Yêu cầu về năng lực của cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự tác động của cách mạng 4.0 hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Những tác động, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực quân sự đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số đơn vị tiến thẳng lên hiện đại. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” đặt ra yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất, năng lực của cán bộ, sĩ quan Quân đội. Do vậy, nâng cao năng lực của cán bộ cơ sở Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò rất quan trọng.
Những tác động của công nghệ số, sự phát triển của AI dẫn tới hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành sẽ có những thay đổi rất lớn theo hướng tự động hóa cao.
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực quân sự

Các mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là hệ quả trực tiếp của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KHCN) hiện đại, thành tựu của nó rất đa dạng nhưng tập trung ở những sản phẩm đa năng, đa dạng, ưu việt thuộc các lĩnh vực chủ đạo là vật lý, kỹ thuật và sinh học. Trung tâm của cuộc cách mạng này là những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData)… CMCN 4.0 có tốc độ phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử, tạo ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt ở hầu hết các lĩnh vực công nghiệp của mọi quốc gia; ngành công nghiệp quân sự, quốc phòng cũng có những biến đổi sâu sắc. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu KHCN được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, tạo ra hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện mới, như: vũ khí năng lượng định hướng, gen sinh học, rôbốt chiến đấu với những tính năng vượt trội,…

Ngay từ khi internet ra đời và dần trở nên phổ biến, rộng khắp, chính phủ và quân đội các nước đã nhận thức được vai trò của không gian mạng, họ đẩy mạnh đầu tư xây dựng lực lượng cũng như phát triển các trang bị tác chiến không gian mạng có khả năng làm sai lệch hoặc chiếm quyền điều khiển đối với những phương tiện chiến đấu, những nhà máy quan trọng, những công trình quân sự, quốc phòng, an ninh, hay làm mất hiệu quả điều hành của các trung tâm đầu não về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, kết hợp với hoạt động truyền thông trên mạng xã hội, tạo tin giả, tin nặc danh có thể gây ra các hoạt động biểu tình chống đối, đảo chính, làm hỗn loạn, mất trật tự xã hội,…

Một sự kiện điển hình vào giữa năm 2010, các hacker ở nước ngoài đã tải một loại mã độc, làm lây nhiễm vào hệ thống máy tính điều khiển và máy ly tâm làm giàu uranium của sở hạt nhân I-ran. Mặc dù chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng về con người, môi trường sinh thái nhưng đã làm cho I-ran thiệt hại lớn về kinh tế, quân sự1. Như vậy, cần phải xem xét tấn công điều khiển học có chủ đích chính trị, quân sự như một dạng hoạt động quân sự có vũ trang với hai hình thức chủ yếu tại thời điểm này là tiến công vào hệ thống thông tin và ký sinh điều khiển học. Vũ khí tấn công những mã độc được thiết kế riêng trên cơ sở các đặc tính của hệ thống thông tin bị tấn công; thời gian tiến công có thể xảy ra bất cứ lúc nào; không gian tác chiến mạng không xác định rõ ràng; các hacker có thể ở bất cứ đâu, do vậy rất khó có thể phòng, chống, đánh trả cụ thể.

Hai là, xuất hiện và phổ biến của vũ khí tự động hóa.

Với công nghệ tự động hóa, AI, vật liệu mới, IOT, các loại robot quân sự, phương tiện bay không người lái (UAV) đã được chế tạo đưa vào hệ thống vũ khí, trang bị quân sự. Các phương tiện không người lái được phát triển cả trên không, trên bộ, trên biển và dưới biển, làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát, bảo đảm hậu cần và tấn công. Nhiều loại UAV có khả năng mang vũ khí, tầm bay xa, xác nhận mục tiêu khá chính xác đã đặt ra yêu cầu mới cho tác chiến phòng không, đồng thời sản sinh một loại “phi công mới” – các lập trình viên, trắc thủ điều khiển UAV. Các tổ hợp rô-bốt chiến đấu cũng được quan tâm phát triển và đưa vào sử dụng2. Tuy khả năng chiến đấu của rô-bốt hiện nay vẫn còn hạn chế nhưng với các rô-bốt có AI, có khả năng nhận biết, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định, phối hợp với binh sĩ hoặc tương tác với tất cả các nhiệm vụ trong chiến tranh: trực tiếp tham chiến, bảo đảm chiến đấu, một số quốc gia còn sản xuất rô-bốt sao chép các khả năng của động vật (rô-bốt la, rô-bốt chó, rô-bốt rắn…), các mini rô-bốt, micro rô-bốt. Do vậy, rất có thể các rô-bốt quân sự sẽ là phương tiện tác chiến chủ yếu trên chiến trường tương lai.

