Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới ở đồng bằng sông Cửu Long 

TS. Trần Việt Thắng
Khoa Lý luận chính trị, Đại học Bách Khoa Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, để thúc đẩy sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phố đã phối hợp phát huy mọi nguồn lực không chỉ trong Nhân dân mà cả nguồn lực bên ngoài. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài chính là việc phát huy nguồn lực bên ngoài. Bài viết nêu rõ thực trạng của quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những điểm nghẽn cản trở thu hút đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng trong thời gian tới.

Từ khóa: Đầu tư nước ngoài;thu hút; giải pháp; phát triển kinh tế; đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Trong chủ trương chung của cả nước là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế so với các vùng khác của cả nước. Điều này một phần xuất phát từ những hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng. Vì vậy, nhận diện cho đúng thực trạng, tìm ra những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài là cần thiết để thúc đẩu sự phát triển mạnh mẽ của vùng trong tương lai.

2. Thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài ở đồng bằng sông Cửu Long 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế năng động, trong vùng có 1 thành phố trực thuộc Trung ương (thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau). Vùng có vị trí chiến lược của cả nước và có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. 

Nhìn lại hai thập niên trước, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay chỉ còn 12%. Sự tụt hậu này càng rõ hơn khi so sánh giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh. Nếu như năm 2000, GRDP của TP. Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn một chút so với vùng đồng bằng sông Cửu Long thì hiện nay, GRDP của đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng ¾ so với TP. Hồ Chí Minh1. Điều này cho thấy, những tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được phát huy tốt. Không chỉ nền kinh tế nói chung mà việc thu hút đầu tư nước ngoài của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị tụt hậu hơn so với trước. Là vùng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sớm nhất của cả nước(ngay từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực năm 1988) và cũng trong năm này, khu vực đã thu hút tổng vốn FDI 7,8 triệu USD, bằng 10% về số dự án và 2,09% tổng vốn đầu tư của cả nước thời điểm đó2. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với các vùng, miền khác. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối tháng 4/2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 2.019 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 36,171 tỷ USD, xếp 4/6 vùng kinh tế cả nước về thu hút FDI về số dự án và tổng vốn đăng ký; chỉ cao hơn Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc3.

Để thu hút các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư vào vùng, trong đó sẽ tuyển dụng lao động, cũng là bài toán giải quyết vấn đề công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của người lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long đang cao hơn so với mức chung của cả nước. 

Năm 2023, tỷ lệ mất việc, thiếu việc làm ở đồng bằng sông Cửu Long là 3,6%, cao hơn mức bình quân của cả nước là 2,2%. Đồng bằng là vùng có lực lượng lao động dồi dào và các doanh nghiệp FDI đầu tư vào vùng chủ yếu là các ngành thâm dụng về lao động nên phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, phát huy được nguồn nhân lực của vùng; đồng thời, các doanh nghiệp FDI hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách để tăng thu ngân sách của địa phương. Các doanh nghiệp FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng bởi các doanh nghiệp FDI chủ yếu là các ngành công nghiệp góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Những hiệu quả của các doanh nghiệp FDI ở đồng bằng sông Cửu Long đã thể hiện rõ điều này. Vì vậy, xem xét thực trạng thu hút FDI trên một số mặt cụ thể như sau:

Về ngành Công nghiệp, số lượng dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn vùng chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 80,9% số dự án). Đây cũng là ngành dẫn đầu về tổng vốn đăng ký, với 13,86 tỷ USD (chiếm 41,4% tổng vốn đăng ký). Với nhiều dự án có quy mô vốn lớn, ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai, tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD (chiếm 38,9% tổng vốn đăng ký). Đứng thứ 3 là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, tổng vốn đăng ký 2,4 tỷ USD (chiếm 7,2%).

