ThS. Đào Thu Huyền
Trường Đại học Công đoàn
(Quanlynhanuoc.vn) – Cán bộ và công tác cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người không chỉ đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, thiết thực về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ mà còn chỉ ra những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ, công tác cán bộ, phòng chống tiêu cực.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ
Ngay từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra những quan điểm về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng về phòng, chống tiêu cực của Người được thể hiện qua các tác phẩm, bài phát biểu cũng như qua thực tiễn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông qua chính tấm gương thực hành của Người. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ biểu hiện của tiêu cực; vạch ra nguyên nhân; tác hại khôn lường và các biện pháp để đấu tranh phòng chống, đẩy lùi “căn bệnh” này.
Tiêu cực là khái niệm rộng dùng để chỉ mọi “thói hư, tật xấu” diễn ra trong xã hội nói chung và trong những “ông quan cách mạng” nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có khoảng 40 lần nói về tiêu cực không chỉ trong đội ngũ cán bộ mà cả trong công tác cán bộ. Qua khảo nghiệm các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy, Người đã chỉ rõ những biểu hiện tiêu cực ở một số khâu quan trọng trong công tác cán bộ:
Một là, những biểu hiện tiêu cực trong “dùng người”, bố trí, sử dụng cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề sử dụng cán bộ là một nội dung căn bản trong công tác cán bộ của Đảng. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta. Tư tưởng về dùng người của Hồ Chí Minh được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” khi Người nhắc nhở: “Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”1. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực trong dùng cán bộ. Đó là: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”2. Đây là những tiêu cực phổ biến trong công tác cán bộ mà bất cứ cơ quan, tổ chức nào cũng có thể mắc phải. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những sai lầm, khuyết điểm đó không những để lãng phí người tài mà còn là cội nguồn sinh ra mất đoàn kết, cục bộ, bè phái.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phê bình những biểu hiện không biết tùy tài mà dùng người; đồng thời, phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh” trong công tác cán bộ. Theo Người, tệ này phát sinh từ tệ bè phái, ai hợp với mình thì cho dù người xấu cũng cho là người tốt, việc dở cũng cho là việc hay rồi che đậy cho nhau, ủng hộ nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là việc dở rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Hậu quả của tình trạng này sẽ làm cho quyền lực nhà nước không được kiểm soát, không phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc mà rơi vào tay số ít người.
Không chỉ có vậy, người còn chỉ ra một trong những biểu hiện tiêu cực trong bố trí, sử dụng cán bộ là “bệnh phiến diện”. Điều đó bắt nguồn từ việc khi xem xét cán bộ không xem toàn diện năng lực, sở trường, các mối quan hệ để đặt công việc cho phù hợp, hay sử dụng cán bộ mà không dựa trên năng lực của người đó. Những bệnh này không chỉ làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng mà còn làm tổn hại đến danh dự của người lãnh đạo; làm hiệu quả công việc ngày càng đi xuống, dẫn đến tình trạng mất kiểm soát quyền lực. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu trong cách dùng cán bộ cần có lòng rộng lượng, sáng suốt, có thái độ vui vẻ, thân thiện để thu hút được nhiều người tài bởi “khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Hai là, những biểu hiện tiêu cực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và yêu cầu công việc này cần được tiến hành thường xuyên để giúp cho cán bộ khắc phục được bệnh “thiếu lý luận”, “thiếu chuyên môn” hoặc “bệnh kinh nghiệm”.
Người coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “công việc gốc của Đảng”. Người thường phê bình lối đào tạo, bồi dưỡng xa rời thực tế, mang tính hình thức, nên đã yêu cầu khi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ cần “Phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì, học việc ấy”3, nghĩa là việc học phải thiết thực, phải gắn với công việc, nhiệm vụ mới có thể phát huy được tác dụng. Người còn đưa ra một số ví dụ cụ thể để nhắc nhở, phê bình những tiêu cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xa rời thực tế: “Việc huấn luyện chuyên môn cho cán bộ cần tránh bệnh hình thức, sáo rỗng và phải bảo đảm hai yêu cầu: (1) Điều tra: tình hình có quan hệ với công tác của mình. Thí dụ, môn quân sự thì điều tra, phân tách, nghiên cứu rõ ràng tình hình của địch, của bạn, của ta, chọn những điểm chính làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ. (2) Nghiên cứu những chính sách, chỉ thị, nghị quyết. Thí dụ: cán bộ về môn tài chính phải hiểu rõ chính sách tài chính và những nghị quyết tài chính của Chính phủ”4.
