Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Đại úy Đào Hồng Sơn
Công an thành phố Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Các dự án khu đô thị là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng diện mạo đô thị hiện đại và văn minh trên cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác quản lý các dự án khu đô thị mới vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Từ khóa: Khu đô thị mới, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thành phố Hải Phòng.

1. Tình hình các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng là đô thị có lịch sử truyền thống gắn với quá trình xây dựng và phát triển lâu đời là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm quốc gia1. Trong những năm gần đây, theo xu thế phát triển của xã hội, tốc độ đô thị hóa tại các đô thị lớn ngày càng cao, kéo theo vấn đề dân số tăng nhanh cùng nhu cầu cấp bách về nhà ở. Các dự án khu đô thị giúp hạn chế tối đa được quỹ đất, đồng thời là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, xây dựng diện mạo đô thị hiện đại và văn minh.

Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có khoảng 30 dự án khu đô thị mới đang triển khai, trong đó nhiều dự án tầm cỡ, quy mô hàng tỷ đô la do các tập đoàn bất động sản lớn trong nước triển khai, như: Vingroup, Sun Group, Geleximco… Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời đề xuất những giải pháp tối ưu thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ mới, trong đó có chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025, hướng tới cơ bản đạt tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh đến năm 20302.

Hiện nay thành phố Hải Phòng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các dự án khu đô thị mới; hướng dẫn, động viên, khích lệ Nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo định hướng vào các dự án khu đô thị mới. Thành phố đang duy trì 628 mô hình, xây dựng 98 mô hình phong trảo toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng 14 mô hình3, điển hình như mô hình phường Đồng Hòa với mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh, trật tự – Dự án khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị trên địa bàn phường Đồng Hòa”.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của loại hình nhà ở của dự án khu đô thị mới như hiện nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác quản lý nhà nước, như: lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thanh tra, kiểm tra các dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các chủ sở hữu căn hộ; thẩm định khung giá dịch vụ quản lý vận hành… vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Điều này đã và đang làm nảy sinh những nguy cơ an ninh trật tự, điển hình như năm 2019, Công an Thành phố đã đấu tranh chuyên án, phát hiện 395 đối tượng người Trung Quốc, 3 công dân Malaixia điều hành hàng trăm website tổ chức đánh bạc trực tuyến tại khu đô thị Our City… với chuyên án CNC4 “triệt xóa ổ nhóm đối tượng Trung Quốc hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao”, đơn thư khiếu kiện vượt cấp về chế độ đền bù trong việc giải phóng mặt bằng của dự án khu đô thị, nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Giào 2 và nút giao thông Quán Mau, người dân tại khu đô thị mới phường Đằng Hải (quận Hải An) gửi đơn kiến nghị về chủ trương đầu tư không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và thành phố Hải Phòng trong xây dựng khu đô thị mới.

2. Những quy định liên quan đến khu đô thị mới

Thời gian qua, nhiệm vụ đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị – xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó phát triển dự án khu đô thị mới đã được Đảng, Thành ủy ban hành các văn bản quan trọng, điển hình, như: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 xác định nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn cho phát triển, tăng cường kết nối với khu vực và thế giới”. Đặc biệt, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở cho sự ra đời các cơ chế chính sách mới, phát triển đô thị toàn diện và bền vững, trong đó có các dự án khu đô thị mới, trong đó có thành phố Hải Phòng, như: Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 – 2025)…

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa thành hệ thống văn bản quy pháp luật có liên quan, như: Hiến pháp và các luật, như: Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023; Luật Nhà ở năm 2023; Luật Quy hoạch đô thị năm 2020; Luật Nhà ở năm 2014; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018; Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủLuật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019, Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Cư trú, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành… Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050.

