Vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tin giả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội

ThS. Hà Ánh Bình
Báo Pháp luật Việt Nam
GS.TS. Nguyễn Quý Thanh
TS. Lữ Thị Mai Oanh
Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Báo chí chính thống là lực lượng then chốt trong đấu tranh chống tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh. Trước sự lan truyền nhanh chóng của tin giả chính trị, báo chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: cung cấp thông tin chính xác, đính chính kịp thời, xây dựng chiến lược truyền thông chủ động, nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm công dân số. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, báo chí cần phát huy vai trò là “chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng”; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng nhằm xây dựng không gian thông tin lành mạnh, giữ vững ổn định chính trị và niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Từ khóa: Tin giả; báo chí đấu tranh chống tin giả; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền thông xã hội.

1. Đặt vấn đề 

Phương tiện truyền thông xã hội là nền tảng giao tiếp trực tuyến cho phép người dùng kết nối các thiết bị kỹ thuật số cá nhân (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng…) để sử dụng các tính năng, như: nhắn tin, viết blog, thăm dò ý kiến, chủ đề thảo luận, hình ảnh, video và âm thanh để chia sẻ thông tin, ý tưởng, suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một chủ đề cụ thể. Do tính năng linh hoạt, truyền thông xã hội được xem như kênh chính để liên lạc ở cấp độ cá nhân với sự trợ giúp của các trang web, ứng dụng mạng xã hội, như: Facebook, Twitter, LinkedIn, Snapchat (Khan và cộng sự – cs, 2019)1. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, thanh niên phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để tiếp nhận thông tin và thường xem được tin tức khi lướt qua các nguồn cung cấp dữ liệu của họ (Boczkowski và cộng sự, 2017)2. Tuy nhiên, mạng xã hội có một số hạn chế lớn như lan truyền thông tin không chính xác do không được kiểm soát chặt chẽ về nguồn tin và thông tin đã dẫn đến có nhiều tin giả, thông tin sai lệch, đặc biệt khi tin giả tác động tiêu cực đến chính trị. 

Theo Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2022), tin giả về chính trị có xu hướng gia tăng và được tổ chức ngày càng bài bản, tinh vi, gây tác động lớn đến nhận thức, hành vi của công chúng, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định chính trị, trật tự xã hội và nền tảng tư tưởng của các đảng cầm quyền. Nghiên cứu của Allcott và Gentzkow (2017)3 cho thấy, tin giả chính trị trên mạng xã hội có khả năng lan truyền nhanh hơn gấp nhiều lần so với tin thật, đặc biệt trong bối cảnh các kỳ bầu cử hoặc các biến động về chính trị.

Ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng triệt để mạng xã hội để lan truyền thông tin xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây hoài nghi, dao động trong quần chúng nhân dân. Trong bối cảnh đó, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng trên không gian mạng. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, báo chí cách mạng không chỉ là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lan tỏa giá trị tích cực mà còn là “vũ khí sắc bén” để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại truyền thông số. Báo chí cách mạng Việt Nam với vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đã đồng hành cùng đất nước, dân tộc trong 100 năm qua, trở thành lực lượng nòng cốt, giữ vững vai trò tiên phong trên trận địa tư tưởng, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. 

2. Đấu tranh chống tin giả là nhiệm vụ chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Truyền thông xã hội phát triển đã cách mạng hóa hoạt động chính trị vì nền tảng xã hội không chỉ cung cấp cho người dùng trực tuyến cơ hội thảo luận chính trị mà còn tham gia chính trị ngoại tuyến (Ahmad, Alvi và Ittefaq, 2019)4. Việc tiếp cận thông tin chính trị trên Facebook và Twitter đã góp phần nâng cao hiểu biết chính trị và thúc đẩy sự tham gia chính trị trong giới trẻ; đồng thời, khuyến khích công dân tham gia và bày tỏ quan điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​(Stieglitz và Dang-Xuan, 2014)5. Tuy nhiên, internet và phương tiện truyền thông xã hội đã cho thấy, tiềm năng phổ biến tin giả, đặc biệt giả dạng tin tức một cách chủ đích để đánh lừa dư luận và các niềm tin dựa trên những sự thật bịa đặt (Gross 2017)6. Cụ thể, tin giả thường được tạo trông có vẻ tin cậy, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm việc không dễ dàng phân biệt với tin thật (Kumar và cộng sự, 20187). Tác động của tin giả đến dư luận xã hội đã trở thành mối quan tâm của các chính phủ ở nhiều quốc gia (Scott và Eddy 2017)8; đặc biệt, bắt chước tin tức một cách khéo léo và khai thác các niềm tin hiện có của công chúng để đạt động cơ chính trị. Trong bối cảnh chính trị  ở nước ta hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại, chia rẽ tinh thần khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng cũng như tìm cách xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống tin giả trên các nền tảng truyền thông xã hội không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của hệ thống chính trị mà còn là trọng trách đặc biệt của báo chí trong việc định hướng dư luận, củng cố niềm tin xã hội và giữ vững ổn định chính trị – tư tưởng.

Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải được đặt  trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. 

Trong khi đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực thì các thế lực thù địch vẫn không ngừng gia tăng hoạt động chống phá nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền các luận điệu sai trái, kích động tư tưởng lệch lạc, từ đó, làm xói mòn niềm tin và nhận thức của Nhân dân. Cụ thể, chúng tập trung tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc xuyên tạc, bóp méo chủ trương, đường lối; bôi nhọ uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đồng thời, chúng triệt để lợi dụng truyền thông xã hội để phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, cổ súy lối sống thực dụng, lai căng làm xói mòn giá trị truyền thống và định hướng tư tưởng của thế hệ trẻ – lực lượng kế thừa tương lai của đất nước. 

Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế – xã hội và công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức tiếp cận thông tin của người dân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Internet ngày càng phổ biến rộng rãi, trong đó mạng xã hội trở thành một kênh trao đổi, chia sẻ và tiếp nhận thông tin được đông đảo  người dân quan tâm, nhất là giới trẻ. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển, thanh niên phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội để tiếp nhận thông tin hằng ngày và xem được tin tức khi lướt qua các nguồn cung cấp dữ liệu cá nhân (Boczkowski và cộng sự, 2017)9. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có sự  biến động liên tục nên công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác thông tin sai trái trên không gian mạng ngày càng cấp thiết. Vì vậy, báo chí, với vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, cần tiếp tục phát huy chức năng  định hướng dư luận, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phản ánh đúng tôn chỉ, mục tiêu của Đảng và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Đồng thời, báo chí phải góp phần củng cố niềm tin trong xã hội, lan tỏa các giá trị tích cực, xây dựng hình mẫu con người mới xã hội chủ nghĩa và kiên định với nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội. 

3. Thách thức của báo chí chính thống trong đấu tranh chống tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ nhất, thách thức của báo chí trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời đính chính tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong bối cảnh internet và truyền thông xã hội phát triển nhanh chóng, báo chí đang gặp phải những thách thức lớn trong việc xác minh thông tin kịp thời nhằm đính chính tin giả và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo Gregory (2019)10, nhà báo có nghĩa vụ trong việc cảnh báo công chúng về nguy cơ thông tin sai lệch và minh bạch hóa quy trình làm việc. Tuy nhiên, tin giả lan truyền nhanh trên mạng xã hội đã dẫn đến những khó khăn trong việc xác minh thông tin và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào báo chí (Giomelakis et al., 2021)11. Bởi vậy, vai trò báo chí trong việc xác minh tin giả  đã đặt ra yêu cầu cần phải thận trọng trong việc kiểm chứng chặt chẽ thông tin từ mạng xã hội để bảo đảm tính khách quan, chính xác và giữ vững vai trò định hướng xã hội.

Thứ hai, thách thức của báo chí trong việc xây dựng chiến lược truyền thông chủ động trên không gian mạng và nâng cao phát hiện tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 Báo chí không chỉ đóng vai trò thông tin trong thời đại kỹ thuật số mà còn là công cụ chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, báo chí hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức lớn về áp lực tốc độ thông tin, sự phát triển truyền thông xã hội và lan tỏa tin giả nhanh chóng, do đó, cần phải có chiến lược truyền thông chủ động. Trong đó, nhận thức rõ: (1) Phát triển truyền thông xã hội trong kỷ nguyên số đã dẫn đến áp lực chuẩn mực đạo đức cốt lõi nghề báo về độ chính xác thông tin đăng tải; (2) Sự phát triển mạng xã hội khiến báo chí chính thống gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng dư luận, vì trong môi trường “phi tập trung” này, mọi cá nhân đều có thể chia sẻ và lan truyền, thao túng thông tin. Điều này cũng đặt ra thách thức báo chí trong xây dựng chiến lược truyền thông chủ động nhằm xác minh tin giả và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua phát triển đội ngũ nhà báo, phóng viên thích ứng với thời đại kỹ thuật số; đầu tư cơ sở vật chất truyền thông hiện đại nhận diện tin giả; bảo đảm tốc độ đi đôi với tính xác thực nhằm tạo sức lan tỏa tích cực và góp phần giữ vững định hướng tư tưởng trong xã hội.

