(Quanlynhanuoc.vn) – Hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bài viết dưới đây phân tích, đánh giá thực trạng, tổng kết thực tiễn và đề xuất một số giải pháp giúp tiếp tục phát triển Hợp tác xã nông nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp và xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Đặt vấn đề
Thời gian qua, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở tỉnh Đồng Tháp có nhiều hướng đi mới đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX theo hướng tạo hệ sinh thái phát triển đồng bộ, hội nhập, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định, phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới là xu thế tất yếu khách quan và xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên HTX; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh, phát triển HTX bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của HTX, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thực trạng hoạt động, phát triển Hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là địa phương triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Toàn huyện Cao Lãnh có 30 HTX, tổ hợp tác; trong đó, có 22 HTXNN, các HTX đều đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tổng số thành viên của HTXNN trên địa bàn huyện là 3.477 thành viên. Vốn hoạt động của HTX trung bình từ 50 – 8.546 triệu đồng; doanh thu trung bình của các HTXNN từ 942,7 triệu đồng, lãi bình quân từ 80 – 120 triệu/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng/tháng.
HTXNN đã giải quyết việc làm cho 166 lao động, đa số các HTXNN hoạt động dịch vụ bơm tưới là chủ yếu, một số HTXNN hoạt động theo hình thức đa dịch vụ sản xuất – kinh doanh, trong đó có dịch vụ nông nghiệp (bơm tưới, liên kết tiêu thụ đầu vào, đầu ra,…) và các dịch vụ phi nông nghiệp như cung cấp nước uống, bảo hiểm xe gắn máy, gạo, gas… từng bước mang lại lợi ích cho thành viên.
Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp nhận thức về vị trí, vai trò của HTX đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển HTXNN và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Liên minh HTX phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể. Nhờ đó, các HTXNN ở huyện Cao Lãnh có sự chuyển biến tích cực, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, là cầu nối, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, chăm lo và bảo vệ lợi ích của thành viên và quản lý dân chủ, đặc biệt gắn hoạt động sản xuất – kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo được thương hiệu trong nước và ngoài nước.
Đa số HTXNN ở huyện Cao Lãnh hiện nay phát triển bền vững và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của tỉnh Đồng Tháp, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tình hình hoạt động, phát triển HTXNN ở huyện Cao Lãnh đến nay cũng còn bộc lộ một số hạn chế, hoạt động và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của địa phương; chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng phát triển kinh tế của địa phương và đóng góp còn rất thấp so với mong đợi.
Phát triển HTXNN có quy mô nhỏ, chủ yếu theo chiều rộng, không đồng đều giữa các địa phương trong huyện; tổng số thành viên và số lượng của một HTX giảm xuống lại bị hạn chế về trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các địa phương khác; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các chuỗi giá trị sản xuất.
Chưa ứng dụng khoa học, công nghệ và số hóa trong quản lý, sản xuất và kiểm soát môi trường. Tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn diễn ra, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Việc củng cố, kiện toàn nhân sự, nâng cao chất lượng hoạt động của HTXNN còn chậm.
Chưa thu hút được nhiều người dân tham gia để phát triển thành viên, còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, chưa tạo được đột phá để thúc đẩy phát triển HTXNN; chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phát triển HTXNN được ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực triển khai, tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vị trí, vai trò của cả hệ thống chính trị, của Hội Nông dân, Liên minh HTX trong thúc đẩy phong trào phát triển HTXNN.
Những hạn chế nêu trên do công tác phổ biến, quán triệt và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, sâu rộng.
Thiếu kinh nghiệm quản lý, quản trị của HTX, hoạt động còn nặng về bề nổi, chưa chú trọng chiều sâu. Chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX đáp. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân còn bất cập; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề chưa thực sự hiệu quả, chậm đổi mới theo yêu cầu thực tiễn; chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động.
Nhận thức của một bộ phận người dân về HTXNN chưa đầy đủ nên ngại tham gia. Tập quán sản xuất truyền thống vẫn còn, chưa thật sự đổi mới, ngại áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều HTXNN tác còn lúng túng, lợi ích mang lại cho thành viên ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn vật tư đầu vào, công nghệ sản xuất – kinh doanh, vốn tín dụng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu các giải pháp toàn diện, tổng thể trong việc hoạch định phương hướng hoạt động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, thành viên chưa thực sự tin tưởng, tâm lý lo ngại xây dựng theo mô hình HTXNN kiểu cũ vẫn tồn tại.
Một số giải pháp phát triển Hợp tác xã nông nghiệp
Để có được một chiến lược phát triển HTXNN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX)“Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội (khóa X) của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Nghị quyết Đảng bộ huyện Cao Lãnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 là cả một chặng đường dài phía trước mà để làm được điều đó nhất thiết cần phải có những giải pháp mang tính định hướng cho công tác phát triển HTXNN ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về HTXNN tạo sự thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận cao của toàn xã hội biến thành hành động thiết thực. Cần tập trung vào các ngành nghề mà địa phương có lợi thế, có quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển HTXNN, phát triển những ngành, nghề mà huyện Cao Lãnh cần và thu hút nhiều lao động, sử dụng lao động tại địa phương. Giải quyết được bài toán ly nông bất ly hương góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
Hai là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và người lao động có trình độ cao đẳng, đại học, tin học, ngoại ngữ đủ năng lực, kỹ năng quản lý, điều hành HTXNN, đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ; chú trọng tập huấn khoa học và kỹ thuật về nông nghiệp công nghệ cao cho thành viên và người lao động của HTXNN.
Ba là, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển HTXNN; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu: vùng nguyên liệu, chế biến, bảo quản nông sản; hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại trong nước và xuất khẩu, thương mại điện tử, để tạo sức đột phá cho phát triển HTXNN.
Bốn là, đầu tư phát triển chuỗi logistic, đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông sản, chuyển đổ số hóa trong sản xuất bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn của nông sản hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tạo lập và kết nối thị trường đầu vào và đầu ra hỗ trợ phát triển HTXNN, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, hỗ trợ xây dựng hình ảnh và thương hiệu
Năm là, củng cố, nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh HTX ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Xác định rõ vai trò của Liên minh HTX ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nguồn lực, ngân sách, thực hiện các dịch vụ công cho người dân. Liên minh HTX có điều lệ riêng phù hợp vai trò, chức năng, nhiệm vụ hoạt động có chất lượng, hiệu quả của hệ thống HTXNN. Liên minh HTX ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò đại diện bảo vệ, hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ để liên kết giao lưu, hợp tác cung cấp dịch vụ của các HTXNN với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài góp phần đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn huyện đi vào ổn định và có bước chuyển biến tích cực để HTXNN phát triển bền vững.
Sáu là, Nhà nước đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển HTXNN. Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo cần tạo cú hích thúc đẩy liên kết vùng, tránh để vùng rơi vào phát triển kinh tế nông nghiệp khép kín. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động của HTXNN; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với HTXNN. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên tham gia xây dựng các hình thức HTXNN. Thay đổi từ tư duy nông nghiệp thuần tuý sang “tư duy kinh tế nông nghiệp, nền kinh tế nông nghiệp thông minh”, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.
Kết luận
HTXNN là một tổ chức kinh tế mang tính xã hội sâu sắc của tập hợp đông đảo nông dân ở nông thôn – lực lượng lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xã hội. Sự phát triển của HTXNN có ý nghĩa to lớn đối với phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; hoàn thiện pháp luật và các chính sách liên quan đến phát triển HTXNN; đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong phát triển HTXNN; hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với HTXNN, số hóa trong quản lý, sản xuất truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu đáp ứng yêu của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.