Ninh Bình đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa

ThS. Đinh Thị Hoa
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Ninh Bình thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng. Với vị trí địa lý thuận lợi, Ninh Bình là điểm giao thoa giữa vùng đồng bằng, trung du và miền núi, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hệ thống di sản văn hóa phong phú. Với lợi thế sau sáp nhập tỉnh, hiện nay, Ninh Bình tiếp tục tích cực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng di sản, lịch sử, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa địa phương. Bài viết phân tích các kết quả đạt được, chỉ ra một số hạn chế, nguyên nhân và đề ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn phát triển mới.

Từ khóa: Phát triển công nghiệp văn hoá, di sản, lịch sử, danh lam thắng cảnh, sau sáp nhập, Ninh Bình.

1. Đặt vấn đề

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa ngày càng trở thành một xu hướng lớn và giữ vị trí quan trọng trong chính sách văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Với sự kết hợp hài hòa của các yếu tố khoa học – công nghệ, sản xuất – kinh doanh, năng lực sáng tạo, tài nguyên văn hóa, sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng và sáng tạo văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống người dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp định vị và quảng bá thương hiệu, nâng cao sức mạnh mềm văn hóa, sức hấp dẫn của quốc gia để thu hút các nguồn lực đầu tư và hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển. 

2. Cơ sở để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2035 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó chỉ đạo các địa phương chủ động phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hoá có tiềm năng lợi thế của địa phương.

Để thể chế hoá các quy định của Đảng và Nhà nước, ngày 28/02/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 – 2035, định hướng đến năm 2050; trong đó, xác định phát triển 10 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh của địa phương, gồm: (1) du lịch văn hóa; (2) công nghiệp tổ chức sự kiện; (3) công nghiệp thể thao; (4) công nghiệp điện ảnh; (5) kinh tế di sản; (6) kinh tế làng nghề thế hệ mới; (7) nghệ thuật hình ảnh; (8) nghệ thuật truyền thông và quảng cáo; (9) nghệ thuật thiết kế sáng tạo và mỹ thuật công nghiệp; (10) công nghiệp văn hoá số. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành một trung tâm chuyên ngành về công nghiệp văn hóa của vùng, quốc gia và quốc tế, cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn; có đóng góp ngày càng quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, tăng thu ngân sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy hiệu quả tài nguyên di sản, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, quảng bá, lan tỏa các giá trị đặc sắc của vùng đất và con người cố đô Hoa Lư, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; hội nhập sâu vào chuỗi giá trị kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí trên thế giới.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả không chỉ là yêu cầu khách quan trong bối cảnh đổi mới hệ thống chính trị, mà còn là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Hiện nay, việc hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Ninh Bình sẽ phát huy mạnh mẽ thế và lực mới, thừa hưởng những tinh hoa và tiềm năng to lớn từ sự hợp nhất của ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, vùng đất này hứa hẹn bứt phá ngoạn mục. Với bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa phong phú cùng sự đa dạng về di sản vật thể và phi vật thể của cả ba địa phương, tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành cái nôi của sự sáng tạo và đổi mới. Từ những làng nghề truyền thống tinh xảo, các lễ hội dân gian độc đáo, đến những di tích lịch sử mang tầm quốc gia và quốc tế, tất cả sẽ được khai thác một cách bài bản, chuyên nghiệp để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang giá trị kinh tế cao, góp phần định vị Ninh Bình là trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu khu vực.

3. Thực trạng phát triển ngành công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm qua

Là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc, tỉnh Ninh Bình có sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên và văn hóa. Vào thế kỷ X, Hoa Lư – Ninh Bình là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam và là một trong những địa phương lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc với hàng nghìn di tích lịch sử – văn hóa, di vật, di chỉ khảo cổ, các nghề thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, lễ hội dân gian cùng nhiều danh lam thắng cảnh…

Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An với những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, thẩm mỹ và văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cũng là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, lợi thế so sánh để tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với cơ cấu đa dạng cùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phong phú, đặc sắc; qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị các di sản văn hóa, lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Cố đô tới các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như tới các nước trên thế giới.

