Quan điểm về giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng J.Nehru và Tiến sĩ B.R.Ambedkar – những tương đồng và khác biệt 

TS. Phạm Thị Thanh Huyền
Sinh viên: Trần Thị Thảo Nguyên, Trần Thanh Tú
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Thông qua việc khảo sát các tác phẩm, bài phát biểu và chính sách của Thủ tướng J.Nehru (1889 – 1964) và Tiến sĩ B.R. Ambedkar, bài viết làm nổi bật những điểm tương đồng trong lý tưởng dân chủ và nhân quyền của hai nhân vật; phân tích điểm khác biệt xuất phát từ vị trí xã hội, kinh nghiệm cá nhân và định hướng cải cách của mỗi người. Qua đó, bài báo góp phần làm sáng tỏ cách tiếp cận đa dạng và phức hợp trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo tại Ấn Độđồng thời cho thấy những đóng góp quan trọng của hai nhân vật này đối với quá trình hình thành chính sách dân tộc và tôn giáo tại Ấn Độ hiện đại.

Từ khóa: J.Nehru; B.R.Ambedkar; dân tộc; tôn giáo; chính sách dân tộc; hòa hợp dân tộc; Ấn Độ.

1Đặt vấn đề 

Ấn Độ là quốc gia có diện tích đứng thứ 7 và dân số đứng đầu thế giới, với hơn 1,4 tỷ người1. Sự đa dạng về địa hình và điều kiện tự nhiên đã góp phần hình thành nên các vùng văn hóa đặc thù, từ đó tạo nên bức tranh phong phú về ngôn ngữ, dân tộc, tôn giáo và phong tục, tập quán ngay từ những giai đoạn sớm trong lịch sử. Những yếu tố này không chỉ là đặc điểm nhận diện văn hóa mà còn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những thách thức trong việc kiến tạo một xã hội hài hòa và thống nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ cổ – trung đại đến cận – hiện đại, vấn đề dân tộc và tôn giáo luôn là mối quan tâm lớn của các triều đại phong kiến cũng như chính phủ các thời kỳ.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện đại, những quan điểm và chính sách của Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với tiến trình giải quyết các mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo tại Ấn Độ, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh hậu thuộc địa. Trong lịch sử Ấn Độ, tính đa tộc người, đa tôn giáo cùng hệ thống đẳng cấp (varna) ăn sâu bám rễ trong cấu trúc xã hội truyền thống đã trở thành những trở lực đáng kể đối với nỗ lực thiết lập sự bình đẳng và công bằng xã hội. Dưới thời thuộc địa, chính quyền thực dân Anh áp dụng chính sách “chia để trị”, một mặt, khai thác tài nguyên Ấn Độ phục vụ công nghiệp mẫu quốc, mặt khác, khoét sâu mâu thuẫn nội tại giữa các đẳng cấp, dân tộc và tôn giáo nhằm duy trì quyền lực cai trị.

Trong bối cảnh hậu thuộc địa, sự xuất hiện của hai nhà tư tưởng – Thủ tướng Nehru và TS. Ambedkar – với những giải pháp mang tính cải cách sâu rộng, đã đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình xây dựng quốc gia Ấn Độ hiện đại. Bài viết cũng hướng đến việc phân tích một cách hệ thống các tương đồng và khác biệt trong quan điểm của hai nhân vật này về chính sách giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo, trên cơ sở xem xét bối cảnh lịch sử, xuất thân giai cấp và định hướng tư tưởng của mỗi người. Qua đó, bài viết góp phần làm sáng tỏ một lát cắt quan trọng trong tiến trình hình thành tư tưởng chính trị và xã hội của Ấn Độ đương đại.

2. Nội dung nghiên cứu

a. Khái quát chung về Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar

Thủ tướng Jawaharlal Nehru (1889 – 1964) xuất thân từ một gia đình trí thức giàu có và có truyền thống cách mạng tại Allahabad, Ấn Độ. Ngay từ nhỏ, ông đã được tiếp cận nền giáo dục phương Tây thông qua hệ thống gia sư người Anh. Giai đoạn du học tại Anh (1905 – 1912) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Nehru: ông tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên tại Trinity College, Đại học Cambridge và sau đó trở thành luật sư. Những trải nghiệm học thuật và văn hóa quốc tế không chỉ trang bị cho Nehru nền tảng tri thức vững chắc mà còn góp phần hình thành tư duy tiến bộ, kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống Ấn Độ và tinh hoa văn hóa phương Tây. Đây chính là nền tảng cho sự nghiệp chính trị sau này của ông. Trong vai trò nhà lãnh đạo, Thủ tướng Nehru đã dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh, đồng thời, xây dựng những cơ sở đầu tiên cho một Ấn Độ độc lập, tự cường và hiện đại. Vai trò lịch sử của ông không chỉ giới hạn trong công cuộc giải phóng dân tộc mà còn thể hiện qua việc thiết lập nền tảng chính trị, kinh tế và xã hội cho Nhà nước Ấn Độ đương đại.

