Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức là cái gốc của cải cách hành chính

(QLNN) – Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã khép lại với những kết quả đáng ghi nhận cũng như đang còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết trên cả bốn lĩnh vực: thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và tài chính công. Tạp chí Quản lý nhà nước đã có cuộc phỏng vấn với TS. Đinh Duy Hòa – Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính – Bộ Nội vụ về những đánh giá kết quả thực hiện Chương trình cũng như mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.

TS. Đinh Duy Hoà (ảnh: http://www1.napa.vn).
PV: Xin ông cho biết những kết quả quan trọng của việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn từ 2001-2010?
TS. Đinh Duy Hòa: Để đánh giá về những kết quả của công tác CCHC, theo tôi chúng ta phải nhìn nhận ở sự phát triển của đất nước, đặc biệt là sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta để qua đó, khẳng định rõ ràng có sự đóng góp rất lớn của hệ thống hành chính, của công tác CCHC.

Qua 10 năm CCHC, chúng ta nhận thấy diện mạo của nền hành chính nhà nước có sự thay đổi tích cực. ý thức phục vụ bước đầu được khẳng địnhđi đúng hướng. Cũng còn một số vấn đề cần giải quyết, nhưng ở đây tôi nói là đi đúng hướng bởi vì so với trước kia, ý thức phục vụ người dân của các cơ quan hành chính nhà nước chưa hẳn đã rõ. Chúng ta có thể điểm trên cả 4 nội dung về thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ CB,CC và tài chính công. Đánh giá chung là như vậy, còn cụ thể hơn, có thể nhấn mạnh một số nội dung quan trọng sau:

Một là, chúng ta đã điều chỉnh được chức năng của cơ quan hành chính theo hướng là lựa chọn làm một số việc và làm ít việc đi. Các cơ quan này chỉ làm những việc thực sự quan trọng và thấy cần thiết. Cái gốc của điều chỉnh, làm rõ chức năng của cơ quan hành chính sẽ kéo theo nhiều vấn đề cần giải quyết.

Hai là, trong những nội dung liên quan đến việc điều chỉnh, làm rõ chức năng của cơ quan hành chính, chúng ta đã làm tốt sự phân cấp giữa trung ương và địa phương và đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Thẩm quyền của địa phương so với trước đây đã lớn hơn, rộng hơn rất nhiều. Trung ương đã nhận thấy có nhiều việc không nhất thiết phải làm mà giao cho địa phương sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Vì vậy, trung ương đã giao cho địa phương làm nhiều việc và hiệu quả cũng đạt được cao hơn.

Ví dụ như lĩnh vực quản lý đất đai chẳng hạn. Trước năm 2003, thẩm quyền giao đất, cấp đất do cả hai cấp là Thủ tướng và chính quyền cấp tỉnh, nay thì chỉ còn lại cấp tỉnh. Cấp trung ương chỉ xây dựng quy hoạch, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đai, hay việc phê duyệt cấp phép đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài cũng đã giao cho cấp tỉnh.

Trong công tác nội vụ, về vấn đề biên chế sự nghiệp công trước đây cũng do trung ương quyết, nay đã giao và gắn trách nhiệm cho chính quyền địa phương và họ đã làm tốt hơn… Việc phân cấp được triển khai thật sự có hiệu quả trong thời gian qua và sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới, song phải gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đưa ra quyết định những việc có thể làm được và làm tốt.

Ba là, thông qua đổi mới, sắp xếp lại DNNN, chúng ta đã có những kết quả về đổi mới, quản lý DNNN nâng cao tính tự chủ của DNNN. Còn về hành chính và sự nghiệp, qua 10 năm cải cách, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã khác hẳn so với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công. Hơn nữa, cơ chế của hai loại hình tổ chức này cũng có sự phân định khác hẳn nhau. Qua nhiều thí điểm cho thấy cơ chế quản lý của hai loại hình này đã tương đối rõ ràng.

