Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 

ThS. Nguyễn Ngọc Diệp
Trường Đại học Thành Đông

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước những tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghệ hiện đại, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế hệ trẻ có bản lĩnh, trách nhiệm với đất nước. Bài viết phân tích thực trạng giáo dục lý tưởng cách mạng trong sinh viên, những cơ hội và thách thức đặt ra trước tác động của thời đại số. Trên cơ sở đó, nhấn mạnh vai trò của nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và gia đình trong việc định hướng nhận thức chính trị; đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, góp phần bồi dưỡng thế hệ sinh viên có tư tưởng vững vàng, ý thức trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Từ khóa: Lý tưởng cách mạng; sinh viên; cách mạng công nghiệp 4.0.

1Đặt vấn đề

Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam càng trở nên cấp thiết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ, sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế – xã hội và sự lan tỏa của các giá trị văn hóa toàn cầu đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc hình thành, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Do đó, nghiên cứu, đánh giá thực trạng, phân tích tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh mới hiện nay.

2. Thực trạng giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên hiện nay

a. Về những thành tựu đạt được

Thứ nhất, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục lý tưởng cách mạng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên. Trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và lối sống văn hóa cho thanh niên. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng một thế hệ sinh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm với xã hội, đất nước. 

Mặt khác, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên không chỉ tiếp cận tri thức theo phương thức truyền thống mà còn chịu tác động mạnh mẽ từ công nghệ số, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhận thức được điều này, Nhà nước đã chú trọng đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, các hoạt động ngoại khóa, phong trào sinh viên cũng được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi để sinh viên rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh chính trị và phát triển toàn diện.

Thứ hai, sự tham gia tích cực của sinh viên trong các phong trào Đoàn Thanh niên, HộiSinh viên. 

Đây không chỉ là môi trường rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng mà còn là phương thức hiệu quả để sinh viên thể hiện tinh thần xung kích, trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Theo báo cáo từ Hội nghị tổng kết chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm 2022 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, trong chiến dịch này, đã có 34.837 đội hình thanh niên tình nguyện được thành lập, thu hút 1.873.407 đoàn viên, thanh niên tham gia, tăng 70,15% so với năm 2021. Việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội không chỉ giúp sinh viên đóng góp cho cộng đồng mà còn là cơ hội giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, làm việc nhóm – những yếu tố quan trọng trong môi trường học tập và làm việc sau này. 

Không dừng lại ở việc phát triển bản thân, sinh viên còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Các chiến dịch, như: “Mùa hè xanh”, “Xuân tình nguyện”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”… đã trở thành sân chơi ý nghĩa, giúp sinh viên đóng góp sức trẻ vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước. Hằng năm, hằng nghìn sinh viên tham gia vào các hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, giúp nâng cao tinh thần cống hiến và trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ. Tại Hà Nội, năm học 2023 – 2024, Hội Sinh viên Thủ đô đã trao danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố cho 1.065 sinh viên và 14 tập thể, đồng thời tuyên dương 17 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và 20 sinh viên nhận Giải thưởng “Sao tháng Giêng”2 đã cho thấy rõ sự ghi nhận của xã hội đối với những đóng góp tích cực của sinh viên trong các phong trào Đoàn, Hội. 

Thứ ba, số lượng sinh viên ưu tú được kết nạp vào Đảng ngày càng tăng.

Những năm gần đây, công tác phát triển Đảng trong sinh viên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng đảng viên trẻ trong các trường đại học, cao đẳng. Điều này không chỉ thể hiện sự trưởng thành về tư tưởng, bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ mà còn phản ánh nỗ lực của Đảng trong việc trẻ hóa đội ngũ, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai. Theo Báo cáo tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023 của Trung ương Đoàn, trong năm 2023, toàn Đoàn đã giới thiệu 225.312 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, đạt 112% chỉ tiêu đề ra3. Bên cạnh đó, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có 21.326 học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đảng, chiếm 7,4% tổng số đảng viên mới của toàn Đảng4. Nhiều trường đại học, học viện trên cả nước cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng sinh viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điển hình như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 11/2024, toàn Đảng bộ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có 2.768 đảng viên, trong đó có 1.047 đảng viên là sinh viên (chiếm tỷ lệ 36,34%). Công tác phát triển đảng viên mới là sinh viên, giảng viên trong những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu, đạt từ 6 – 8%/tổng số đảng viên/năm5.