TS. Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ra trong một gia đình thuộc cộng đồng Dalit – tầng lớp được coi là “không thể chạm tới” trong xã hội Ấn Độ truyền thống. Những trải nghiệm bị kỳ thị và phân biệt đối xử ngay từ thời thơ ấu đã hun đúc trong ông khát vọng mãnh liệt đấu tranh cho công bằng xã hội, trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp cải cách xã hội sau này. Vượt qua những rào cảnnghiệt ngã của hệ thống đẳng cấp, Ambedkar trở thành người Dalit đầu tiên tốt nghiệp Đại học Bombay (1912), đồng thời tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Hoa Kỳ và trở thành luật sư xuất thân từ tầng lớp Dalit. Cả cuộc đời Ambedkar gắn liền với phong trào đấu tranh chống lại chế độđẳng cấp, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng Dalit thông qua cải cách pháp lý và xã hội. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, xóa bỏ chế độ Khoti vốn bóc lột nông dân, thúc đẩy các quyền kinh tế, chính trị cho những nhóm xã hội yếu thế. Ambedkar được ghi nhận như là “kiến trúc sư” của Hiến pháp Ấn Độ và là một trong những nhà cải cách xã hội tiên phong, người truyền cảm hứng cho các phong trào đòi quyền bình đẳng trong lịch sử hiện đại Ấn Độ.

b. Một số điểm tương đồng trong quan điểm về giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng J.Nehru và Tiến sĩ B.R.Ambedkar.

Thứ nhất, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ

Jawaharlal Nehru là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Ấn Độ và cũng là lãnh tụ kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp xây dựng nền tảng vững chắc cho quốc gia non trẻ này. Trong quá trình kiến thiết đất nước, Nehru sớm nhận thức rõ thách thức mang tính sống còn: làm thế nào để thống nhất một quốc gia với sự đa dạng sâu sắc về sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Với tư tưởng tiến bộ, ông trở thành người tiên phong theo đuổi và khẳng định chủ nghĩa thế tục nhằm kiến tạo một xã hội trong đó tôn giáo được tách biệt khỏi chính trị, và mọi công dân đều được bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật.

Mặc dù xuất thân từ tầng lớp thượng lưu trong hệ thống đẳng cấp truyền thống, Nehru vẫn kiênđịnh tin rằng, trong một xã hội phức hợp như Ấn Độ – nơi các đẳng cấp, tín ngưỡng, cộng đồng, ngôn ngữ, văn hóa và phong tục đan xen lẫn nhau, chỉ có chủ nghĩa thế tục mới có thể tạo ra một không gian chung, một “chiếc ô” chung để mọi nhóm xã hội cùng chung sống hòa bình và phát triển. Ông không xem chủ nghĩa thế tục là sự phủ định hay đối kháng với bất kỳ dân tộc hay tôn giáo nào, mà trái lại, coi đó là sự tôn trọng tuyệt đối với mọi tín ngưỡng, là nền tảng cho một xã hội công bằng và khoan dung. 

Theo quan điểm của Nehru, nhà nước phải duy trì vị thế trung lập tuyệt đối đối với các vấn đề tôn giáo, đồng thời bảo vệ sự bình đẳng về quyền lợi cho mọi công dân, không phân biệt tín ngưỡng. Ông từng nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn gọi nhà nước mình là “thế tục”, dù từ này chưa thật sự chuẩn xác. Nhưng hiểu cho đúng, “thế tục” ở đây không có nghĩa là chống bỏ tôn giáo, mà là bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Cái chính là phải đạt được sự bình đẳng thực sự giữa mọi người. Một xã hội còn phân biệt đẳng cấp thì dù có tuyên bố thế tục cũng chỉ là hình thức mà thôi”2.

Mặc dù có xuất thân hoàn toàn khác biệt so với Jawaharlal Nehru song Ambedkar và Nehru đã gặp nhau ở một điểm chung cơ bản: khát vọng kiến tạo một Ấn Độ tự do và bình đẳng cho mọi công dân. Trong vai trò một học giả và nhà hoạt động xã hội, Ambedkar kiên định theo đuổi mô hình quốc gia nhân bản, đặt con người làm trung tâm, vượt lên trên mọi rào cản về đẳng cấp và tôn giáo. Ông dành cả cuộc đời mình để đấu tranh xóa bỏ hệ thống đẳng cấp vốn ăn sâu trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt là các bất công nhắm vào cộng đồng Dalit. Với sự thấu hiểu sâu sắc về những đau khổ mà các tầng lớp bị áp bức phải gánh chịu, Ambedkar tập trung vào việc bảo đảm quyền lợi và tăng cường sự tham gia bình đẳng của các nhóm yếu thế trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội.

Về mặt chính trị, Ambedkar nhấn mạnh sự cần thiết phải có đại diện đầy đủ cho cộng đồng Dalit và các tầng lớp lao động thiệt thòi, coi đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tiến tới thiết lập một xã hội công bằng thực sự. Ông cho rằng, chỉ thông qua tiếng nói chính trị độc lập, các nhóm yếu thế mới có thể bảo đảm được sự bình đẳng và phát triển bền vững. Vì vậy, tầm nhìn chính trị của Ambedkar tập trung vào việc xây dựng các cơ chế, thể chế nhằm trao quyền cho những cộng đồng bị thiệt thòi, từ đó thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và công bằng hóa xã hội Ấn Độ hiện đại.

