ThS. Trần Thanh Khiết
Bộ Giáo dục và Đào tạo
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục đại học không chỉ đơn thuần nằm ở hoạt động dạy và học mà là một quá trình diễn ra liên tục từ khi tuyển sinh đến khi người học tốt nghiệp, bao gồm các chu trình chính sau: (1) tuyển sinh; (2) xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; (3) xây dựng, lưu trữ và phát triển học liệu, tài liệu; (4) hoạt động dạy – học; (5) công nhận tốt nghiệp và (6) hỗ trợ người học sau tốt nghiệp. Theo xu thế chung, chuyển đổi số sẽ tác động tổng thể tới tất cả các quy trình trên, làm thay đổi toàn diện hoạt động chuyên môn cũng như quản trị đại học. Bài viết nghiên cứu về những tác động của chuyển đổi số đối với giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay nhằm góp phần giúp các nhà quản trị kịp thời điều chỉnh các chiến lược, chính sách giáo dục, thúc đẩy giáo dục đại học phát triển.
Từ khóa: Chuyển đổi số, giáo dục đại học, hoạt động dạy và học, quản trị đại học, tác động của chuyển đổi số.
1. Đặt vấn đề
Chuyển đổi số là xu thế diễn ra gần như trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Giáo dục đại học – một bộ phận trong nền giáo dục quốc dân tất yếu không phải ngoại lệ. Chuyển đổi số được nhiều nhà nghiên cứu kỳ vọng như là cả một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới.
Mục tiêu của giáo dục đại học được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 là “để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”. Để bảo đảm được yêu cầu theo Khung trình độ quốc gia cũng như hướng tới mục tiêu chung của giáo dục đại học, các trường, học viện luôn luôn phải tìm tòi, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động chuyên môn, trong đó quan trọng nhất là giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi các hoạt động chuyên môn có sự chuyển mình thì lãnh đạo các trường cũng phải thay đổi phương thức quản trị. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đóng vai trò là yếu tố quan trọng tham gia và ảnh hưởng đáng kể tới những thay đổi bên trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
2. Thực trạng tác động của chuyển đổi số đối với giáo dục đại học hiện nay
Thứ nhất, tác động của chuyển đổi số đối với hoạt động tuyển sinh.
Tuyển sinh là tổ hợp của nhiều công việc khác nhau: quảng bá, tổ chức tuyển sinh, xét tuyển… Trước đây, theo phương pháp truyền thống, việc quảng bá tuyển sinh chủ yếu được thực hiện bằng: đăng báo, đăng trên trang thông tin điện tử (website), gửi thông báo tuyển sinh hoặc trực tiếp tư vấn tại các trường trung học phổ thông, sở giáo dục, phòng giáo dục tại các địa phương… Với cách làm này, chỉ những ai quan tâm đến ngành học, cơ sở giáo dục đại học thông báo tuyển sinh và tiếp cận được với thông báo mới nắm được thông tin tuyển sinh của nhà trường. Ngay cả như vậy, nội dung thông tin về các ngành học, về nhà trường cũng hết sức hạn chế, làm ảnh hưởng đến việc lựa chọn cơ sở đào tạo, ngành học của thí sinh và phụ huynh thí sinh.
Với chuyển đổi số, các trường đại học đã và đang thay đổi phương thức quảng bá tuyển sinh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại để người có nhu cầu, quan tâm đến trường, ngành đào tạo tiếp cận được các thông tin cần thiết. Hệ thống tư vấn tuyển sinh của nhà trường có thể hoạt động trực tuyến, hỗ trợ tư vấn chi tiết thông tin về: chương trình đào tạo, cơ hội việc làm, tiềm năng nghề nghiệp, những phẩm chất năng lực cần thiết, chính sách ưu tiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, nhu cầu nguồn nhân lực về ngành nghề đào tạo để người có nhu cầu có thể nắm bắt được đầy đủ.