Sự gia tăng số lượng sinh viên ưu tú được kết nạp vào Đảng trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét cho những thành tựu trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng. Việc phát triển đảng viên trong sinh viên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên mà còn tạo điều kiện để sinh viên phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội. Đây là một bước đi quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa đất nước ngày càng vững mạnh trong thời kỳ mới.  

b. Những hạn chế, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện

Một là, tác động của mặt trái kinh tế thị trường và mạng xã hội.

Sự phát triển của kinh tế thị trường và mạng xã hội đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn đối với giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Những tác động tiêu cực này ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức chính trị và tinh thần trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ. Xu hướng chạy theo vật chất, kiếm tiền sớm, làm giàu nhanh đang khiến sinh viên ít quan tâm hơn đến các hoạt động Đoàn, Hội và lý tưởng cách mạng. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh, có đến 40% sinh viên ưu tiên làm thêm thay vì tham gia các hoạt động xã hội. Điều này dẫn đến sự suy giảm ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Bên cạnh đó, áp lực kinh tế còn khiến nhiều sinh viên chọn ngành học, công việc không dựa trên đam mê hay khả năng, mà chủ yếu vì mức lương cao. Theo thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, khoảng 70 – 80% du học sinh Việt Nam theo diện tự túc lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp, chủ yếu do mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hấp dẫn thay vì trở về cống hiến cho đất nước6, đã đặt ra thách thức lớn đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, bởi nếu sinh viên không nhận thức rõ trách nhiệm với quê hương, đất nước, sẽ rất khó để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, mạng xã hội cũng đang tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị của sinh viên. Việc tiếp cận thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể làm lung lay nhận thức chính trị của họ. Không chỉ vậy, mạng xã hội còn làm giảm sự tương tác thực tế, khiến nhiều sinh viên thích sống trong thế giới ảo hơn là tham gia các hoạt động xã hội cũng gây nhiều khó khăn cho công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, bởi lý tưởng cách mạng không chỉ dừng lại ở nhận thức, mà còn cần được hình thành qua các hoạt động thực tiễn, gắn bó với xã hội.

Hai là, một bộ phận sinh viên có biểu hiện thờ ơ với chính trị, thiếu động lực học tập và rèn luyện lý tưởng cách mạng.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, bên cạnh những sinh viên tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện và cống hiến cho xã hội, một bộ phận không nhỏ sinh viên đang có biểu hiện thờ ơ với chính trị, thiếu động lực học tập và suy giảm tinh thần rèn luyện lý tưởng cách mạng. Đây là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng đội ngũ trí thức trẻ có bản lĩnh, ý thức trách nhiệm với đất nước. Thực trạng này thể hiện rõ qua sự thờ ơ với các vấn đề chính trị – xã hội. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI (năm 2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo về tình trạng “nhạt Đảng, phai Đoàn, xa rời chính trị” trong một bộ phận thanh niên. Đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (năm 2022), vấn đề này tiếp tục được nhấn mạnh, cho thấy mức độ nghiêm trọng của thực trạng thanh niên ít quan tâm đến chính trị, giảm sút tinh thần lý tưởng cách mạng. Sự thờ ơ này không chỉ làm suy giảm ý thức chính trị của sinh viên mà còn khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch trên không gian mạng. Một số sinh viên bị tác động bởi tư tưởng ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí phấn đấu, từ đó dẫn đến suy giảm tinh thần trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Về phía nhà trường, còn tồn tại một số chương trình giáo dục chính trị mang tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn, chưa đủ sức hấp dẫn để khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội trong sinh viên.

Ba là, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng còn chưa đổi mới, thiếu hấp dẫn.

Phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên hiện nay đang đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức, đặc biệt là sự thiếu đổi mới và hấp dẫn trong cách tiếp cận. Những phương pháp giảng dạy truyền thống, nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn đã không còn phù hợp với nhu cầu và mong muốn của thế hệ trẻ; dẫn đến hiệu quả giáo dục chưa cao, chưa thu hút được sinh viên tham gia một cách tự nguyện và tích cực. Nhiều sinh viên tham gia các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng với tâm thế bị động, chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ được giao hơn là xuất phát từ sự hứng thú và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của những hoạt động này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục còn chưa được đầu tư tốt về thời gian và điều kiện, dẫn đến hiệu quả chưa cao và còn mang tính hình thức. Phương pháp giáo dục thiếu sự đa dạng, chưa theo kịp sự phát triển chung của xã hội, khiến sinh viên cảm thấy nhàm chán và không thấy được sự liên kết giữa lý thuyết và thực tiễn. 

3. Sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên

Trước hết, đó là những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại đã góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay, nhất là đối với sinh viên. Nhờ sự phát triển của công nghệ số và Internet, sinh viên có thể tiếp cận nhanh chóng với tài liệu lịch sử, chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng thông qua các thư viện số, nền tảng học tập trực tuyến. Các trường đại học đã triển khai hệ thống Learning Management System (LMS) để hỗ trợ sinh viên học tập các môn lý luận chính trị một cách linh hoạt hơn, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả, giúp lan tỏa các giá trị cách mạng qua Facebook, YouTube, TikTok, tiếp cận hàng triệu sinh viên theo cách sinh động và trực quan hơn. Điển hình như Fanpage “Tuổi trẻ Việt Nam” của Trung ương Đoàn thu hút hàng triệu người theo dõi, chia sẻ các nội dung về phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Mùa hè xanh”,… cổ vũ tinh thần cống hiến của sinh viên. Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đang được ứng dụng trong giảng dạy lịch sử Đảng, giúp sinh viên có những trải nghiệm chân thực hơn về các sự kiện cách mạng. Trong đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số trường đầu tiên đã triển khai chương trình “Lịch sử Đảng với công nghệ thực tế ảo”, giúp sinh viên hình dung trực quan về các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. 

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, tổ chức Đoàn – Hội và bản thân sinh viên trong việc khai thác công nghệ một cách hiệu quả, gắn kết giữa lý luận với thực tiễn. Chỉ khi đó, giáo dục lý tưởng cách mạng mới thực sự phát huy vai trò trong việc hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng một đội ngũ sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giàu tinh thần trách nhiệm với đất nước.

Thứ hai, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng. Một trong những nguy cơ lớn nhất là sự lan tràn của thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử và chính trị, trong đó thực tiễn đã chỉ ra các thế lực thù địch luôn tìm cách tuyên truyền những nội dung xuyên tạc về lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong nhận thức của sinh viên trên các mạng xã hội. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm có hàng nghìn bài viết xuyên tạc về lịch sử Việt Nam trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng của thế hệ trẻ do tiếp xúc quá nhiều với tin tức giật gân, thông tin sai lệch mà không có kỹ năng phân tích, đánh giá có thể khiến họ dễ dàng tin vào những luận điệu kích động, chống phá từ các thế lực thù địch. 

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên

Để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên đạt hiệu quả cao trong bối cảnh mới, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa đổi mới nội dung, phương pháp với tận dụng thành tựu công nghệ và phát huy vai trò của các chủ thể giáo dục. Cụ thể: 

Một là, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Trong đónội dung giáo dục cần được cập nhật, bổ sung các kiến thức thực tiễn, liên hệ chặt chẽ với tình hình đất nước và thế giới, giúp sinh viên thấy rõ ý nghĩa của lý tưởng cách mạng trong cuộc sống hiện đại. Các môn học lý luận chính trị không nên chỉ tập trung vào lý thuyết khô khan mà cần có sự lồng ghép những vấn đề mang tính thời sự, các bài học thực tế từ những tấm gương tiêu biểu trong lịch sử và hiện tại. Phương pháp giảng dạy cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường tính tương tác, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo sự hứng thú cho sinh viên. Các cơ sở giáo dục nên tận dụng (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để tái hiện các sự kiện lịch sử, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động. 

Ngoài ra, cần tăng cường hình thức học tập trải nghiệm, đối thoại trực tiếp, tọa đàm với các chuyên gia, nhân chứng lịch sử, để sinh viên hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lý tưởng cách mạng. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến để nâng cao nhận thức một cách linh hoạt, phù hợp với xu hướng công nghệ số. 

Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng. Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp hiện đại hóa giảng dạy mà còn góp phần định hướng nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của sinh viên với đất nước. Để giáo dục lý tưởng cách mạng đạt hiệu quả cao, cần tập trung vào xây dựng các kênh thông tin chính thống, phát triển nội dung số chất lượng và nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của sinh viên.