Thứ hai, chú trọng vào giáo dục và pháp luật để thúc đẩy bình đẳng.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru nhận thức sâu sắc vai trò trung tâm của giáo dục trong việc cải tạo xã hội Ấn Độ, đặc biệt trong mục tiêu xóa bỏ hủ tục lạc hậu và tình trạng đói nghèo. Ông đã chủ trương đưa vào hệ thống giáo dục các chương trình đào tạo nghề thủ công nhằm vừa giải quyết vấn đề việc làm vừa củng cố mối liên kết giữa con người với di sản văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa3. Đồng thời, Nehru đặc biệt chú trọng phát triển tư duy khoa học, nhân cách và đời sống tinh thần thông qua việc thúc đẩy giáo dục văn hóa và nghệ thuật. Dưới sự khuyến khích của ông, nhiều tổ chức chuyên biệt trong lĩnh vực này đã được thành lập nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.

Một trong những trọng tâm cải cách của Nehru là trao quyền cho phụ nữ. Ông nhấn mạnh vai trò thiết yếu của giáo dục phụ nữ trong sự tiến bộ xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận giáo dục và tham gia vào các vị trí lãnh đạo. Nehru khẳng định rằng, các chương trình phát triển nông thôn và kế hoạch hóa gia đình chỉ có thể đạt được thành công thực chất khi phụ nữ nông thôn được giáo dục đầy đủ4. Bên cạnh đó, ông cũng ban hành nhiều chính sách xã hội hướng tới công bằng cho các địa phương còn lạc hậu, cũng như các cộng đồng bộ lạc và dân tộc thiểu số.

Trên cương vị Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập, Nehru không chỉ là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là người đặt nền móng cho một nhà nước thế tục, trong đó mọi công dân được đảm bảo quyền bình đẳng tuyệt đối, bất kể sự khác biệt về tôn giáo, đẳng cấp hay giới tính. Cùng với Quốc hội Ấn Độ, Thủ tướng Nehru đã thông qua Hiến pháp năm 1950 -bản tuyên ngôn về những giá trị nền tảng của quốc gia hiện đại. Hiến pháp này đã thiết lập một nền tảng vững chắc cho một xã hội dân chủ và công bằng, bảo vệ các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân Ấn Độ.

Theo quan điểm của tiến sĩ B.R. Ambedkar, chỉ khi các tầng lớp bị áp bức được bảo đảm những nhu cầu cơ bản như “cơm ăn áo mặc, con cái được học hành, được chăm sóc y tế và thụ hưởng các phúc lợi công cộng”5. Ông cho rằng, giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc trang bị cho con người sức mạnh để chống lại bệnh tật, đói nghèo, lạc hậu và bất công xã hội. Đặc biệt, Ambedkar nhận thức sâu sắc vai trò giải phóng của giáo dục đối với cộng đồng Dalit khỏi ách áp bức lịch sử. Với khẩu hiệu “Giáo dục – Đoàn kết – Đấu tranh”, ông đã định hướng cho cộng đồng yếu thế con đường đấu tranh vì tự do, công bằng và bình đẳng.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Lập pháp Bombay ngày 05/10/1927, Ambedkar nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với các tầng lớp yếu thế, coi đó là yếu tố thiết yếu vượt lên trên những lợi ích vật chất trước mắt. Ông khẳng định: “Sự tiến bộ của một cộng đồng phụ thuộc vào sự tiến bộ của họ trong giáo dục”6, đồng thời nhấn mạnh rằng, tri thức là nền tảng để kiến tạo một xã hội chủ nghĩa xã hội thực sự.

Với vai trò là một trong những kiến trúc sư chính của Hiến pháp Ấn Độ, Ambedkar đã đưa các nguyên tắc nhân quyền cơ bản vào hệ thống pháp luật quốc gia. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông là việc “hiến pháp hóa” quyền và lợi ích hợp pháp của tầng lớp Dalit trong xã hội Ấn Độ. Dưới sự dẫn dắt của Ambedkar, Hiến pháp Ấn Độ năm 1950 đã trở thành một văn kiện mang tính cách mạng, không chỉ bảo đảm quyền bình đẳng cho các đẳng cấp bị áp bức mà còn nghiêm cấm mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp, tôn giáo hoặc giới tính.

Tuy nhiên, đối với Ambedkar, thay đổi pháp luật chỉ là bước khởi đầu. Ông nhấn mạnh rằng,một xã hội thực sự công bằng chỉ có thể đạt được khi nhận thức cộng đồng được chuyển biến sâu sắc. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Ambedkar đã đặt nền móng cho một nước Ấn Độ hiện đại, nơi các giá trị nhân văn và bình đẳng được đề cao, và di sản tư tưởng của ông vẫn tiếp tục định hướng sự phát triển của quốc gia này cho đến ngày nay.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru và tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar đã cùng nhau đặt nền móng pháp lý cho Ấn Độ độc lập thông qua việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp năm 1950 – một văn kiện thấm đẫm tinh thần nhân văn. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thức sâu sắc rằng Hiến pháp không chỉ đóng vai trò là công cụ tổ chức và quản lý nhà nước, mà còn là phương tiện thiết yếu để thúc đẩy công bằng xã hội và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, Nehru và Ambedkar đều dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, coi đây là nhân tố then chốt nhằm nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục, xóa đói, giảm nghèo và kiến tạo một xã hội Ấn Độ văn minh, tiến bộ.                                         

c. Một số điểm khác biệt trong quan điểm về giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng J.Nehru và Tiến sĩ B.R.Ambedkar