Do đó, báo chí không chỉ cần thông tin nhanh mà còn phải bảo đảm tính chính xác, trung thực và dễ tiếp cận để giữ vai trò định hướng dư luận. Cụ thể, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cần xây dựng chiến lược truyền thông chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát hiện, xử lý tin giả và đầu tư phát triển nguồn nhân lực cùng cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại. Việc hiện diện tích cực và có chiến lược trên mạng xã hội, cùng với năng lực phản ứng nhanh – đúng – trúng là yêu cầu cấp thiết để báo chí hoàn thành vai trò chính trị trong kỷ nguyên số.

Thứ ba, thách thức của báo chí trong việc nâng cao nhận thức xã hội về tin giả và trách nhiệm của công dân trong sử dụng truyền thông số.

 Trong bối cảnh truyền thông số phát triển, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành nguồn phát thông tin “nhà báo công dân”, tự do đăng tải nội dung lên mạng xã hội mà không qua kiểm chứng. Đặc biệt, những cá nhân có sức ảnh hưởng trên truyền thông xã hội (số lượng cá nhân kết bạn và theo dõi lớn) có thể vô tình trở thành nguồn phát tán thông tin sai lệch nếu thiếu hiểu biết và trách nhiệm truyền thông. Tin giả lan truyền nhanh chóng dẫn đến thách thức báo chí chính thống trong việc giữ vai trò định hướng thông tin, bảo vệ sự thật và nền tảng tư tưởng của Đảng. Để ứng phó vấn đề này, báo chí cần trở thành trung tâm tạo lập và duy trì sự đồng thuận xã hội bằng cách phát huy năng lực thu hút sự tham gia của công chúng. Báo chí là diễn đàn để người dân đóng góp ý kiến, tranh luận, chia sẻ kỹ năng và trí tuệ về các vấn đề xã hội, từ đó, tổ chức phản biện và tạo ra dòng thông tin phản biện chính thống. Đồng thời, báo chí cần làm tốt vai trò truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tin giả và trách nhiệm công dân trong sử dụng truyền thông số, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm công dân trong sử dụng truyền thông số và việc nâng cao hiểu biết về truyền thông. Khi được trang bị kỹ năng tra cứu, kiểm chứng thông tin và hiểu rõ cơ chế vận hành của tin giả, công dân sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa và phản ứng với thông tin sai lệch (Wineburg & McGrew, 2017)12. Việc tổ chức các chiến dịch truyền thông cộng đồng, chương trình giáo dục truyền thông tại trường học là giải pháp thiết thực nhằm xây dựng cộng đồng người dùng mạng xã hội có trách nhiệm, góp phần bảo vệ không gian thông tin lành mạnh và nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số.

Có thể thấy, việc kiểm soát tin giả và tăng cường sản xuất nội dung báo chí phù hợp với hình thức đa dạng truyền thông xã hội đòi hỏi các tòa soạn phải thích nghi với xu hướng truyền thông nhanh, ngắn gọn, hấp dẫn nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác và giá trị cốt lõi của nghề Báo. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và chiến lược phát triển nội dung số dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, giảm sức cạnh tranh và khả năng lan tỏa thông tin. Mặt khác, sự phát triển của các nội dung phản văn hóa và tin giả trên mạng xã hội cũng là rào cản lớn, đòi hỏi báo chí phải đổi mới mô hình hoạt động và đầu tư vào sản phẩm truyền thông hội tụ. Trong nỗ lực xử lý tin giả, báo chí cần có sự hợp tác đồng bộ với các bên liên quan nhằm tăng cường khả năng phát hiện tin giả có hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ để phân tích toàn diện bối cảnh ngôn ngữ và xác thực của thông tin. Vì vậy, thách thức này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn liên quan đến yếu tố tổ chức, nhân sự và chính sách truyền thông quốc gia.

4. Một số giải pháp 

Một là, tăng cường năng lực thể chế và quản lý vĩ mô của cơ quan báo chí.

Tăng cường năng lực thể chế và quản lý vĩ mô của các cơ quan báo chí được xem là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh chống tin giả trên truyền thông xã hội, vì vậy, cần rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến báo chí. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động báo chí; đồng thời, bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa các cơ quan báo chí. Đảng và Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách phù hợp nhấn mạnh việc bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống việc lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền và xâm hại quyền, lợi ích hợp phát của công dân.  Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thông tin. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới. Đặc biệt, tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và Luật An ninh mạng năm 2018. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành quản lý báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, định hướng thông tin kịp thời, đồng bộ, nhanh chóng, nhất là các sự kiện lớn, nhạy cảm, phức tạp. 