Ba là, thay đổi trong huấn luyện quân sự.

Công nghệ thực tế ảo hiện không chỉ được sử dụng trong phim ảnh, trò chơi mà đang được một số nước có tiềm lực kinh tế, năng lực công nghệ thông tin đẩy mạnh sử dụng để đào tạo và huấn luyện binh sĩ, đặc biệt là mô phỏng các môi trường chiến tranh giả định trong tương lai, môi trường có tính chất nguy hiểm phức tạp, mô phỏng cấu trúc và không gian 4D, 5D các loại vũ khí hiện đại. Với dữ liệu lớn được tích hợp, kịch bản huấn luyện mô phỏng rất linh hoạt, chỉ huy có thể đưa ra những tình huống huấn luyện sát thực tế, phù hợp với năng lực của binh sĩ, tính năng của vũ khí trang bị, giảm thiểu kinh phí, giảm thời gian chuẩn bị và thực hành huấn luyện, tránh được những rủi ro ngoài ý muốn.

Bốn là, xuất hiện nhiều phương thức tiến hành chiến tranh kiểu mới.

Do vũ khí có sự thay đổi về chất nên phương thức tiến hành chiến tranh có thể có những thay đổi lớn. Tác chiến quân sự không chỉ ở môi trường truyền thống mà sẽ đa dạng, tổng hợp trên tất cả các môi trường từ trên không, trên bộ, trên biển, vũ trụ, điện tử và đến không gian mạng. Sự tham gia ngày càng rộng rãi của rô-bốt chiến đấu, các máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát và tiến công nên phương thức kết hợp con người với vũ khí thay đổi sâu sắc, “tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể trở thành phương thức tác chiến chủ đạo”3. Bên tiến công sẽ phát huy tối đa ưu thế vũ khí công nghệ cao, kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với các hoạt động khác như: cô lập ngoại giao, bao vây cấm vận về kinh tế, bạo loạn lật đổ, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh phi tiếp xúc, vũ khí sinh học ứng dụng công nghệ cao, tổ chức hỏa lực tổng hợp của nhiều quân, binh chủng và từ tất cả các hướng… để nhanh chóng đạt mục đích đề ra.

Như vậy, những tác động của công nghệ số, sự phát triển của AI dẫn tới hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành sẽ có những thay đổi rất lớn theo hướng tự động hóa cao, người chỉ huy sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc chỉ huy, quản lý, kiểm soát, điều khiển, đặc biệt là trong tính toán xử lý các dữ liệu thông tin, ra mệnh lệnh. Nhưng thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ, đó là việc thay đổi không gian làm việc trong điều kiện tự động hóa, cách thức triển khai lực lượng, quản lý chỉ huy điều hành khi thời gian chuẩn bị và tiến hành chiến tranh ngày càng rút ngắn, những yêu cầu về đầu tư hạ tầng vật chất phục vụ huấn luyện chiến đấu, về nhân lực chất lượng cao cho sử dụng vũ khí hiện đại, nguy cơ cao về lộ lọt thông tin quân sự.

Các phương tiện không người lái được phát triển cả trên không, trên bộ, trên biển và dưới biển, làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát, bảo đảm hậu cần và tấn công.
Một số yêu cầu về năng lực của cán bộ cơ sở quân đội hiện nay

Thứ nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự tinh nhuệ.

Sức mạnh chiến đấu của Quân đội là sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành, trong tổng thể các yếu tố đó, con người và vũ khí là hai yếu tố nền tảng, con người và vũ khí có quan hệ chặt chẽ với nhau, yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định. V.I.Lênin đã khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng, cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”4. Thực tiễn cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã chứng minh luận điểm của Lênin. Như vậy, xét đến cùng, nhân tố chính trị, tinh thần của người lính đang chiến đấu trên chiến trường giữ vai trò quyết định đến thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh.

