Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức hiện nay

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết đánh giá thực trạng vận dụng, tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức và đề xuất giải pháp vận dụng, phát triển sáng tạo trong thời gian tới.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; “cần, kiệm, liêm, chính”; vận dụng, phát triển sáng tạo; đào tạo, bồi dưỡng; cán bộ, công chức.

1. Khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh1, Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”, bởi “Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như: tay siêng làm thì hàm siêng nhai” mà còn “có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần”. Hiểu đúng về Cần nghĩa là luôn chăm chỉ, cố gắng không phải một sớm một chiều mà thường xuyên và liên tục. Hiểu sâu sa hơn thì Cần cũng có nghĩa là làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra, bởi: “Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công”2.

Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” và không phải là bủn xỉn. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi “của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”3. Vì thế, thời giờ cần tiết kiệm và đó cũng là Cần; “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”4. Đặc biệt, muốn tiết kiệm tốt thì phải khéo tổ chức, vì “không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ”. Từ đó, “một mặt, chúng ta thi đua Kiệm. Một mặt, chúng ta thi đua Cần” thì cộng lại là “Nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công”…

Liêm “là trong sạch, không tham lam” và “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là Bất liêm”5. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần, vì “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến Bất liêm, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” và “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hoá ra Liêm. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”6. Vì, “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, cho nên “cán bộ thi đua thực hành liêm khiết thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong Nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”7

Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “Cần kiệm, liêm là gốc của Chính. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn”8. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người Thiện và người Ác. Trong xã hội, có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà. Làm việc Chính là người Thiện. Làm việc Tà là người Ác. Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là thiện. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác”9

2. Thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” trong đào tạo, bồi dưỡng

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chính phủ đã cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức10 đã tiết kiệm được thời gian và chi phí của xã hội được dư luận đánh giá cao. Chủ động hợp tác với một số nước (Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Singapore) để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025 (từ năm 2022 đến nay, Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công 10 khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho tổng số 150 lượt cán bộ, công chức); đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; quản lý hoạt động của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao11, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các công điện, đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ để tập trung, kiên quyết đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Qua đó, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ12.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số bộ, ngành, địa phương chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ, công chức. Nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có mặt chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, nhất là có nội dung chưa sát yêu cầu chuyển đổi số và làm việc trong môi trường số. Cơ chế tạo động lực, khuyến khích, trọng dụng, thu hút những cán bộ, công chức có tài năng chưa đủ mạnh; một số cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ13. Một bộ phận cán bộ, công chức trẻ sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận cán bộ, công chức trẻ nhất là cán bộ, công chức trẻ nông thôn, cán bộ, công chức trẻ dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều cán bộ, công chức trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của cán bộ, công chức trẻ còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới quản trị quốc gia14.

Chất lượng nguồn nhân lực trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong đổi mới quản trị quốc gia. Một bộ phận cán bộ, công chức trẻ có biểu hiện sa sút về lý lượng, đạo đức, lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật15. Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh đổi mới quản trị quốc gia, cán bộ, công chức nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu cán bộ, công chức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính… Cán bộ, công chức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế16.

3. Một số giải pháp

Thứ nhất, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Cần trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là phải làm cho học viên vừa phải siêng năng làm việc vừa phải chú trọng năng suất và chất lượng công việc. Tính hiệu quả mới là thước đo sự cần cù của mỗi con người chứ “ăn cơm chúa, múa tối ngày” một cách thụ động chưa phải là Cần. Cán bộ cũng phải noi theo tấm gương tự học suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với người cán bộ, đảng viên cần học và cần chính hòa quyện làm một. Học để làm gương cho Nhân dân và để có đủ tri thức, kỹ năng phục vụ nhân dân. Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Kiệm của Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là phải làm cho học viên có ý thức tiết kiệm từ việc lớn đến việc nhỏ; phải hết sức tránh mọi sự xa hoa, hình thức, căn bệnh “phú quý sinh lễ nghĩa” và tư tưởng “nước sông, công lính”. Cán bộ cũng phải biết tổ chức công việc hợp lý để khỏi lãng phí thời gian và nhân lực; phải thực hiện phương châm “nói ít làm nhiều”, chủ yếu là hành động.

Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Liêm của Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là phải làm cho học viên “nói không với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Chính trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là phải làm cho học viên có thái độ rõ ràng trước cái thiện và cái ác, phải có dũng khí để bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu17. Nội dung khoá đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng nhu cầu của cán bộ, công chức. Khoá học mang lại sự thiết thực, hữu ích cho cán bộ, công chức trong chủ động, tích cực tham gia các hoạt động học tập. Công tác giảng dạy của giảng viên được chuẩn bị tốt, bài bản, khoa học. Các điều kiện phục vụ cho khóa đào tạo, bồi dưỡng được nghiên cứu đáp ứng tốt. Cán bộ, công chức sử dụng kỹ năng được bồi dưỡng vào trong công việc đạt được tiến bộ. Thái độ của cán bộ, công chức (đối với công việc, đồng nghiệp, cấp trên) có chuyển biến tích cực. Chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức được nâng lên sau khi bồi dưỡng.

Thứ hai, bảo đảm tiêu chuẩn của giảng viên có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên môn, chuyên ngành giảng dạy; có trình độ lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học; sử dụng được công nghệ thông tin và ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Bảo đảm thời gian làm việc, giờ chuẩn giảng dạy và định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên. Thời gian làm việc của giảng viên thực hiện theo chế độ làm việc 40 giờ trong một tuần. Tổng thời gian làm việc của giảng viên trong một năm để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Giảng viên phải nắm vững mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, vị trí, yêu cầu của môn học, của các chuyên đề được phân công giảng dạy, các quy chế kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập của cán bộ, công chức.

Xây dựng kế hoạch giảng dạy, đề cương môn học, bài giảng và thiết kế các tài liệu, dữ liệu phục vụ cho giảng dạy. Thường xuyên cập nhật thông tin để bổ sung, hoàn thiện, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và dữ liệu phục vụ cho giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá môn học, chuyên đề thuộc nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được phân công giảng dạy. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hằng năm, tham gia đi nghiên cứu thực tế, bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng và kỹ năng giải quyết các tình huống trong công việc.

Thứ ba, mục tiêu của chương trình cần được xác định rõ rang. Nội dung tài liệu không trùng lặp, bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Tài liệu được biên soạn bảo đảm cân đối giữa lý thuyết, câu hỏi thảo luận, thực hành và bài tập tình huống thực tiễn. Xây dựng và hoàn thiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, gồm: các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng mới các chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lĩnh vực đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh18.

Thứ tư, tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tình huống thực tế trong thời gian học tập. Thực hiện đầy đủ các quy định của khóa đào tạo, bồi dưỡng, của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập phù hợp, bảo đảm khách quan, chính xác19. Tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm; đồng thời tham mưu, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Đẩy mạnh chuyển đổi số và hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chú trọng bồi dưỡng về trình độ, năng lực, đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành20.

Chú thích:
1. Di huấn Hồ Chí Minh về “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/di-huan-ho-chi-minh-ve-can-kiem-liem-chinh-chi-cong-vo-tu-3485.
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 121, 123, 123, 127, 127, 128, 129, 129.
10. Chính phủ (2021). Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
11. Chính phủ (2024). Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 về phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
12, 13, 20. Bộ Nội vụ (2024). Báo cáo số 6589/BC-BNV ngày 17/10/2024 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022, Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội thuộc lĩnh vực Nội vụ.
14. Ban Chấp hành Trung ương (2008). Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tri thức trẻ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
15. Bộ Chính trị (2013). Kết luận số 80/KL-TW ngày 25/12/2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tri thức trẻ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
16. Ban Chấp hành Trung ương (2008). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
17. Vận dụng tư tưởng Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Hồ Chí Minh vào việc xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay. https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM116412.
18. Thủ tướng Chính phủ (2023). Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2026”.
19. Bộ Nội vụ (2023). Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.