Bốn là, tổ chức bộ máy đã gọn hơn, giảm được đầu mối. Xét trên bình diện Chính phủ, qua sắp xếp, điều chỉnh đã theo hướng giảm dần, nay chúng ta chỉ còn 22 cơ quan bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ, nếu so với trước cải cách là 38 đầu mối. Tương ứng với việc sắp xếp ở trung ương thì ở địa phương, các sở, ban ngành cũng được sắp xếp gọn hơn. Điều này thể hiện là chúng ta đã kiên trì triển khai nguyên tắc theo hướng một cơ quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, đa ngành, đa lĩnh vực.

Năm là, thể chế và xây dựng thể chế dưới góc độ về công chức, công vụ qua 10 năm cải cách đã tương đối hoàn chỉnh. Nếu so sánh với thể chế công chức, công vụ một số nước có nền hành chính phát triển thì trên văn bản, hệ thống thể chế của chúng ta không thua kém họ về mặt chất lượng và xu hướng quản lý đã rõ ràng, đã tốt hơn hẳn, đồng thời, phát triển theo đúng và phù hợp với xu thế phát triển. Ví dụ, chúng ta có hệ thống thể chế về công tác thi tuyển, xét tuyển công chức, vừa thi tuyển vừa xét tuyển làm tiêu chuẩn và cơ sở cho việc sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch…

Nhìn chung, thể chế liên quan đến CB,CC kể từ bắt đầu vào làm việc trong cơ quan nhà nước đến khi về hưu, tôi đánh giá là đã tương đối đầy đủ và xét về mặt xu hướng quản lý thì không thua kém các nước, thực sự được thể hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trên văn bản. Nhưng tôi nói ở đây là tốt hơn trên văn bản, bởi vì, chúng ta có hệ thống thể chế tốt nhưng khi thực hiện, áp dụng vào thực tế như thế nào còn nhiều điều phải bàn, phải xem xét lại.

Sáu là, chúng ta đã triển khai tương đối rộng khắp ở các địa phương cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Nói gì thì nói, chúng ta đã đưa vào áp dụng chính thức, đại trà mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông” ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã và gắn với nó là các đổi mới về ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO, đơn giản hóa TTHC thì thông qua cơ chế “Một cửa” đã làm cho sự tiếp cận của người dân với cơ quan hành chính và trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc giải quyết công việc cho người dân là thuận tiện hơn và đạt hiệu quả công việc hơn theo nguyên tắc, người dân đến bộ phận “Một cửa” gặp trực tiếp CB,CC bộ phận “Một cửa” để yêu cầu giải quyết công việc.

Còn câu chuyện tổ chức nội bộ của các cơ quan hành chính như thế nào để người dân đến chỉ cần gặp bộ phận “Một cửa”, việc phối hợp nội bộ để giải quyết công việc cho người dân cảm thấy hài lòng là điều phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “Các cơ quan hành chính chúng ta, phải cố gắng nhận về phần mình những khó khăn vất vả để tạo điều kiện cho người dân khi giải quyết các vấn đề cho dân”. Đến nay, đã có 86-89% cấp tỉnh, 98% cấp huyện, 96% cấp xã tiến hành triển khai cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và lợi ích của cơ chế “Một cửa” là khá rõ nét.

Bảy là, trong thời gian qua, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng thái độ, tác phong của CB,CC trong làm việc, tiếp xúc với dân đã có thay đổi tích cực.

Đây là bảy nội dung nổi bật nhất của CCHC thời gian qua. Còn lại các nội dung khác như cải cách tài chính công, triển khai khoán biên chế hành chính, cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công… cũng có những mặt thực hiện tốt nhưng tôi đánh giá chưa phải là nổi bật.

PV: Kết quả đạt được thì như vậy, còn những điểm hạn chế thì sao, thưa ông?
TS. Đinh Duy Hòa: Đương nhiên là chúng ta còn rất nhiều hạn chế, theo chúng tôi, có những hạn chế như sau:

Thứ nhất, thể chế là nội dung quan trọng của CCHC, trong thời gian qua, mặc dù số lượng các văn bản luật đã được thông qua và đưa vào cuộc sống khá nhiều nhưng so với yêu cầu còn thiếu nhiều thể chế.