Trên cơ sở nhận thức vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như xác định đúng tiềm năng, lợi thế địa phương, quán triệt các nghị quyết của Đảng về văn hóa, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có những chủ trương, chính sách phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, nhất là du lịch văn hóa và đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, tham mưu tổ chức, phối hợp tổ chức thành công 112 sự kiện văn hóa và thể thao (lĩnh vực văn hóa 76 sự kiện, lĩnh vực thể thao 36 sự kiện). Một số sự kiện nổi bật thu hút đông người tham gia như: Kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924 – 2024), Khai mạc Lễ hội Hoa Lư; Chương trình Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình; Festival Ninh Bình lần thứ III; Chương trình nghệ thuật Giao lưu văn hóa Việt Nam – Lào; Chương trình hòa nhạc hữu nghị Ninh Bình, Việt Nam – Saiki, Nhật Bản; Chương trình âm nhạc quốc tế “The Music of ABBA”; Giải Quần vợt quốc tế ITE U18-J30; Giải Cầu lông quốc tế “FELET- Vietnam International Series 2024), Giải Vô địch Vật dân tộc quốc gia; Giải Quần vợt vô địch quốc gia…

Các sự kiện trên đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch ý nghĩa ở Ninh Bình, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhóm sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế tham gia cùng hàng vạn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham dự. Đây thực sự là những sự kiện văn hóa, thể thao lớn, có thương hiệu quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế; góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước.

Năm 2024 quy mô kinh tế ước đạt 98,5 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 96 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,82%, xếp thứ 4/34 tỉnh, thành phố. Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới; du lịch tiếp tục là điểm sáng; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được quan tâm. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Tổ chức tốt nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế; các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa toàn cầu, từng bước chuyển hóa thành nguồn lực nội sinh cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển – xã hội. Nhiều nhà sản xuất phim trong và ngoài nước đã chọn Ninh Bình làm bối cảnh sản xuất phim. Hoạt động khảo cổ, sưu tầm, bảo quản, xây dựng hồ sơ công nhận xếp hạng di tích, bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được đẩy mạnh, tăng cường.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình còn nhiều hạn chế, như: các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của ngành công nghiệp văn hóa mới bước đầu hình thành; chưa phát triển xứng tầm, chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc trưng riêng có của địa phương để tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chưa đa dạng, thiếu tính độc đáo và chưa mang lại nhiều giá trị kinh tế. Nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa chưa đồng bộ.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vai trò nguồn lực, động lực của văn hóa cũng như ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội ở một số cấp, ngành, đơn vị và một bộ phận người dân chưa đầy đủ, toàn diện; thiếu quy hoạch, chiến lược, kế hoạch tổng thể và quản lý chi tiết đối với từng ngành công nghiệp văn hóa theo hướng phát triển bền vững; các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu và yếu về trình độ khoa học, công nghệ và năng lực sáng tạo, năng lực cạnh tranh thấp; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội, nhất là các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; chất lượng môi trường hỗ trợ sáng tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn nhiều hạn chế.

4. Một số giải pháp

Một là, tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tích cực ứng dụng các phương thức truyền thông mới trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân và doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam. Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong phát triển công nghiệp văn hóa, nòng cốt là đội ngũ doanh nhân, văn nghệ sĩ, cộng đồng quần cư di sản; quy tụ, tập hợp, thu hút những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong giới công nghiệp văn hóa, giải trí. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền trong kiến tạo phát triển công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt việc quản trị địa phương, làm cho Ninh Bình trở thành nơi đầu tư, sân chơi hấp dẫn cho giới công nghiệp văn hóa, giải trí và du khách. 

Hai là, tỉnh tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển công nghiệp văn hóa, mở rộng phạm vi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa có tính biểu tượng cho đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Sớm ban hành cơ chế chính sách đầu tư, vận hành, quản trị, khai thác công viên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở tỉnh Ninh Bình.

