(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 02/7/2025, tại Hà Nội, Học viện Hành chính và Quản trị công phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển và quản lý AI: Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu và khuyến nghị thực thi cho Việt Nam”. Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, đại diện các tổ chức trong và ngoài nước.

Tọa đàm do TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công và ThS. Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đồng chủ trì. Cùng tham dự có: TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện; ThS. Nguyễn Đức Lam, Cố vấn chính sách IPS; đại diện lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện. Diễn giả trao đổi, chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS. Martin Ebers, Giáo sư Luật về Công nghệ thông tin, Đại học Tartu (Estonia), Chủ tịch Hội Luật về AI và Robot (Đức).
Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công nhấn mạnh, tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định là động lực quan trọng trong tiến trình này. Tuy nhiên, cùng với những tiềm năng vượt trội, AI cũng đặt ra nhiều thách thức về pháp lý, đạo đức và quản trị, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một khung khổ pháp lý phù hợp, đặc biệt cần tham khảo, học hỏi từ các mô hình tiên tiến trên thế giới.

TS. Bùi Phương Đình cho biết, những năm qua, Học viện đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, các tổ chức nghiên cứu chính sách trong và ngoài nước để tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm chuyên đề, qua đó góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho công tác hoạch định và thực thi chính sách. Không chỉ dừng lại ở việc kết nối các bên liên quan, Học viện còn tích cực đóng vai trò cầu nối giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu học thuật và yêu cầu chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, như: chuyển đổi số, công nghệ số và AI. Các kết quả nghiên cứu, khuyến nghị chính sách từ những hoạt động này đã và đang được sử dụng như cơ sở tham chiếu trong quá trình xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực quản trị nhà nước ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Phát biểu chào mừng, ThS. Nguyễn Quang Đồng cho biết, Tọa đàm được tổ chức là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện Hành chính và Quản trị công và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu – khu vực tiên phong trong xây dựng thể chế quản trị AI. Ông bày tỏ kỳ vọng, thông qua tọa đàm sẽ kết nối hiệu quả các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và giảng viên, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách thiết thực, khả thi, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tọa đàm gồm hai phiên thảo luận chính:
– Phiên thứ nhất, do GS.TS. Martin Ebers – Giáo sư Luật Công nghệ thông tin, Đại học Tartu (Estonia), Chủ tịch Hội Luật về AI và Robot (Đức) trình bày về mô hình quản trị AI dựa trên rủi ro của Liên minh châu Âu (EU) thể hiện qua Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI Act) từ góc nhìn so sánh, đối chiếu với Luật Công nghiệp công nghệ số của Việt Nam. GS. Martin Ebers nhấn mạnh cách tiếp cận của EU đặt trọng tâm vào phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro (rủi ro không thể chấp nhận, rủi ro cao, rủi ro yêu cầu minh bạch, rủi ro thấp), từ đó áp dụng các yêu cầu tương ứng nhằm bảo đảm quyền con người, an toàn dữ liệu và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đối sánh mô hình này với quy định trong Luật Công nghiệp công nghệ số của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025, đồng thời, đưa ra các nhận định khách quan về điểm mạnh và những điều cần lưu ý trong thực thi.

– Phiên thứ hai là phiên thảo luận chính sách với sự chủ trì của TS. Bùi Phương Đình và ông Nguyễn Đức Lam – Cố vấn chính sách của IPS. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn triển khai các quy định quản lý AI dựa trên rủi ro tại Liên minh châu Âu;các thuận lợi và khó khăn hiện nay khoảng cách giữa quy định pháp lý và thực tiễn triển khai; những thách thức trong xây dựng hệ sinh thái AI có trách nhiệm tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của khung pháp lý mới. Một số khuyến nghị nổi bật được đưa ra tại tọa đàm, như: (1) Xây dựng khung pháp lý về AI dựa trên cách tiếp cận thực sự theo rủi ro; (2) Cần bổ sung phân tích lợi ích – rủi ro và bằng chứng thực tiễn khi xây dựng chính sách; (3) Tránh sao chép máy móc mô hình của EU mà cần linh hoạt vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam; (4) Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi giá trị AI để bảo đảm thực thi hiệu quả…







Tọa đàm là cơ hội quý báu để kết nối giới hoạch định chính sách, chuyên gia và các bên liên quan trong nước với các học giả quốc tế, tạo diễn đàn trao đổi cởi mở và khoa học về quản trị AI. Thông qua tọa đàm, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của việc tiếp cận AI một cách thận trọng, cân bằng hơngiữa phát triển và quản lý, giữa đổi mới, sáng tạo và kiểm soát rủi ro nhằm hướng tới phát triển AI vì con người và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Những kết quả, kiến nghị và kinh nghiệm được chia sẻ tại tọa đàm không chỉ làm rõ hơn các mô hình quản trị AI hiện nay mà còn mở ra hướng đi mới trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách AI tại Việt Nam, trên cơ sở học hỏi có chọn lọc từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu.

Quản Anh