Về đối tác đầu tư có 52 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với 94 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 9,36 tỷ USD (chiếm 27,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Nhật Bản đứng thứ hai với 183 dự án và 3,81 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tiếp theo là Malaysia với tổng vốn đăng ký 2,91 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký). Ba đối tác này dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký, song Trung Quốc và Hàn Quốc mới là 2 đối tác có số lượng dự án đầu tư lớn nhất tại đồng bằng sông Cửu Long, lần lượt là 361 và 339 dự án (chiếm 19,8 và 18,6% số dự án của vùng)4

Về ngành nghề, ngành chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, vì đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước có điều kiện thuận lợi phát triển ngành Công nghiệp chiến biến nông sản, “là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo  xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước”5. Đồng thời, đây là những ngành sử dụng nhiều lao động giá rẻ, lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long. Các đối tác đầu tư vào vùng chủ yếu là ở châu Á vàcác nước Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, những năm qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những hạn chế. Những ngành đầu tư vào vùng chủ yếu công nghệ trung bình và sử dụng lao động phổ thông. Điều này là do chất lượng nguồn nhân lực của vùng còn thấp. Sau nhiều năm đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa được cải thiện. Lao động đã qua đào tạo năm 2022 của vùng chỉ là 15% thấp hơn nhiều so với cả nước là 26% thậm chí còn thấp hơn cả Tây Nguyên là 17%6

Hạ tầng giao thông còn kém phát triển cũng là một điểm nghẽn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng. Hơn 10 năm trước, cả vùng chỉ có 50km cao tốc kết nối từ Trung Lương – TP. Hồ Chí Minh. Và 10 năm sau (đến tháng 4/2022), tuyến cao tốc này mới được nối dài thêm 50km nữa về đến Mỹ Thuận. Vùng có hệ thống sông ngòi chằng chịt, tuy có thuận lợi trong giao thông đường thủy nhưng đường bộ khó khăn do sự chia cắt của nhiều con sông. Điều này làm cho chi phí xây dựng đường bộ của vùng cao do xây dựng nhiều cầu cống cùng với nền đất yếu. 

Nhận thức được hạn chế, Trung ương đã có những quan tâm đầu tư vào khâu đột phá chiến lược này tổng kinh phí bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng trong giai đoạn 2011 – 2015 (chiếm khoảng 14,51%), giai đoạn 2016 – 2020 (chiếm khoảng 16,15%) so với cả nước7. Đây cũng là nguyên nhân khiến thu hút đầu tư nước ngoài của vùng có những khởi sắc nhất định, song vẫn còn hạn chế. Hạ tầng giao thông của vùng còn nhiều khó khăn hơn so với các vùng khác khiến nhiều nhà đầu tư chưa muốn đầu tư vào vùng do lo ngại chi phí vận chuyển cao. Vùng đã có sân bay quốc tế Cần Thơ và một số cảng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển và kho bãi lưu trữ lớn đặc biệt là đón những tàu quốc tế. 

Để thu hút được đầu tư nước ngoài cần phải có những chính sách khuyến khích hấp dẫn, có thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ. Trong những năm qua, các tỉnh đồng bằng sông Cừu Long đã có nhiều cố gắng, chỉ số CPI của các tỉnh trong vùng có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, sự cải thiện môi trường kinh doanh gần đây lại có xu hướng chậm lại. Năm 2021, PCI của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm xuống bằng mức trung bình của cả nước và đến năm 2022 đã thấp hơn mức trung bình của cả nước8. Theo đánh giá, các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép trong quá trình xây dựng, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp FDI của vùng còn kéo dài. Nhiều địa phương đã thực hiện một cửa tại chỗ nhưng mới chỉ là một cửa tiếp nhận và trả hồ sơ; sau đó, hồ sơ vẫn phải chuyển qua nhiều cửa khác nhau nên thời gian xem xét giải quyết các vấn đề cụ thể vẫn bị kéo dài. 

Nhìn chung, những khâu được xác định là đột phá chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, vì vậy, số lượng các dự án đầu tư còn ít và hiệu quả cũng chưa cao. Các doanh nghiệp này cũng không có liên kết với các doanh nghiệp trong vùng mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, chỉ sản xuất tại vùng để tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu hoặc lao động giá rẻ. 

3. Giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Cửu Long 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài là một hướng đi để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh vốn đầu tư toàn xã hội của vùng còn thấp, đây vẫn được xác định là nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, muốn thu hút được nhiều nguồn vốn FDI hơn nữa và nâng cao hiệu quả của nguồn vốn này vào sự phát triển của vùng thì cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có những chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với một số ngành có tiềm năng, thế mạnh và tạo động lực cho vùng phát triển. Hiện nay, vùng có lợi thế thu hút đầu tư vào cụm ngành, đó là cụm ngành lúa gạo, thủy sản, rau quả, du lịch và năng lượng. Trong đó, đặc biệt là năng lượng tái tạo có thể tạo bước đột phá trong thu hút vốn FDI cho khu vực. Việc xác định ngành ưu tiên đầu tư dựa trên chiến lược phát triển của vùng đó là nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Với mục tiêu đưa vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp năng động, bền vững và hiệu quả cao của quốc gia và khu vực vùng phải có ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển. Do đó, thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt những nước có công nghệ cao để phát triển chế biến sâu và tinh là một hướng đi cần được ưu tiên. 

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo cần ưu tiên vì đây là xu thế phát triển của thế giới khi các nguồn năng lượng khác đang ngày càng khan hiếm, thế giới đang hướng đến phát triển bền vững, trong khi đó đây là vùng đất có tiềm năng phát triển các ngành này. Với khí hậu nóng ẩm hai mùa rõ rệt, đồng bằng nhận trung bình mỗi năm 2.200 – 2.500 giờ với năng lực bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 – 4,9 KWh/m2 cho tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời rất lớn. Bên cạnh đó, vùng có bờ biển và các hải đảo với chiều dài khoảng 700 km, vùng có tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bở biền, có thể đạt từ 1.200 -1.500MW9

Hai là, cần tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, thoát khỏi thương hiệu vùng trũng về giáo dục của cả nước. Để phát triển nguồn nhân lực của vùng là bài toán cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp. Trước hết, nâng cao hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; đồng thời, nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh giáo dục phổ thông, các tỉnh còn chú ý nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo. 

Hiện nay, toàn vùng có 17 trường đại học, 26 trường cao đẳng và 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cần chú ý nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở này, đồng thời, mở rộng phát triển những ngành có vùng có tiềm năng phát triển và phù hợp với chiến lược phát triển của vùng. Khi chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên thì mới có thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành có công nghệ cao hơn. 

Các trường cũng chú trọng đến việc giáo dục các kiến thức, kỹ năng thực hành cho người học, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường bằng nhiều hình thức như liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hoặc ký kết hợp đồng với các doanhh nghiệp lớn để các cơ sở đào tạo người lao động theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Hết sức tránh tình trạng có bằng cấp mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu, kỹ năng mà nhà tuyển dụng đưa ra. 

Ba là, tập trung phát triển đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng giao thông là một hướng đi mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm, tạo động lực cho sự phát triển của vùng nói chung, cho thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Hiện nay, Trung ương cũng đã có những quan tâm cụ thể hơn đối với vùng. 

Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đầu tư mới 37 dự án đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không tại khu vực này với tổng mức đầu tư khoảng 57.346 tỷ đồng10, trong đó đầu tư cho các dự án động lực vùng, gồm: đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi và nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng khác. Việc cải thiện hạ tầng giao thông giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển sẽ tạo ra sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Bốn là, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính với tinh thần tất cả vì sự phát triển của vùng, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cần rà soát lại các thủ tục, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp FDI để loại bỏ những thủ tục rườm ra, không cần thiết. Nâng cao chất lượng công chức, đặc biệt về đạo đức công vụ để hạn chế những việc làm tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Các tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong đó có xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin để có thể giải quyết trực tuyến tránh phiền hà cho doanh nghiệp cũng như giảm thời gian đi lại, từ đó giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp FDI. Khi có các dự án đầu tư, các tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bẳng để sớm triển khai dự án. 