Ba là, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực có tính lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng, khẳng định thương hiệu địa phương, thúc đẩy tiêu dùng mang lại giá trị gia tăng cao, như: du lịch văn hóa (gồm: du lịch di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư; du lịch di sản văn hóa – tâm linh chùa Bái Đính, Tam Chúc, Phủ Dầy, lễ hội đền Trần…; du lịch di sản nông nghiệp, du lịch y tế gắn với di sản sinh dược, du lịch di sản làng nghề thủ công truyền thống, du lịch phố cổ, du lịch lễ hội..); tổ chức sự kiện (gồm: công nghiệp biểu diễn, các sự kiện nghệ thuật (liên hoan, festival, cuộc thi…), lễ hội truyền thống, các sự kiện chính trị, khoa học, sự kiện thể thao, các sự kiện kinh doanh, các sự kiện nhóm, gia đình, cá nhân…); công nghiệp điện ảnh (gồm: phim màn ảnh rộng, phim truyền hình, phim hoạt hình gắn với xây dựng phim trường, phát triển công nghệ điện ảnh); công nghiệp thể thao (gồm: Golf, bóng đá, trường đua thể thao, bóng chuyền, các môn thể thao mặt nước, các môn thể thao trải nghiệm gắn với các điểm vui chơi, giải trí… cùng với phát triển các ngành y tế thể thao, sản xuất phụ kiện thể thao, thực phẩm thể thao, thị trường cá cược); truyền thông và quảng cáo (gồm: truyền thông đa nền tảng, truyền hình, báo nói, báo viết, báo điện tử, video clip, quảng cáo).

Trong đó ưu tiên phát triển nhanh một số ngành, như: công nghiệp biểu diễn, các sự kiện nghệ thuật, công nghiệp thể thao, công nghiệp điện ảnh. Mỗi phân ngành ưu tiên lựa chọn một số sản phẩm nổi trội, mang tính khác biệt để thu hút đầu tư phát triển vượt trước, hình thành “sân chơi” hấp dẫn cho những người nổi tiếng trong giới công nghiệp văn hóa – giải trí, làm cho Ninh Bình trở thành trung tâm tổ chức sự kiện nghệ thuật, thể thao, điện ảnh đặc sắc.

Bốn là, tỉnh đẩy mạnh phát triển nhóm ngành công nghiệp văn hóa về làng thủ công truyền thống, làng nghề thế hệ mới, làng du lịch cộng đồng thông qua làm mới các làng nghề truyền thống, mở rộng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng quần cư di sản. Mỗi làng nghề thế hệ mới, làng du lịch cộng đồng có nhiều sản phẩm đa dạng dựa trên một sản phẩm cốt lõi gắn với câu chuyện hấp dẫn; thiết kế không gian sáng tạo kích thích trí tưởng tượng, nhu cầu khám phá cái mới; tổ chức nghệ thuật thị giác khơi gợi cảm hứng của du khách; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới để nâng tầm giá trị nghệ thuật của sản phẩm. 

Năm là, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm động lực, hướng vào phát triển các sản phẩm cho giá trị gia tăng cao. Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, giải trí trong nước và quốc tế lập doanh nghiệp hoặc mở chi nhánh tại Ninh Bình. Hỗ trợ các hộ gia đình trong các làng nghề cơ cấu lại mô hình sản xuất, hình thức cung ứng sản phẩm, làm mới các ngành nghề bằng các giải pháp đổi mới sáng tạo. Rà soát, giới hạn rõ các lĩnh vực, các dịch vụ mang tính chất dịch vụ công ích, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Xây dựng hệ sinh thái đồng bộ cho phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng hình ảnh địa phương thông qua chiến lược truyền thông hiệu quả các sự kiện đặc sắc, các điểm nhấn nghệ thuật thị giác công cộng; thúc đẩy các sáng kiến đa phương thông qua vai trò của UNESCO.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, địa phương; kết nối, hợp tác với các trung tâm công nghiệp văn hóa có uy tín trong nước và quốc tế, từng bước hội nhập sâu rộng vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác thông qua hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, expo, liên hoan nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế số… mang tầm khu vực và quốc tế, thu hút các tổ chức và cá nhân có uy tín đồng chủ trì, tham gia, tăng sức hút đối với khách hàng. 

5. Kết luận

Phát triển công nghiệp văn hóa tại Ninh Bình không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế rõ rệt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc xây dựng và phát triển một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh không chỉ giúp Ninh Bình khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn góp phần tạo ra một môi trường sống phong phú về văn hóa cho cộng đồng dân cư.

Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (2025): Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025 – 2035, định hướng đến năm 2050.
2. Quốc hội (2025). Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
3. Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình (2024). Kết quả công tác văn hóa, thể thao năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
4. Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình (tháng 6/2025). Kết quả công tác văn hóa, thể thao 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2024). Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
6. Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (tháng 6/2025). Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
7. Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương và tỉnh về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Ninh Bình. https://nhandan.vn/cong-bo-nghi-quyet-quyet-dinh-cua-trung-uong-va-tinh-ve-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-cap-xa-cua-tinh-ninh-binh-post890636.html.