Hiện nay, khi chứng kiến một số cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao diễn ra trên thế giới, tính sát thương cao, mức độ hủy diệt lớn đã gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang, mất niềm tin vào vũ khí, trang bị hiện có của một số cán bộ, chiến sĩ. Với vị trí là người quản lý, chỉ huy trực tiếp chiến sĩ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở phải thực sự vững vàng về bản lĩnh, ý chí, có niềm tin vững chắc vào sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, tuyệt đối không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có như vậy mới động viên, giáo dục, định hướng cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền giữ vững niềm tin, không hoang mang, dao động trước khó khăn, thử thách, bảo đảm đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, thực tiễn không chỉ đòi hỏi cán bộ cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng mà họ cũng phải thực sự tinh nhuệ về chính trị. Tinh nhuệ về chính trị biểu hiện ở thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng trong nhận thức, đánh giá đúng tình hình thời cuộc, đối tác và đối tượng, luôn kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận thức đúng bản chất của những luận điểm xuyên tạc mà các thế lực phản động, thù địch tuyên truyền chống phá. Tích cực tham gia đấu tranh và đấu tranh có hiệu quả nhằm phản bác, vạch trần các quan điểm sai trái đó, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng ở đơn vị cơ sở, bảo đảm đơn vị luôn trong sạch, vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu.

Thứ hai, đổi mới tư duy về chỉ huy, sử dụng vũ khí.

Ứng dụng thành tựu của KHCN, nhất là thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra hệ thống C4ISR (chỉ huy, điều khiển, truyền tin, máy tính, tình báo, trinh sát và giám sát), góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của các đơn vị trên chiến trường, tự động hóa quá trình ra quyết định của người chỉ huy, tạo ra khả năng phản ứng nhanh trước các tình huống quân sự, nâng cao tính đồng bộ giữa các đơn vị. Đồng thời, Quân đội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh. Lực lượng bộ binh được tinh giản biên chế, số lượng, nâng cao khả năng cơ động, tác chiến đa năng, các quân binh chủng được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tính độc lập cao nhưng vẫn bảo đảm khả năng hiệp đồng tác chiến. Thực tiễn trên dẫn đến thay đổi phương thức tiếp xúc giữa con người và vũ khí, con người với con người, đòi hỏi tính cơ động cao, loại bỏ các khâu trung gian, sự tham gia trực tiếp của con người trên chiến trường giảm xuống, thay thế bằng máy móc, thiết bị điều khiển. Sự ra đời của đội ngũ sĩ quan chất lượng cao, nhân viên chuyên môn kỹ thuật số có thể đảm đương nhiều chức trách trong một hệ thống vũ khí thông minh, tự động hóa, làm việc thay cho nhiều người trở thành đòi hỏi cấp thiết.

Quá trình hiện đại hóa Quân đội đòi hỏi sự đồng bộ cả con người và vũ khí, thiếu một trong hai yếu tố không phát huy được sức mạnh chiến đấu của cả hệ thống, V.I.Lênin đã khẳng định: “cuộc chiến tranh hiện đại cũng như kỹ thuật hiện đại thì đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao”5. Do đó, đội ngũ cán bộ cơ sở cần nhận thức đúng về vai trò ngày càng tăng của con người với vũ khí, bởi vì, ứng dụng AI để phát triển ra các loại vũ khí hiện đại cũng như sử dụng chúng đều là do con người thực hiện; tự bản thân cần nhanh chóng thay đổi tư duy về cách vận hành các loại vũ khí tự động hóa, “thông minh”, cách thức giao tiếp giữa con người với vũ khí, con người với con người trong hệ thống hiện đại, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao do sự chuyên môn hóa nhiệm vụ.

Vũ khí mới, hiện đại có những đặc điểm khác biệt về chất, cùng với quá trình điều chỉnh biên chế, tổ chức tinh, gọn, mạnh đòi hỏi người chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phải hoạt động trong nhiều vai, tích hợp nhiều nhiệm vụ, do vậy, tư duy chỉ huy hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo trong xử trí các tình huống, có năng lực liên kết các thành viên trong tổ hợp để điều khiển, sử dụng thành thạo vũ khí, tiêu diệt chính xác mục tiêu trở thành yêu cầu bắt buộc. Trong tương lai, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vẫn là phương thức hiệu quả để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu chiến đấu chỉ bằng ý chí, niềm tin, sự quyết tâm thì chưa đủ, mỗi cán bộ cơ sở cần có tri thức toàn diện, kỹ năng chỉ huy quyết đoán, nhanh nhạy, đa năng, thực hiện được nhiều nhiệm vụ, phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng với đòi hỏi của CMCN 4.0 trong lĩnh vực quân sự.

Thứ ba, có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định lộ trình cụ thể về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”6. Như vậy, để xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, từng bước tiến lên hiện đại, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa cán bộ, chiến sĩ với vũ khí, khi đã có vũ khí hiện đại, tất yếu phải đào tạo, bồi dưỡng con người hiện đại, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có thể chất bảo đảm và có đầy đủ tri thức khoa học quân sự để hiểu biết tính năng, tác dụng, làm chủ các loại vũ khí hiện đại.

