Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời và phong trào bình dân học vụ số

ThS. Đoàn Bích Hồng
TS. Nguyễn Thị Thu Cúc
Học viện Hành chính và Quản trị công

(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc học là một quá trình liên tục, không giới hạn bởi tuổi tác, nghề nghiệp hay hoàn cảnh nhằm hoàn thiện bản thân và phụng sự xã hội. Người không chỉ khuyến khích học tập qua sách vở mà còn học từ thực tiễn, từ Nhân dân và nhấn mạnh vai trò của tự học trong suốt cuộc đời. Bài viết làm nổi bật phong trào bình dân học vụ số trong thời đại hiện nay – một sáng kiến hiện đại hóa tinh thần học tập suốt đời thông qua chuyển đổi số. Thông qua các mô hình, như: Tổ công nghệ số cộng đồng, phong trào “Bình dân học vụ số” góp phần đưa tri thức số đến mọi người dân, từ thành thị đến nông thôn giúp nâng cao dân trí số và thúc đẩy xây dựng xã hội học tập trong thời đại 4.0.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập suốt đời. chuyển đổi số, bình dân học vụ số, xã hội học tập.

1. Đặt vấn đề

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống và tinh thần học tập suốt đời. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời là một trong những nội dung quan trọng trong di sản tư tưởng và đạo đức của Người, thể hiện rõ quan điểm về giá trị của tri thức, tinh thần tự học và học tập suốt đời để hoàn thiện bản thân và phục vụ Nhân dân. Người luôn nhấn mạnh vai trò của tri thức, xem việc học tập là con đường thiết yếu để mỗi con người tự hoàn thiện bản thân và cống hiến cho xã hội. Trong tư tưởng của Người, học không giới hạn bởi tuổi tác, nghề nghiệp hay hoàn cảnh mà là một quá trình không ngừng nghỉ, kéo dài suốt cuộc đời. Tư tưởng này không chỉ thể hiện qua lời nói và hành động mà còn được cụ thể hóa bằng các phong trào thiết thực, trong đó nổi bật là phong trào bình dân học vụ – một chiến dịch lớn xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, phát huy quyền học tập của toàn dân ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Bài viết làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, phân tích ý nghĩa và tác động sâu rộng của phong trào bình dân học vụ, từ đó, rút ra những bài học quý báu cho công cuộc xây dựng xã hội học tập hiện nay với phong trào “Bình dân học vụ số”.  Đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời

Học tập suốt đời là một quan điểm giáo dục hiện đại được các tổ chức giáo dục quốc tế, như: UNESCO, OECD nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi. Học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và được đề cập từ rất sớm. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp Nhân dân”1. Theo đó, học không bao giờ là đủ; ai cũng cần học và có thể học; học để phục vụ, để sống tốt, để làm người có ích.

Học không bao giờ là đủ nhấn mạnh việc học là một quá trình liên tục, không có điểm dừng. Tri thức của nhân loại là vô tận, trong khi hiểu biết của con người luôn có giới hạn. Vì vậy, nếu dừng lại, con người sẽ bị tụt hậu, trở nên lạc hậu trước sự phát triển không ngừng của xã hội và khoa học – kỹ thuật. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói mà chính Người là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào – khi còn trẻ bôn ba tìm đường cứu nước hay lúc đã là Chủ tịch nước – Người vẫn luôn không ngừng học hỏi: học ngoại ngữ, học văn hóa các dân tộc, học cách lãnh đạo quần chúng. Tư tưởng đó dạy con người không bằng lòng với những gì đã biết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích học từ sách vở, từ Nhân dân, từ đồng nghiệp, từ thực tiễn cuộc sống. Muốn tiến bộ, phải học. “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”2.