Đối với tuyển sinh, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, trong đó tăng cường tuyển sinh trực tuyến, sử dụng hồ sơ điện tử, xét tuyển tự động, thông báo kết quả trực tuyến, nhập học trực tuyến đang từng bước thay thế cho những cách làm truyền thống. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến (hơn 600.000 thí sinh, với hơn 3 triệu nguyện vọng được đăng ký trực tuyến mỗi năm)1. Ở một khía cạnh khác, tuyển sinh đại học thường có mối quan hệ chặt chẽ với một hoạt động khác của các nhà trường là mở ngành đào tạo. Như đã đề cập, xu thế chuyển đổi số đòi hỏi sự điều chỉnh trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục đại học của cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số đang và sẽ còn làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc việc làm trong xã hội theo nghĩa: (1) Làm xuất hiện những lĩnh vực việc làm mới; (2) Làm giảm nhu cầu việc làm phổ thông, không hoặc ít đòi hỏi yêu cầu chuyên môn – kỹ thuật; (3) Đặt ra yêu cầu nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số cho người lao động.
Nghiên cứu gần đây của Schneider Electric, một tập đoàn đa quốc gia của Pháp, đồng thời là chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng và tự động hóa chỉ ra rằng, ước tính gần 45% các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cho rằng, công nghệ số sẽ trở thành nguyên nhân chủ yếu tạo ra các vị trí việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ vận hành (Operational Technology)2 trong vòng ba năm tới. Công nghệ vận hành (OT) đề cập đến phần cứng và phần mềm được sử dụng để thay đổi, giám sát hoặc kiểm soát các thiết bị vật lý, quy trình và sự kiện trong một công ty hoặc tổ chức. Dạng công nghệ này được sử dụng phổ biến nhất trong các cơ sở công nghiệp và các thiết bị mà công nghệ này đề cập đến thường có nhiều quyền tự chủ hơn các thiết bị hoặc chương trình công nghệ thông tin (IT). Có thể hiểu, IT xử lý thông tin trong khi OT xử lý máy móc. IT quản lý luồng thông tin kỹ thuật số trong khi OT quản lý hoạt động của các quy trình vật lý và máy móc được sử dụng để thực hiện chúng. Thông thường, hệ thống OT và hệ thống IT làm việc song song để giám sát và điều chỉnh các quy trình kinh doanh thiết yếu bên ngoài quy trình công việc IT thông thường. Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), số lượng các việc làm mới tại Việt Nam do quá trình chuyển đổi số tạo ra sẽ nhiều hơn gấp 7 lần so với số việc làm bị mất đi. Đến năm 2045, ước tính có khoảng 10 triệu việc làm mới được tạo ra, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại và một số lượng việc làm mới ít hơn trong lĩnh vực sản xuất3.
Công việc, vị trí việc làm mới xuất hiện cùng với sự sụt giảm nhu cầu tuyển dụng lao động truyền thống chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới chiến lược, định hướng đào tạo của các cơ sở giáo dục, đặc biệt ở hệ đại học. Theo logic, thị trường lao động xuất hiện các công việc hay vị trí việc làm mới đặt ra yêu cầu khách quan cho giáo dục đại học phải hình thành các lĩnh vực, ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp, tương ứng. Bên cạnh đó, nhà quản lý giáo dục đại học cũng cần phải tính toán và cân bằng lại nhu cầu đào tạo đối với một số ngành nghề đang có nguy cơ sụt giảm trước làn sống công nghệ số.
Thứ hai, tác động của chuyển đổi số đối với hoạt động dạy và học.
Dạy – học là hoạt động chuyên môn chủ đạo trong một trường đại học, giúp người học hoàn thành mục tiêu học tập, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Dạy – học không chỉ nằm đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức thông qua các tiết học mà thực chất là một chuỗi các hoạt động dạy của giảng viên, hoạt động học của người học và hoạt động kiểm tra, đánh giá. Chuyển đổi số trong đào tạo đại học thể hiện rõ nét nhất qua thực tế khá phổ biến hiện nay là hoạt động dạy học được thực hiện thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến.
Có thể hiểu đơn giản, giáo dục trực tuyến là hình thức giáo dục từ xa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin, liên lạc. Người học và người dạy có thể truy cập được các tài nguyên dạy học trực tuyến trên nền tảng công nghệ một cách thuận tiện4. Abbad và cộng sự đã định nghĩa, giáo dục trực tuyến là bất cứ hình thức học tập nào sử dụng công nghệ điện tử, và thu hẹp lại, những hình thức học tập sử dụng mạng Internet và nền tảng website5. Gần đây, việc dạy học trực tuyến ở Việt Nam đã được tiến hành dưới nhiều hình thức, đặc biệt là dựa vào các nền tảng hội nghị trực tuyến (video conference). Zoom Meeting và Microsoft Teams là hai nền tảng phổ biến nhất. Nhìn chung, đào tạo trực tuyến đối với giáo dục nói chung mang đến nhiều lợi ích như: giúp việc dạy – học trở nên linh hoạt, tiết kiệm chi phí; giúp các nhà trường tăng cường khả năng tuyển sinh… Những lợi ích này càng có ý nghĩa hơn đối với đào tạo đại học, bởi hình thức này đòi hỏi người học phải chủ động nhiều hơn trong suốt quá trình học tập, một yêu cầu rất cần thiết đối với giai đoạn chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong tương lai gần.