Một là, cách tiếp cận vấn đề đẳng cấp và bất bình đẳng xã hội.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru xuất thân từ đẳng cấp Brahmin – tầng lớp có địa vị cao nhất trong hệ thống đẳng cấp xã hội Ấn Độ. Tuy nhiên, cha ông, Motilal Nehru, không phải là một tín đồ tôn giáo sùng đạo và cũng không đề cao các nghi thức, lễ nghi tôn giáo trong đời sống gia đình. Nhờ vậy, từ nhỏ Nehru đã có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng phương Tây, hình thành nên tư duy khoa học và cách tiếp cận đa chiều đối với các vấn đề tôn giáo. Ông không bị hấp dẫn bởi tôn giáo mang tính tổ chức, vốn thường gắn liền với những giáo điều cứng nhắc, mê tín dị đoan và sự phụ thuộc vào các yếu tố siêu nhiên.

Dù kiên quyết phê phán những hủ tục lạc hậu của tôn giáo và bất công do hệ thống đẳng cấp gây ra, Nehru cũng thừa nhận ảnh hưởng sâu sắc của nguồn gốc đẳng cấp đối với bản thân. Trong tác phẩm An Autobiography, ông viết: “Tôi sinh ra là một Brahmin và dường như tôi vẫn mãi là Brahmin, bất kể tôi nói gì hay làm gì liên quan đến tôn giáo hay phong tục xã hội”7. Điều này cho thấy, dù ý thức rõ sự bất công của chế độ đẳng cấp, Nehru vẫn không thể hoàn toàn thoát khỏi dấu ấn xã hội từ địa vị cao quý mà ông thừa hưởng.

Trong cách tiếp cận vấn đề đẳng cấp, Nehru không trực tiếp đề cập nhiều đến việc đấu tranh cho quyền lợi của các tầng lớp thấp kém, đặc biệt là cộng đồng Dalit – nhóm người bị coi là “không thể chạm tới”. Thay vào đó, ông chủ trương tạo dựng cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người. Nehru từng tuyên bố về việc trao quyền cho các nhóm yếu thế, trong đó có tầng lớp Dalit: “Không phải chỉ đem lại những cơ hội bình đẳng cho mọi người, mà còn là những cơ hội đặc biệt về sự phát triển giáo dục, kinh tế, văn hóa dành cho những nhóm chậm tiến cũng như làm cho họ có khả năng đuổi kịp những người đi trước họ”8. Tuy nhiên, Nehru không đề xuất các chương trình cụ thể nhằm bảo đảm thực thi các quyền lợi này, cũng như không đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm xóa bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng cấp. Quan điểm của Nehru về vấn đề đẳng cấp và nhóm người “không thể chạm tới” dường như vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ xuất thân Brahmin của ông.

Trái ngược với Jawaharlal Nehru, tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar đã tích cực đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi của tầng lớp “không thể chạm tới” (Dalit), với mục tiêu xóa bỏ hệ thống đẳng cấp bất công tại Ấn Độ. Sinh ra trong một gia đình Dalit, từ nhỏ Ambedkar đã phải chịu đựng sự kỳ thị đẳng cấp nghiệt ngã. Dù đạt được những thành tựu học vấn xuất sắc, ông vẫn không thể thoát khỏi nỗi đau do sự phân biệt đối xử sâu sắc gây ra. Chính trải nghiệm cá nhân ấy đã khiến Ambedkar nhận thức rằng, hệ thống đẳng cấp là rào cản lớn đối với sự phát triển quốc gia và sự hòa hợp giữa các cộng đồng dân cư. Theo ông, việc xóa bỏ phân biệt đẳng cấp và tiến hành cải cách xã hội sâu rộng là điều kiện tiên quyết để đạt được sự thay đổi chính trị thực chất.

Với vai trò là kiến trúc sư chính của Hiến pháp Ấn Độ, Ambedkar đã đề xuất nhiều quy định pháp lý nhằm bảo đảm công bằng chính trị cho tầng lớp Dalit. Ông lập luận rằng, quyền tự do cá nhân phải được bảo vệ trước “sự xâm phạm của các cá nhân khác”9, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động của nhà nước trong việc bảo vệ những cộng đồng bị áp bức. Song song với hoạt động Lập Hiến, Ambedkar còn nỗ lực thực hiện các cải cách xã hội nhằm cải thiện đời sống của các tầng lớp yếu thế. Ông đề xuất các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và mở rộng cơ hội phát triển cho người Dalit, bao gồm việc cấp học bổng và bảo đảm quyền được giáo dục miễn phí và bắt buộc.

Không chỉ quan tâm đến việc nâng cao điều kiện sống vật chất, Ambedkar còn mong muốn giải phóng cộng đồng Dalit khỏi những ảo tưởng tôn giáo và niềm tin mù quáng vào thế giới bên kia. Theo ông, con đường duy nhất để thoát khỏi cuộc sống cơ cực là thông qua đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế và chính trị. Tại một Hội nghị năm 1932, Ambedkar đã khẳng định quyết tâm của mình: “Hiện tại, tôi là kẻ bị ghét nhất ở Ấn Độ theo Ấn giáo. Người ta gọi tôi là kẻ phản bội, kẻ thù của người Hindu, kẻ hủy diệt đạo Hindu, và là mối nguy lớn nhất của đất nước… cũng chẳng sao – tôi không cần sự tán thành của họ. Điều khiến tôi mãn nguyện là các tầng lớp cùng khổ vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh của tôi. Tôi thề sẽ sống chết vì những con người bị chà đạp ấy – nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó”10. Thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, tiến sĩ Ambedkar đã khẳng định vai trò lịch sử của mình như một trong những người đấu tranh kiên định nhất cho quyền lợi của các tầng lớp thấp kém trong xã hội Ấn Độ.