Quan điểm “Học không bao giờ là đủ” của Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam cho mỗi người Việt Nam mà còn là thông điệp có tính toàn cầu về học tập suốt đời. Đó là lời nhắc nhở để mỗi người luôn nuôi dưỡng khát vọng tri thức, tinh thần tự học và không ngừng vươn lên để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở Nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”3. Học đi đôi với hành, học ở mọi nơi, mọi lúc. Không chỉ học lý thuyết suông, Người yêu cầu phải “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”4. Người phản đối lối học hình thức, học để khoe mẽ. Người cho rằng, học tập không có giới hạn về tuổi tác, thời gian, hoàn cảnh. Mỗi người cần học tập suốt đời để hoàn thiện mình, theo kịp thời đại và phục vụ tốt hơn cho xã hội.

Mọi người dân đều được khuyến khích học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc xóa nạn mù chữ, học tập trong quần chúng nhân dân. Người kêu gọi toàn dân “diệt giặc dốt”, tổ chức lớp học bình dân học vụ, khuyến khích mọi người, từ cụ già đến thanh niên, đều phải học. Học tập là một quá trình suốt đời, không có điểm dừng. Không phân biệt già, trẻ, cán bộ hay người dân, ai cũng cần học để tiến bộ. Người luôn đề cao giá trị của tri thức và vai trò của học tập trong sự nghiệp phát triển con người và đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời còn được thể hiện qua luận điểm học không chỉ để biết mà học để làm việc, làm người, làm cán bộ tốt để cống hiến cho Tổ quốc và phục vụ Nhân dân. Học để hiểu biết, làm việc tốt hơn. Theo Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”5. Học tập không phải để tích lũy bằng cấp mà để rèn luyện đạo đức, nâng cao kỹ năng thực tiễn, phục vụ đất nước. Học để rèn luyện đạo đức, làm người tử tế. Học để làm cán bộ có đức, có tài phục vụ Nhân dân. Người nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”6. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển,… đời sống của Nhân dân ngày càng no ấm tươi vui.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời không chỉ mang tính giáo dục mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc. Người không chỉ dạy bằng lời nói mà còn bằng chính hành động của mình – không ngừng học hỏi, không ngừng đọc sách, không ngừng rèn luyện dù trong hoàn cảnh nào. Học theo Bác là học không ngừng nghỉ, học để cống hiến và học để sống có ích. Tự học là yếu tố then chốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao tự học, coi đó là cách học bền vững và hiệu quả nhất. Người luôn nhấn mạnh vai trò chủ động của mỗi người học trong việc trau dồi tri thức. Tấm gương tự học của Người là minh chứng sống động cho quan điểm “học suốt đời” và trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ người Việt Nam.

Học mọi lúc, mọi nơi – bằng mọi cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh thành thạo nhiều ngoại ngữ (Pháp, Nga, Trung, Anh…) do tự học. Năng lực ngoại ngữ chủ yếu do tự học. “mỗi ngày học 10 từ, mỗi năm có thể học được 3.650 từ”7. Khi làm bồi bàn, rửa bát ở các nhà hàng tại Pháp hay Anh, Bác mang theo từ điển nhỏ trong túi áo, tranh thủ học từng từ mới trong lúc làm việc. Khi làm việc tại Liên Xô, Người đọc tài liệu và báo chí bằng tiếng Nga để nắm bắt lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Không chỉ học từ sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn học qua các cuộc sống lao động của Nhân dân lao động, từ những người bình thường nhất.

Kiên trì, vượt khó để học. Người luôn kiên trì học tập trong mọi hoàn cảnh dù đang lao động, bị giam giữ hay hoạt động bí mật. Trong tù, Bác vẫn học tiếng Trung, sáng tác thơ, viết tài liệu tuyên truyền cách mạng. Ý nghĩa của tấm gương tự học Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của tự học, không ai khác ngoài chính bản thân mỗi người là người thầy lớn nhất của mình. Tấm gương Hồ Chí Minh gieo tinh thần vượt khó học tập cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần vô giá của dân tộc.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ, tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị: thúc đẩy tinh thần học tập liên tục trong mọi tầng lớp nhân dân. Đề cao tri thức kết hợp với thực tiễn, không học vẹt, học hình thức. Là nền tảng xây dựng xã hội học tập hiện đại, nơi học tập trở thành một giá trị cốt lõi. Khuyến khích mô hình xã hội học tập, trong đó mọi người đều có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời. Đặt nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quốc gia.