Trong thời đại mà mạng xã hội là nguồn tiếp nhận thông tin chính của sinh viên, các tổ chức Đoàn, Hội, cơ quan báo chí cần đẩy mạnh việc phát triển các nền tảng truyền thông số như fanpage chính thống, kênh YouTube, podcast về lịch sử – chính trị, chuyên trang tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp sinh viên tiếp cận thông tin chính xác, có kiểm chứng. Bên cạnh đó, các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cần được số hóa và thể hiện theo cách trực quan, sinh động hơn để thu hút sự quan tâm của sinh viên. Thay vì chỉ truyền tải bằng bài giảng truyền thống, các trường đại học có thể phát triển video đồ họa, infographics, phim tài liệu tương tác, game giáo dục về lịch sử cách mạng, giúp sinh viên tiếp cận các kiến thức chính trị theo cách dễ hiểu, hấp dẫn hơn. Một số trường đại học đã thử nghiệm ứng dụng VR và AR để tái hiện các sự kiện lịch sử, giúp sinh viên có những trải nghiệm chân thực hơn thay vì chỉ học qua tài liệu khô khan. Các cơ sở giáo dục cần lồng ghép chương trình đào tạo về kỹ năng tiếp cận thông tin số, nhận diện thông tin xấu, độc, giúp sinh viên có khả năng đánh giá thông tin một cách khách quan, tránh bị ảnh hưởng bởi các luận điệu xuyên tạc từ thế lực thù địch.

Ba là, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường cần tạo môi trường học tập tích cực, trong đó lý tưởng cách mạng không chỉ được giảng dạy trong các môn lý luận chính trị mà còn được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, phong trào sinh viên, tổ chức thường xuyên các diễn đàn đối thoại, các câu lạc bộ về lịch sử, chính trị, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng để khuyến khích sinh viên chủ động tìm hiểu. Bên cạnh đó, gia đình giữ vai trò nền tảng trong việc hình thành tư tưởng và đạo đức cách mạng cho sinh viên. Cha mẹ cần quan tâm đến định hướng tư tưởng của con em mình, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, tránh tư tưởng thờ ơ với các vấn đề chính trị. 

Ngoài ra, sự phối hợp của xã hội cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho sinh viên. Cần phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông chính thống, tận dụng mạng xã hội để lan tỏa những nội dung tích cực về giáo dục lý tưởng cách mạng, kịp thời phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc từ các thế lực thù địch. Khi ba yếu tố này cùng chung tay, sinh viên sẽ có nền tảng tư tưởng vững chắc, bản lĩnh chính trị mạnh mẽ, góp phần xây dựng thế hệ trẻ yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển đất nước. 

5. Kết luận 

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cần được thực hiện đồng bộ, gắn với thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hệ thống thông tin chính thống để sinh viên có thể tiếp cận nguồn tri thức chính trị – lịch sử một cách chính xác, tránh bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên không gian mạng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, xã hội và bản thân sinh viên. Khi được trang bị kiến thức chính trị vững chắc, tư duy phản biện và bản lĩnh chính trị cao, sinh viên sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, có trách nhiệm với đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trẻ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước trong thời đại mới.

Chú thích: 
1. Bảo Anh (2022). Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” 2022 đạt kết quả toàn diện, chuyên sâu, chuyên nghiệp, bền vững hơn. Trang thông tin điện tử – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 
2. Tuyên dương các “Sinh viên 5 tốt” và “Sao tháng Giêng” năm 2024 của Thủ đô. https://nhandan.vn/tuyen-duong-cac-sinh-vien-5-tot-va-sao-thang-gieng-nam-2024-cua-thu-do-post854511.html.
3. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2024). Báo cáo Tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023.
4. Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/828189/nang-cao-chat-luong-cong-tac-phat-trien-dang-vien-trong-hoc-sinh%2C-sinh-vien.aspx
5. Khắc Hiếu (2024). Năm 2024: ĐHQG-HCM vượt 143,12% chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Trang thông tin Đại học Quốc gia TP.HCM
6. Đa số du học sinh tự túc không về nước. https://vietmy.net.vn/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/giao-duc/da-so-du-hoc-sinh-tu-tuc-khong-ve-nuoc-499623.html
Tài liệu tham khảo: 
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H.NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2023). Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII (2022 – 2027). H.NXB Thanh niên.
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cho thanh niên, sinh viên tại các trường đại học hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/27/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-cho-thanh-nien-sinh-vien-tai-cac-truong-dai-hoc-hien-nay/