Hai là, khác biệt trong quan điểm về tôn giáo và xã hội thế tục.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru tiếp cận tôn giáo từ góc độ của một nhà tư tưởng khoa học, nhấn mạnh tính logic và khách quan trong quá trình phân tích các hiện tượng tôn giáo. Ông lý giải những biến chuyển của tôn giáo dựa trên các nguyên tắc khoa học, luôn đặt vấn đề và tìm kiếm lời giải đáp thông qua lập luận chặt chẽ. Mặc dù, không phải là người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tôn giáo, Nehru vẫn nhận thức rõ vai trò thiết yếu của niềm tin trong việc định hướng cuộc sống của con người. Ông cho rằng con người cần có niềm tin vào một giá trị nào đó, bởi thiếu vắng niềm tin, cuộc sống sẽ trở nên mất phương hướng và thiếu mục tiêu.

Thủ tướng Nehru chỉ trích mạnh mẽ những hình thức tôn giáo hẹp hòi và giáo điều, những hệ thống tín ngưỡng cổ vũ cho thuyết định mệnh và thái độ cam chịu hoàn cảnh. Ông chỉ ra những hạn chế của tôn giáo khi khẳng định: “Tôn giáo tạo ra sự hẹp hòi và sự cố chấp, tính cả tin và mê tín. Nó có xu hướng khép kín và hạn chế trí tuệ con người và tạo ra một tâm trạng của một con người phụ thuộc và nô lệ”11. Dù không phủ nhận vai trò của tôn giáo trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, Nehru vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một xã hội dựa trên các nguyên tắc khoa học, dân chủ và tiến bộ. Từ quan điểm này, Nehru kiên định theo đuổi lập trường tách biệt tôn giáo khỏi đời sống chính trị, coi đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự phát triển của một nhà nước Ấn Độ thế tục, hiện đại và công bằng.

Trong khi tiến sĩ Jawaharlal Nehru tiếp cận tôn giáo từ lăng kính khoa học, B.R. Ambedkar lại nhìn nhận tôn giáo như một thực thể hai mặt: vừa có thể là công cụ áp bức, vừa có thể trở thành phương tiện giải phóng con người, tùy thuộc vào cách lý giải và vận dụng trong thực tiễn. Ambedkar thể hiện sự phê phán sâu sắc đối với Ấn Độ giáo, đặc biệt là đối với hệ thống đẳng cấp và các hủ tục tôn giáo mà ông cho là biểu hiện rõ rệt của sự bất bình đẳng xã hội. Ông tin rằng, việc xóa bỏ hệ thống đẳng cấp không thể thực hiện được nếu không phá vỡ các quan niệm tôn giáo vốn làm nền tảng cho sự phân biệt này12.

Tiến sĩ Ambedkar nhấn mạnh rằng, sự pha trộn giữa tôn giáo và chính trị có nguy cơ tạo ra một cấu trúc xã hội bất công, đồng thời phê phán Ấn Độ giáo vì đã sử dụng đẳng cấp như một cơ sở để hợp thức hóa sự bất công. Dù phải đối mặt với nhiều chỉ trích, bị cáo buộc là “phản bội tôn giáo”, Ambedkar vẫn kiên định lập trường khi tuyên bố: “Chủ nghĩa dân tộc nào mà loại trừ hàng triệu người thuộc tầng lớp cùng khổ (Dalit) thì không đáng được gọi là dân tộc”13.

Tuy vậy, Ambedkar cũng chứng minh rằng tôn giáo có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho sự giải phóng (ủng hộ Phật giáo, quyền phụ nữ và người lao động…). Để hiện thực hóa điều này, ông đã thực hiện một quyết định mang tính bước ngoặt: cải đạo sang Phật giáo. Hành động cải đạo của Ambedkar không chỉ là sự lựa chọn cá nhân mà còn khởi phát một phong trào xã hội sâu rộng, tạo nên làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong cộng đồng Dalit. Theo ghi nhận, “vào ngày 14/10/1956, Ambedkar cùng 380.000 người ủng hộ đã tiến hành nghi lễ Diksha (nhập môn) tại Nagpur và chính thức quy y Phật giáo”14.

