Đánh giá hiện trạng của hoạt động truyền thông các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ


ThS. Bùi Thị Phương Hạ
Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Truyền thông đang chứng kiến sự thay đổi trong cách các tổ chức chính quyền tương tác với người dân. Những năm qua, hoạt động truyền thông của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc ngành Nội vụ đã bước đầu được quan tâm, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả hơn. Mặc dù chưa có sự đồng nhất về cấu trúc, mô hình truyền thông trong các cơ quan của ngành Nội vụ, song về cơ bản, nhiều cơ quan, đơn vị của ngành Nội vụ đã thiết lập các phòng, ban hoặc đơn vị chuyên trách về hoạt động truyền thông, thể hiện sự coi trọng vai trò của truyền thông. Bài viết phân tích hiện trạng của hoạt động truyền thông về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ nhằm đề xuất các giải pháp xây dựng mô hình hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này.

Từ khoá: Truyền thông, hoạt động truyền thông, ngành Nội vụ.

1. Đặt vấn đề

Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của xã hội, nhất là công tác của ngành Nội vụ. Truyền thông tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Các hoạt động truyền thông được thực hiện qua hình thức cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; thông cáo báo chí, họp báo, tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bài viết để đăng tải, phát sóng trên các phương tiện truyền thông, biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong quá trình triển khai xây dựng chính sách… Phát triển các tính năng tương tác, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, truyền thông đa phương tiện, tích hợp hình ảnh, video trên cả các nền tảng của thiết bị thông minh. Tổ chức sự kiện truyền thông để tương tác với công chúng. Các chủ trương này đều nhấn mạnh vai trò của hoạt động truyền thông trong quá trình phát triển ngành Nội vụ.

2. Đánh giá công tác truyền thông về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ

(1) Các hình thức truyền thông chủ yếu về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ.

Những năm qua, ngành Nội vụ đã và đang áp dụng rất đa dạng các hình thức truyền thông để tăng cường hiệu quả tuyên truyền và quảng bá thông tin của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ tới công chúng và các đối tượng chịu tác động của các chính sách, văn bản có liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành Nội vụ quản lý. Các hình thức truyền thông và tỷ lệ phần trăm người tham gia sử dụng các hình thức này được thể hiện chi tiết, cho thấy sự đa dạng và phong phú trong việc tiếp cận thông tin. Dữ liệu từ trình bày các hình thức truyền thông chủ yếu về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ, dựa trên kết quả khảo sát với 173 người tham gia.

Hình thức “truyền thông trực tiếp qua website của tổ chức” được sử dụng nhiều nhất, với 156 người (chiếm 90,2%). Điều này phản ánh sự phổ biến và hiệu quả của việc sử dụng các trang web chính thức như một nguồn thông tin chính thức và đáng tin cậy. Website của tổ chức thường cung cấp các thông tin cập nhật, chính xác và toàn diện, giúp người dân và các bên liên quan dễ dàng tiếp cận và tra cứu.

Hình thức “truyền thông qua Zalo của tổ chức” được người trả lời lựa chọn nhiều thứ hai với 80,3%, thực tế hiện nay phản ánh Zalo là một ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Việt Nam, cho phép tổ chức dễ dàng tiếp cận và tương tác với người dân. Tỷ lệ này cho thấy, Zalo không chỉ là một công cụ giao tiếp cá nhân mà còn là một phương tiện hiệu quả trong việc truyền thông công cộng. Đứng thứ ba trong các hình thức truyền thông được người trả lời lựa chọn là “truyền thông trực tiếp tại đơn vị (phòng tiếp dân)” với 138 người (79,8%). Hình thức này phản ánh nhu cầu tiếp xúc trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể và khẩn cấp, cũng như sự quan trọng của việc tạo điều kiện cho công chúng gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với những người có trách nhiệm.

Ngoài ra, các kênh truyền thông được đánh giá cao bao gồm: “đường dây nóng của đơn vị” có 131 người tham gia (75,7%); “truyền thông qua báo điện tử” có 123 người tham gia (71,1%)… Ở chiều ngược lại, truyền thông qua “Kênh Youtube của tổ chức” có 56 người sử dụng (32,4%) là ít phổ biến nhất, có thể do yêu cầu về nội dung video phong phú và chất lượng.

Các cơ quan thuộc Bộ, ngành Nội vụ đã kết hợp linh hoạt giữa các hoạt động truyền thông truyền thống và hiện đại để tối ưu hóa việc truyền đạt và quảng bá thông tin. Thông qua đó, các thông tin pháp luật, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo các đối tượng xã hội, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực thi pháp luật và góp phần đưa pháp luật, chính sách thuộc các lĩnh vực của ngành Nội vụ đi vào cuộc sống.

Từ dữ liệu trên, cho thấy, ngành Nội vụ sử dụng một loạt các hình thức truyền thông khác nhau để bảo đảm thông tin được truyền tải đến nhiều đối tượng một cách hiệu quả. Sự ưu tiên sử dụng các hình thức truyền thông trực tuyến qua website, Zalo và Facebook phản ánh xu hướng hiện đại hóa và số hóa trong quản lý và truyền thông công cộng. Đồng thời, việc duy trì các hình thức truyền thông truyền thống như truyền thông qua báo in, phát thanh truyền hình bảo đảm, thông tin có thể tiếp cận đến những người không thường xuyên sử dụng internet hoặc các nền tảng số. Sự đa dạng này giúp ngành Nội vụ đáp ứng được nhu cầu thông tin của các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, mỗi hình thức truyền thông đều có những hạn chế riêng, từ vấn đề tiếp cận, chi phí, bảo mật đến khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng. Do đó, việc sử dụng kết hợp nhiều hình thức truyền thông là cần thiết để bảo đảm thông tin được truyền tải hiệu quả và đến được với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội.

Trong truyền thông các nội dung của công tác Nội vụ, dữ liệu cho thấy, hình thức truyền thông qua Website là phổ biến nhất khi hầu hết các nội dung truyền thông đều được thực hiện chủ yếu qua website với tỷ lệ rất cao, từ 71,7% đến 82,1%. Điều này cho thấy, website là công cụ hiệu quả để truyền tải thông tin chính thống và đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận với người dân. Hình thức phổ biến thứ hai cho tất cả các nội dung là giao tiếp trực tiếp theo hình thức mặt đối mặt tại đơn vị, tổ chức cho thấy tầm quan trọng của việc giao tiếp trực tiếp trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể và cung cấp dịch vụ công.

Trong khảo sát này, hình thức truyền thông qua Zalo là kênh quan trọng để truyền tải nội dung thông tin nhanh chóng và trực tiếp đến những người có liên quan. Tỷ lệ sử dụng Zalo dao động từ 24,9% – 43,8%, thể hiện sự phổ biến của ứng dụng này trong truyền thông tổ chức ở Việt Nam.

Việc sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông giúp bảo đảm thông tin được truyền tải một cách hiệu quả và rộng rãi. Mỗi hình thức truyền thông có những ưu điểm riêng và sự kết hợp giữa các hình thức này này sẽ tối ưu hóa khả năng tiếp cận và tương tác với công chúng.

(2) Các kênh truyền thông đối với hoạt động truyền thông.

Thông qua việc tận dụng các kênh truyền thông đa dạng, như: họp báo, hội thảo đến các chương trình truyền hình và diễn đàn trực tuyến,… đã mở ra cơ hội mới để chia sẻ thông tin và tương tác với công chúng nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách và quy định mà còn góp phần xây dựng lòng tin và sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Trên thực tế, thời gian qua đã ghi nhận các hoạt động truyền thông của ngành Nội vụ đang được triển khai tương đối nổi bật. Nhiều chương trình tuyên truyền về cải cách hành chính, chính sách mới đã đến được với đông đảo người dân, qua đó, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng vào các quyết định của chính quyền. Các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan thuộc ngành Nội vụ nói riêng cũng đã tận dụng hiệu quả các kênh truyền thông số để mở rộng tầm ảnh hưởng và tăng cường tương tác với người dân. Các cơ quan nhà nước thuộc ngành Nội vụ đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc cải thiện và chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông của mình thông qua việc không ngừng đổi mới, chủ động và nâng cao hiệu quả trong việc truyền đạt thông tin đến công chúng.

Dựa trên dữ liệu từ khảo sát năm 2024, có thể thấy, website của đơn vị là kênh truyền thông phổ biến nhất, với 93,1% người tham gia khảo sát sử dụng. Đây là kênh chính thức và đáng tin cậy nhất, thường được các đơn vị công vụ sử dụng để cung cấp thông tin chính thức và cập nhật nhanh chóng. Zalo, với 78,6%, là kênh truyền thông xã hội phổ biến thứ hai. Zalo được ưa chuộng do tính tiện lợi và khả năng tiếp cận rộng rãi.

Trong xu thế nhu cầu của công chúng, truyền thông ngày càng đa dạng và phong phú như hiện nay, các cơ quan Nội vụ cần đa dạng hóa các kênh truyền thông để bảo đảm thông tin đến được với mọi đối tượng, từ người trẻ sử dụng mạng xã hội đến người cao tuổi ưa thích báo in. Kênh YouTube chỉ có 27,7% đồng ý cần có giải pháp để khuyến khích các đơn vụ sử dụng kênh này theo hình thức sản xuất các video ngắn hướng dẫn, giải thích các chính sách, quy trình và các hoạt động của đơn vị và đẩy mạnh quảng bá kênh YouTube qua các kênh truyền thông khác để tăng lượng người theo dõi và xem video. Ngoài ra, các đơn vị cần tiến hành khảo sát thường xuyên để đo lường hiệu quả của các kênh truyền thông và điều chỉnh chiến lược phù hợp dựa trên phản hồi của người dân. Các giải pháp trên không chỉ giúp cải thiện hiệu quả truyền thông mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch và tương tác giữa các đơn vị với cộng đồng.

Các kênh truyền thông được sử dụng nhiều nhất theo các nội dung truyền thông khác nhau trong công tác của ngành Nội vụ. Dữ liệu này minh chứng cho tính phổ biến của kênh truyền thông này nhưng việc quá phụ thuộc vào một kênh có thể gây ra hạn chế nếu website gặp sự cố hoặc không được cập nhật kịp thời. Các đơn vị cần bảo đảm thông tin trên website luôn được duy trì và cập nhật thường xuyên.
Phòng tiếp dân và báo điện tử thường là các kênh truyền thông phổ biến thứ hai và thứ ba cho các nội dung như cải cách hành chính, chính sách công vụ, và quyền con người. Phòng tiếp dân đặc biệt quan trọng trong việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, giải quyết các thắc mắc và phản ánh nhanh chóng. Báo điện tử có lợi thế về tính chính xác, nhanh chóng và khả năng lan tỏa thông tin rộng rãi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả người dân đều có khả năng truy cập báo điện tử, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hoặc với những người cao tuổi ít tiếp cận công nghệ.

Dựa trên bảng số liệu, có thể thấy các đơn vị đã tận dụng tốt các kênh truyền thông hiện đại như website và Zalo để tiếp cận và phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa kênh truyền thông là cần thiết để bảo đảm thông tin được truyền tải một cách hiệu quả và đến được với mọi đối tượng. Các đơn vị nên cân nhắc sử dụng kết hợp nhiều kênh truyền thông, đồng thời nâng cao chất lượng và tính cập nhật của thông tin trên các kênh này. Cần chú trọng đào tạo nhân viên về kỹ năng sử dụng các công cụ truyền thông cũng rất quan trọng để nâng cao hiệu quả giao tiếp và tương tác với người dân.

(3) Về cơ sở hạ tầng mức độ đáp ứng tại đơn vị truyền thông.

Thực trạng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và mức độ đáp ứng tại đơn vị truyền thông cho thấy nhiều khía cạnh đáng chú ý về tình trạng hiện tại và những điểm cần cải thiện. Trong số 173 người được khảo sát, hệ thống internet có tỷ lệ áp dụng rất cao, lên đến 96%, với mức độ đáp ứng trung bình đạt 3,44 và độ lệch chuẩn là 0,917. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống internet tại đơn vị được đánh giá cao về mức độ đáp ứng, hầu như toàn bộ đơn vị đã áp dụng và nhận thấy hiệu quả cao từ hệ thống này.

Trang thiết bị phục vụ công tác truyền thông cũng có tỷ lệ áp dụng đáng kể, đạt 87,9%, với mức độ đáp ứng trung bình là 3,39 và độ lệch chuẩn là 1,038. Mặc dù đa số đơn vị đã có trang thiết bị cần thiết, mức độ đáp ứng vẫn có sự biến động nhất định, cần có sự cải tiến về chất lượng và hiệu quả sử dụng thiết bị. Nền tảng truyền thông đa phương tiện có tỷ lệ áp dụng là 69,4%, với mức độ đáp ứng trung bình cũng đạt 3,35 và độ lệch chuẩn là 1,119. Đây là tỷ lệ tương đối nhưng vẫn còn nhiều đơn vị chưa áp dụng nền tảng này, điều này cũng là một lĩnh vực cần được chú trọng cải thiện.

Hệ thống quản lý thông tin truyền thông trực tuyến có tỷ lệ áp dụng là 77,5%, với mức độ đáp ứng trung bình là 3,32 và độ lệch chuẩn 1,039. Dù hệ thống này được áp dụng ở mức khá, mức độ đáp ứng vẫn có sự biến động, cho thấy cần có những biện pháp để tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng.

Cuối cùng, việc thực hiện chuyển đổi số được đánh giá cao với tỷ lệ áp dụng lên đến 92,5%, mức độ đáp ứng trung bình là 3,42 và độ lệch chuẩn thấp nhất trong bảng là 0,889. Điều này phản ánh xu hướng tất yếu và sự thành công bước đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị. Để cải thiện những hạn chế hiện tại, cần nâng cao nhận thức và đào tạo về các công nghệ mới và chuyển đổi số cho cán bộ, viên chức trong đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, bảo đảm hệ thống internet hoạt động ổn định và trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác truyền thông.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển các nền tảng truyền thông đa phương tiện và ứng dụng công nghệ đồ họa để nâng cao chất lượng nội dung và khả năng truyền tải thông điệp. Cần tối ưu hóa hệ thống quản lý thông tin trực tuyến bằng cách sử dụng các phần mềm quản lý tiên tiến để tự động hóa quy trình và giảm thiểu sai sót. Cuối cùng, tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, định kỳ đánh giá và cập nhật kế hoạch để phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và nhu cầu thực tế.

(4) Về ngân sách và mức độ đáp ứng của các yếu tố hạ tầng truyền thông.

Kết quả khảo sát ý kiến từ 173 người đang làm việc có liên quan đến hoạt động truyền thông tại các đơn vị cho thấy, có 73,4% đơn vị có ngân sách tổ chức hoạt động truyền thông với mức độ đáp ứng trung bình là 3, 33 và độ lệch chuẩn là 1,106. Điều này cho thấy phần lớn các đơn vị đã dành ngân sách cho hoạt động truyền thông, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị (26,6%) chưa áp dụng, và mức độ đáp ứng cũng có sự biến động khi độ lệch chuẩn là khá cao.

Ngân sách tổ chức sự kiện truyền thông có tỷ lệ áp dụng thấp hơn, chỉ đạt 64,2%, với mức độ đáp ứng trung bình là 3,40 và độ lệch chuẩn là 1,109. Điều này cho thấy mặc dù ngân sách tổ chức sự kiện được đánh giá cao hơn về mức độ đáp ứng, nhưng vẫn có tới 35,8% đơn vị chưa thực sự đầu tư vào các hoạt động này. Đây là một lĩnh vực cần chú trọng để nâng cao hiệu quả truyền thông thông qua các sự kiện.
Ngân sách đào tạo đội ngũ truyền thông có tỷ lệ áp dụng là 61,3% với mức độ đáp ứng trung bình là 3,34 và độ lệch chuẩn là 1,102. Sự đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực truyền thông còn hạn chế, khi gần 39% đơn vị chưa áp dụng ngân sách cho hoạt động này. Mức độ đáp ứng mặc dù khá nhưng vẫn có sự biến động, cho thấy cần có những chương trình đào tạo bài bản và liên tục để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cuối cùng, ngân sách chi cho hoạt động hợp tác truyền thông được áp dụng bởi 62.4% đơn vị, với mức độ đáp ứng trung bình là 3,45 và độ lệch chuẩn là 1,123. Đây là mức độ đáp ứng cao nhất trong các yếu tố khảo sát, cho thấy sự hợp tác truyền thông giữa các đơn vị được đánh giá cao và đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn có gần 38% đơn vị chưa đầu tư vào hoạt động này, điều này cho thấy, một tiềm năng lớn để cải thiện và mở rộng sự hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông.