Thứ hai, khu vực công, khu vực nhà nước trên bình diện quy mô theo tôi còn quá lớn vì có cả DNNN. Nếu nói đến DNNN, có ý kiến cho rằng, DNNN của chúng ta đã có chương trình tách riêng, không liên quan đến hành chính nhà nước. Nhưng xét trên diện rộng, thì tất cả đều liên quan đến nhau, bởi vì mặc dù chúng ta đã cố gắng và vẫn sẽ tiếp tục đổi mới, đã tách riêng DNNN ra khỏi khu vực công nhưng nếu làm không tốt, nó vẫn tác động trở lại đối với công tác CCHC trong giai đoạn tới. Và với số lượng DNNN còn rất lớn như vậy thì thực chất các cơ quan hành chính nhà nước phải dành thời gian, công sức, nguồn lực như thế nào để quản lý cho phù hợp? Điều này đặt ra là cần làm rõ chức năng của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, như trên đã nói về tổ chức bộ máy nhà nước, chúng ta đã thu gọn được đầu mối các cơ quan nhà nước, nhưng tổ chức bên trong bộ máy lại có xu hướng phình ra. Thuần túy về mặt so sánh thì rõ ràng lại tăng lên rất nhiều và theo tôi đánh giá thì có những bộ phận là không cần thiết, do đó, cần xem xét sự phù hợp của các bộ phận gia tăng đó, liệu có cần thiết hay không, cần thu gọn hơn nữa các bộ phận trung gian.

Thứ tư, về chất lượng đội ngũ CB,CC. Theo tôi nghĩ, qua 10 năm cải cách, chúng ta đã có thể chế CB,CC tiến bộ hơn, theo khuynh hướng quản lý con người hiện đại, tiên tiến theo hướng hiệu quả công việc, nhưng đánh giá chung thực tiễn đội ngũ CB,CC chưa đạt yêu cầu.

Hiện nay, đánh giá đối với đội ngũ CB,CC cấp cơ sở thì có đến 30-35% đội ngũ công chức cấp xã chưa qua đào tạo. Và như thế thì khó mà nói đến câu chuyện chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính ở cấp xã sẽ tốt lên được, khi mà có 1/3 công chức cấp xã chưa qua đào tạo. ở đây là nói đến công chức, còn cán bộ ở cơ quan hành chính cơ sở chưa qua đào tạo còn nhiều hơn nữa. Chúng ta hình dung ở chính quyền cơ sở mà con người như thế thì thật sự đang có vấn đề nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đối với đội ngũ này luôn có sự biến động, nhưng cũng cần phải nghiên cứu về cơ chế điều chỉnh, đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời, ứng phó được với sự biến động để có được chất lượng CB,CC đáp ứng yêu cầu công việc tốt hơn. Và nhìn trên bình rộng của cả hệ thống hành chính, mặc dù chương trình đào tạo, bồi dưỡng CB,CC chúng ta vẫn thực hiện thường xuyên nhưng chưa thực sự đạt yêu cầu.

Ngoài ra, nếu các bạn hỏi về mức độ làm việc của CB,CC trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay ra sao, thì gần như có một con số chung đánh giá là chỉ có 1/3 CB,CC trong cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng đủ năng lực làm việc. Điều này cần hết sức chú ý trong giai đoạn tới. Bên cạnh câu chuyện xét về hình thức, trình độ đầu vào thì có tăng lên, học hành khá hơn, chứng chỉ nhiều hơn, bằng cấp cao hơn nhưng chất lượng đạt được theo yêu cầu thì không vì thế mà tương xứng.