Trên cơ sở chính trị, pháp lý tương đối đầy đủ, thống nhất và hoàn chỉnh, chính quyền thành phố Hải Phòng đã ban hành những văn bản pháp luật để tổ chức thực hiện, điển hình, như: Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ngày 16/02/2023 của UBND thành phố Hải Phòng ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 15/02/2023 của UBND thành phố Hải Phòng về quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Những văn bản trên là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để chủ thể vận dụng quản lý dự án khu đô thị mới đạt hiệu lực, hiệu quả.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Tình hình tại dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng thời gian tới cơ bản được ổn định song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để góp phần ổn định các dự án khu đô thị, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được chính quyền thành phố Hải Phòng quan tâm, tổ chức có hiệu quả với các giải pháp, như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân bằng nhiều hình thức nhằm tạo cơ hội để mọi người tiếp cận với pháp luật tạo sự hiểu biết, đồng thuận trong việc thực hiện công tác thanh tra; kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tăng cường công tác tổng kết, rút kinh nghiệm song song với việc trang bị kiến thức pháp luật cho cán bộ các ngành, các cấp có liên quan trong công tác thanh tra; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Thứ hai, Công an Thành phố chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu đô thị mới (theo cả dạng văn bản, hình ảnh, video). Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn, huấn luyện kiến thức, kỹ năng nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị kích động lôi kéo vào các hoạt động xâm phạm an ninh trật tự; đặc biệt cần chú trọng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy đối với các tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu. Xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành dự án khu đô thị mới.

Thứ ba, chỉ đạo UBND các quận, huyệnxây dựng kế hoạch hằng năm về tập huấn, tổ chức tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về đâu tư, xây dựng, quản lý và vận hành khu đô thị mới cho cán bộ làm công tác quản lý, các chủ đầu tư, ban quản trị và các chủ sở hữu, người sử dụng nhà trong khu đô thị mới; công khai đăng tin trên Cổng thông tin điện tử của Quận, xây dựng chuyên mục hỏi đáp để tương tác trao đổi, giải đáp các phát sinh vướng mắc trong quá trình quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành; xây dựng nhóm facebook kết nối giữa các đơn vị chủ đầu tư, ban quản trị, các cơ quan quản lý nhà nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu thông tin, vị trí các dự án khu đô thị mới trên nền bản đồ quy hoạch của quận, huyện.

Thứ tư, chú trọng tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý dự án khu đô thị mới, kết hợp tuyên truyền các hoạt động vi phạm pháp luật của các chủ thể liên quan để nâng cao tinh thần toàn dân tham gia tố giác tội phạm. Các cơ quan chức năng cần đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền khác nhau, như: (1) Tổ chức các hội nghị tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại các khu dân cư và lồng ghép tại các hội nghị chuyên đề của các sở, ban, ngành Thành phố. (2) Niêm yết bản hướng dẫn các quy trình tố giác tội phạm, khai báo tạm trú, tạm vắng… tại trụ sở UBND, Công an phường xã, thị trấn và tại các khu vực công cộng thuộc chung cư cao tầng. (3) Ký và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp giữa cơ quan công an và Ban Quản lý chung cư trong công tác bảo đảm an ninh trật tự…

4. Kết luận

Tóm lại, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa thì việc phát triển dự án khu đô thị mới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng an ninh, trật tự. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyên, phổ biến pháp pháp luật đề nâng cao nhận thức của cư dân, cán bộ, công chức, doanh nghiệp liên quan… là biện pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Những dấu ấn mới về phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng. https://thanhphohaiphong.gov.vn/nhung-dau-an-moi-ve-phat-trien-do-thi-cua-thanh-pho-hai-phong.html.
2. Thành phố Hải Phòng hướng tới đạt tiêu chí đô thị đặc biệt thông minh đến năm 2030. https://daibieunhandan.vn/thanh-pho-hai-phong-huong-toi-dat-tieu-chi-do-thi-dac-biet-thong-minh-den-nam-2030-post380879.html.
3. Bảo đảm vững chắc an ninh trật tự xây dựng thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, hiện đại. https://congan.haiphong.gov.vn/Bao-dam-vung-chac-an-ninh-trat-tu-xay-dung-thanh-pho-Hai-phong-phat-trien-nhanh-hien-dai-139695.html.