Thực trạng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam

TS. Lê Nguyễn Diệu Anh – TS. Dương Hoàng Anh
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân. Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả, so sánh, phân tích và đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2023, như: cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo tiêu chuẩn ngoại thương, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo nhóm hàng và cơ xấu xuất khẩu hàng hóa theo thị trường. Bài viết đưa ra các hạn chế về cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Từ khóa: Cơ cấu xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu đóng góp vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần cho sản xuất phát triển và ổn định (Trần Thu Trang, 2023). Phát triển xuất khẩu hàng hóa hướng tới phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam thời gian qua là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, luôn gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế của đất nước và quá trình tự do hóa thương mại.

Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới để mở rộng thị trường và thúc đẩy xuất nhập khẩu nhằm khai thác lợi thế của mình. Quá trình này tất yếu sẽ dẫn đến chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường thế giới. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sao cho hợp lý và hiệu quả, tránh các rủi ro là một trong những vấn đề lý luận cần phải tiếp tục nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng hiện nay (Đỗ Quang, 2023).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây về cơ bản có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa còn thể hiện một số điểm chưa thực sự bền vững và hợp lý, làm cho hiệu quả xuất khẩu còn hạn chế như xuất khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu phụ thuộc vào một số thị trường lớn… Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, nhu cầu hàng hóa giảm, thương mại và đầu tư toàn cầu thu hẹp, hàng rào bảo hộ gia tăng, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp thích hợp để phát triển cơ cấu xuất khẩu hàng hóa góp phần phát triển kinh tế bền vững.

2. Cơ sở lý luận

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia có thể được hiểu là tổng thể các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của quốc gia đó với vị trí, tỷ trọng tương ứng và mối quan hệ hữu cơ trong thời gian và điều kiện kinh tế – xã hội nhất định, phù hợp với mục tiêu xuất khẩu đã được xác định (Lương Thanh Hải, 2023). Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa phản ánh mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng các nhóm hàng xuất khẩu của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa là kết quả quá trình sáng tạo ra của cải vật chất của một nền kinh tế thương mại tương ứng với một mức độ và trình độ nhất định khi tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế.

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa có thể được xem xét trên nhiều góc độ khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của từng nước, từng tổ chức cũng như từng mục đích nghiên cứu, từng thời kỳ. Một số cách phân loại cơ cấu xuất khẩu hàng hóa, như: (1) Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo danh mục tiêu chuẩn ngoại thương. Đó là bảng danh mục phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu dựa trên các công đoạn sản xuất của hàng hóa do Uỷ ban Thống kê Liên Hợp quốc ban hành, sử dụng cho mục đích thống kê, phân tích kinh tế. (2) Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo danh mục phân ngành hoạt động kinh tế tiêu chuẩn quốc tế, được các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi để phân loại số liệu theo các loại hoạt động kinh tế. (3) Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân loại theo nhóm hàng hay còn gọi theo hàm lượng chế biến của sản phẩm, bao gồm: Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nhóm hàng công nghiệp chế biến, vàng phi tiền tệ.

Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của một quốc gia sang một thị trường là quá trình thay đổi về kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng và chất lượng của các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu theo hướng thích ứng nhiều hơn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đồng thời phát huy được lợi thế so sánh của từng nhóm hàng, mặt hàng tạo ra cơ cấu hàng xuất khẩu hợp lý và đáp ứng mục tiêu xuất khẩu.

Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa không đơn thuần là sự thay đổi về tỷ trọng các loại hàng hóa trong tổng kim ngạch xuất khẩu mà là sự thay đổi cả về lượng và về chất trong nội bộ cơ cấu hàng xuất khẩu, là sự thay đổi các mối quan hệ đã được hình thành giữa các bộ phận cấu thành cơ cấu xuất khẩu trong toàn bộ hoạt động xuất khẩu, được thực hiện nhằm phát huy tốt nhất các thế mạnh của nền kinh tế, đảm bảo cơ cấu hàng xuất khẩu phù hợp với trình độ và xu thế phát triển của nền kinh tế (Đỗ Quang, 2023).