Chính quyền các tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài; thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất – kinh doanh; khuyến khích các dự án đang hoạt động mở rộng đầu tư, xác định mức giá cho thuê đất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tiếp cận được các nguồn vốn. Tiếp tục có những ưu đãi đối với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư như ưu đãi thuế, tín dụng, điều kiện gửi lợi nhuận về nước… bảo đảm cho nhà đầu tư thu được lợi nhuận thỏa đáng và thuận lợi trong việc gửi lợi nhuận về nước.

Năm là, đẩy mạnh liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một hướng đi mà vùng cần phải quan tâm. Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm cạnh vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là cực tăng tưởng của cả nước là TP. Hồ Chí Minh – nơi có nhiều dự án nước ngoài đầu tư. Vì vậy, các tỉnh cần năngđộng làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở đây mở rộng sản xuất – kinh doanh ở vùng với nhiều ưu đãi. Đồng thời, giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng phải liên kết với nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài nhằm chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác “lợi thế dùng chung” của vùng về cơ sở hạ tầng, như: sân bay, cảng biển, cầu đường, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Có như vậy mới tránh được tình trạng đầu tư lãng phí theo kiểu “tỉnh nào cũng có” để rồi không tỉnh nào có đủ điều kiện đáp ứng theo yêu cầu nhà đầu tư.

4. Kết luận

Thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, chất lượng sẽ giúp vùng khai thác được những tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực trong sự phát triển bền vững của toàn vùng. Tuy nhiên, so với các vùng khác của cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển chậm lại, biểu hiện rõ nhất là chưa thu hút tốt đầu tư nước ngoài, vì vậy, nguồn lực vẫn đang ở dạng tiềm năng. Do đó, cần có những giải pháp phù hợp đểkhắc phục và giải quyết tốt các điểm nghẽn, trong đó phải có chiến lược rộng và xa, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với các cấp chính quyền để có những chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, đánh thức được các nguồn lực nhằm đưa vùng vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Chú thích:
1, 6, 8. Đồng bằng sông Cửu Long và nỗi lo mất đi lợi thế thu hút vốn đầu tư trong làn sóng dịch chuyển vốn FDI. https://thitruongtaichinhtiente.vn/dong-bang-song-cuu-long-va-noi-lo-mat-di-loi-the-thu-hut-von-dau-tu-trong-lan-song-dich-chuyen-von-fdi-53939.html
2, 3. Chiến lược thu hút FDI vào đồng bằng sông Cửu Long. https://www.vietnamplus.vn/chien-luoc-thu-hut-fdi-vao-dong-bang-song-cuu-long-post960486.vn
4. Đón làn sóng đầu tư Nhật Bản vào đồng bằng sông Cửu Long. https://cafef.vn/don-lan-song-dau-tu-tu-nhat-ban-vao-dong-bang-song-cuu-long-20211126090826004
5. Nguyễn Phú Trọng (2023). Cả nước đồng lòng tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 164.
7, 10. Thu hút FDI vào đồng bằng sông Cửu Long còn kiêm tốn vì sao?https://tapchitaichinh.vn/thu-hut-fdi-vao-dong-bang-song-cuu-long-con-khiem-ton-vi-sao.html
9. Đồng bằng sông Cửu Long: tiềm năng phát triển năng lượng gió trong tương lai.https://moitruong.net.vn/dong-bang-song-cuu-long-tiem-nang-phat-trien-nang-luong-dien-gio-trong-tuong-lai-7703.html
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Phước Tấn (2010). Giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển dịch vụ tỉnh Bến Tre đến năm 2015. Tạp chí Thương mại số 22 (2010).
2. Đỗ Văn Thông. FDI đánh thức tiềm năng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Thương mại số 156 (2012).