Ba là, khác biệt trong phương thức giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Trong quá trình định hình chính sách dân tộc và tôn giáo tại Ấn Độ, Thủ tướng J. Nehru và Tiến sĩ B.R. Ambedkar đã thể hiện những cách tiếp cận khác biệt mang tính chiến lược và tư tưởng sâu sắc. Nehru lựa chọn mô hình xây dựng một quốc gia thống nhất trên nền tảng thế tục, nơi Hiến pháp giữ vai trò bảo vệ quyền bình đẳng cho mọi công dân, bất kể sắc tộc, tôn giáo hay đẳng cấp. Tôn giáo và dân tộc, theo Nehru, cần được tôn trọng như những yếu tố văn hóa, nhưng không được phép chi phối các chính sách quốc gia. Quan điểm này phản ánh tư duy chính trị thực tiễn của Nehru trong bối cảnh một quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc, nhằm tránh nguy cơ chia rẽ và xung đột nội bộ. Ông đề cao việc xây dựng một nhà nước hiện đại dựa trên các giá trị dân chủ, khoa học và lý tính, qua đó đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững cho Ấn Độ.

Ngược lại, Ambedkar tiếp cận vấn đề dân tộc và tôn giáo từ một lập trường triệt để hơn, nhấn mạnh yêu cầu cải biến sâu sắc các cấu trúc xã hội và tôn giáo truyền thống. Ông không chỉ tìm kiếm sự hòa hợp hình thức giữa các cộng đồng, mà còn hướng tới việc tái cấu trúc xã hội để xóa bỏ hoàn toàn sự bất công gắn liền với chế độ đẳng cấp. Ambedkar đặc biệt quan tâm đến quyền tự do và giải phóng thực chất cho các nhóm bị áp bức, nhất là cộng đồng Dalit, thông qua việc đoạn tuyệt với những hệ thống tín ngưỡng và thiết chế xã hội vốn duy trì tình trạng kỳ thị và bất bình đẳng. Cách tiếp cận của Ambedkar do đó không dừng lại ở việc đảm bảo quyền lợi chính trị bề mặt, mà còn nhằm thay đổi tận gốc các điều kiện xã hội đã duy trì bất công trong suốt nhiều thế kỷ.

Sự khác biệt giữa Thủ tướng Nehru và tiến sĩ Ambedkar không chỉ phản ánh hai quan điểm chính trị khác nhau, mà còn cho thấy sự đa chiều trong quá trình tìm kiếm mô hình xây dựng quốc gia tại Ấn Độ hậu thuộc địa: một bên ưu tiên sự đoàn kết dân tộc và ổn định quốc gia, bên kia kiên trì theo đuổi công bằng xã hội và giải phóng các nhóm bị áp bức.

Bốn là, khác biệt trong quan điểm về cải cách xã hội.

Thủ tướng Nehru lựa chọn phương thức cải cách từ trên xuống, đặt niềm tin vào vai trò của Nhà nước và Hiến pháp như những công cụ chủ đạo để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Ông tập trung vào việc xây dựng một nền tảng xã hội công bằng hơn thông qua các chính sách giáo dục, phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội, trong khi vẫn duy trì những cấu trúc xã hội truyền thống ở mức độ nhất định nhằm bảo đảm sự ổn định quốc gia. Cách tiếp cận này cho thấy Nehru ưu tiên tiến trình cải cách tuần tự, có kiểm soát, thay vì tiến hành những thay đổi mang tính phá vỡ.

Ngược lại, tiến sĩ Ambedkar khẳng định rằng, việc cải cách chỉ thông qua các biện pháp chính trị hoặc kinh tế là không đủ. Ông nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện một cuộc chuyển biến căn bản trong cấu trúc xã hội và tôn giáo để giải phóng các nhóm bị áp bức, đặc biệt là cộng đồng Dalit. Đối với Ambedkar, tôn giáo không chỉ đơn thuần là lĩnh vực tín ngưỡng cá nhân mà còn là một thiết chế xã hội có khả năng duy trì hoặc giải phóng sự bất bình đẳng. Việc ông lựa chọn cải đạo sang Phật giáo cùng với hàng trăm ngàn người Dalit là một hành động mang tính biểu tượng và thực tiễn nhằm phá vỡ hệ thống phân biệt đẳng cấp cố hữu. Cách tiếp cận của Ambedkar, do đó, nhấn mạnh cải cách tận gốc, đòi hỏi sự tái cấu trúc toàn diện cả về chính trị, xã hội lẫn tôn giáo.

Sự đối lập này giữa Thủ tướng Nehru và tiến sĩ Ambedkar phản ánh hai quan niệm về tiến trình thay đổi xã hội: một bên đặt niềm tin vào sự cải biến từ trên xuống thông qua thể chế; bên kiakêu gọi một cuộc cách mạng xã hội sâu rộng từ gốc rễ để thiết lập công bằng thực chất.

Như vậy, sự khác biệt giữa Thủ tướng Nehru và tiến sĩ Ambedkar trong việc giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo chủ yếu nằm ở cách tiếp cận và mục tiêu giải quyết vấn đề. Nehru coi trọng sự hòa hợp, đoàn kết trong đa dạng, trong khi Ambedkar tập trung vào việc giải phóng các nhóm bị áp bức và xóa bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng cấp. Những khác biệt này phản ánh sự phân kỳ trong cách thức xây dựng một xã hội công bằng, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự đa dạng trong các phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề xã hội ở Ấn Độ.

d. Ảnh hưởng tới việc giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo tại Ấn Độ 