Cơ cấu hàng xuất khẩu hợp lý là cơ cấu hàng xuất khẩu mà có vị trí, tỷ trọng và chất lượng của các nhóm hàng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đất nước. Khi nền kinh tế ở trình độ phát triển thấp và công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu ở giai đoạn đầu thì nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nhóm hàng nông lâm thủy sản thường có giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu, hai nhóm hàng là hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng mới có giá trị và chiếm tỷ trọng nhỏ. Khi nền kinh tế phát triển ở trình độ cao tỷ trọng và chất lượng của các nhóm hàng xuất khẩu theo hướng giảm dần tỷ trọng hai nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nhóm hàng nông lâm thủy sản (các mặt hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế), tăng dần tỷ trọng hai nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng mới (các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao) theo hướng thích ứng nhiều hơn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đồng thời phát huy được lợi thế so sánh của từng nhóm hàng tạo ra cơ cấu hàng xuất khẩu hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển và đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu.

3. Phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam

(1) Khái quát xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn 2010 – 2023.

Giai đoạn 2010 – 2019, xuất khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng, giá trị xuất siêu đạt 10,9 tỷ USD. Các ngành hàng chiến lược như dệt may, điện tử, nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đã đóng góp lớn vào GDP và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động.

Giai đoạn 2020 – 2022, sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm nhu cầu tiêu thụ từ các đối tác quốc tế và hạn chế vận chuyển hàng hóa. Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn do cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga gây ra sự đứt gãy nguồn cung cho nhiều mặt hàng; Trung Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài; lạm phát tăng cao ở hầu hết các nền kinh tế và lãi suất được tăng mạnh để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 336,3 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2020), năm 2022 đạt 371,7 tỷ USD (tăng 10,52% so với năm 2021) nhờ vào sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ cùng với doanh nghiệp.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022 (Tổng cục thống kê, 2024). Nguyên nhân chính của việc này là do tình hình thế giới tiếp tục phức tạp và khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp. Nhiều quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng chậm lại. Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, dẫn đến sự suy giảm về nhu cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia có mức độ mở cửa kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, sự tăng giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển, và biến động trong tỷ giá cũng góp phần vào việc làm giảm lợi nhuận từ xuất khẩu và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế (Ngô Thị Thoại An và cộng sự, 2024)

Trong mười tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0% (Tổng cục Thống kê, 2024).

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2023 là 35 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (giảm mặt hàng phân bón), chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%) (Tổng cục Thống kê, 2024).

Bảng 1: Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu năm 2023

Trị giá
(Triệu USD)
Tốc độ tăng/ giảm so với năm trước (%)
Hàng thủy sản8.969,60-17,67%
Gỗ và sản phẩm gỗ13.468,70-15,94%
Hàng dệt, may33.320,60-11,46%
Giày, dép20.235,80-15,31%
Sắt thép8.346,904,48%
Hàng điện tử, máy tính và linh kiện57.325,103,24%
Điện thoại các loại và linh kiện52.375,50-9,71%
Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác43.126,60-5,59%
Phương tiện vận tải và phụ tùng14.157,1017,27%
Nguồn: Tổng cục thống kê (2024).

Số liệu mười tháng đầu năm 2024, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 52,75 tỉ USD, tăng 27,3%; điện thoại và linh kiện ước đạt 41,78 tỉ USD, tăng 6,9%; hàng dệt may ước đạt 27,35 tỉ USD, tăng 9%; giày dép ước đạt 16,6 tỉ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,61 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản ước đạt 7,23 tỉ USD, tăng 9,5%; rau quả ước đạt 5,67 tỉ USD, tăng 34,7% (Tổng cục Thống kê, 2024).

(2) Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo tiêu chuẩn ngoại thương.

Theo tiêu chuẩn ngoại thương quốc tế, hàng hoá xuất khẩu được chia theo ba nhóm lớn là: hàng thô hoặc sơ chế, hàng hóa thuộc ngành công nghiệp chế biến, khoáng sản; hàng thuộc ngành công nghiệp chế tạo và hàng hoá không thuộc các nhóm trên.

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã có xu hướng giảm dần tỷ trọng các mặt hàng thô hoặc mới sơ chế. Nếu năm 2010, tỷ trọng của nhóm hàng thô hoặc sơ chế, hàng hóa thuộc ngành công nghiệp chế biến, khoáng sản chiếm 34,87% (tương ứng 25.187,5 triệu USD) thì đến năm 2023 còn chiếm 17,03% (tương ứng 60.403,5 triệu USD). Ngược lại là xu hướng gia tăng nhanh chóng của nhóm hàng thuộc ngành công nghiệp chế tạo như máy móc, phương tiện vận tải, phụ tùng, hoá chất và cà các sản phẩm liên quan…, từ 65,08% (47.012,5 triệu USD) năm 2010 lên 82,96% (294.281,9 triệu USD) năm 2023. Đây là xu hướng dịch chuyển cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng hiện đại và là thành công lớn của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ (Báo cáo thường niên Kinh tế và thương mại Việt Nam 2022, 2023).  Điều này cũng là thách thức đối với sự phát triển kinh tế vững khi Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ; đồng thời đòi hỏi khu vực kinh tế trong nước phải nỗ lực để đón lấy cơ hội lan toả, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giải quyết công việc cho người lao động và hạn chế nhập khẩu linh kiện từ các doanh nghiệp FDI.

(3) Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo nhóm hàng.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo nhóm hàng của Việt Nam có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nông – lâm – thủy sản, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến.

Năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản còn 1,11% (3.933 triệu USD), nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,02% (312.227,6 triệu USD), nhóm hàng nông – lâm – thủy sản chiếm 10,86% (38.539,9 triệu USD). Nguyên nhân do chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản như dầu thô và than đá của Nhà nước. Giai đoạn 2010 đến nay, cơ cấu hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng hàng hoá xuất khẩu chủ yếu do xu hướng gia tăng đột biến của mặt hàng điện thoại, linh kiện. Đây là chuyển biến tích cực trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khi giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên và nguyên nhiên liệu thô, nhưng lại tiềm ẩn sự phát triển thiếu bền vững vì xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng ít. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện, bán thành phẩm của Việt Nam chủ yếu là hàng gia công cho các công ty nước ngoài nên giá trị xuất khẩu từ nhóm hàng này cũng không thể hiện được năng lực xuất khẩu hàng hoá cao của Việt Nam. Chiến lược để chuyển đổi từ lượng sang chất, từ manh mún sang tập trung, từ thô sang tinh diễn ra rất chậm. Chủ yếu hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát huy được lợi thế so sánh với năng suất lao động cao và chiếm vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị toàn cầu.

(4) Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa theo thị trường.

Thực hiện đường lối hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Đến cuối năm 2023, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các đối tác chủ yếu của Việt Nam là ASEAN, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sáu đối tác chiếm trung bình gần 80% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu của những nước truyền thống như ASEAN, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu đến các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc (15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc 2008 – 2023) và Hoa Kỳ (Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững 9/2023). Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng, được thể hiện qua sự tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 sang Trung Quốc đạt 61.316,4 triệu USD (chiếm 17,29%), sang Hoa Kỳ đạt 97.016,7 triệu USD (chiếm 27,35%).

Bảng 2: Cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010-2023

Đơn vị tính: %

ASEANEUHàn QuốcNhật BảnTrung QuốcHoa Kỳ
201014,3515,764,2810,7010,7219,71
201114,0917,075,0211,4511,9817,50
201215,2217,734,8711,4111,2117,17
201314,0818,425,0610,269,9818,07
201412,7218,574,779,779,9419,06
201511,2319,095,508,7010,2320,65
20169,8819,266,468,3112,4321,77
201710,0817,806,887,8116,4519,31
201810,2017,237,487,7316,9719,50
20199,5613,547,477,6915,6923,21
20208,2812,446,766,8217,3027,27
20218,5911,946,535,9916,6428,64
20229,3512,586,546,5215,5129,43
20239,1712,316,626,5817,2927,35
Nguồn: Tổng cục thống kê (2024).

Cơ cấu của các đối tác xuất khẩu của Việt Nam khá đồng đều và ổn định, trừ Nhật Bản có xu hướng ngày càng giảm. Ngay cả trong những năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường chính vẫn bất chấp tăng. Dường như những khó khăn kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam là do hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thuộc chuỗi giá trị thấp, đáp ứng nhu cầu bình dân của các nước, xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. Trung Quốc đang dần rời bỏ chuỗi sản xuất thấp để chuyển sang chuỗi giá trị cao hơn và nhường lại thị phần này cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Các nước hầu như tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, lắp ráp… đến phân phối thì Việt Nam tham gia vào điểm cuối của chuỗi.