Chuyển đổi hình thức đào tạo đi kèm với nhiều vấn đề, trong đó, quan trọng nhất là điều kiện để các cơ sở giáo dục tổ chức đào tạo trực tuyến, đó là bắt buộc phải xây dựng hệ thống học liệu, tài liệu số. Kho học liệu số là một hệ thống lưu trữ và cung cấp các tài liệu học tập và nghiên cứu dưới dạng số, bao gồm sách điện tử, bài giảng, video, ứng dụng học tập, bài báo khoa học và các tài liệu khác. Kho học liệu số thường được xây dựng trên một nền tảng công nghệ số và có thể được truy cập qua mạng internet bằng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng. Kho học liệu số cung cấp cho người dùng nhiều lợi ích, bao gồm tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc tìm kiếm tài liệu, truy cập vào các tài liệu mới nhất và đa dạng nhất và có thể truy cập vào kho học liệu số mọi lúc mọi nơi. Xây dựng kho học liệu số là nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy – học trực tuyến. Việc làm này đòi hỏi hàng loạt các công tác như: (1) Liệt kê danh mục các loại tài liệu, đối với đào tạo đại học sẽ có: giáo trình, sách chuyên khảo, tập bài giảng, đề cương chi tiết học phần, bài giảng điện tử…; (2) Thiết kế hệ thống phân loại tài liệu: theo chủ đề, lĩnh vực, ngành đào tạo hoặc theo trình độ đào tạo (đại học, sau đại học)…; (3) Ứng dụng công nghệ lưu trữ và quản lý tài liệu (ví dụ như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (DBMS), hệ thống lưu trữ đám mây (Cloud Storage), hệ thống quản lý tài liệu số (Digital Asset Management system – DAM).
Sử dụng học liệu số trong hoạt động dạy – học mang đến nhiều lợi ích, như: người học tiết kiệm được chi phí mua sắm tài liệu; tăng cường tính tương tác và linh hoạt trong hoạt động dạy – học; cung cấp cho giảng viên và người học hệ thống tài liệu học tập đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, việc phát triển và cập nhật kho học liệu số là một quá trình liên tục và đòi hỏi cơ chế quản lý chặt chẽ của các nhà trường, đặt ra nhiều thách thức cho người làm giáo dục cũng như những nhà quản lý giáo dục, đó là:
(1) Vấn đề bản quyền. Khi xây dựng kho học liệu số, các cơ sở giáo dục cần phải bảo đảm rằng các tài liệu được sử dụng và chia sẻ trong kho đều đã được chủ sở hữu bản quyền tác giả cho phép. Nếu không tuân thủ các quy định về bản quyền, nhà trường có thể đối mặt với các hậu quả pháp lý, như bị phạt tiền hoặc mất uy tín, danh tiếng. Để giải quyết vấn đề bản quyền, cần phải bảo đảm các tài liệu được sử dụng trong kho đều có giấy phép hoặc đáp ứng các yêu cầu về sử dụng hợp lý. Các cơ sở giáo dục cũng cần thiết lập một quy trình kiểm tra và xác nhận các tài liệu trước khi được thêm vào kho để bảo đảm tính hợp lệ và đúng luật.
Việc cập nhật các quy định pháp luật mới nhất liên quan đến bản quyền, quyền tác giả cũng rất cần thiết để bảo đảm rằng kho học liệu số đang sở hữu đáp ứng được các yêu cầu mới nhất và tránh được các vấn đề pháp lý.