Để thực hiện được yêu cầu trên, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp, cần đẩy mạnh tổ chức tạo nguồn đi đào tạo theo chức danh và học vị cho cán bộ cơ sở, ưu tiên với cán bộ có trình độ chuyên môn, tuổi đời trẻ, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường quân đội. Bảo đảm xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ số lượng, chất lượng, “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Quân đội và nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị.

Đối với bản thân đội ngũ cán bộ cơ sở, phải không ngừng tự học hỏi, cập nhật, bổ sung tri thức quân sự, nâng cao trình độ để khẳng định vị trí, vai trò của mình. Tự học hỏi, nâng cao trình độ được thực hiện thông qua quá trình đào tạo, chuyển loại vũ khí, khí tài tại các nhà trường và đơn vị có vũ khí hiện đại. Kết hợp với thực tiễn đơn vị công tác, mỗi cán bộ cơ sở cần chú trọng tự bồi dưỡng qua thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Tích cực học hỏi cấp trên, cán bộ có kinh nghiệm về vũ khí mới, hiện đại để hoàn thiện kỹ năng chỉ huy, khai thác, sử dụng vũ khí, đồng thời, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nắm chắc tính năng, kỹ thuật, chiến thuật, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới để họ sẵn sàng tham gia khai thác, sử dụng vũ khí mới khi được cấp trên chuyển giao.

Các loại vũ khí hiện đại phần lớn được điều khiển tự động hóa bằng các thuật toán trên máy tính, sản xuất ở nước ngoài, đòi hỏi người chỉ huy phải có trình độ tin học, ngoại ngữ thành thạo mới có thể làm chủ và phát huy tối đa tính năng, tác dụng của chúng. Do vậy, chủ động học tập, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đang là đòi hỏi bắt buộc với cán bộ cơ sở hiện nay. Cán bộ cơ sở có trình độ tin học chưa đáp ứng yêu cầu sẽ không thể làm chủ được hệ thống vũ khí tự động hóa cao, do đó, không thể khai thác tối đa sức mạnh của cả hệ thống vũ khí, gặp nhiều khó khăn trong các thao tác truyền tin, truyền mệnh lệnh, xử lý tình huống kỹ chiến thuật. Đồng thời, năng lực ngoại ngữ tốt là cơ sở để hiểu đúng bản chất, tính năng, tác dụng các loại vũ khí, nắm chắc các thao tác trong hệ thống, tổ chức hiệp đồng chiến đấu đúng vai, thuộc bài.

Kết luận

Có thể khẳng định sự phát triển nhảy vọt về chất của vũ khí không làm suy giảm mà còn làm tăng thêm vai trò của con người trong hoạt động quân sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và chủ trương, phương hướng xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước hiện đại hóa đã đặt ra những đòi hỏi cao hơn về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, năng lực chuyên môn. Do vậy, xuất phát từ yêu cầu mới về năng lực đối với cán bộ cơ sở, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng các biện pháp hữu hiệu, khả thi để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Chú thích:
1. Tạ Quang Thảo: “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn Không quân 371”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển của lực lượng Phòng không – Không quân (lưu hành nội bộ), Hà Nội, 2018, tr.121.
2,3. Huỳnh Minh Chiến. Chiến tranh trí tuệ nhân tạo – Những vấn đề cần quan tâm nghiên cứuTạp chí Quốc phòng toàn dân, số tháng 1/2022, tr.91-92.
4. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr.147.
5. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr.191.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 157-158.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đình Chiến. Cách mạng trong quân sự và những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2010.
2. Lâm Quang Đại. Xây dựng Quân chủng phòng không – không quân vững mạnh về chính trị – nền tảng để xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12/2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – thời cơ và thách thức đối với Việt Nam. NXB. Lý luận Chính trị, 2017.
5. Viện Khoa học quân sự. Chiến tranh tương lai. Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, 2020.
6. Quân chủng Phòng Không – Không quân. K yếu Hội thảo khoa học cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển của lực lượng phòng không – không quân. Hà Nội, 2018 (Lưu hành nội bộ).
7. Đặng Đồng Tiến. Xu hướng phát triển vũ khí, trang bị của một số nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Http://tapchiqptd.vn, ngày 25/10/2018.
8. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. NXB Quân đội nhân dân, 2014.
ThS. Cao Văn Trung
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng