TS. Phan Duy Quang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Quản lý nhà nước các lĩnh vực đời sống xã hội trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển vượt bậc hiện nay đã và đang nảy sinh nhiều khía cạnh mới, vấn đề mới, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, hạn chế, bất cập. Vấn đề này rất cần được tìm hiểu, nghiên cứu, xem xét kỹ từ các góc độ để nhận diện và ứng phó, hóa giải những nguy cơ, thách thức đã và đang nảy sinh. Bài viết nêu lên một số phương cách ứng phó liên quan trên phương diện quản lý nhà nước.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị công nghệ AI, các lĩnh vực đời sống xã hội.
1. Khái lược về trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) là thành quả mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là thông qua các hệ thống máy tính; là trí tuệ do con người lập trình tạo nên, với mục đích giúp máy tính có thể tổng hợp, phân tích, mô phỏng những hoạt động tư duy giống con người, như: suy nghĩ, phân tích, học hỏi, lập luận để giải quyết các vấn đề.
Có thể tạm phân loại các nước hiện nay trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI thành 4 nhóm: (1) Nhóm các quốc gia đi đầu, gồm: Mỹ, Đức, Trung Quốc. (2) Nhóm các quốc gia có năng lực mạnh trong sáng tạo khoa học – công nghệ và phát triển AI, như: Anh, Thụy Điển, Bỉ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. (3) Nhóm những nước có nền kinh tế lớn, có trình độ công nghệ thấp hơn nhưng đang cho thấy thế mạnh ở một số lĩnh vực hẹp trong AI, như: Brazil, Ấn Độ. (4) Nhóm các nước có nền kinh tế với hạ tầng số kém phát triển, năng lực sáng tạo và nguồn lực hạn chế, trong đó có Việt Nam1.
Năng lực của AI đang được cải thiện nhanh chóng nhờ cập nhật về công nghệ, bổ sung dữ liệu, nâng cấp hạ tầng đang từng bước trở thành công cụ đắc lực trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mặt khác, cần nhận thấy trí tuệ nhân tạo hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển nó nên những hạn chế là không thể tránh khỏi, như: AI luôn đòi hỏi một lượng dữ liệu đầu vào khổng lồ để máy tính xử lý và cần huy động các máy chủ cỡ lớn mới thực hiện được, nếu không cung cấp đủ dữ liệu đầu vào hay dữ liệu không đủ lớn đủ mạnh thì kết quả đầu ra không thể diễn ra như mong đợi. Về tổng thể, AI có khả năng tổ hợp nhưng chưa có khả năng thực sản sinh ra tri thức mới. Một số ứng dụng trợ lý ảo hiện nay sử dụng cách né tránh trả lời trực tiếp những câu hỏi khó bằng cách hồi đáp quanh co chung chung, khiến người dùng lầm tưởng máy tính cũng nhạy cảm, thông minh nhưng thực ra không phải như vậy.
Khả năng phát triển của AI là chưa có điểm dừng chừng nào nó còn được tiếp cận kho tàng tri thức và dữ liệu của nhân loại. AI được ứng dụng ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vô vàn ứng dụng cho sinh hoạt thường nhật. AI ngày càng thông minh hơn, giúp con người ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn. Nhờ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như trong đời sống thường nhật. Có nghiên cứu nhận định rằng máy móc có thể đảm nhận rất nhiều công việc của con người trong vài chục năm tới2. Nếu làm chủ tốt công nghệ AI, con người có thể tìm thấy và dành nhiều thời gian hơn cho những điều ý nghĩa hơn. Mặt khác, cần nhận thấy những bất cập và thách thức mà công nghệ AI đang đặt ra hiện nay đối với lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Bất cập trong nhận thức và quy định pháp lý
AI với khả năng tích lũy kinh nghiệm, học hỏi, đưa ra quyết định riêng lẻ, và khả năng tự hành động có thể trở thành một phương tiện để một chủ thể nào đó sử dụng gây ra thiệt hại; hoặc chính AI có thể là đối tượng trực tiếp gây hại cho con người hoặc đối tượng khác bằng hành động của mình. Tình hình trên làm nảy sinh hai cách tiếp cận khác nhau trong cộng đồng quốc tế về tư cách pháp lý của AI.
Cách tiếp cận thiểu số cho rằng AI là một đối tượng của pháp luật, một số thực thể hữu hình có gắn AI như robot có thể được cấp phép tư cách như con người3, tuy nhiên số lượng quốc gia theo cách tiếp cận này rất hy hữu.
Cách tiếp cận phổ biến coi AI là một đối tượng riêng biệt trong pháp luật và được kiểm soát bởi những quy định chuyên biệt, các thực thể mang AI không được công nhận quyền như một con người, mà bản chất là sản phẩm, công cụ tài sản. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường thảo luận về các chủ đề như quản trị đối với AI, quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch và mối nguy từ thông tin sai lệch, kêu gọi phát triển các tiêu chuẩn quốc tế để ngành công nghệ AI bảo đảm được độ tin cậy.
Liên minh châu Âu (EU) hiện đang tiên phong thúc đẩy xây dựng các đạo luật và các bộ quy tắc ứng xử cho công nghệ AI để “tăng cường mức độ tin cậy trong vận hành công nghệ và tăng cường khả năng quản lý điều hành quốc gia trong bối cảnh mới”4 và khẳng định quan điểm cần kiểm soát cách sử dụng AI ở EU song song với thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực này; đồng thời, xác định nguyên tắc tối thượng là trong quan hệ tương tác với AI con người luôn được xác lập ở vị trí có thể giành quyền kiểm soát từ hệ thống AI bất kỳ lúc nào khi thấy cần thiết. EU xác định các lĩnh vực có nguy cơ cao khi ứng dụng AI, qua đó, hạn chế quy mô thiết kế công cụ AI tùy theo mức độ đánh giá nguy cơ theo phân loại từ mức thấp đến mức không chấp nhận được. Các chính phủ và các công ty sử dụng những công cụ sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ khác nhau tùy theo mức độ nguy cơ.
Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có các quy định trực tiếp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến AI. Tuy nhiên, có thể vận dụng các điều khoản liên quan để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do AI gây ra, chẳng hạn, như các quy định về bồi thường trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2018). Khi một sản phẩm mang AI phát sinh lỗi thì nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu thực thể mang công nghệ AI phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng.
3. Một số vấn đề nảy sinh đối với ổn định và trật tự chính trị – xã hội
Có thể nhận thấy thực chất công nghệ AI hiện nay vẫn phụ thuộc vào các thuật toán, dữ liệu do con người nạp vào. Chat GPT (một ứng dụng xử lý ngôn ngữ đang chiếm thị phần nổi trội toàn cầu) không có khả năng tổng hợp, sáng tạo trí tuệ ở trình độ con người, bởi lẽ ứng dùng này chưa thể thực sự sáng tạo ra những điều mới mẻ ngoài phạm vi dữ liệu mà con người nhập liệu cho chúng, nêu nhìn chung AI có khả năng tổ hợp nhưng chưa có khả năng thực sự sinh ra tri thức mới. Nguồn đầu vào của một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo vẫn có thể được kiểm soát, kiểm duyệt bởi hạ tầng, dữ liệu và thuật toán của những người xây dựng nên hệ thống đó. Dữ liệu đầu vào và các thuật toán có thể được bảo đảm hoặc không bảo đảm được tính khách quan, trung lập, công bằng.
Vấn đề muốn nhấn mạnh ở đây là sự thiếu tính khách quan, tính trung lập trong các thuật toán có khả năng dẫn đến các hành vi trục lợi kinh tế, phân biệt đối xử, thành kiến về chủng tộc và giới tính, sự vi phạm quyền riêng tư của người dùng, khả năng định hướng tư tưởng của người dùng. Liên quan đến vấn đề này, một vấn đề tranh luận cũng đang khơi mào trong cộng đồng quốc tế là nên trao quyền điều hướng công nghệ AI cho khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân? Có ý kiến cho rằng nếu khu vực nhà nước chi phối công nghệ trí tuệ nhân tạo thì sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, do đó khu vực tư nhân nên trở thành người dẫn đường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên trao quyền kiểm soát việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cho khu vực nhà nước với lập luận rằng các công ty tư nhân quan tâm nhiều nhất là lợi nhuận thu về và khả năng thương mại hóa của công nghệ AI.
4. Một số vấn đề cần quan tâm đối với AI ở Việt Nam
Công nghệ AI đang bị một số thế lực thù địch lợi dụng để công kích, chống phá, làm xói mòn sự ổn định, bền vững và sự phát triển lành mạnh của đời sống chính trị – xã hội Việt Nam, thể hiện ở một số điểm sau đây:
Một là, về nội dung. Các thế lực phản động phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và trong công cuộc đổi mới của chúng ta hiện nay. Chúng lợi dụng những sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên, những hạn chế và yếu kém trong quản lý xã hội, những bất cập, sơ hở, thiếu sót trong quán triệt, thực hiện chính sách và pháp luật, những vụ việc phức tạp nảy sinh trong vấn đề dân tộc và tôn giáo… nhằm kích động và lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động gây mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc và phủ nhận chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, vào thời điểm nhạy cảm trước và sau các kỳ đại hội của Đảng trên không gian mạng, các thế lực phản động, thù địch gia tăng mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hai là, về kỹ thuật xây dựng nội dung. Các thế lực xấu, thù địch lợi dụng khả năng tự động hóa của các ứng dụng sử dụng công nghệ AI để tạo ra hàng loạt video, nội dung hình ảnh, âm thanh theo định hướng của họ. Họ cũng có thể chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video chứa nội dung và gán ghép hình ảnh, lồng ghép lời nói của các cán bộ lãnh đạo, sau đó lợi dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin đã được dàn dựng theo ý đồ xấu. Họ lựa chọn và phát tán nhiều loại ấn phẩm, tài liệu như các báo cáo, nghị quyết, dự luật của một số nước phương Tây, các văn bản của một số tổ chức quốc tế. Các đối tượng thù địch còn sử dụng số lượng lớn người dùng ở nước ngoài, nhất là ở các nước phương Tây thiếu thông tin, ít thiện cảm với chế độ chính trị của Việt Nam để hình thành dư luận cực đoan ở nước ngoài đối với tình hình Việt Nam; sau đó họ sử dụng các công cụ AI để chuyển ngữ sang tiếng Việt, tránh né sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, gây nhiễu loạn đời sống tư tưởng trong nước.
Ba là, về cách thức phát tán nội dung. Bên cạnh việc lợi dụng các nền tảng mạng trực tuyến toàn cầu, các đối tượng thù địch, phản động lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm tờ báo, nhà xuất bản, các ứng dụng mạng xã hội, các đài phát thanh – truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với các tổ chức, cá nhân phản động trong nước và hải ngoại để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng. Các phần tử xấu còn xâm nhập và sửa đổi cơ sở dữ liệu mở. Khi số lượng người dùng trên mạng xã hội vô tình hay cố ý bày tỏ các quan điểm, quan niệm sai lệch do bị lèo lái bởi thế lực thù địch gia tăng thì các công cụ AI càng lấy các quan điểm, quan niệm này làm dữ liệu đầu vào để cung cấp các câu trả lời cho những người dùng tiếp theo và, đến khi số lượng tương tác đủ lớn sẽ tạo nên dư luận và xu hướng nhận thức sai lệch.
Nhìn chung, vấn đề các thế lực thù địch ở nước ngoài tăng cường lợi dụng công nghệ AI để can thiệp vào an ninh chính trị của Việt Nam đã từ nguy cơ ngày càng trở thành thách thức hiện hữu. Hoạt động sử dụng công nghệ AI nhằm tuyên truyền phá hoại của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi đã và đang tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào vào vai trò lãnh đạo của Đảng và năng lực quản lý, quản trị của Nhà nước.
5. Một số khuyến nghị
Thời gian qua, những chủ trương, biện pháp và giải pháp trên bình diện quản lý nhà nước nhằm đáp ứng xu thế phát triển nhanh mạnh, sâu rộng của AI được quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ, từng bước nâng cao hiệu quả. Công tác này cần chú trọng một số phương hướng, biện pháp, cách thức sau:
Thứ nhất, về phương diện thể chế. Cần phải xem không gian mạng là không gian chủ quyền quốc gia và tài nguyên quốc gia, văn hóa trên không gian mạng cũng là bộ phận hữu cơ của nền văn hóa Việt Nam. Từ đó, phải hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước tất cả các mặt của đời sống xã hội trên không gian mạng để tạo môi trường lành mạnh trên không gian mạng theo đúng định hướng chính trị.
Cần nghiên cứu và xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI, hướng đến việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến AI, như: vấn đề sở hữu trí tuệ, quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, quan hệ bồi thường thiệt hại, sử dụng, quản lý, bảo vệ dữ liệu quan trọng của quốc gia, của công dân Việt Nam, về các quyền cá nhân liên quan đến dữ liệu trên không gian mạng.
Cần sớm giao các cấp ủy đảng, đoàn thể chính trị – xã hội ban hành và từng bước kiện toàn quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng khích lệ, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội, trong tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch; ban hành chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm kỷ luật phát ngôn, phát tán thông tin sai lệch.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng AI trong công tác báo chí, truyền thông và tuyên giáo
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông. Sử dụng AI phục vụ lực lượng tác nghiệp báo chí, truyền thông để xây dựng tin, bài viết về các sự kiện, chủ đề đang được dư luận quan tâm, góp phần lan tỏa thông tin tích cực; đồng thời, giảm thiểu thời gian biên tập. Các báo điện tử, trang tin điện tử cần chú trọng xây dựng, đổi mới cập nhật giao diện cho nền tảng điện thoại di động, tạo thuận lợi cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ có thể truy cập, khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống một cách dễ dàng hơn.
Tận dụng tính năng “tự học” và nguồn cơ sở dữ liệu của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để bồi đắp “kho dữ liệu vừa hồng, vừa chuyên” nói chung, từng bước chuẩn hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số về Đảng, văn kiện Đảng, về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhằm cung cấp tài nguyên đủ mạnh cho các nền tảng số ứng dụng để bảo đảm tính định hướng và điều hướng thông tin, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
Thứ ba, phát triển ngành Công nghiệp trí tuệ nhân tạo. Cần đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ tham gia phát triển các ứng dụng, chương trình AI để Việt Nam tiến tới tự chủ về lĩnh vực này, trong đó ưu tiên phát triển các tập đoàn nòng cốt trong lĩnh vực AI từ các tập đoàn công nghệ và viễn thông chủ lực trong nước hiện nay.
Cần khởi tạo và phát triển một cộng đồng chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ thúc đẩy công nghệ AI phát triển ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên phạm vi cả nước, tạo nên bước đột phá mang tính chiến lược, nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế. Nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, tham khảo và đóng góp thúc đẩy nhận thức và kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế về AI, chủ động đề xuất các sáng kiến liên quan đến quản trị quốc gia và quốc tế đối với công nghệ AI. Chủ động tham gia các diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế và Liên hiệp quốc trong việc thiết lập bộ quy chuẩn quốc tế về trách nhiệm hành xử của các chủ thể quốc tế trên không gian mạng, trong đó nhấn mạnh nội dung bảo đảm tôn trọng thể chế chính trị, nền tảng tư tưởng và giá trị dân chủ của các quốc gia khác biệt.
Chú thích:
1. Nguyễn Việt Lâm, Lê Trung Kiên (2020). Cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung Quốc thời đại 4.0. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 155 – 166.
2. Dự báo gây sốc: Trí tuệ nhân tạo sẽ vượt hơn con người chỉ 45 năm tới. https://www.vietnamplus.vn/du-bao-gay-soc-tri-tue-nhan-tao-se-vuot-hon-con-nguoi-chi-45-nam-toi-post449396.vnp.
3. Robot Sophia phát triển bởi Công ty Hanson Robotics có trụ sở tại Hồng Công được Ảrập Xê-út cấp quyền công dân như con người và cũng là robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân.
4. Những vấn đề đặt ra trước sự phát triển vũ bão của AI. https://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan-thuc-tien/nhung-van-de-dat-ra-truoc-su-phat-trien-vu-bao-cua-ai.html.
Tài liệu tham khảo:
1. Kris McGuffie – Alex Newhouse (2020). “The Radicalization Risks of GPT-3 and Neural Language Models” (Những rủi ro cấp tiến của GPT-3 và mô hình ngôn ngữ thần kinh), https://www.middlebury.edu/institute/academics/centers-initiatives/ctec/ctec-publications/radicalization-risks-gpt-3-and-neural-language, 9/9/2020.
2. Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/821708/tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-quan-he-quoc-te–co-hoi%2C-thach-thuc-va-de-xuat-chinh-sach-tham-chieu-doi-voi-viet-nam.aspx.
3. Một số câu hỏi thường gặp về trí tuệ nhân tạo. https://nhandan.vn/mot-so-cau-hoi-thuong-gap-ve-tri-tue-nhan-tao-post741268.html.
4. Phát triển trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chính phủ điện tử. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/09/10/phat-trien-tri-tue-nhan-tao-trong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu.
5. Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách phát triển trí tuệ nhân tạo. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/05/05/kinh-nghiem-quoc-te-trong-xay-dung-chinh-sach-phat-trien-tri-tue-nhan-tao/.