Thứ năm, trong chương trình CCHC chúng ta đã đặt ra mục tiêu cải cách tiền lương đối với CBCC, nếu xét về mục tiêu vào thời điểm năm 2001, khi Chương trình CCHC được thông qua thì có thể mục tiêu đặt ra của chúng ta quá tham vọng đến năm 2005 sẽ cơ bản đảm bảo về việc cải cách tiền lương, nhưng thực tế đến nay là năm 2011, thì mục tiêu cải cách tiền lương là quá chậm, ảnh hưởng đến đời sống CB,CC và chất lượng thực thi công vụ. Mức lương hiện nay, không tạo được sự an tâm, động lực để CB,CC làm việc.

Thứ sáu, TTHC còn phức tạp, phiền hà, mặc dù gần đây với sự chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện, triển khai Đề án 30 các ngành, các cấp chính quyền địa phương đã làm mạnh hơn, quyết liệt hơn nhưng TTHC vẫn còn nhiều phức tạp, rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, là vấn đề liên quan đến con người trong bộ máy hành chính nhà nước. Việc tinh giản biên chế thời gian qua không đạt yêu cầu, mặc dù chúng ta đã có cơ chế, chính sách rất thoáng để hỗ trợ cho việc vận dụng, giải quyết lao động dôi dư ra khỏi bộ máy nhưng khi vận dụng thì không đạt hoặc chưa thực hiện. Nói ngắn gọn là những người đáng lẽ cần phải được tinh giản thì không giải quyết được.

PV: Với những hạn chế như ông nói, chúng tôi thấy phần nhiều là do nguyên nhân chủ quan. Ví như vấn đề CB,CC, vấn đề tinh giản biên chế. Vậy, nguyên nhân của những hạn chế đó là gì, thưa ông?
TS. Đinh Duy Hòa: Có rất nhiều nguyên nhân.

Trước hết là do công tác chỉ đạo của chúng ta chưa tương xứng. Công cuộc CCHC có nhiều nội dung, có sự đụng chạm và đặc biệt là đụng chạm đến con người nên cần có sự chỉ đạo quyết liệt, bao trùm các vấn đề cải cách nhưng chúng ta thì chưa làm được.

Bài học thực tế cho thấy, ở địa phương nào lãnh đạo làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát về CCHC thì kết quả đạt được cao hơn rất nhiều nơi khác. Theo tôi, công tác chỉ đạo có vấn đề.

Hai là, động lực CCHC của CB,CC chưa có. Bản thân CB,CC là những người đòi hỏi CCHC tác động vào để nhiệt tình, hăng hái cải cách thì thật ra động lực là chưa có. Nếu nói áp lực từ bên ngoài xã hội, về phía người dân, tổ chức thì có nhưng để biến nó thành động lực bên trong CB,CC thì thật sự chưa có.

Ba là, gắn với công tác chỉ đạo là công tác tổ chức thực hiện cũng có vấn đề. Tôi nói như vậy là vì chúng ta đã có hệ thống thể chế tốt rồi, nhưng khi tổ chức thực hiện, đưa vào cuộc sống thì lại có vấn đề. Điều này, có hai khả năng xảy ra: Liệu hệ thống thể chế đó đã thực sự tốt chưa? Hoặc là khi thực hiện, hệ thống thể chế đó đã bị biến tướng?

Theo tôi, đó là do nguyên nhân thứ hai, tức là thể chế mang nội dung cải cách đổi mới đã bị méo mó đi trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây là điểm cần phải tỉnh táo khi triển khai các nhiệm vụ giai đoạn tới. Chẳng hạn như, thể chế về công chức, công vụ quy định khi CB,CC vào bộ máy hành chính làm việc phải thông qua thi tuyển, như vậy hình thức thì rất đúng nhưng khi thi thực chất có nghiêm túc hay không lại là chuyện khác…

Hoặc như cơ chế thi nâng ngạch nếu nói về thực chất chúng ta có thể chế tốt, có mục tiêu rất hay là thông qua thi nâng ngạch để công chức có đủ tiêu chuẩn, đủ trình độ được lựa chọn vào ngạch cao hơn và để sắp xếp, bố trí CB,CC ở những vị trí cao hơn, lương cao hơn, cũng là tạo được vị thế, danh dự cho CB,CC nhưng khi đi thi thì một bộ phận dự thi nếu làm chặt ra thì không đủ yêu cầu nhưng thi vẫn đỗ và vì thế không đạt được hiệu quả như mục tiêu đề ra. Thế nên mới nói thể chế thì quy định rất hay nhưng khi thực hiện thì không đạt yêu cầu, có vấn đề, chính vì vậy nó làm biến tướng thể chế.