3. Phong trào bình dân học vụ số – minh chứng sống động cho tư tưởng học tập suốt đời

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong đó, giặc dốt là một thách thức lớn: hơn 90% dân số mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 20/SL ngày 08/9/1945 về việc chống nạn mù chữ. Kêu gọi toàn dân tham gia phong trào “Bình dân học vụ”, với khẩu hiệu: Toàn dân học chữ, ai cũng phải biết đọc, biết viết. Cụ già, thanh niên, phụ nữ, cán bộ… đều trở thành thầy giáo, học viên ở các lớp học ban đêm, lớp học ngoài trời. Chỉ sau một thời gian ngắn, hàng triệu người dân đã biết đọc, biết viết góp phần nâng cao dân trí, tạo nền tảng cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và phong trào “Bình dân học vụ” là nền tảng cho chính sách “xã hội học tập” ngày nay: xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, phù hợp với thời đại chuyển đổi số. Là động lực để mọi công dân học tập suốt đời qua nhiều hình thức như: học trực tuyến, học từ thực tế, từ cộng đồng…

Phong trào “Bình dân học vụ số” là cách gọi hiện đại nhằm nhấn mạnh việc đưa tinh thần học tập suốt đời đến với toàn dân thông qua công nghệ số. Đây là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Phong trào “bình dân học vụ” xưa và nay tuy khác về hình thức nhưng đều chung một mục tiêu lớn lao: trao quyền tri thức cho mọi người dân. Từ những lớp học đơn sơ dưới ánh đèn dầu đến những lớp học trực tuyến qua điện thoại thông minh, tinh thần “học để làm người, học để phụng sự” mà Bác Hồ đề cao vẫn mãi là kim chỉ nam cho nền giáo dục hiện đại. Khác biệt cơ bản giữa việc xóa mù chữ trong phong trào bình dân học vụ năm 1945 với việc xóa mù số trong phong trào bình dân học vụ số ngày nay nằm ở chỗ là việc xóa mù chữ đòi hỏi mọi người dân phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ, còn việc xóa mù số đòi hỏi mọi người dân phải có năng lực kỹ thuật số, hay năng lực số.

Là người phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ”8.

Với phương châm “Kiến thức là nền tảng, công nghệ là công cụ để tiến xa”9, phong trào này không chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, mà còn chú trọng nâng cao nhận thức, khuyến khích từng cá nhân tự học, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Mục tiêu phong trào bình dân học vụ số là phổ cập kiến thức số, kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân; thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, người trẻ và người cao tuổi; hỗ trợ học tập suốt đời thông qua nền tảng trực tuyến. Phong trào này được thể hiện qua các lớp học trực tuyến miễn phí về kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nền tảng học tập mở. Các “thư viện số”, “trường học số” được thiết lập để thúc đẩy tiếp cận cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa. Nhiều chương trình “xóa mù công nghệ cho người cao tuổi” – ví dụ: học sử dụng Zalo, thanh toán QR, tra cứu thông tin trên mạng đã được thực hiện khắp cả nước…

Với các tính năng ưu việt, nền tảng “Bình dân học vụ số” đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 01/4/2025 tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn/. Phong trào “Bình dân học vụ số” được yêu cầu mang tính toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau; bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực, hài hòa lợi ích riêng và lợi ích chung, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp cho từng đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên.

