còn lo lắng, bi quan, dễ bị dao động trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; chưa đề cao sự đồng cam cộng khổ, tinh thần khắc phục khó khăn; chưa nhiệt tình, tích cực, tự giác tham gia các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động chính trị – xã hội; còn có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, giảm ý chí phấn đấu học tập vươn lên.
Theo kết quả khảo sát cho thấy, về nội dung đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên, có: 40% số ý kiến cho rằng, đổi mới tư duy lý luận chính trị, công tác giáo dục lý luận chính trị ở mức bình thường; 30% số ý kiến cho biết nâng cao nhận thức của sinh viên về sự nghiệp đổi mới, mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mức bình thường; 40% số ý kiến nhận định đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế lãnh đạo, quản lý công tác giáo dục lý luận chính trị ở mức bình thường; 30% số ý kiến khẳng định đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục lý luận chính trị chỉ đạt mức bình thường; 38% số ý kiến cho rằng, bảo đảm cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện giáo dục lý luận chính trị ở mức bình thường2.
3. Một số giải pháp tiếp tục đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên Trường Đại học Điện lực hiện nay
Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị nhà trường đối với đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, học tập, phát triển khoa học cơ bản, khắc phục tình trạng tư duy học quá nhiều những kiến thức chung chung, ít thiết thực; đổi mới tư duy, nhận thức từ chính việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cùng với đó, cần nắm chắc diễn biến tư tưởng từng sinh viên để kịp thời nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nội dung tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, phối hợp đấu tranh phê phán, làm thất bại mọi luận điệu phản động tuyên truyền và chiến tranh tâm lý của địch.
Thứ hai, đổi mới chương trình giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên. Trong đó: (1) Chương trình giáo dục lý luận chính trị có tính hệ thống, logic, cân đối, bảo đảm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho sinh viên. (2) Tính khoa học phải được bảo đảm trong kết cấu chương trình giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên. Sự hợp lý về kết cấu được thể hiện ở tính lôgic của chương trình, sự phù hợp về nội dung, về thời gian của mỗi phần trong chương trình. (3) Chương trình của các môn lý luận chính trị phải gắn với nội dung tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng. (4) Tăng cường phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ quan chức năng trong tổ chức, xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên.
Thứ ba, đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên. Trong đó: (1) Sinh hoạt chính trị đầu năm học phải được tiến hành nghiêm túc và đạt hiệu quả giáo dục lý luận chính trị; cần được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức như: Clip, phỏng vấn, trao đổi thảo luận; giao lưu văn nghệ… (2) Thành lập câu lạc bộ sinh hoạt chính trị cho sinh viên. Nội dung hoạt động theo chủ đề ‘ như: “Phòng, chống tệ nạn ma túy”, “Phòng, chống tham nhũng”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”; “Vấn đề bình đẳng giới”… Thông qua những nội dung hoạt động, có thể lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương pháp tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ lý luận chính trị của từng sinh viên. Mỗi sinh viên cần xây dựng động cơ phấn đấu, khát vọng vươn lên, không ngừng hoàn thiện năng lực lý luận chính trị. Xây dựng và thực hiện đầy đủ, đúng đắn kế hoạch tự học tập, tự nghiên cứu, tự rèn luyện năng lực lý luận chính trị trong thực tiễn. Nâng cao ý thức tự học tập, tự nghiên cứu của sinh viên để có năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm học tập lý luận chính trị đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Chú thích:
1, 2. Tác giả sử dụng số liệu khảo sát về nội dung: Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên Trường Đại học Điện lực trong giai đoạn hiện nay. Tháng 12/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2014). Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Trần Thị Anh Đào (2010). Công tác giáo dục lý luận cho sinh viên Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia.
4. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên sinh viên tại các trường đại học hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/27/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-thanh-nien-sinh-vien-tai-cac-truong-dai-hoc-hien-nay.