Bốn là, thời gian qua, chúng ta thừa nhận là cùng một lúc chúng ta đã tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực như cải cách kinh tế, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách giáo dục và như chúng ta đang nói ở đây là CCHC. Với nhiều cuộc cải cách diễn ra, đan xen lẫn nhau như vậy mà không có bàn tay quản lý, điều hòa phối hợp chung các cuộc cải cách này thì nếu không xem xét, đánh giá cẩn thận các cuộc cải cách sẽ tạo ra các khe hở, cản trở, tác động xấu đến nhau.

Chẳng hạn, chúng ta quan tâm đến việc đơn giản hóa TTHC, thì các TTHC của Việt Nam chúng ta phần lớn được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định của trung ương ban hành và nếu chúng ta làm tốt công tác xây dựng luật ngay từ đầu thì TTHC đơn giản hơn, nhưng chúng ta đã chưa làm tốt ngay từ đầu, mà chỉ khi phát hiện có sự sai trái, chúng ta mới tiến hành chỉnh sửa.

Vì vậy, sự kết hợp giữa hành pháp, lập pháp phải đồng bộ, thống nhất giữa chủ trương, định hướng của Đảng, CCHC của Chính phủ… đều có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Nhưng thực tế hiện nay, tính đồng bộ trong hệ thống của chúng ta chưa bảo đảm nên đã kiềm chế, ảnh hưởng lẫn nhau, do đó, CCHC của chúng ta đạt được kết quả chưa cao. Tôi lấy ví dụ như công tác quản lý CB,CC thôi chẳng hạn. Công tác này chịu sự quản lý của cả quy định hành chính và các quy định của Đảng.

PV: Định hướng công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, trọng tâm là gì thưa ông?
TS. Đinh Duy Hòa: Trên cơ sở đánh giá kết quả của 10 năm qua, chúng ta quan tâm 10 năm nữa sẽ làm gì thì trong thời gian tới, Chính phủ sẽ họp và đưa ra chương trình cụ thể CCHC giai đoạn 2011-2020 vào cuối tháng này để thảo luận dưới sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn tiếp tục tiến hành CCHC trên các mặt của CCHC, tuy nhiên, chúng tôi sẽ đề xuất, tìm ra những vấn đề trọng tâm trên từng lĩnh vực để triển khai. Ví dụ, cần quan tâm hơn đến vấn đề cải cách công chức, công vụ, vì suy cho cùng con người trong bộ máy nhà nước là những CB,CC tham gia hoạch định và triển khai chính sách, nếu hoạch định chính sách không đúng mà được phê chuẩn thì khi triển khai sẽ phản tác dụng.

Trong từng lĩnh vực, chúng ta cố gắng đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để đánh giá cho những bước đi tiếp theo của CCHC. Trước kia chỉ có các chỉ tiêu mang tính định tính, nhưng nay cần thiết phải đưa ra các chỉ tiêu mang tính định lượng để chúng ta có thể đo lường được, đánh giá được sự hài lòng của người dân với cơ quan hành chính và sự hài lòng của người dân với khu vực dịch vụ công. Vì người dân chỉ quan tâm đến việc khi người ta phải đi bệnh viện thì họ được đối xử, quan tâm, chăm sóc như thế nào, hoặc họ được quan tâm, hưởng gì từ chính sách giáo dục,…còn việc cơ quan hành chính cải cách như thế nào, làm như thế nào thì họ không cần quan tâm.

Vì vậy, trong thời gian tới, trong Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Chính phủ sẽ tiến hành thảo luận để xây dựng tiêu chí đo lường, đánh giá này.