Ba là, những biểu hiện tiêu cực trong xem xét, đánh giá cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc đánh giá cán bộ, bởi nếu xem xét, đánh giá đúng cán bộ, một mặt, có thể tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác, những người yếu kém sẽ lòi ra. Điều này sẽ giúp cán bộ khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân, làm quyền. Người chỉ rõ nhiều tổ chức hay mắc phải bệnh chủ quan, thiếu chính xác trong xem xét, đánh giá cán bộ: “Từ trước đến nay, Đảng ta chưa thực hành cách xem xét cán bộ. Đó là một khuyết điểm to. Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”5. Người luôn nhắc nhở những người được giao nhiệm vụ đánh giá cán bộ phải tránh được những tiêu cực, như chủ quan, cá nhân; đồng thời cũng phải “tự biết mình”, “tự sửa mình trước” để “Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”6. Người quan niệm, có làm được như vậy thì mới tránh được những tiêu cực trong công tác cán bộ như: “1. Tự cao tự đại; 2. Ưa người ta nịnh mình; 3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”7. Đây là cách thức hiệu quả giúp cho việc lựa chọn cán bộ tránh được những tiêu cực như tùy tiện, cá nhân chủ nghĩa, lạm dụng quyền lực. Ngoài ra, Người cũng nhắc nhở cần phải tránh sự tùy tiện trong đánh giá cán bộ. Muốn vậy, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải toàn diện cả về ưu, khuyết điểm, cả lịch sử cán bộ, giúp cán bộ vừa phát huy được ưu điểm, vừa khắc phục được hạn chế bởi “Người ở đời ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu của họ”8.
Bốn là, những biểu hiện tiêu cực trong xem xét, “cất nhắc”, đãi ngộ cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, phải xem xét thật kỹ trước khi đề bạt cán bộ, sau khi đề bạt, phải theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra cán bộ đó, tránh tình trạng “bỏ rơi” cán bộ hoặc xem xét không khách quan, công tâm. Người nhấn mạnh: “Cất nhắc cán bộ phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”9. Người phê bình những người mắc “bệnh mù mờ” khi cất nhắc cán bộ, “bệnh” đó hoặc là do thiếu hiểu biết, hoặc là do có chủ đích cá nhân nên cân nhắc cán bộ không đúng: “Trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị cất nhắc lên, thả xuống ba lần như thế thì hỏng cả đời”10. Đây là một ví dụ rất cụ thể, sinh động về những hậu quả của những tiêu cực trong xem xét, “cất nhắc” cán bộ.
Năm là, những biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ.
Kiểm tra, giám sát và kỷ luật cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Theo Người công tác kiểm tra, giám sát cán bộ góp phần phát hiện, giúp đỡ cán bộ, cơ quan nhà nước sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, từ đó thực thi hiệu quả trách nhiệm của mình. Người nêu rõ: “Có kiểm tra, giám sát mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”11. Người phê bình lối kiểm tra hình thức hay “kiểm tra cho lấy có”, tiến hành qua loa hoặc lợi dụng kiểm tra để moi móc, quấy rối, vòi vĩnh. Từ đó người yêu cầu phải “kiểm tra khéo” vì: “Kiểm tra khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”12.