(2) Các vấn đề về kỹ thuật, tài chính. Về kỹ thuật, một trong những thách thức lớn nhất là việc lưu trữ và quản lý các tài liệu học tập trong kho. Để bảo đảm tính bảo mật, cơ sở giáo dục cần phải sử dụng các công nghệ lưu trữ và bảo mật phù hợp để ngăn chặn việc truy cập trái phép hoặc mất mát dữ liệu. Hệ thống lưu trữ và quản lý cũng phải được thiết kế sao cho dễ sử dụng và truy cập bởi giáo viên và học sinh. Về tài chính, việc xây dựng kho học liệu số có thể đòi hỏi một khoản ngân sách đáng kể, bao gồm cả chi phí cho việc mua sắm và quản lý các thiết bị và phần mềm cần thiết để xây dựng và duy trì kho, cũng như chi phí cho việc cập nhật và bảo trì kho. Để giải quyết vấn đề tài chính, cơ sở giáo dục có thể cân nhắc sử dụng các phần mềm miễn phí hoặc mã nguồn mở để giảm thiểu chi phí hoặc tìm kiếm các nguồn tài trợ hoặc đối tác đồng hành để hỗ trợ trong việc xây dựng và phát triển kho học liệu số.
(3) Đào tạo trực tuyến phải đối phó với một nguy cơ rất lớn về an toàn thông tin. Rủi ro mất an toàn an ninh và hậu quả đối với đào tạo trực tuyến có thể chia thành một số nhóm chủ yếu sau6: hệ thống dạy học có thể bị người lạ đột nhập phá lớp học, cài đặt các ứng dụng nghe lén, nhìn lén, đánh cắp dữ liệu. Khi đó lớp học sẽ không thể thực hiện được, thông tin cá nhân bị đánh cắp, các thông tin về văn bằng chứng chỉ, điểm số, bài kiểm tra có thể bị sửa chữa phục vụ cho các mục đích phi pháp, mua bán, các học liệu có giá trị có thể bị sao chép bất hợp pháp. Nguy hại hơn, khi hệ thống bị phá hoại (thậm chí bị đánh sập) sẽ mất nhiều thời gian, công sức để khôi phục lại, gây gián đoạn việc học tập, cá biệt có trường hợp còn không thể khôi phục hoàn toàn, mất dữ liệu.
Trước nhu cầu tìm hiểu về các giải pháp học trực tuyến, mong muốn nâng cao kiến thức kỹ năng của giáo viên, học sinh, tin tặc cũng có thể đưa các đường link quảng cáo về khóa học, các ứng dụng phục vụ học tập miễn phí, giảm giá trên mạng Internet để từ đó cài các đoạn mã độc, lấy cắp dữ liệu. Giáo viên, học sinh truy cập vào các đường link dạy học trực tuyến giả mạo (có giao diện giống như trang học trực tuyến thật), có thể bị lừa, bị đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu để dùng vào các hành động như mạo danh, đe dọa (dọa đánh đập, dọa tẩy chay, dọa tiết lộ thông tin hay hình ảnh cá nhân nhạy cảm), bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, gây tâm lý hoang mang từ đó lợi dụng, uy hiếp bắt ép thực hiện hành động phi pháp, tống tiền.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể bị chiếm quyền điều khiển, lợi dụng không gian lớp học để truyền đưa các thông tin xấu độc, kích động đến học sinh, lừa đảo học sinh và gia đình. Lớp học có thể bị gián đoạn, bài giảng có thể bị chỉnh sửa, giáo viên không kiểm soát được lớp học, hình ảnh của giáo viên có thể bị bôi nhọ, mất uy tín trước học sinh để lại những hậu quả lâu dài, khôn lường.
Thứ ba, tác động của chuyển đổi số đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm luôn song hành cùng với công tác giảng dạy, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã quy định mục tiêu chung của giáo dục đại học là “Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”. Tương tự như hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường hiện nay cũng chịu nhiều tác động bởi bối cảnh chuyển đổi số. Công nghệ thông tin phát triển đã kéo theo sự gia tăng không ngừng của thông tin số, sự đa dạng của các kênh truyền tin và hình thức thông tin, sự phức tạp trong xác định chất lượng thông tin và nguồn tin cũng như sự dễ dàng trong chia sẻ thông tin7. Sự phát triển của internet làm cho việc tìm kiếm, chia sẻ và sao chép các tài liệu ngày càng trở nên dễ dàng, đặt ra thách thức rất lớn đối với vấn đề bảo đảm liêm chính học thuật trong nghiên cứu khoa học. Như đã đề cập, cơ sở giáo dục đại học cũng là một trong số các tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đồng nghĩa với việc tạo ra các sản phẩm nghiên cứu, công trình khoa học. Các sản phẩm hay công trình này cũng phải đối mặt với những rủi ro vi phạm liêm chính học thuật trước làn sóng bùng nổ công nghệ số hiện nay.
Thứ tư, tác động của chuyển đổi số đối với hoạt động quản trị nội bộ.
Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến hoạt động quản trị nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học. Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam công tác chuyển đổi số đã triển khai được cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS). HEMIS là hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học nhằm thu thập, tổng hợp, quản lý dữ liệu và cung cấp kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin phục vụ quản lý về giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đã được xây dựng và triển khai thu thập đầy đủ dữ liệu từ tháng 6/2023. Qua đó, “thu thập, số hóa dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học và dữ liệu về: nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế…”8.
Bằng việc triển khai hai nền tảng cơ sở dữ liệu toàn ngành (cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và cơ sở dữ liệu HEMIS) cùng với việc ban hành các quy định chuẩn hóa dữ liệu thông tin quản lý của ngành9 đã tạo điều kiện cho các hệ thống quản trị kết nối dữ liệu, thông tin quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương tới các địa phương vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. Ngoài tiện ích cho hồ sơ công việc và báo cáo tại các cấp quản lý trong ngành đã được giải quyết trên môi trường số, dữ liệu số của ngành là cơ sở cho hoạt động ra quyết định và chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa nhà trường với gia đình, thanh toán không dùng tiền mặt.
3. Kết luận
Chuyển đổi số đã tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục đại học; đổi mới phương thức, quy trình và cách tiếp cận quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đại học; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả trong giáo dục đại học; góp phần tạo sự minh bạch và hướng tới công bằng trong giáo dục. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác động tiêu cực phát sinh. Chất lượng giảng dạy trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu của người học và sự phát triển của xã hội. Còn tồn tại các cán bộ quản lý, công chức, viên chức chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – kỹ thuật nhằm sáng tạo, đổi mới phương pháp quản lý, dạy, học, thi, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục đại học. Hạ tầng và trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đào tạo còn thiếu đồng bộ, hạn chế cả về số lượng, chất lượng. Vì vậy, việc nắm bắt các tác động của chuyển đổi số đối với giáo dục đại học sẽ giúp cho các nhà quản trị kịp thời điều chỉnh các chiến lược, chính sách giáo dục từ đó thúc đẩy giáo dục đại học tiếp tục phát triển hơn nữa.
Chú thích:
1. Những con số ấn tượng về kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục. https://giaoduc.net.vn/nhung-con-so-an-tuong-ve-ket-qua-chuyen-doi-so-cua-nganh-giao-duc-post238935, ngày 02/11/2023.
2. Sự hội tụ của IT và OT trong ngành năng lượng và sản xuất. https://smartindustry.vn/technology/internet-of-things/su-hoi-tu-cua-it-va-ot-trong-nganh-nang-luong-va-san-xuat, tra cứu ngày 23/6/2021.
3. Chuyển đổi số đang thay đổi lĩnh vực lao động, việc làm. https://nhadautu.vn/chuyen-doi-so-dang-thay-doi-linh-vuc-lao-dong-viec-lam-d59788.html, ngày 17/3/2024.
4. Arkorful, V. và Abaidoo, N. (2015). The role of e-learning, advantages and disadvantages of its adoption in higher education. International Journal of Instructional Technology and Distance Learning, January 2015, 12 (1), tr. 34.
5. Những khó khăn và thách thức trong dạy và học trực tuyến. https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/nhung-kho-khan-va-thach-thuc-trong-day-va-hoc-truc-tuyen-p27440.html, ngày 14/9/2023.
6. Mất an toàn thông tin trong dạy học trực tuyến: Những hệ lụy và giải pháp cấp bách”. https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/150080/Mat-an-toan-thong-tin-trong-day-hoc-truc-tuyen–Nhung-he-luy-va-giai-phap-cap-bach.html, ngày 29/10/2021.
7. Ngô Thị Huyền (2018). Học sinh và vấn đề đạo đức trong sử dụng thông tin, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5/2018, tr. 17 – 22.
8. Những con số ấn tượng về kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục. https://giaoduc.net.vn/nhung-con-so-an-tuong-ve-ket-qua-chuyen-doi-so-cua-nganh-giao-duc-post238935, ngày 02/11/2023.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 ban hành Quy định kỹ thuật về dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số. H. NXB Thông tin và Truyền thông.
2. Chuyển đổi số trong giáo dục đại học. https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai hoc/343137303364.html, ngày 26/12/2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Luật Giáo dục đại học năm 2012.