Tiếp tục duy trì hoạt động báo chí đúng tôn chỉ, mục đích kết hợp với chuyển đổi số toàn diện để góp phần đưa báo chí trở thành nền tảng vững chắc trong hệ sinh thái truyền thông hiện đại.

Hai là, tăng cường năng lực nhận diện tin giả của nguồn nhân lực báo chí.

Phát triển nguồn nhân lực báo chí mang tính “chiến lược tư tưởng” đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện tốt vai trò “người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng”, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần được giáo dục sâu sắc về chính trị tư tưởng; đồng thời, được bồi dưỡng kỹ năng xử lý tin giả, phản bác thông tin sai lệch. Việc kết hợp giữa tính lý luận sắc bén với phong cách diễn đạt hấp dẫn, dễ tiếp cận sẽ tạo nên các tác phẩm báo chí vừa có sức chiến đấu cao, vừa lan tỏa hiệu quả trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ chuyên trách, có tư duy phản biện, thành thạo công nghệ và có tầm hiểu biết sâu rộng về các vấn đề chính trị – xã hội trong nước và quốc tế. Cụ thể, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, những nhà báo trẻ có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng làm báo, có chiều sâu tư duy, có tầm nhìn rộng, có khả năng nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, có văn phong và bút pháp tốt để có những bài viết có sức thuyết phục, làm sáng tỏ và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Ba là, phát triển hệ thống xác thực tin giả nhanh chóng.

Tiếp cận dưới góc độ khoa học truyền thông, báo chí đóng vai trò trọng tâm trong việc phát triển hệ thống xác thực thông tin nhanh chóng nhằm đáp ứng việc xác thực tin giả trên truyền thông xã hội. Vì vậy, việc xác thực nhanh chóng, chính xác giúp báo chí không chỉ phòng ngừa sự lan truyền của thông tin sai lệch mà còn củng cố niềm tin của công chúng, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên truyền thông xã hội. Nghiên cứu của Vizoso và cộng sự (2021)13 nhấn mạnh, trong bối cảnh tin giả ngày càng lan rộng, nhiệm vụ xác minh thông tin đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các cơ quan báo chí. Do đó, báo chí cần có sự phát triển đồng bộ các giải pháp về nội dung và hình thức, từ việc bám sát các chủ đề mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng đến việc sử dụng công nghệ số và mạng xã hội như một công cụ phản tuyên truyền mạnh mẽ để truyền tải thông điệp một cách nhanh chóng và rộng rãi làm vô hiệu hóa các luận điệu sai trái. 

Tiếp tục phát triển hệ thống xác thực tin giả nhanh chóng, vì vậy, việc đầu tư đầu tư vào công nghệ truyền thông số, trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển báo chí dữ liệu sẽ góp phần nâng cao năng lực “miễn dịch thông tin” cho hệ thống báo chí quốc gia. Do đó, việc trang bị cho các cơ quan báo chí công cụ kiểm chứng dữ liệu, phát hiện thông tin sai lệch bằng công nghệ AI là giải pháp cấp thiết. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong sản xuất nội dung số, chuyển đổi số báo chí gắn với bảo vệ bản quyền và tính minh bạch của nguồn tin. Sự tích hợp giữa công nghệ và nghề nghiệp báo chí sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái thông tin lành mạnh, góp phần bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số, để đạt được điều này cần đầu tư vào phát triển báo chí theo hướng hiện đại và thực hiện tốt quy hoạch báo chí bảo đảm sự phát triển có định hướng, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí trong hệ thống. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để bảo đảm báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tiến tới tự chủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm công dân trong sử dụng truyền thông số.