4. Hạn chế đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, sự suy giảm trong kinh tế thế giới đang ảnh hưởng rõ rệt đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu trên thế giới giảm đã gây khó khăn cho các ngành công nghiệp như dệt may, điện tử, gỗ… trong việc ký kết hợp đồng. Ngành nông sản của Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dầu thô, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam, cũng gặp khó khăn khi giá dầu thô thế giới giảm và thị trường biến động. Nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hoá tiêu dùng và xuất khẩu cũng giảm do nhu cầu giảm, khó ký kết hợp đồng mới và sản xuất chững lại.

Thứ hai, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc quá mức vào các thị trường xuất khẩu chính, khiến cho ngành xuất khẩu dễ chịu rủi ro khi có những biến động bất ổn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Các thị trường lớn bị co lại do khủng hoảng kinh tế, trong khi các thị trường nhỏ mới mở rộng không đủ để cân bằng tác động.

Thứ ba, xuất khẩu hàng hoá vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc đóng góp lớn vào xuất khẩu của khu vực FDI ẩn chứa các nguy cơ tiêu cực đến phát triển kinh tế bền vững. Mặc dù xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhưng các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, tạo giá trị gia tăng thấp, mà đang khai thác tài nguyên quốc gia, tận dụng lao động giá rẻ. Các doanh nghiệp FDI cũng không đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học – công nghệ (trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình 14% thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao). Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao thì ít tạo sự lan toả với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ, sự thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ cao. Nếu cấu trúc như hiện nay tiếp tục được duy trì, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy giai đoạn cuối của chuỗi giá trị toàn cầu và nằm trong nhóm công nghệ sản xuất thấp.

Ngoài ra, các yếu tố như tỷ giá hối đoái, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, sự ưu ái hàng hóa nội hoặc ngoại của người dân, cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đều góp phần vào việc giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

5. Kết luận và khuyến nghị giải pháp

Trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả tích cực, duy trì mức tăng cao và là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2023. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục không ổn định, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giảm sút và thương mại toàn cầu thu hẹp. Đối phó với tình hình này, một số giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu ở Việt Nam như sau:

Một là, tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu như tạo thuận lợi cho nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu để phát triển sản xuất, xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực mà Việt Nam đang có cơ hội; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; phát huy vai trò của quản lý nhà nước trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm soát, đánh giá chính sách phát triển xuất khẩu.

Hai là, đa dạng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đa dạng hoá, đa phương hoá các qua hệ kinh tế đối ngoại, trên cơ sở đó tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới, thực hiện đa dạng hoá thị trường nhằm khai thác triệt để khả năng xuất khẩu và phân tán rủi ro về thị trường và tăng cơ hội tiếp cận khách hàng mới. Củng cố vững chắc thị trường truyền thống, thị trường quan trọng, trong đó có thị trường các nước láng riềng làm cơ sở nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần ổn định quan hệ giữa các khu vực thị trường.

Ba là, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, chủ động liên hệ với các đại sứ quán, thương vụ, cơ quan xúc tiến, hiệp hội ngành hàng… để tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường. Doanh nghiệp cần hoàn thiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia hiệu quả hơn vào các cuộc hội chợ triển lãm quốc tế. Giảm dần tư duy bảo hộ, tạo sự khác biệt với đối thủ, chuyển sang phân khúc cao hơn, cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, uy tín thương hiệu…

Bốn là, đầu tư vào nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Tăng cường nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc đầu tư vào công nghệ, nâng cao quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm sáng tạo và phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Năm là, phát triển chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng đồng bộ và hiệu quả từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất và xuất khẩu để tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí. Đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để nắm bắt cơ hội và thách thức trong môi trường xuất khẩu đa dạng và cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2019 – 2022). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019 – 2022. H. NXB Hồng Đức
2. Đỗ Quang (2023). Giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên Bang Nga, Luận án tiến sỹ kinh tế, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương.
3. Lý luận về chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của một số quốc gia (Phần 1). https://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/ly-luan-ve-chuyen-dich-co-cau-hang-hoa-xuat-khau-cua-mot-quoc-gia–phan-1–5204.4050.html.
4. Giải pháp nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. https://consosukien.vn/giai-phap-nang-cao-gia-tri-kim-ngach-xuat-khau-cua-viet-nam.htm.
5. Quốc Hội (2005). Luật Thương mại năm 2005.
6. Số liệu thống kê. https://www.gso.gov.vn.
7. Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới. https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=81958.