Đối với hoạt động giám sát cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở và phê bình kiểu “giám sát một chiều”, nghĩa là chỉ tiến hành giám sát từ phía lãnh đạo đến cấp dưới; hoặc giám sát kiểu “quan liêu” – nghĩa là chỉ nghe qua báo cáo, làm qua loa, hình thức. Người yêu cầu giám sát phải được tiến hành đồng thời cả hai mặt, mặt thứ nhất là từ lãnh đạo đối với cấp dưới theo nguyên tắc “Cấp dưới cần phải báo cáo, cấp trên cần phải kiểm soát”13; mặt thứ hai, là từ quần chúng nhân dân đối với cơ quan nhà nước, với cán bộ bởi “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”14.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trong việc kỷ luật cán bộ và yêu cầu cần phải “kỷ luật nghiêm minh” đối với những cán bộ sai phạm. Người chỉ rõ: “Kỷ luật nghiêm để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân”15. Người phê bình lối kỷ luật mang tính hình thức, không đủ sức răn đe khiến cán bộ “khinh nhờn” các quy định và pháp luật. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ với nhân dân, không có uy tín trong quần chún, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước thì phải xem xét kỷ luật thật nghiêm theo tinh thần “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì”16.
Có thể nhận thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến những biểu hiện tiêu cực của nhiều khâu trong công tác cán bộ, như: bố trí, sử dụng cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xem xét, đánh giá cán bộ; xem xét, cất nhắc cán bộ; kiểm tra, giám sát, kỷ luật cán bộ… Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ và rất coi trọng việc phòng, chống những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.
2. Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay
Qua gần 40 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, nhờ kiên trì tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trí tuệ, bản lĩnh và năng lực cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc tiếp tục vươn xa. Cùng với đó, Đảng ta không ngừng đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong đó, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tiêu cực đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng, hoàn thiện những quy định, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, hình thành nên hệ thống quan điểm chỉ đạo toàn diện, sâu sắc.
Từ tổng kết thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”17. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII) tiếp tục khẳng định tình trạng suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, coi đây là “một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Trước yêu cầu của thực tiễn, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên liên quan đến phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó trọng tâm là kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Đảng ta chỉ rõ: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”18.
Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, đề cập đến ba nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, đó là: nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền và nhóm các hành vi tiêu cực khác. Trong nhóm hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, Quy định số 114-QĐ/TW đã chỉ rõ các hành vi cụ thể, như: dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình; hay hành vi để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ; rồi hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ…
Đối với nhóm hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định số 114-QĐ/TW đề cập cụ thể đến các hành vi như trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi… Bên cạnh đó, các hành vi tiêu cực khác cũng được chỉ ra, điển hình như gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; hành vi thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý…
Cùng với Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực, Quy định số 114-QĐ/TW đã đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện hơn, sâu sắc hơn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng việc bổ sung quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nếu như việc triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn thao túng trong công tác cán bộ, thì việc cụ thể hóa các hành vi vi phạm trong công tác cán bộ trong Quy định số 114-QĐ/TW giúp nhận diện rõ ràng hơn; việc ngăn chặn, phòng chống hiệu quả hơn và quá trình xử lý vi phạm sẽ thuận lợi hơn. Điều này cho thấy quyết tâm ngày càng cao của Đảng trong việc đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Như vậy, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ để xây dựng thành các chỉ thị, nghị quyết, quy định và được cụ thể hóa bằng hệ thống pháp luật của Nhà nước, như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự… Cùng với đó, các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ được quan tâm, chú trọng, từng bước gắn quy hoạch chức danh với việc bố trí, sử dụng cán bộ.
Thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy chế về công tác cán bộ theo thẩm quyền; quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân, quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong từng khâu về công tác cán bộ. Đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ đã có sự tiến bộ, chuyển biến tích cực về nhiều mặt, đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; trình độ, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn được nâng lên; khắc phục, giảm thiểu được những tiêu cực trong thực thi công vụ, được Nhân dân và dư luận xã hội đánh giá cao. Những kết quả đó cho thấy ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ đối với Việt Nam hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ chính là những chỉ dẫn rất cụ thể, sát thực để Đảng ta đưa ra những biện pháp, cách thức về phòng, chống những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong bối cảnh đất nước đang có những chuyển đổi mang tính cách mạng, trong đó trọng tâm là tinh gọn tổ chức bộ máy, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn chính là “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo tiền đề vững chắc để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới.
Chú thích:
1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 310; .309; 310; 314; 317; 317; 318; 319; 322; 636; 327; 300; 314.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.314.
15. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.31
16. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.126
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI). H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr.22
18. Bộ Chính trị (2018). Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.