Báo chí đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức xã hội và khuyến khích người dân tham gia vào cuộc chiến chống tin giả, đặc biệt trên các nền tảng truyền thông xã hội. Vì vậy, báo chí cần xây dựng chiến lược truyền thông số tiếp cận cụ thể theo các nhóm tuổi và đặc điểm hành vi người dùng. Bên cạnh việc cung cấp thông tin chính xác, báo chí cần đóng vai trò như một “người hướng dẫn” – phổ biến kỹ năng kiểm chứng thông tin, lan tỏa văn hóa truyền thông số lành mạnh, từ đó, trao quyền cho người dân trở thành lực lượng nòng cốt trong việc phản bác và hạn chế sự lan truyền của tin giả trong không gian mạng. Bởi vậy, báo chí chính thống có thể tạo ra các chiến dịch truyền thông nhằm hướng dẫn công chúng cách kiểm chứng thông tin; đồng thời, cung cấp công cụ và kỹ năng nhận diện tin giả, thông tin sai lệch. Do vậy, báo chí đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng các chiến lược truyền thông phù hợp với từng nhóm độc giả, nhất là nhóm người lớn tuổi – nhóm dễ bị thao túng và cũng là đối tượng lan truyền tin giả nhiều nhất. Bên cạnh đó, báo chí cần tập trung vào việc hướng dẫn công dân cách kiểm chứng thông tin, xây dựng văn hóa truyền thông số lành mạnh và nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội, qua đó, củng cố niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ không gian thông tin khỏi các tác nhân xuyên tạc.

5. Kết luận

Trong bối cảnh truyền thông xã hội bùng nổ, báo chí chính thống giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống tin giả, đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần về thông tin, mà còn là sứ mệnh chính trị quan trọng, đòi hỏi sự chủ động, thích ứng và đổi mới không ngừng. Để hoàn thành sứ mệnh này, báo chí cần phát triển toàn diện và đồng bộ, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực phát hiện, phân tích và xử lý tin giả một cách nhanh chóng, hiệu quả. Sự tham gia đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa báo chí, cơ quan quản lý và người dân chính là chìa khóa để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách hiệu quả và bền vững trong kỷ nguyên số.

Chú thích: 

1. Khan, S. A., Alkawaz, M. H., & Zangana, H. M. (2019, June). The use and abuse of social media for spreading fake news. In 2019 IEEE International Conference on Automatic Control and Intelligent Systems (I2CACIS) (pp. 145-148). IEEE.

2. Boczkowski, P., Mitchelstein, E., & Matassi, M. (2017). Incidental news: How young people consume news on social media.

3. Allcott, H., & Gentzkow, M. (2017). Social media and fake news in the 2016 election. Journal of economic perspectives, 31(2), 211-236.

4. Ahmad, T., Alvi, A., & Ittefaq, M. (2019). The use of social media on political participation among university students: An analysis of survey results from rural Pakistan. Sage Open, 9(3), 2158244019864484

5. Stieglitz, S. & Dang-Xuan, L. (2014). Social Media and Political Communication – A Social Media Analytics Framework. Social Network Analysis and Mining. 3. 1277 – 1291.

6. Gross, M. (2017). The dangers of a post-truth world. Current Biology, 27(1), R1-R4.

7. Kumar, N., Venugopal, D., Qiu, L., & Kumar, S. (2018). Detecting review manipulation on online platforms with hierarchical supervised learning. Journal of Management Information Systems, 35(1), 350-380.

8. Scott, M., & Eddy, M. (2017). Europe Combats a New Foe of Political Stability: Fake News. nytimes. com.

9. Boczkowski, P., Mitchelstein, E., & Matassi, M. (2017). Incidental news: How young people consume news on social media.

10. Gregory, S. (2022). Deepfakes, misinformation and disinformation and authenticity infrastructure responses: Impacts on frontline witnessing, distant witnessing, and civic journalism. Journalism, 23(3), 708 – 729.

11. Giomelakis, D., Papadopoulou, O., Papadopoulos, S., & Veglis, A. (2023). Verification of news video content: Findings from a study of journalism students. Journalism Practice, 17(5), 1068-1097.

12. Wineburg, S., & McGrew, S. (2017). Lateral reading: Reading less and learning more when evaluating digital information.

13. Vizoso, Á., Vaz-Álvarez, M., & López-García, X. (2021). Fighting deepfakes: Media and internet giants’ converging and diverging strategies against hi-tech misinformation. Media and Communication, 9(1), 291 – 300.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2. Chính phủ (2013). Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

3. Thủ tướng Chính phủ (2014). Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

4. Tăng cường vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/18/tang-cuong-vai-tro-cua-bao-chi-trong-cuoc-chien-chong-giac-noi-xam-gan-voi-cong-tac-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay/

5. Quốc hội (2018). Luật An ninh mạng năm 2018.

6. Vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng về đạo đức. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/06/18/vai-tro-cua-bao-chi-trong-xay-dung-dang-ve-dao-duc/

7. Vai trò của báo chí trong phòng, chống, ngăn chặn các điểm nóng xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/07/18/vai-tro-cua-bao-chi-trong-phong-chong-ngan-chan-cac-diem-nong-xa-hoi-gop-phan-vao-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-hien-nay/