Quan điểm của Thủ tướng Jawaharlal Nehru và Tiến sĩ B.R. Ambedkar về vấn đề dân tộc và tôn giáo đã để lại những ảnh hưởng sâu rộng trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo tại Ấn Độ hiện nay. Thủ tướng Nehru, với quan điểm về quốc gia thống nhất và nền tảng pháp lý dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đã đặt nền móng cho một xã hội đa dạng nhưng đồng nhất, nơi mà sự trung lập và công bằng tôn trọng tất cả các nhóm dân tộc và tôn giáo. Chính sách của ông đã giúp xây dựng một Ấn Độ thế tục, nơi quyền tự do tôn giáo và dân tộc được bảo vệ, đồng thời tạo ra những cơ chế pháp lý và hành chính nhằm duy trì sự ổn định chính trị và xã hội. Trong khi đó, tiến sĩ Ambedkar, với việc đấu tranh cho quyền lợi của tầng lớp Dalit và chỉ trích hệ thống đẳng cấp, đã thúc đẩy các cải cách xã hội triệt để nhằm xóa bỏ sự phân biệt và bất công, đặc biệt trong mối quan hệ giữa các tôn giáo và đẳng cấp. Tư tưởng của ông, đặc biệt là trong việc khẳng định quyền bình đẳng và quyền tự do tôn giáo, tiếp tục ảnh hưởng đến chính sách xã hội của Ấn Độ, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự tham gia chính trị của các nhóm yếu thế và các cộng đồng thiểu số. Những tư tưởng này vẫn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một Ấn Độ hiện đại, nơi mà quyền lợi của các cộng đồng dân tộc và tôn giáo được bảo vệ và tôn trọng, đồng thời góp phần vào việc duy trì sự hòa hợp và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ nhất, tạo cơ hội bảo đảm quyền của dân tộc thiểu số ở Ấn Độ.

Nhà nước Ấn Độ đã chủ động thiết lập các cơ chế và chính sách nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính trị cho các dân tộc thiểu số, qua đó góp phần cân bằng quan hệ xã hội, giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn và duy trì sự ổn định quốc gia. Các chính sách này thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các bộ lạc tham gia tích cực vào đời sống chính trị quốc gia. Nhà nước Ấn Độ đặc biệt chú trọng bảo đảm sự bình đẳng toàn diện trên các phương diện tôn giáo, chính trị, việc làm, văn hóa và giáo dục.

Điều 14 Hiến pháp Ấn Độ quy định rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật trong lãnh thổ Ấn Độ. Nhà nước không được phủ nhận quyền bảo vệ bình đẳng của bất kỳ cá nhân nào trước pháp luật”. Trong lĩnh vực việc làm, các dân tộc thiểu số được bảo đảm tỷ lệ tuyển dụng nhất định vào các cơ quan chính phủ, căn cứ vào tỷ lệ dân số bộ lạc so với tổng dân số quốc gia. Chính phủ cũng quy định hạn ngạch riêng trong các kỳ thi thăng chức dành cho người thuộc các bộ lạc, nhằm khắc phục những bất lợi lịch sử trong tiếp cận cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra, người dân bộ lạc được bảo đảm một số ghế nhất định tại Hạ viện và Hội đồng Nhà nước, qua đó thúc đẩy sự tham gia chính trị và nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề xã hội.

Điều 16 Hiến pháp Ấn Độ khẳng định: “Mọi công dân đều có quyền bình đẳng về cơ hội việc làm, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp, giới tính hay nơi sinh”. Những quy định này không chỉ mang ý nghĩa đạo đức mà còn có giá trị kinh tế – xã hội sâu sắc, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển cá nhân, giảm thiểu căng thẳng xã hội và góp phần củng cố sự ổn định quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn nhằm cải thiện điều kiện sống của các dân tộc thiểu số. Các chính sách khai thác tài nguyên hợp lý cũng được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Nhà nước Ấn Độ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng và xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ hơn.

Thứ hai, tạo nền tảng cho bình đẳng tôn giáo ở Ấn Độ.

Hiến pháp Ấn Độ thiết lập một khuôn khổ pháp lý vững chắc, khẳng định nguyên tắc bình đẳng tuyệt đối giữa các tôn giáo, đồng thời yêu cầu Nhà nước duy trì sự trung lập và khách quan, không được thiên vị đối với bất kỳ tín ngưỡng nào. Trong bối cảnh Ấn Độ hiện đại, những nguyên tắc này đã trở thành nền tảng để xây dựng một xã hội đa dạng nhưng thống nhất. Điều 15 Hiến pháp Ấn Độ cụ thể hóa quyền bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng, từ hệ thống y tế và giáo dục cho đến các cơ sở thương mại, địa điểm giải trí và tài nguyên công cộng. Nguyên tắc này được áp dụng một cách toàn diện trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực tuyển dụng và bổ nhiệm vào bộ máy công quyền, nhằm tạo ra một cơ chế công bằng dựa trên năng lực;không phải tín ngưỡng hay nguồn gốc xuất thân.

Quá trình phát triển Hiến pháp Ấn Độ thể hiện rõ tư duy tiến bộ thông qua các sửa đổi liên tục, nhằm tăng cường sự đại diện của các nhóm yếu thế trong xã hội. Cụ thể, những sửa đổi này đã mở rộng đáng kể số ghế dành riêng cho các đẳng cấp thấp và bộ lạc thiểu số trong Quốc hội và các hội đồng bang. Các thay đổi này không chỉ phản ánh sự điều chỉnh về mặt số lượng mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về một xã hội công bằng, nơi mọi thành phần đều có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định quốc gia.