Để cải thiện tình trạng hiện tại và nâng cao mức độ đáp ứng của các yếu tố cơ sở hạ tầng truyền thông, việc quan tâm đầu tư ngân sách là hết sức cần thiết. Trong đó, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho các hoạt động truyền thông, sự kiện truyền thông và đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác truyền thông giữa các đơn vị, tạo ra các dự án hợp tác chung để tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả truyền thông. Việc hợp tác có thể giúp chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các nguồn lực giữa các đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chiến dịch truyền thông.

(5) Năng lực truyền thông của công chúng.

Đánh giá năng lực truyền thông của công chúng từ ý kiến của 173 người tham gia khảo sát thông qua các tiêu chí: khả năng đánh giá thông tin chính sách, khả năng phân tích thông tin chính sách, khả năng sáng tạo thông tin chính sách và khả năng tiếp cận thông tin chính sách. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ trung bình của các tiêu chí này dao động từ 3,36 đến 3,51 phản ánh năng lực truyền thông của công chúng ở mức khá tốt.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa cần khuyến khích và tạo điều kiện để công chúng phát huy tối đa sự sáng tạo. Khả năng tiếp cận thông tin chính sách có điểm trung bình là 3,51 cao nhất trong các tiêu chí cho thấy, công chúng có khả năng tốt trong việc tiếp cận và thu thập thông tin chính sách. Từ kết quả này, có thể các đơn vị cần mở rộng mạng lưới kết nối và xây dựng các kênh thông tin đa dạng và hiệu quả để công chúng tiếp cận thông tin chính sách nhanh chóng. Sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại để quản lý và tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả cũng là một giải pháp quan trọng. Cuối cùng, cần có đánh giá về nhu cầu và mong đợi của công chúng truyền thông để nâng cao hiệu quả của truyền thông.

3. Kết luận

Qua nghiên cứu, công tác truyền thông của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Nội vụ trên thực tế còn những hạn chế, như: chưa có mô hình tổ chức đơn vị chuyên trách về truyền thông cho các cơ quan; hoạt động truyền thông của nhiều cơ quan còn thiếu chủ động, chưa có chiến lược, kế hoạch và thiếu tính chuyên nghiệp; nhân lực làm truyền thông cong thiếu và yếu,…

Với ba cấp độ cơ bản (cấp độ 1: chỉ cung cấp thông tin trên các phương tiện cơ bản; cấp độ 2: quan hệ với báo chí, làm việc với báo chí; cấp độ 3: có chiến lược truyền thông), đa số các cơ quan chỉ dừng lại ở cấp độ 2. Các kênh truyền thông chưa phong phú, hiện đại, thu hút công chúng. Truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới chưa được tận dụng hiệu quả vào việc xây dựng và truyền tải thông tin. Nhân lực làm công tác truyền thông chưa được chú ý phát triển ngay từ khâu tuyển dụng đầu vào cho tới khâu bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng. Tài chính cho hoạt động truyền thông còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Định mức chi cho các hoạt động chưa cao nên khó có thể phát triển các nội dung thông tin, truyền thông theo hướng đa phương tiện, phong phú và hấp dẫn. Khó bố trí kinh phí cho các hoạt động sự kiện, xây dựng quan hệ với báo chí.

Như vậy, qua nghiên cứu hoạt động truyền thông của các cơ quan, đơn vị ngành Nội vụ có thể bước đầu được nhìn nhận, đánh giá thông qua các góc độ phân tích. Từ kết quả nghiên cứu một số giải pháp được đánh giá là khả thi, mang lại hiệu quả cao trong quá trình xây dựng mô hình truyền thông trong hoạt động truyền thông tại các cơ quan thuộc ngành Nội vụ.

Tài liệu tham khảo:
1. Campbell and Cecilia (2017). World Press Trends 2017. Frankfurt: WAN-IFRA, năm 2017.
2. Andreas P. Müller, Alfred Kieser (eds.) (2003). Truyền thông trong các tổ chức: Cấu trúc và thực hành (Communication in organizations: Structures and Practices), Publisher P. Lang, 2003.
3. K.Miller (2011). Truyền thông trong tổ chức: Phương pháp tiếp cận và quy trình (Organizational Communication: Approached and Processes) (2011) (6th eds.), Belmont, CA: Thomson/Wadsworth, tr. 11.
4. Chuyển đổi số đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-doi-voi-viec-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-cua-bo-noi-vu-102220518180301811.htm, truy cập ngày 10/11/2023.