Phong trào bình dân học vụ số đã kế thừa kết quả hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng dân cư. Đầu tháng 3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã hướng dẫn các địa phương trên cả nước thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng thúc đẩy chuyển đổi số đến từng người dân. Tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc đưa chuyển đổi số đến từng người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng là các tổ chức tình nguyện được thành lập tại cấp cơ sở (thôn, bản, tổ dân phố), có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cơ bản, bảo vệ thông tin cá nhân. Thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng thường là: cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, giáo viên, cán bộ hưu trí, người am hiểu công nghệ thông tin tại địa phương. Tổ công nghệ số cộng đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định thành lập, chịu sự điều hành trực tiếp của chính quyền cơ sở. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng tại chỗ, sát dân, hiểu dân, có thể hỗ trợ trực tiếp và kịp thời nhất.

Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, cài đặt, đăng ký và sử dụng các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến như nộp hồ sơ online, tra cứu thông tin y tế, giáo dục qua cổng dịch vụ công và ứng dụng công nghệ vào đời sống hằng ngày như thanh toán tiền điện nước qua điện thoại. Tổ giúp người dân tạo tài khoản định danh điện tử, sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tổ hướng dẫn các hộ kinh doanh, sản xuất khai thác ứng dụng kinh doanh trên nền tảng số người dân và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo số liệu thống kê của Cục Tin học hóa, tính đến ngày 11/5/2022, cả nước đã có 14 tỉnh, thành phố thành lập 9.388 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 44.516 thành viên tham gia10. Hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng nâng cao dân trí số, đặc biệt người cao tuổi, người ít tiếp xúc với công nghệ, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tổ công nghệ số cộng đồng còn hỗ trợ truyền thông chính sách, lan tỏa thông tin chính xác về các chương trình quốc gia. Nhiều địa phương đã báo cáo tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh sau khi triển khai tổ công nghệ số cộng đồng. Tỷ lệ sử dụng ứng dụng “VNeID”, “Sổ sức khỏe điện tử” và ví điện tử ở vùng nông thôn tăng cao.

4. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời là kim chỉ nam cho sự phát triển con người toàn diện trong mọi thời đại. Tư tưởng học tập suốt đời thể hiện tư tưởng tiến bộ và tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xã hội ngày nay, luận điểm “học không bao giờ là đủ” càng trở nên đúng đắn và cấp thiết hơn bao giờ hết. Thế giới thay đổi từng giờ, công nghệ phát triển từng ngày. Nếu không tiếp tục học, mỗi cá nhân rất dễ bị “thải loại” trong dòng chảy phát triển của xã hội số. Học tập suốt đời không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu để thích nghi, tồn tại và phát triển trong thời đại 4.0.

Tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ số” cho thấy: việc học không dừng lại ở nhà trường, mà diễn ra khắp nơi trong xã hội. Đó chính là tiền đề để xây dựng xã hội học tập – nơi mỗi người học tập suốt đời, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh. Đây là minh chứng sống động cho quyết tâm xóa “nạn mù công nghệ”, đưa dân tộc bước vào thời kỳ mới của kỷ nguyên số, kỷ nguyên phát triển mới. Sự gặp gỡ giữa tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay chính là minh chứng rằng, chừng nào người dân còn khao khát tri thức thì chừng đó đất nước còn động lực để vươn lên phát triển bền vững và toàn diện.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996). Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 215.
2, 5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 349, 684.
3. Hồ Chí Minh (2020). Học ở trường, học ở sách vở, học ở Nhân dân. TP. Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, tr. 33.
4. Hồ Chí Minh (2001). Sửa đổi lối làm việc. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 400.
7. Bảo tàng Hồ Chí Minh (2007). Bác Hồ với Giáo dục. H. NXB Giáo dục.
8. Bình dân học vụ số – nền tảng cho sự phát triển trong kỷ nguyên số. https://baochinhphu.vn/binh-dan-hoc-vu-so-nen-tang-cho-su-phat-trien-trong-ky-nguyen-so-102250327113127019.htm.
9, 10. Bình dân học vụ số, chìa khóa của kỷ nguyên số. https://ictvietnam.vn/binh-dan-hoc-vu-so-chia-khoa-cua-ky-nguyen-so-68611.html.