Thứ ba, tạo nền tảng cho giáo dục phát triển.

Thủ tướng Jawaharlal Nehru và tiến sĩ B.R. Ambedkar đều coi giáo dục là một công cụ mạnh mẽ nhất trong việc giải phóng con người khỏi đói nghèo. Do đó, cả hai nhà cải cách này đặc biệt chú trọng đến việc phát triển giáo dục, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của người phụ nữ. Đối với Ambedkar, ông khẳng định mạnh mẽ rằng chỉ khi được trang bị tri thức, người Dalit mới có thể tự giải phóng mình khỏi sự nô lệ tinh thần, vươn lên và khẳng định vị thế trong xã hội. Những nỗ lực không ngừng của ông trong việc cải cách giáo dục đã mang lại những chuyển biến lịch sử, mở ra cánh cửa tri thức cho hàng triệu người thuộc tầng lớp cùng khổ.

Với tư cách là người soạn thảo chính của Hiến pháp, Ambedkar đã khéo léo lồng ghép tầm nhìn giáo dục cách mạng của mình vào Điều 29, trong đó quy định: (1) Mọi nhóm công dân có ngôn ngữ, chữ viết hoặc văn hóa riêng biệt đều có quyền bảo tồn di sản văn hóa của mình, (2) Không công dân nào bị từ chối quyền nhập học vào bất kỳ cơ sở giáo dục công lập nào vì lý do tôn giáo, chủng tộc, đẳng cấp hay ngôn ngữ”15. Tầm nhìn giáo dục của Ambedkar vượt xa khỏi khuôn khổ của một chính sách xã hội thông thường. Ông xem giáo dục là phương tiện tối thượng để xây dựng một xã hội công bằng thực sự, nơi mỗi cá nhân, bất kể xuất thân, đều có cơ hội phát triển toàn diện.

Di sản giáo dục mà Ambedkar và Nehru để lại không chỉ làm thay đổi hệ thống giáo dục Ấn Độ đương thời, mà còn trở thành kim chỉ nam cho các chính sách giáo dục bao trùm hiện nay, tiếp tục trao quyền cho những nhóm yếu thế trong xã hội.

3. Kết luận

Di sản mà Thủ tướng Nehru và tiến sĩ Ambedkar để lại vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách dân tộc, tôn giáo và các vấn đề xã hội tại Ấn Độ, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nền tảng pháp lý, giáo dục và công bằng xã hội của quốc gia. Sự kết hợp giữa quan điểm của các ông đã tạo nên một hệ thống chính trị và xã hội có tính bao trùm, phản ánh nỗ lực không ngừng để thúc đẩy hòa bình, công lý và sự thịnh vượng cho tất cả các tầng lớp trong xã hội Ấn Độ.

Chú thích:
1.  Ấn Độ. https://vi.wikipedia.org. Truy cập ngày 12/4/2025.
2. Singh, R & Singh, K. (2011). Secularism in India: Challenges and its Future. The Indian Journal of Political Science, 72 (2), pp. 503. 
3. Navjot, K. (2019). Relevance of Educational philosophy of  Pandit Jawaharlal Nehru in Modern India. Journal of Emerging Technologies and Innovative Research, 6 (5), pp. 78. 
4. Shaikh, K. (2022). Nehru’s  Contribution to the Indian education system. Asian Journal of Science and Technology, 11 (08), pp. 12175.
5, 6. Ambedkar, B, (2020). Dr. Babasaheb Ambedkar: Writings and Speeches (Volume No.17-Part Three, Third Re-Printed) (ed. by Hari Narake, N.G. Kamble, M.L. Kasare, Ashok Godghate), Ministry of Social Justice & Empowerment-Govt.  New Delhi, pp. 83, 395.
7. Nehru, J. (2004). An Autobiography. Penguin Books India, New Delhi, pp. 126. 
8, 11. Nehru, J. (1990). Phát hiện Ấn Độ – Tập 3. (Phạm Thủy Ba, Lê Ngọc, Hoàng Túy và Nguyên Tâm dịch). H. NXB Văn học, tr.196, 180. 
9. Ambedkar, B. (2020). Dr. Babasaheb Ambedkar: writings and speeches vol. 1 (In V. Moon (Ed.)(Third Re-Printed). Dr. Ambedkar Foundation, Govt. of India., New Delhi, pp. 409.
10. Ambedkar, B. (2020). Dr. Babasaheb Ambedkar: Writings and Speeches (Volume No.17-Part Three, Third Re-Printed) (ed. by Hari Narake, N.G. Kamble, M.L. Kasare, Ashok Godghate), Ministry of Social Justice & Empowerment-Govt.  New Delhi, pp.81.
12. Lê Thị Hằng Nga (2022). B.R.Ambedkar – Người xây dựng Ấn Độ hiện đại. H. NXB Khoa học Xã hội, tr. 68.
13. Ambedkar’s rethinking of religion. https://www.forwardpress.in/2017/05/ambedkars-rethinking-of-religion./
14. Đỗ Thu Hà (2015). Dalit và phong trào cải giáo ở Ấn Độ thế kỷ XIX – XX (Phần cuối).Nghiên cứu Tôn giáo, 7 (145), tr. 24. 
15. Government of India (2024). The Constitution of India. Legislative Department.