PV: Thưa ông, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung quan tâm xây dựng thể chế ở lĩnh vực nào nhất?
TS. Đinh Duy Hòa:  Về thể chế thì lĩnh vực nào chúng ta cũng phải quan tâm hoàn thiện, như về tài nguyên môi trường, đất đai,… nhưng trong lĩnh vực CCHC thì chỉ là thể chế hành chính thôi.

Trong phạm vi CCHC, không thể làm hết được các vấn đề của xã hội, vì hiện nay, chúng ta phải quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực. Do đó, yêu cầu là sự đồng bộ của các cuộc cải cách cùng trong một hệ thống.

PV: Thưa ông, với vai trò là một chuyên gia ở cơ quan tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực CCHC, xin ông cho biết điều gì làm ông trăn trở nhất trong lĩnh vực này hiện nay.
TS. Đinh Duy Hòa: Có rất nhiều vấn đề làm tôi trăn trở, bởi vì 10 năm qua chúng ta mới chỉ đi được một đoạn đường của cải cách hành chính. Ví như những con số mà tôi đã nói với các bạn vừa rồi là hiện nay chúng ta đang còn tới 1/3 cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, hay ở cấp chính quyền xã có tới 30-35% công chức chưa qua đào tạo. Như thế, tôi hỏi bạn làm sao dám nói đến hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, nếu cần họ có thể giảm đến 50% CB,CC không đáp ứng yêu cầu công việc bằng cách luân chuyển về địa phương, đưa về làm việc ở các DNNN hoặc về các đơn vị sự nghiệp hoặc đưa đi đào tạo lại, nếu không đưa đi đâu được thì cho hưởng lương từ 2 đến 3 năm để tìm việc. Cuối cùng họ mới đưa ra khỏi bộ máy thực sự.

Còn ở Việt Nam, chúng ta không làm như Trung Quốc được. Các bạn có thấy trong cả nước, có trường hợp CB,CC nào sau 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ mà bị đưa ra khỏi bộ máy nhà nước chưa? Đó là câu hỏi không có lời đáp phải không?

Vì vậy, tôi đã nghĩ đến giải pháp ôn hòa nhất cho Việt Nam, đó là, chúng ta không tinh giản biên chế được mà cần chấp nhận số người như vậy và cứ để họ về hưu dần dần. Nếu số nào chưa qua đào tạo cần đưa đi đào tạo, hoặc đưa đi đào tạo lại nếu có thể đào tạo mà trở lại làm việc được. Và cái gốc vẫn phải là tạo nguồn qua đào tạo từ đầu và phải làm thật chặt đầu vào như thi tuyển nghiêm túc, đúng luật.

Còn về con số 30-35% CB,CC cấp xã hiện nay chưa qua đào tạo, theo tôi là do thời gian qua chúng ta chưa quan tâm đến cấp hành chính này. Nếu quan tâm thì trong 10 năm qua chúng ta đã không có con số đó. Cán bộ xã của chúng ta hiện nay có 7 chức danh nhưng khi tuyển dụng đã không theo quy trình, mặc dù thể chế có quy định rất rõ ràng nhưng không áp dụng.

PV: Xin ông cho biết chỉ tiêu đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính và khu vực dịch vụ công như thế nào?
TS. Đinh Duy Hòa: Đúng là cần phải có thước đo cụ thể để chúng ta còn có mục tiêu phấn đấu. Và về chỉ tiêu đo lường về mức độ hài lòng của người dân đặt ra rất khiêm tốn, đến năm 2020 sẽ có khoảng 70% người dân hài lòng về chất lượng y tế, giáo dục công và sẽ có 80% người dân được hỏi trả lời là hài lòng về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Vậy còn 9 năm nữa liệu có đạt được chỉ tiêu đó hay không?

ở góc độ xây dựng tiêu chí đánh giá này, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ và đưa ra thảo luận trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Vân – Minh Huệ thực hiện